Mái ấm còn đâu

(Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần V-2015)

Trên con đường mưu sinh, tôi đã gặp nhiều ngôi nhà hoang. Những ngôi nhà ấy luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Nghĩ cũng lạ, thời buổi tấc đất tấc vàng, ngôi nhà là cả một gia tài. Bao nhiêu người nai lưng làm lụng để xây được một mái ấm, vậy mà có những chủ nhân bỏ đi để ngôi nhà của mình thành hoang tàn. 

Trong phim kiếm hiệp, nhà hoang luôn xuất hiện rất đúng lúc trên con đường phiêu bạt của những hiệp khách giang hồ. Còn những ngôi nhà không người ở tôi từng gặp, biết mấy người dám tá túc qua đêm? Kì thiệt, hình ảnh, số phận chủ nhân những ngôi nhà ấy cứ ám ảnh, thôi thúc tôi tìm hiểu mỗi khi có thể. Trong những ngôi nhà ấy đã từng có sum họp hạnh phúc, đã từng có nước mắt chia ly và đang mỏi mòn trong chờ mong khắc khoải…

Hồi tôi còn học tiểu học, cạnh trường có một ngôi nhà sàn bề thế. Cái sân gạch rộng rinh, rợp mát bóng mấy gốc xoài, gốc mận. Mỗi lúc ngang qua tôi thường nhìn vào đó, thèm thuồng. Ông chủ có gần trăm mẫu ruộng, ông thuê người làm nên hầu như người trong nhà không phải làm gì cả, lúc nào cũng thấy ca hát, tiệc tùng, vui chơi. Trong nhà, lúa đầy bồ, xe dựng đầy nhà cặp, sập gụ, tủ cẩn xà cừ, tivi, đầu đĩa, dàn karaoke… những thứ đối với làng quê lúc đó là biểu hiện của sự giàu sang. Mỗi chiều, bà chủ mặc bộ đồ phi bóng sang trọng đứng ở góc sân cho đàn bồ câu ăn. Đàn bồ câu thiệt đông, chúng sà xuống kín cả một khoảng sân. Trong nhà, tiếng cười, tiếng hát rộn ràng, nhìn vào nhà, đồ vật nào cũng sáng trưng, bóng lộn. Trí óc thời tiểu học của tôi đã nảy sinh một mơ ước: lớn lên tôi sẽ xây một ngôi nhà giống như vậy cho riêng mình… Ngôi nhà mộng ước của tôi chưa kịp đặt được viên gạch móng nào thì hình mẫu của ước mơ đã thành “phế tích”. Bà chủ nhà dắt thằng con trai bỏ đi, cô con gái theo chồng về xứ khác. Cả trăm công ruộng tan tành theo cái gia đình tan tát. Tất cả chỉ vì người chồng say mê một hình bóng khác. Ngôi nhà đóng cửa, gần như quanh năm. Mỗi tối chỉ có cái bóng đèn cà na nhỏ xíu mắc ngoài hàng ba thao thức ngó cái sân lá rụng đầy vung. Xoài héo lá, mận sâu trái, rụn nhớt gốc cũng không ai thèm đến lượm. Đàn bồ câu bay tản lạc phương nào mất dạng. Người ta nói bồ câu là loài chim hòa bình, nhưng nó cũng là loài phản phúc. Bởi nhà nào giàu sang, sung túc thì bồ câu theo đó mà sinh sôi đông đúc, còn nhà nào đang sang giàu mà suy sụp thì chúng bỏ đi không lưu luyến. Trách cũng tội, vì ở làm sao được khi đất đã không còn lành? Vì cả ông chủ nhà giờ cũng biền biệt nơi nào. Giờ, mỗi lần về quê tôi vẫn tìm cớ để đi ngang nơi ấy. Bóng hoàng hôn đổ xuống mái ngói rêu phong, không khí lẩn quất mùi ẩm mục, vách gỗ úa vàng, nứt gãy theo thời gian, vẻ u ám toát ra từ ngôi nhà đổ xuống lòng tôi một nỗi buồn dâu bể.

Miền Tây quê tôi bao đời nổi tiếng là vùng hào sản, ruộng đồng mỡ màng thẳng cánh cò bay, sông nước phù sa ăm ắp cá tôm, miền Tây một thời mở lòng cưu mang dân tứ xứ về lập nghiệp. Là vậy, nhưng trên những nẻo đường đã qua, bên cạnh những ngôi nhà khang trang mới mọc như minh chứng cho sự sung túc vẫn lặng lẽ, rải rác những ngôi nhà cửa đóng then cài vì chủ nó giờ bôn ba miền phố thị mưu sinh. Tôi gọi đó là những ngôi nhà tạm vắng chủ. Vì ít nhất mỗi năm một lần, vào dịp tết, những người đang chen chúc trong những phòng trọ, những khu công nghiệp tận Đồng Nai, Bình Dương… sẽ trở về quét tước, dọn dẹp cửa nhà, thắp lên bàn thờ tổ tiên nén nhang tưởng nhớ. Trong những lời khấn nguyện đầu năm có lời cầu mong được trở về an cư lạc nghiệp trên mảnh đất quê nhà. Sum vầy được vài bữa, nửa tháng, những chuyến xe miền Tây lại cuồn cuộn đổ về các thành phố lớn, các khu công nghiệp mang theo những đứa con miền Tây đau đáu nỗi ly hương… Biết làm sao được, ruộng đồng vẫn mênh mông nhưng không đủ chia cho từng phận người. Dòng Cửu Long con nước vẫn vơi đầy nhưng cá tôm chẳng còn hào sản. Nghề hạ bạc không nuôi nổi cuộc sống, nghiệp cấy cày giờ có máy móc thay thế sức người. Thôi đành ngậm ngùi từ biệt làng quê đầy gió mát đi về phía những khu công nghiệp đầy khói bụi, đứt lòng nỗi xa quê, nỗi mẹ xa con… Nhiều người trong số họ thực hiện ước mơ trở về bằng cách chắt mót từng đồng mồ hôi nước mắt gửi về sửa lại ngôi nhà cũ hoặc cất một ngôi nhà mới - dù bé nhỏ, khiêm tốn. Những ngôi nhà tạm vắng chủ im lặng cam chịu, khắc khoải chờ một ngày những người chủ thực sự trở về.

Nhưng trên những nẻo đường đã qua, buồn thay, tôi đã nghe không ít chuyện đau lòng từ những nhà không chủ. Ít nhiều là những bi kịch: là phản bội, là tử biệt - sinh ly, là nợ nần, tù tội… Bi kịch không ai muốn gặp, nhưng nó vẫn xảy ra giữa cuộc đời ngồn ngộn vui buồn. Có người nói tôi giống ông già xưa, toàn để ý chuyện đâu đâu rồi tự chuốt buồn, có ai đòi ai bắt mà bày điều khóc mướn thương vay. Không, tôi không khóc mướn thương vay. Bởi trong những câu chuyện tôi đã nghe, những ngôi nhà tôi đã gặp và câu chuyện đang ám ảnh tôi đều phản phất một nỗi u hoài, một khi ngôi nhà không còn là mái ấm.

*

Tối nhìn hết rõ mặt người, sau bữa rượu ngà ngà say với ông chủ nhà và mấy thằng bạn thợ, tôi ra sông tắm. Khúc sông dềnh dàng uốn thành một khúc quanh, theo con sông, con lộ cũng quanh thành một khúc cua điệu nghệ. Sương hay khói cứ mờ mờ trên mặt sông. Nhớ tụi thằng Út, thằng Thà, thằng Bờ, thằng Quê! Nhớ cái thời cởi truồng tắm sông, cái thời lớn lên cùng nhau đi học, tập tành cua gái, tập… uống rượu. Dĩ nhiên là uống lén. Uống xong trốn miết ngoài bụi chuối không dám vô nhà vì sợ má đánh đòn! Mà nhớ nhất là Quê! Hồi nhỏ, chiều chiều hai thằng ra sông tắm. Lội đua, lặn thi chán thì bơi dọc bờ sông thọc hang cua, hái cà na về chấm muối ớt. Nhiều bữa tối mịt, chán chê mới về. Cha má đánh chán, rầy chán rồi thôi. Chú Sáu - cha nó thì đe: “Đừng ỷ lội giỏi, có ngày ma da nó rút chân.” Lời đe ấy cũng không có tác dụng gì với hai đứa đang tuổi lớn, tuổi phá. Mùa nước linh binh, hai đứa rủ nhau đi đâm chuột, đâm rắn, soi ếch, soi lươn. Quê “sát cá” nên chiến lợi phẩm đem về chủ yếu là do nó bắt. Tôi chỉ theo phụ họa cho có tụ. Đến tuổi “chọc gái” thì tôi đóng vai chánh mỗi lần “xuất quân”. Quê hiền khô, ít nói, mà nói ra thì cộc lộc, ngắn ngủn nên chưa bao giờ “cua” được ai. Tôi thì khá hơn, Quê nói số tôi “sát gái”. Vậy mà tới giờ tôi vẫn mình ên! Bây giờ, mỗi đứa một số phận. Thằng Thà chen chút Bình Dương đời công nhân. Thằng Út trồng điều thuê ngoài Bình Phước. Chỉ có thằng Bờ được an cư lạc nghiệp ở quê. Giờ nó thành đại gia với mấy bè cá trên sông Cái. Dòng đời miệt mài. Mỗi năm chỉ được gặp nhau gần đủ mặt vào mấy ngày tết. Gần đủ thôi chứ không bao giờ đủ. Vì nhiều lý do…

Chiếc ghe chạy tạch tạch qua vẽ ra muôn vòng sóng, trăng sừng trâu hếch mặt lên cười, biểu: “Khuya rồi, lên bờ đi, ma da tới rút chân giờ!”. Tôi nghe lời, đi lên. Ngang qua khúc quanh nghe có tiếng cười nói xôn xao, ánh đèn lấp ló trong lùm cây làm tôi tò mò lại gần. Có tiếng người đon đả:

- Kìa, chú ba, vô đây lai rai vài ly cho ấm!

Rồi người ấy bước ra dắt tôi vào như thân thiết tự bao giờ. Tôi nhìn quanh, ngờ ngợ như lạ mà cứ như quen. Bảy tám người trong mâm cười, xởi lởi. Người lúc nãy lại lên tiếng:

- Chú không biết tụi tui nhưng tụi tui biết chú. Chú đang xây nhà cho ông Khum cả tháng nay. Chú nổi tiếng vì là thợ giỏi, còn nổi tiếng vì cứ hay tìm mấy ngôi nhà hoang, cứ thắc mắc chuyện này chuyện nọ với mấy ông cao niên. Thôi, vô đi chú, trước lạ, sau quen. Tụi mình giang hồ tứ xứ gặp nhau cũng là cái duyên.

Thật tự nhiên, chúng tôi chuyện vãn thân tình như quen biết đã từ lâu. Có lẽ cái tính phóng khoáng cởi mở của cha ông thời mở cõi còn truyền lại. Chú Hai, người dắt tôi vào mâm, có vẻ là trưởng nhóm, khề khà:

- Tui là dân miệt dưới, cùng với mấy thằng em đây kéo nhau đi cắt lúa mướn. Phải lập thành nhóm, phải hợp sức tranh thủ lãnh mối, cắt nhanh. Cắt đua với mấy cái máy liên hợp chú à. Mỗi cánh đồng, thu hoạch chỉ mấy ngày để qua vụ khác, mình làm không kịp là mất mối. Mùa sau người ta kêu máy cắt hoặc tốp thợ khác chứ không kêu mình nữa. Đi thành tốp để xong đồng này mình chạy đồng khác. Có điều tui không biết còn duy trì được bao lâu. Lãnh mối ngày càng khó, người ta thích máy cắt hơn người cắt; có khi lúa xẹp máy không cắt được người ta mới kêu mình. Chắc một hai năm nữa phải giải nghệ, lại lên Bình Dương làm công nhân.

Câu nói ấy làm cả mâm bùi ngùi, yên lặng. Một người trẻ hơn góp chuyện:

- Tui nghe nói ở Kiên Giang vừa khởi công xây bốn nhà máy lớn để nông dân mình ly nông mà không ly hương. Không biết chừng nào bốn nhà máy ấy làm xong?

- Hi vọng - một người khác lên tiếng - chứ bao nhiêu người như tụi mình chạy tứ xứ làm ăn. Như vợ chồng tao, bỏ nhà, gởi con cho bà nội đi làm thuê làm mướn. Chỉ trách mình ít ăn, ít học chứ biết trách ai. Thương má tao già cả, ra vô lụm cụm với đứa con nít. Nhiều đêm thấy vợ khóc nhớ con, tao tủi thân lắm.

- Vợ chồng mày còn đỡ. Xong một, hai cánh đồng còn tranh thủ tạc về nhà thăm con được. Thằng em tao đi Đồng Nai bỏ con nó ở nhà cho má tao, cả năm mới về thăm được một lần, thương lắm. Má tao có còn trẻ trung gì nữa, cực cả đời với con giờ cực với cháu.

Câu chuyện càng lúc càng đắng. Chú Hai trưởng nhóm khoát tay:

- Bỏ đi, bỏ đi bây. Nói chuyện gì vui vui đi. Vạn bất đắc dĩ mình mới tha phương cầu thực. Nghe bây nói tao muốn về thăm nhà liền đây nè.

…. Buổi tiệc kéo dài thật lâu, tôi tưởng thời gian ngừng lại quanh mâm nhậu ấy rồi, mãi đến khi gà ở đâu eo óc gáy sáng. Chú Hai nói:

- Thôi, tụi mình đi ngủ, chợp mắt chút mai còn đi làm. Chú Ba ngủ lại đây luôn hen. Dân tứ xứ câu nệ gì mùng chiếu!

Cơn buồn ngủ bỗng từ đâu ập tới chụp lấy, làm tôi ríu mắt, không kịp hỏi chú về một người suốt từ đầu buổi cứ ngồi lặng lẽ mép ngoài, gương mặt khuất trong bóng tối, tôi không nhìn rõ nhưng thấy sao mà quen thuộc lắm…

…. “Sáng bét rồi, tỉnh dậy đi anh Ba. Ngủ chi đây mà ngủ hoài vậy?” Một giọng nói rất quen gọi tôi dậy, người đó còn lay vai tôi. Tôi mở mắt ra, cái đập vào mắt tôi là nóc nhà lổ chổ nắng. Nắng dọi qua mái nhà đầy chổ dột, nắng tràn qua cánh én rách bươm ùa vào nhà. Tôi ngồi nhỏm dậy, nhìn quanh. Không có ai cả! Ai vừa gọi? Không sao biết được. Ngôi nhà rộng rinh trống lổng, từ trước ra sau chỉ còn mấy cái cột nhà đầy mối mọt, sàn nhà đầy bụi bẩn như ngầm bảo lâu lắm rồi chẳng có ai đến đây. Một cơn lạnh chạy dọc sống lưng làm tôi rùn mình. Mùi rượu đêm qua vẫn còn phản phất, chắc tốp thợ ra đi từ sớm, thấy tôi ngủ ngon không nỡ đánh thức đễ từ biệt. Đời họ cũng lang bạt như tôi, nay nương tạm nơi này, mai ngủ nhờ nơi khác. Đêm qua họ ở đậu trong ngôi nhà trống hoác này. Nhưng họ dọn cách nào mà chẳng còn dấu vết gì của cuộc chè chén đêm qua? Lòng tôi nhen lên một nghi hoặc, mơ hồ. Tôi bước vội ra lộ. Ngôi nhà nằm ngay khúc cua điệu nghệ - khúc cua mà mỗi lần đi qua tôi đều bất giác rùn mình. Lên đến lộ, tôi ngoái lại nhìn, ngôi nhà rất to, sàn cao, chắc cũng một thời sung túc, mà giờ hoang tàng, nằm khuất sau lùm bụi, vẻ u tịch đè nặng. Thằng nhóc đang cắt cỏ ở mé lộ bên kia, trợn tròn mắt nhìn tôi:

- Chú Ba, chú đi đâu trong nhà hoang ra vậy?

Thêm mấy giây định thần tôi mới nhận ra, thằng nhóc này ở cạnh ngôi nhà mà nhóm thợ của tôi đang thi công. Tôi trả lời:

- Đi nhậu! Đêm qua nhậu ở đây với mấy ông cắt lúa rồi ngủ quên.

Thằng nhỏ trợn mắt lớn hết cỡ, mặt nó đổi màu:

- Chú, sao chú dám ngủ đây? Mà mấy nay có nhóm thợ cắt nào đâu? Lúa mới xuống giống mà?

Ờ, vậy mà tôi quên mất. Nhóm thợ ấy… Thằng nhỏ chạy băng qua lộ, nắm tay tôi kéo đi, nhanh, quên cả bao cỏ vừa mới cắt:

- Chú, đi nhanh, đi nhanh. Chú không thấy nhà hoang hả? Không ai ở đây được chú ơi. Nhà này bỏ hoang lâu lắm rồi, chủ nó bỏ đi đâu con hổng biết. Nhưng mà nội con nói nhà này không được phong thủy, nó ở ngay cua hiểm. Chú không thấy miếu thờ cô hồn chỗ đầu cua hả? Bao nhiêu người bỏ mạng vì tai nạn ở cái cua này rồi - bỗng nó hạ giọng thì thầm - hổng chừng mấy “ổng” kéo vô nhà hoang ở rồi rủ chú vô chơi… Con đi cắt cỏ ngang đây lần nào cũng ớn xương sống…

Nghe thằng nhóc nói mà tôi ù ù cạc cạc không biết đâu mà lần. Chuyện ma cỏ thì không tin lắm, chuyện họ nói đêm qua đời lắm, có hư vô mộng mị gì đâu. Nhưng thằng nhỏ cũng có lý, lúa vừa xuống giống, mấy hôm nay cũng không nghe nói có nhóm thợ miệt dưới nào về cắt lúa, dấu vết đêm qua cũng chẳng còn… Và gương mặt quen quen ngồi khuất trong bóng tối, giọng người gọi tôi thức dậy, tôi nhận ra là của ai rồi.

*

Xong công trình nhà chú Khum, tôi xin chủ thầu về thăm quê. Ghé thăm cha má, anh Hai xong, tôi ghé nhà chú Sáu, thăm chú và thằng Quê. Trời nhá nhem tối, nhà không đóng cửa cũng không thèm bắt đèn. Hơi lạnh bao trùm, tôi bật công tắc. Ánh sáng lạnh lùng vô cảm từ bóng đèn tỏa xuống làm căn nhà thêm lạnh lẽo. Chắc giờ này chú Sáu ở ngoài cái chòi cặp mé sông. Mấy năm nay chú ở dưới đó nhiều hơn ở nhà. Tôi đốt mấy nén nhang, khói nhang ngậm ngùi quyện trong hơi lạnh, trầm trầm bay. Nhìn theo làn khói quyện, mắt tôi dừng lại nơi xà nhà mất đi một nhịp mà lòng quặn đau. Một đường cưa dứt khoát cắt đứt một thanh xà dọc, cắt đứt một mái ấm… Không khóc mà mắt cay xè.

Tôi ra căn chòi ngoài mé sông tìm chú Sáu. Ngang nhà thằng Thà mà ngậm ngùi. Nhà nó cửa đóng then cài im ỉm. Sáng này, khi qua phà Chắc, tôi gặp thằng Bờ. Nói chuyện thằng Thà mà nó đỏ mặt tía tai:

- Mày nghĩ coi giận không? Thứ đàn bà không chịu được cực khổ, bỏ chồng bỏ con theo trai thì có đáng đi tìm không? Vậy mà nó lơi công ăn chuyện làm đi kiếm con nhỏ đó. Bỏ phức cho rồi.

Ở cái chốn bon chen phố chợ, thằng Thà đã vuột mất vợ nó, đã lạc mất hạnh phúc vì vợ nó không chịu được cực khổ đời công nhân. Biết làm sao được khi vẫn luôn có những con người sẵn sàng đánh mất mình? Biết chừng nào nhà nó mới có lại tiếng cười?

Tiếng nói cười rộn ràng nhà bà Nu níu con mắt ngó vào. Tôi chợt nhớ mấy cái vụ điên khùng hồi xưa đã làm mà mắc cười. Hồi đó, thằng Thà để ý con Tím, con gái bà Nu. Năm thằng nghĩ đủ mọi cách để Thà tỏ tình với Tím. Cuối cùng, thằng Thà nghe theo cách Quê xúi: Viết thư tỏ tình rồi… nhét vô lỗ tai heo vì Tím ngày nào cũng phải ra chuồng cho heo ăn, tắm heo mấy bận. Kế hoạch “ ngây thơ” quá mức nên chẳng đâu vô đâu. Tím đi lấy chồng mà không hay biết trong xóm có đứa để ý mình. Rồi cái lần kéo nhau đi rình thằng Bum hẹn “ghệ”, Quê cắc cớ lụm đất chọi để nhát ma tụi nó, thành ra cuộc hẹn tan sớm. Quê khoái cái trò giả ma nhát người khác lắm, có lần khi trời vừa sụp tối, đi đồng về gặp đứa con nít bị má bắt phạt đứng ngoài bờ hầm, nó hù một cái báo hại thằng nhỏ lọt luôn xuống nước. Quê phải phóng xuống lôi lên. Vậy mà có chừa cái tật chơi cắc cớ đâu! Có điều bây giờ, nó không cần giả ma hù người ta nữa, chắc chắn ai gặp nó cũng sợ hết hồn…

Tôi với nó là anh em chú bác mà thương nhau như ruột thịt, thân hơn bạn bè. Từ nhỏ đến lớn nó ở nhà tôi nhiều hơn nhà Chú Sáu. Hồi thím giận chồng bỏ đi, nó còn đỏ hỏn, khóc ngoặt nghoẹo trên tay chú. Thím Sáu đi luôn, không ngoái lại nhìn, không về thăm nó lần nào. Quê thiếu tình mẫu tử, má tôi thương nó, chăm sóc nó, nó coi má tôi như mẹ ruột. Hai thằng cùng lớn lên, cùng đi học, cứ tưởng sẽ cùng đi thẳng tới tương lai, đi mãi. Nhưng mọi điều không như ý. Trong khi tôi tiếp tục được học nghề, tìm được một việc làm - tuy phải rày đây mai đó nhưng cũng không đến nỗi bết bát - thì Quê phải bỏ dở học hành. Nó an phận với nghề nông, phát huy sở trường “ sát cá” với việc soi lươn, bắt cá những lúc nông nhàn. Tôi xa nhà, anh em ít gặp nhau, nhưng mỗi lần về thì chén chú chén anh, chén tao chén mày cười ha hả. Một bữa nọ có một người đàn bà xa lạ về làm vợ chú, thằng Quê có má mới. Bữa đó chú vui cười hỉ hả, Quê không vui, không buồn, cũng không phản đối. Qua tuổi thanh niên ai cũng hiểu một chân lý “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nhưng kể từ bữa đó tình cảm cha con sứt mẻ dần. Nói thẳng ra, hai cha con chú vốn không hợp tính nhau, nói chuyện với nhau vài câu đã hục hặc. Có lẽ vì khi thím bỏ đi đã đem theo hơi ấm gia đình. Tình cảm cha con của họ thiếu một bàn tay đàn bà gắn kết cũng như mái ấm gia đình cần một bàn tay phụ nữ vun vén. Thím Sáu mới về tưởng sẽ đem đến hơi ấm cho căn nhà của hai người đàn ông… Nào ngờ!

… Tôi đến căn chòi dưới mé sông. Chú đang ngồi day mặt ra sông, lặng lẽ. Ngọn đèn hột vịt leo lét, hắt cái bóng già nua chập chờn trên vách lá. Tiếng con bìm bịp kêu nước lớn não nùng. Chắc chú đang khóc. Hay đang buồn, cũng có thể đang nhớ con, đang hối hận. Tôi nửa muốn vào nửa lại thôi. Có những nỗi buồn không thể nào san sẻ. Từ ngày dọn lên chùa, Quê không chừa lại cái gì ở nhà hết, kể cả tấm hình rọi ra từ giấy chứng minh nhân dân. Tôi tựa lưng vào đống rơm. Mùi rơm mới thơm ngai ngái, mùi khói đốt đồng nồng nồng trong gió. Con bìm bịp vẫn khắc khoải kêu: “…. nước lớn anh ơi, buôn bán không lời chèo chống mỏi tay”. Tiếng ếch nhái rỉ rả lúc gần lúc xa. Nhắm mắt lại, lắng nghe những âm thanh quen thuộc của quê nhà, tôi lại thấy hình ảnh hai đứa trên bờ ruộng tuổi thơ bắt ếch, soi lương; những đêm nằm ngủ giữ lúa giữa đồng ca hát vang trời; những buổi chiều đi học về tắt qua cánh đồng vàng rộm ánh hoàng hôn… Những kỉ niệm cứ bồng bềnh, bồng bềnh. Giọng nói quen thuộc của nó lại vang lên bên tai:

- Dậy đi anh Ba. Ngủ chi ngủ hoài vậy?

Tôi mở mắt, thoát khỏi dòng hồi ức. Quê đang ngồi cạnh tôi, dưới đống rơm quê nhà, gần gũi thân thương mà mơ hồ như sương khói. Tôi mừng muốn khóc:

- Trời ơi, lâu quá rồi, mấy năm nay mới gặp lại mày!

- Mới đây mà mấy năm rồi sao? Nhanh thiệt. -Quê trả lời mà như đang nói với chính mình.

- Mấy năm nay mày ở đâu?

Nó nhìn tôi, thở dài: “Trên chùa chớ đâu. Nhưng mà tui đi khắp, ghé nhà thăm tía, đi theo anh nữa.”

- Vậy lúc nào mày cũng theo anh hả? Theo bằng cách nào? Hôm ở nhà hoang chỗ cua gắt, sao không lên tiếng?

- Chuyện đó tui nói không được. Ngồi nghe thôi. Tui phải theo bảo vệ anh. Lên tiếng, anh biết lại sợ.

- Từ hồi mày đi tới giờ, anh mong gặp mày để hỏi: Tại sao lại làm như vậy? Dại dột quá. Mày nhìn vô chòi đi, chú Sáu giờ leo lét như đèn cạn dầu, mòn mỏi, hiu quạnh…

- Thôi, anh đừng nói nữa - nó ngắt lời, giọng nhẹ tênh như từ cõi xa xôi nào vọng lại - Tui hối hận nhiều mà hối hận thì cũng đã muộn rồi. Chỉ tại cạn nghĩ. Giờ mà được làm lại tui không bao giờ làm như vậy. Một phút nông nổi mà gia đình tan nát, tía tui héo hắt tuổi già. Ngẫm kĩ mới thấy, được sống cạnh những người thân yêu đã là hạnh phúc, mấy chuyện cãi vả, giận hờn có là cái gì đâu, cái gì bỏ được bỏ, nhịn được nhịn…. Hai mươi lăm tuổi, đúng ra còn cả một con đường phía trước, còn bao nhiệu việc chưa kịp làm.

Không biết bằng cách nào mà giọng nói thăm thẳm xa xôi của Quê dựng lại trước mắt tôi thật gần, thật thật cái cảnh của ngày định mệnh ấy. Quê và mẹ kế đang cãi nhau vì những mâu thuẫn tích tụ lâu ngày. Tiếng cãi ngày một lớn, tôi thấy chú Sáu tát Quê mấy bạt tay. Như ngọn lửa gặp dầu, cơn giận của cả ba càng bùng lên dữ dội. Cuộc cãi vả sắp thành một cuộc ẩu đả. Mẹ kế túm lấy tóc Quê, Quê hất tay ra rồi vớ lấy cái dầm dựng nơi góc bếp. Thím Sáu bỏ chạy, Quê đuổi theo, bà thím vừa chạy vừa la làng: “Bớ người ta, bớ người ta, thằng Quê đánh tui!”. Hàng xòm xúm lại can ngăn. Cuộc ẩu đả không thành. Bà thím chạy đâu mất tiêu. Ai dè lát sau, một anh công an xã xuống mời Quê lên làm việc. Thì ra bà thím chạy lên xã tố cáo việc con chồng định hành hung mình. Gần tiếng đồng hồ sau, Quê về. Trời đã nhá nhem tối. Cơn giận vẫn còn bừng bừng bên tai, nhưng hơi rượu đã tan bớt. Hồi trưa, trước khi gây với mẹ kế, Quê có uống một ít rượu đằng đám giỗ. Tôi thấy Quê ngồi trong bóng tối, buồn so. Chú Sáu đã ra cái chòi ngoài mé sông, thím Sáu bỏ đi đâu không biết. Thời gian chậm chạp trôi, con thằn lằn trên vách nhà chắc lưỡi từng chập một. Cha con thằn lằn, bày đặt chắc lưỡi chê khen, bàn luận chuyện người ta. Đêm dần về khuya. Tôi thấy Quê quăn sợi dây luộc lên xà dọc, cột cái gút thòng lọng, leo lên ghế, đưa cổ vào thòng lọng rồi đạp ghế. Quê ơi, sao lại làm như vậy? Tôi thản thốt kêu lên, đưa tay ra ôm lấy nó… Nhưng tất cả hình ảnh tan biến như sương khói. Quay qua bên cạnh, Quê cũng biến mất hay đã tan vào sương khói tự bao giờ. Tôi đứng vụt dậy, định chạy đi tìm nó nhưng chân vướng vào gốc cây, té sấp… Tôi choàng tỉnh. Tiếng bìm bịp khắc khoải đã tắt, chỉ còn tiếng ếch nhái rền rỉ. Là thật hay mơ? Trăng lên từ lâu. Tôi căng mắt ra phía cánh đồng mờ mờ sương trắng tìm bóng dáng quen thuộc của Quê. Không thấy! Chỉ thấy gió từng cơn ràn rạt tung đám tro đốt đồng. Ngọn đèn leo lét trong chòi cũng đã tắt. Chú Sáu chắc đang thao thức trong mùng. Câu nói của Quê vẫn còn văng vẳng:

- Còn cả một con đường phía trước tui chưa đi, hối hận muộn rồi. Anh còn nói được với người đời thì nhắn họ nghĩ cho kĩ trước khi làm điều gì đó.

Ngày ra đi Quê còn quá trẻ, còn quá nhiều điều chưa làm. Thậm chí chưa kịp nắm tay một người con gái. Tại sao Quê tự tử? Có lẽ đó là một phút quẩn trí của đứa bé lớn lên thiếu mẹ, của đứa con mang sẵn nỗi tủi thân vì thiếu tình thương mà tình cảm cha con lại sứt mẻ vì một người xa lạ; là tự ái của chàng trai vốn chất phác, hiền lành bỗng chốc thấy mình trở thành người xấu trong mắt xóm làng…

Sáng hôm ấy, khi tôi nhận được tin dữ, trở về thì Quê đã cứng lạnh. Tôi và mấy anh em phải bóp rượu để Quê được ra đi trong tư thế thẳng thớm. Xà dọc, nơi Quê treo mình bị cưa đứt, bỏ trôi sông. Ông bà xưa nói, nếu cái xà dọc ấy còn thì trong dòng họ sẽ có chuyện tương tự tiếp diễn. Chôn cất xong, tấm hình được rọi từ giấy chứng minh của Quê được gửi lên chùa, ai cũng tin vong của chú Quê sẽ yên lành siêu thoát nơi cửa Phật. Chú Sáu ra ở ngoài chòi cặp mé sông. Ngôi nhà vẫn còn đó, chủ nhà vẫn cạnh bên mà gần như nhà hoang, đêm đêm chuột chạy rần rần. Mái nhà vẫn còn nhưng không bao giờ còn là mái ấm. Tan nát. Chú sáu vò võ cô đơn trong nỗi u buồn, hối hận. Bà thím từ đó cũng không dám về… Quê à, nếu em còn vương vấn cõi đời vì cha già còn đó, mỏi mòn, cô quạnh, thì em hãy yên tâm ra đi vì anh sẽ thay em lo cho chú… Anh sẽ thật quý những gì mình đang có, sống - thực hiện cho em những tâm nguyện chưa thành…

Từ ngày Quê mất, tôi để tâm nhiều hơn đến những căn nhà đóng cửa hoang hoải, bí ẩn. Tôi mong một ngày nào đó những cánh cửa ấy sẽ mở toang đón chủ của chúng về trong hạnh phúc, đoàn viên. Từ đó, mỗi lần xây nhà cho ai tôi đều cầu cho mái nhà mình đang xây sẽ thành mái ấm, cầu mong họ biết giữ vững mái ấm của mình…

Bao giờ những người như thằng Thà, thằng Út bạn tôi mới thôi buồn nỗi ly hương?

Nguyễn Ngọc Đào Uyên (An Giang)