Văn học nghệ thuật phải phát triển toàn diện, mạnh mẽ, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ(*)

Văn học nghệ thuật phải phát triển toàn diện, mạnh mẽ, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ(*)
(Phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang - UV Bộ Chính trị, TT Ban Bí thư tại Hội thảo “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập” tổ chức tại TPHCM trong 2 ngày 17 và 18/11/2008)

Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí và các bạn.

Tôi thật sự vui mừng được gặp mặt đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạt động và sáng tạo văn học, nghệ thuật cả nước về thành phố mang tên Bác Hồ dự Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập”. Trước hết, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin gửi tới các vị đại biểu, các đồng chí lời chào trân trọng và những tình cảm quý mến nhất. Chúc Hội thảo rất thú vị và quan trọng của chúng ta thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí và các bạn.

Tháng 6 năm 2008 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn học, nghệ thuật, trong đó tiếp tục làm rõ và phát triển những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về văn học, nghệ thuật, khẳng định đó là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, Bộ Chính trị nhấn mạnh: Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc, vì vậy, chăm lo bồi dưỡng, quý trọng, phát huy và phát triển các tài năng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Từ đó lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật phải thực sự tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư vui mừng khi được biết, tuy Nghị quyết mới ban hành trong thời gian ngắn, nhưng đại đa số văn nghệ sĩ, những người hoạt động và sáng tạo văn học, nghệ thuật đã nhất trí tán thành, đồng thuận và đồng cảm với những nội dung trong Nghị quyết và bước đầu đang triển khai tổ chức thực hiện. Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa, chương trình hóa việc triển khai Nghị quyết này.

Hội thảo khoa học hôm nay do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức với sự tham gia nhiệt tình, đầy trách nhiệm của giới văn học, nghệ thuật là thể hiện cụ thể sự nỗ lực bước đầu quán triệt và thực hiện Nghị quyết. Ban Bí thư đồng tình với sự lựa chọn chủ đề của Hội thảo, một vấn đề mới, đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà hiện nay cũng như lâu dài.

Sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là kết quả của tư duy đổi mới của Đảng trên lĩnh vực kinh tế, là quyết tâm xây dựng và phát triển nền kinh tế vận hành theo quy luật của chính nó - quy luật của cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Đó là kết quả của tổng kết thực tiễn đất nước và sự vận dụng mọi thành tựu to lớn của văn minh nhân loại vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta. Sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã và đang tác động sâu sắc, toàn diện và phức tạp đến toàn bộ đời sống tinh thần xã hội, trong đó trực tiếp là đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật, cả mặt tích cực và mặt tiêu cực, vừa tạo ra cơ hội lớn và những thách thức gay gắt đan xen. Cùng với sự xuất hiện các loại thị trường khác, đã hình thành và phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật. Đó là một đặc điểm rất mới trong đời sống tinh thần - văn hóa ở nước ta những năm gần đây. Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn nghệ nước nhà, đồng thời, sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm văn nghệ, của công nghệ giải trí cũng tạo nên những tác động tích cực và tiêu cực đến đời sống xã hội và công chúng văn nghệ. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra sự “tự diễn biến” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa trong xã hội ta.

Trong bối cảnh rất mới, phong phú và phức tạp đó, yêu cầu của cách mạng và mong mỏi của nhân dân là sự nghiệp văn học, nghệ thuật của chúng ta phải lớn mạnh hơn, chủ động và bản lĩnh hơn để sáng tạo ra những tác phẩm và tác giả có giá trị, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của dân tộc, vừa tiếp nhận có chọn lọc những giá trị mới của thế giới, vừa khẳng định được bản sắc, cốt cách dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Đó là thời cơ, thách thức, đồng thời cũng là đòi hỏi có tính lịch sử, khách quan đối với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới. Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vận động trong cơ chế kinh tế thị trường, trong điều kiện hội nhập phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, vừa định hướng, xây dựng nhân cách con người, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao, đa dạng của nhân dân ta. Mặt khác, trên cơ sở giữ gìn, phát huy, phát triển những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, cần tiếp tục mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa từ bên ngoài.

Triển khai đề tài của hội thảo khoa học hôm nay nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh, kinh nghiệm của văn nghệ sĩ để cùng nhau trao đổi, tranh luận, phân tích nhằm chỉ ra trúng đặc điểm mới của văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập. Hơn nữa, đề xuất những giải pháp sáng tạo, những kiến nghị thiết thực góp phần thực hiện bằng được những mục tiêu, nhiệm vụ cao cả đặt ra trước sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, cuộc hội thảo của chúng ta hôm nay sẽ góp phần quan trọng để giải đáp câu hỏi: Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, văn nghệ chúng ta sẽ phải làm gì? Đảng và Nhà nước ta cần phải có những giải pháp nào để văn học, nghệ thuật nước nhà có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần tích cực hơn nữa vào việc xây đắp nền tảng tinh thần cao đẹp của dân tộc ta; để đất nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế vẫn giữ được, mãi mãi giữ được bản sắc, cốt cách của một dân tộc văn hiến anh hùng. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tin cậy và kỳ vọng ở đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết của nước nhà.

Với suy nghĩ và tình cảm chân thành đó, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin chúc Hội thảo khoa học của chúng ta thành công tốt đẹp, thành công không chỉ trong hội trường này về mặt tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận mà thành công rực rỡ hơn trong hoạt động thực tiễn - sáng tạo của toàn bộ đội ngũ văn học, nghệ thuật của cả nước.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí và các bạn.

-----------------
(*) Đầu đề do BBT đặt