Những hoạt động văn học nghệ thuật nổi bật năm 2008

Trại sáng tác năm 2008 của Hội VHNT Tiền Giang tại Nha Trang

Trại sáng tác năm 2008 của Hội VHNT Tiền Giang tại Nha Trang

1. NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ VỀ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

Ngày 16 tháng 6 năm 2008, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, trong đó tiếp tục làm rõ và phát triển những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về văn học, nghệ thuật, khẳng định đó là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc, vì vậy, chăm lo bồi dưỡng, quý trọng, phát huy và phát triển các tài năng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Từ đó lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật phải thực sự tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ”. Nghị quyết cũng đã thẳng thắn chỉ ra yếu kém, khuyết điểm của văn học nghệ thuật là “còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”.

Nghị quyết này đã được văn nghệ sĩ cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng, những người hoạt động và sáng tạo văn học, nghệ thuật phấn khởi đón nhận, nhất trí tán thành và bước đầu đang triển khai tổ chức thực hiện.

2. PHÁT ĐỘNG SÁNG TÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT, BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH”

Đây là một cuộc vận động với quy mô lớn và rộng khắp nhằm ca ngợi tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định mục đích, ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời, thông qua các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, phát hiện, nêu gương góp phần nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện cuộc vận động.

Giai đoạn đầu của cuộc thi Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang đã nhận được 6 mẩu chuyện, 15 bài thơ, 8 ca khúc, 12 ca cổ… Các tác phẩm này đã được đăng báo, xây dựng chương trình biểu diễn “Hương sen tỏa ngát” và in thành tuyển tập “Mùa sen tháng năm”. Hội cũng đã thực hiện đĩa CD gồm 4 ca khúc, 3 bài ca cổ gồm những sáng tác gửi tham gia cuộc thi đồng thời phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL giới thiệu những tác phẩm này trên sóng VOV.

3. NHIỀU TRẠI SÁNG TÁC

Năm qua có khá nhiều trại sáng tác, nhiều chuyến đi thực tế được tổ chức thành công. Đây là một trong những hoạt động hấp dẫn, góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật, kích thích sáng tạo và thu hút được rất đông hội viên tham gia. Tiêu biểu là trại sáng tác của Bộ Văn hóa Thông tin dành cho Hội VHNT Tiền Giang diễn ra từ ngày 15 đến 30-12 tại Nhà Sáng tác Nha Trang. Cũng trong thời điểm này, trại sáng tác truyện ngắn và bút ký Tiền Giang năm 2008 do nhà văn Lê Văn Thảo và nhà văn Trần Thanh Giao đã được khai mạc. Góp phần vào những hoạt động sôi nổi này còn có trại sáng tác mỹ thuật với sự tham gia của 18 họa sĩ và điêu khắc gia trong tỉnh. Ngoài ra, Hội VHNT Tiền Giang cũng đã cử 2 tác giả tham dự Trại sáng tác Văn học - Âm nhạc ĐBSCL 2008 diễn ra tại thị xã Vĩnh Long và một tác giả trẻ tham gia trại sáng tác VHNT trẻ tại Nha Trang do UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT-VN tổ chức.

Các trại viết này đã khơi gợi, phát huy tiềm năng sáng tác, tạo điều kiện để các tác giả trong tỉnh sáng tác các tác phẩm mới có chất lượng nghệ thuật, cung cấp nguồn bài vở phong phú cho tạp chí Văn nghệ Tiền Giang.

4. NHIỀU CHUYẾN ĐI THỰC TẾ

Trong năm 2008, Hội đã tổ chức trên 10 chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh với quy mô khác nhau. Tiêu biểu như chuyến đi thực tế của đoàn văn nghệ sĩ các chuyên ngành văn học, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật… gồm 25 hội viên đến các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum... Đoàn gồm 8 nhạc sĩ và 6 soạn giả ca cổ của Tiền Giang đã đi thực tế sáng tác ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Các họa sĩ trong Chi hội Mỹ thuật thì được đi thực tế và giao lưu tác phẩm ở Lâm Đồng. Chi hội Nhiếp ảnh tổ chức cho 15 hội viên đi sáng tác ở các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức cho 13 tác giả Lâm Đồng và 10 tác giả nhiếp ảnh Tiền Giang cùng đi thực tế sáng tác về đề tài “Đất nước và con người Tiền Giang trong công cuộc đổi mới và hội nhập”. Qua chuyến đi, nhiều sáng tác đã ra đời, cũng như cho những tác phẩm về sau ý tưởng, cảm xúc đã hình thành.

5. SÂN KHẤU SÁNG ĐÈN…

Bên cạnh rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật chào xuân Đinh Hợi, còn có: đêm thơ nhạc “Khúc tự tình tháng ba”, giới thiệu 4 cây bút thơ nữ của Tiền Giang gồm: Nguyễn Thị Ngọc Tiếp, Lá Me, Trần Thị Ngọc Hồng, Minh Châu. Đêm thơ đã giới thiệu 9 bài thơ cùng với một số ca khúc phổ từ thơ của 4 tác giả. Đầu tháng 7, Hội đã tổ chức đêm Văn nghệ chủ đề “Hương sen tỏa ngát” giới thiệu một số tác phẩm thơ, tân, cổ nhạc của hội viên gởi tới tham dự cuộc thi sáng tác VHNT đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hội đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình TG thực hiện trên 10 chương trình ca khúc, ca cổ, kịch ngắn, cải lương phát sóng phục vụ nhân dân đồng thời phối hợp với Đội Thông tin lưu động, Ban An toàn Giao thông và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Tiền Giang thực hiện gần 20 chương trình văn nghệ tuyên truyền các đề tài nóng bỏng như: An toàn giao thông, Phòng chống AIDS, sốt xuất huyết, phong trào đền ơn đáp nghĩa, chống tệ nạn xã hội… Song song đó Hội đã phối hợp tổ chức nhiều buổi sinh hoạt thơ văn tại trụ sở Hội, tại biệt thự Hoa Mai để tạo không khí sinh hoạt văn học trong tỉnh, tạo được sức hút từ giới yêu thích thi ca trong tỉnh. Chi hội Âm Nhạc thuộc Hội VHNT Tiền Giang đã tham gia đêm giao lưu ca khúc do Hội VHNT tỉnh Đồng Tháp tổ chức, giới thiệu các ca khúc mới viết về đất nước con người Tiền Giang. Những hoạt động này đã góp phần thiết thực trong việc đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

6. PHONG PHÚ CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN LÃM

Hoạt động triển lãm đáng chú ý trong năm 2008 có cuộc triển lãm tranh tượng, thư pháp và ảnh nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu tháng tư” chào mừng 33 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm quy tụ trên 30 tác phẩm mỹ thuật của 20 họa sĩ, 70 bức ảnh nghệ thuật của 40 tác giả nhiếp ảnh trong tỉnh tham dự. Hội đã thành lập CLB Mỹ thuật - mỹ nghệ và xây dựng phòng triển lãm tại trụ sở Hội. Đây là nơi tập hợp của giới hoạt động Mỹ thuật TG nhằm giới thiệu, trưng bày, trao đổi tác phẩm mới, đồng thời là nơi gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

Năm qua Chi hội Mỹ thuật còn tham gia một cuộc triển lãm giao lưu tại TP Đà Lạt. Có 15 tác phẩm của 13 tác giả Tiền Giang đã được trưng bày để giới thiệu với công chúng yêu mỹ thuật tại thành phố Đà Lạt.

7. CLB SÁNG TÁC TRẺ TIỀN GIANG MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 10

Ngày 27-9, CLB Sáng tác trẻ Tiền Giang đã tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 10 của mình. Ở tuổi thứ 10, CLB thực sự trưởng thành với đội ngũ ngày càng đông về số lượng và hoạt động sáng tác ngày càng khởi sắc.

CLB Sáng tác trẻ Tiền Giang được thành lập vào ngày 25-9-1998, tập hợp những cây viết trẻ, hoạt động dưới sự hỗ trợ trực tiếp của Chi hội Văn học (trực thuộc Hội VHNT Tiền Giang). CLB qui tụ khoảng trên 30 thành viên tuổi từ 18 đến 35, chủ yếu là các bạn học sinh - sinh viên và một số công chức trẻ. Nội dung sinh hoạt định kỳ của CLB là tổ chức những buổi họp mặt, trao đổi những thông tin văn học, giới thiệu sáng tác của các thành viên, phân tích và góp ý.

Đến nay CLB đã cho ra mắt được 30 kỳ đặc san Văn nghệ trẻ, định kỳ mỗi năm 3 số, phát hành rộng rãi đến các trường học trong tỉnh và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bạn đọc. Đây thực sự đã là diễn đàn của những người sáng tác trẻ ở Tiền Giang. Từ khi CLB Sáng tác trẻ được thành lập, hàng loạt cây bút trẻ đầy triển vọng bắt đầu định hình, bổ sung vào đội ngũ sáng tác văn học của tỉnh như: Nguyễn Quốc Đạt, Nguyễn Trọng Tấn, Nhật Linh, Trương Trọng Nghĩa, Minh Châu, Chí Mỹ, Quốc Vũ, Trịnh Ân Tứ, Trần Thị Thùy Trang, Phạm Khánh Liêm, Thái Bạch, Kim Đời, Phúc Quỳnh…

8. “ĐƯỢC MÙA HỘI VIÊN”

Giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà vui vẻ nói đùa như thế vì năm qua có đến 6 hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang được kết nạp vào Hội trung ương gồm: Thu Trang, Lê Ái Siêm (Hội Nhà văn), Ngô Ngọc Hùng, Dương Năm (Hội Nhạc sĩ), Sao Hôm, Hồng Thái (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh) nâng tổng số hội viên Hội chuyên ngành trung ương ở Tiền Giang hiện nay lên 52. Đặc biệt ở chuyên ngành văn học, sau gần 11 năm từ khi nhà văn Lương Hiệu Vui được vào Hội Nhà văn (năm 1997) mới có tác giả ở Tiền Giang được kết nạp. Năm qua Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang cũng đã kết nạp thêm 18 hội viên. Đây là những nhân tố mới được phát hiện từ các hoạt động phong trào, đa số tuổi đời còn trẻ và đầy triển vọng.

9. VĂN NGHỆ TIỀN GIANG ONLINE

Cuối năm 2008, Hội đã chạy thử nghiệm trang tin điện tử Văn nghệ Tiền Giang Online tại địa chỉ: http://www.vannghetiengiang.vn/. Hiện tại website có các chuyên mục: Tin tức; Văn học; Âm nhạc; Sân khấu; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Múa; Sáng tác trẻ; Nghiên cứu - lý luận phê bình; Đất và Người Tiền Giang; Xem - nghe - đọc; Giao lưu; Thư viện trực tuyến; Shop Văn nghệ; Downloads; Truyền hình Online... Trong tương lai đây sẽ là diễn đàn, là một kênh mới để quảng bá văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ tỉnh nhà đến với độc giả khắp nơi trên thế giới.

Tác giả bài viết: Bùi Trần Lê Văn