Để hoạt động văn học nghệ thuật ngày càng khởi sắc...

Ông Nguyễn Huỳnh Anh - Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang

Ông Nguyễn Huỳnh Anh - Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang

Đại hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang lần thứ IV diễn ra cuối năm 2006 với nhiều đổi mới, mở ra một hướng hoạt động đa dạng, phong phú cho các ngành VHNT trong tỉnh. Để ghi nhận những thành tựu đạt được, cũng như những khó khăn mà Ban Chấp hành mới phải đối mặt sau một năm hoạt động, chúng tôi có buổi gặp gỡ, trao đổi với soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang.
PV: Được biết trong năm qua hoạt động của Hội VHNT Tiền Giang có nhiều khởi sắc, ông có thể giới thiệu qua về những thành tựu đã đạt được dưới sự “lèo lái” của ban chấp hành mới?

SG Huỳnh Anh: Năm 2007, Hội hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí và biên chế. Nhưng tập thể Ban Chấp hành mới đã phấn đấu vượt qua. Ngoài việc tiếp tục giữ vững những hoạt động vốn có từ năm 2006, chúng tôi đã mở rộng thêm một số hoạt động khác đồng thời phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong đều khắp các chuyên ngành. Việc phát động và nâng cao sáng tác được nâng lên hàng đầu. Hàng trăm tác phẩm có chất lượng khá tốt đã ra đời trong năm qua, góp phần vào việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ VHNT của công chúng.

Năm 2007, Nhà triển lãm TG (Hội trường Đỏ) bị giải tỏa. Hội đã tìm cách khắc phục, cố duy trì phong trào mỹ thuật và nhiếp ảnh vốn đang trên đà phát triển. Các cuộc triển lãm tranh tượng, thư pháp, đất nung, ảnh nghệ thuật được tổ chức tại trụ sở Hội với số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, bước đầu tạo được sự chú ý của công chúng. Ngoài ra, Hội còn tổ chức đưa tranh, ảnh của Tiền Giang giao lưu ở TP-HCM để các họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh nhà có dịp trao đổi sáng tác, học tập kinh nghiệm.

Về xuất bản, số lượng sách của Hội xuất bản trong năm nhiều hơn so với các năm trước gồm nhiều thể loại như truyện ngắn, bút ký, thơ, trường ca, ca khúc, sân khấu và sưu tầm. Đặc biệt, Hội đã xuất bản tuyển tập “Mùa sen tháng năm” gồm những tác phẩm VHNT viết về tấm lòng người TG đối với Bác góp phần tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tạp chí Văn nghệ TG từ 4 số đã nâng lên 6 số trong năm với hình thức và nội dung khá phong phú, bước đầu tạo được sự chú ý trong bạn đọc và các Hội tỉnh bạn. Cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng tạp chí VNTG” đã được Hội tổ chức, góp phần tạo một bước chuyển biến mới trong việc cải tiến tạp chí. Đặc san Văn nghệ Trẻ tiếp tục duy trì, được bạn đọc trẻ yêu thích, là tập san văn học trẻ duy nhất trong toàn quốc được Hội VHNT địa phương xuất bản.

Các ngành biểu diễn của Hội trong năm cũng hoạt động khá sôi nổi như mở trại sáng tác, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn giao lưu và phục vụ công chúng. Đặc biệt, Hội đã phát động 2 đợt sáng tác ca khúc, ca cổ về đề tài “Chiến thắng Ba Rài”“Chiến thắng Ấp bắc”, nhiều tác phẩm tốt ra đời kịp thời phục vụ cho hai lễ hội nói trên. Hội cũng đã ký kết liên tịch với Đài Phát thanh Truyền hình Tiền Giang thực hiện hàng chục chương trình văn nghệ địa phương, giới thiệu tác giả và tác phẩm trong năm.

Đặc biệt, năm 2007, Hội đã thành lập được Ban lý luận phê bình VHNT. Dù bước đầu hoạt động chưa mạnh lắm nhưng đây là tiền đề để sang năm 2008 Hội sẽ đẩy mạnh hoạt động này.

Để phục vụ sáng tác, Hội đã đầu tư kinh phí để thực hiện một số đề cương tốt và tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho hội viên, tổ chức các trại sáng tác và nhiều cuộc tọa đàm chuyên môn cho các chuyên ngành. Năm 2008, bên cạnh việc phát triển phong trào chung của các Chi hội, các Câu lạc bộ, Hội sẽ chú ý tập trung đầu tư cho các tác phẩm có chiều sâu.

Tuy vậy, hoạt động của Hội trong năm qua vẫn chưa đáp ứng với thực tế phong trào. Vì điều kiện kinh phí khó khăn, Hội đã phải tạm ngưng nhiều hoạt động đã đề ra trong kế hoạch từ đầu năm.

PV: Đa số thành viên BCH là những người mới, điều đó có ảnh hưởng gì đến việc tổ chức và lãnh đạo hoạt động chuyên môn của Hội?

SG Huỳnh Anh: Các thành viên Ban chấp hành có nhiều người mới, nhất là Ban Thường trực Hội. Nhưng chúng tôi đều có quá trình tham gia phong trào trên dưới 20 năm. Các thành viên Ban Thường trực cũng đã tham gia công tác quản lý Hội từ 5 đến 10 năm. Chúng tôi đã có nhiều thời gian gắn bó cùng giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà, hiểu được phần nào tâm tư, nguyện vọng của anh em và biết được các hoạt động chủ yếu của Hội. Chúng tôi còn được kế thừa kinh nghiệm quản lý hội của các chú, các anh đi trước. Tuy công việc còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi có đủ tự tin để thực hiện nhiệm vụ mà hội viên đã giao phó bằng sự nỗ lực cao nhất.

PV: Trong buổi họp tổng kết cuối năm của UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT-VN tại Hà Nội vừa qua có nêu lên những khó khăn về biên chế và kinh phí của một số Hội. Hội Tiền Giang có nằm trong mẫu số chung đó?

SG Huỳnh Anh: Hội Văn học Nghệ thuật là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Điều ấy đã được Nghị quyết 5 của Đảng nêu rõ và thời gian qua các Hội VHNT, trong đó có Hội VHNT TG, đã cố gắng hết sức mình để hoàn thành trọng trách mà Đảng đã giao phó. Nhưng vấn đề kinh phí và biên chế vẫn tiếp tục khó khăn dù đã lên tiếng nhiều năm nay trên các diễn đàn VHNT từ trung ương đến khu vực. VHNT gắn vào thị trường để tự tạo kinh phí hoạt động thì rất khó khăn trong việc giữ định hướng. Cái khó là ở chỗ đó. Chỉ tiếc một điều là sức của Hội chúng ta lẽ ra còn làm được nhiều việc hơn để đóng góp cho nền VHNT tỉnh nhà, nhưng phải đành cắt bớt kế hoạch vì... kinh phí quá ít. Hy vọng những năm tới điều kiện kinh phí, biên chế sẽ được cải thiện để hoạt động VHNT tỉnh nhà ngày càng khởi sắc hơn.

PV: Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn ngắn này!

Tác giả bài viết: Cỏ May

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 26-27