Hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử”

Sáng 15/12/2012, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), hội thảo khoa học toàn quốc “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức đã được khai mạc. Đến dự hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành ở trung ương, các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ… và các đại biểu trong cả nước quan tâm đến đề tài này. Hội thảo sẽ diễn ra trong ngày 15 và sáng ngày 16/12.

 

Đoàn Chủ tịch hội thảo khoa học: PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương; PGS. TS Đào Duy Quát - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; GS. TS. Đinh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng; nhà thơ Hữu Thỉnh - Phó Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS. TS. Phan Trọng Thưởng – Phó Chủ tịch Hội đồng. Buổi làm việc đầu tiên do PGS. TS Đào Duy Quát điều hành chương trình.

 

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương đọc diễn văn khai mạc, nêu rõ mục đích của cuộc hội thảo: “…chúng ta sẽ tập trung thảo luận những vấn đề cơ bản, như thực trạng, bản chất tình hình sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử trong những năm gần đây; những vấn đề lí luận và thực tiễn đặt ra xung quanh các tác phẩm văn học đề tài lịch sử; từ thực tiễn sáng tác về đề tài lịch sử trong từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật cụ thể, đề xuất những yêu cầu, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác, lý luận, phê bình, trình diễn, quảng bá các tác phẩm viết về đề tài lịch sử… Trong đó tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản: Về phương diện khoa học, về thực tiễn và về trách nhiệm của người nghệ sỹ đối với quá trình sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử.”

 

PGS. TS. Phan Trọng Thưởng – Phó Chủ tịch Hội đồng trình bày báo cáo đề dẫn: “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử”, khái quát về tình hình sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử trong thời gian qua và đặt ra những vấn đề : “…trước các vấn đề khá cơ bản như: lựa chọn các phương thức thể hiện nghệ thuật về đề tài lịch sử sao cho phù hợp và hiệu quả? Đặc trưng phản ánh lịch sử và ngôn ngữ của mỗi loại hình nghệ thuật là gì? Làm thế nào để phát huy được thế mạnh của mỗi thể loại?... cần được hội thảo làm rõ. Đó sẽ là căn cứ lý luận và học thuật để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn sáng tạo hiện nay. Hy vọng tại hội thảo này sẽ có thêm những kiến giải mới, những luận cứ khoa học mới, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử.”

 

Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo: “…Tôi tán thành với Hội đồng LLPB VHNT Trung ương về việc lựa chọn đề tài cho hội thảo này. VHNT luôn có chức năng dự báo theo ba chiều thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai, đây cũng là đặc trưng của sự phát triển của nền VHNT lành mạnh. Bằng tài năng sáng tạo của mình, các nhà văn, nghệ sĩ sẽ khám phá, lí giải, dự báo tiến trình phát triển của dân tộc dựa trên những bằng chứng lịch sử… Qua đó thể hiện được tình yêu tổ quốc, dân tộc và trách nhiệm công dân trước những vấn đề đang diễn ra trong nước.”

 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo: “Tôi rất hoan nghênh Hội đồng đã có sáng kiến tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc với đề tài sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử. Tại hội thảo này, tôi xin đưa ra ý kiến như một đại biểu tham dự, đó là tác phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử cần có những điểm tựa căn cứ trên những mốc: không gian, thời gian, sự kiện, nhân vật (trong đó có cả những nhân vật bên cạnh những nhân vật lịch sử), tình cảm, bài học và giá trị lịch sử. Có một thực tế hiện nay là tác phẩm sáng tạo về đề tài lịch sử đang chậm hơn so với sự thật lịch sử, bởi có những sự thật đã được khẳng định, nếu không cập nhật, tác giả có thể sẽ diễn giải, lý giải thiếu chính xác về mặt khoa học. Thông qua sáng tác, chúng ta làm cho lịch sử có hồn hơn, tạo được sự hồi sinh, sự trân trọng và hứng thú của hiện tại đối với quá khứ. Qua tất cả những điều đó, tác phẩm văn học, nghệ thuật có sự lí giải, dự báo về sự phát triển toàn diện của đất nước, dân tộc…”

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh thay mặt Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cảm ơn, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đồng thời bày tỏ mong muốn ngay sau hội thảo, Hội đồng và các Hội chuyên ngành xin được có cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VH,TT và DL cùng các ban ngành có liên quan để “cụ thể hóa” những kiến nghị của cuộc hội thảo này.

Tiếp theo chương trình, các đại biểu trình bày tham luận và phát biểu ý kiến thảo luận.

 

PGS. TS Tạ Ngọc Liễn trình bày tham luận: “Lịch sử và đề tài lịch sử”, trong đó nêu lên suy nghĩ của một người nghiên cứu lịch sử dân tộc: “Văn học và nghệ thuật muốn sáng tác về đề tài lịch sử cổ trung đại Việt Nam thì nên hướng vào chuyện các nhân vật lịch sử, văn hóa chính trị, trong đó có người làm kinh tế, đắp đê, khai hoang, có người làm y học, nhà văn, nhà thơ, nhà ngoại giao…; quan tâm nhiều hơn nữa, đúng hơn là hãy đặt trọng tâm vào đề tài lịch sử cận đại và hiện đại. Riêng đối với đề tài lịch sử hiện đại, tôi biết rất nhiều người mong muốn các văn nghệ sỹ hãy tạc tượng thời đại của chúng ta bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật.”

 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về triều Lý và triều Trần bày tỏ quan điểm qua tham luận “Thử bàn về những điều cốt yếu trong sáng tác văn học về đề tài lịch sử”, ông đưa ra những nguyên tắc khi sáng tạo trong tiểu thuyết về đề tài lịch sử: người viết phải có nhu cầu tìm về cội nguồn, có nhu cầu khám phá những bước thăng trầm của lịch sử; phải tái hiện được tất cả những vinh quang và cay đắng mà lịch sử tiền nhân đã trải; phải quan tâm đến cấu trúc tác phẩm, tiểu thuyết lịch sử phải hư cấu sao cho đạt tới sự chân thực; thông điệp lịch sử của tác phẩm chính là giá trị nhân văn, giá trị tư tưởng, tác phẩm văn học sáng giá phải có tầm tư tưởng vượt lên cả thời đại.” Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng nêu lên vấn đề đáng suy nghĩ không chỉ đối với người làm công việc sáng tác: “Hiện nay, tình trạng coi nhẹ bộ môn lịch sử và địa lý trong nhà trường ở ta ngày càng không được coi trọng nên đã tạo ra những lỗ hổng kiến thức, dẫn đến những sơ hở trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy cái họa toàn dân đói sử mới tràn ngập xã hội tới mấy chục năm nay, và bây giờ đang phát tác thành tai họa…”

 

Đạo diễn Hải Ninh qua tham luận: “Phim truyện lịch sử - một loại hình nghệ thuật có khả năng tái hiện quá khứ hiệu quả nhất” đã chia sẻ kinh nghiệm làm phim về đề tài lịch sử, ông chia thể loại này thành ba loại: “đề tài “thâm cung bí sử”; những câu chuyện xảy ra trong cung điện là chính; chiến tranh trực tiếp giữa các triều đại, giữa các quốc gia… Để thực hiện những công trình nghệ thuật to lớn như vậy phải có sự chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ giữa các công đoạn: đầu tư cho kịch bản văn học (công đoạn này cần có sự phối hợp giữa các nhà lịch sử, các nhà văn, nhà biên kịch và những đạo diễn có khả năng, uy tín cùng nghiên cứu, trao đổi, đề xuất, chọn lựa thời điểm, sự kiện và nhân vật lịch sử) và xây dựng bộ phim (công đoạn này cần có sự quan tâm và tài trợ của Nhà nước, sự góp sức của các nhà kinh doanh, những “Mạnh Thường Quân” trong xã hội…”

 

GS. Nguyễn Văn Hạnh với bài viết “Ý nghĩa và hướng khai thác đề tài lịch sử trong sáng tác văn học, nghệ thuật”, ông đánh giá: “Viết, sáng tác về đề tài lịch sử thể hiện ý thức, trách nhiệm, khát vọng của người nghệ sỹ muốn tìm hiểu sâu về dân tộc mình, đất nước mình, muốn qua tác phẩm trình bày với người đọc, người tiếp nhận về cuộc sống của cha ông, về các thời kì, các gương mặt, các sự kiện tiêu biểu trong lịch sử, giúp các thế hệ con cháu bây giờ và mai sau biết phải làm gì, phải sống như thế nào để xứng đáng với tiền nhân và tiếp bước trên con đường lớn xây dựng đất nước. Tác phẩm về đề tài lịch sử do đó có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, mà còn trong đời sống tinh thần chung của dân tộc và đất nước.”

Tác giả bài viết: Bài: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu

Nguồn tin: VanVN.Net