Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần 6: Mở rộng và làm giàu hơn tầm nhìn văn hóa

Tối 29- 3 tới đây, giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 6 sẽ được trao tại TP Hồ Chí Minh. Đây là giải thưởng đang được đông đảo công chúng đón đợi. Trong buổi tọa đàm về giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vừa được tổ chức tại Hà Nội, GS Chu Hảo- Phó Chủ tịch thường trực Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh chia sẻ: giải thưởng càng có uy tín, BTC càng chịu sức ép lớn của xã hội. 
 
Bà Nguyễn Thị Bình trao giải"Việt Nam học” cho
 tiến sĩ phương Đông học và Việt Nam học 
người Pháp Philippe Langlet
 
1. Năm 2012, giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 5 (của năm 2011)  được trao tại Hà Nội. Và ngạc nhiên lớn nhất khi đó với công chúng là việc ông Nguyễn Sự- Bí thư thành ủy Hội An được nhận giải thưởng này. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên một quan chức cấp thành phố được trao giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Khi ấy, nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã lý giải việc chọn ông Nguyễn Sự- một vị quan chức, không có tác phẩm cụ thể, chứ không phải là một nhà văn hóa như thường lệ để trao giải cũng chính là việc khẳng định thêm một cách hiểu về văn hóa. Bởi với một vị quan chức như ông Nguyễn Sự, "tác phẩm” của ông chính là toàn bộ không gian và con người Hội An, một tác phẩm đang sống, đang thở mỗi ngày, liên tục đổi thay, liên tục đóng góp những giá trị tinh thần cho đời sống hôm nay. Và việc trao giải thưởng cho ông Sự cũng góp phần làm giàu thêm tầm nhìn văn hóa cho cộng đồng.
 
2. Trước khi tổ chức trao giải tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 29-3 tới đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã sang Pháp trao giải "Nghiên cứu” lần thứ 6 (năm 2012), cho GS Lê Thành Khôi vì "những nghiên cứu bác học trong quá trình chiêm bái các nền văn hoá từ Đông sang Tây”. GS. Lê Thành Khôi là tác giả của gần 20 cuốn sách quan trọng và 30 - 40 bài báo và nghiên cứu lịch sử, khoa học, giáo dục và văn hóa văn minh Đông, Tây, trong đó có Việt Nam, viết bằng tiếng Pháp. Ông từng là giáo sư danh dự đại học René Descartes và Chủ tịch Hiệp hội Tầm nhìn thế giới, được xem là nhà bác học có nhiều nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhân dịp này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng trao Giải "Việt Nam học” cho tiến sĩ phương Đông học và Việt Nam học người Pháp Philippe Langlet, "vì những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu giới thiệu văn hóa và lịch sử Việt Nam ra nước ngoài”. Ông Philippe Langlet nguyên giáo sư khoa Ngôn ngữ và văn minh Đông Á tại đại học Paris VII, người đã cùng vợ mình, bà Quách Thanh Tâm dịch và giới thiệu về văn hoá, lịch sử Việt Nam tại Pháp.Ông từng dịch, giới thiệu và viết nhiều công trình quan trọng về Việt Nam trong đó có tác phẩm Giới thiệu lịch sử Việt Nam đương đại(1975 – 2000) (viết chung với Quách Thanh Tâm, NXB Les Indes Savantes, Paris, 2001), và rất nhiều tác phẩm, lời giới thiệu và chú giải 56 bài trongcác tác phẩm văn hóa, lịch sử và công trình nghiên cứu có giá trị khác. 
 
Như vậy, tôn vinh những đóng góp ở lĩnh vực "nghiên cứu”, giải thưởng văn hóa  Phan Châu Trinh không nằm ngoài mục đích phổ biến giá trị văn hóa tinh hoa của Việt Nam và quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới.

Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 6 này sẽ trao 4 hạng mục giải thưởng: 1- Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục trao cho bà Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) và ông Vũ Đức Hiếu (Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường); 2- Giải dịch thuật trao cho ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường); 3- Giải nghiên cứu trao cho nhà sử học Lê Thành Khôi; 4- Giải Việt Nam học trao cho nhà Việt Nam học người Pháp Philippe Langet.


3. Đặc biệt nhất ở giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh chính là việc giải thưởng tự đi tìm chủ nhân để tôn vinh, trao giải. GS Chu Hảo cho hay, ở giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, chúng tôi coi mình là người hân hạnh, vinh dự được mang và trao giải thưởng đến những cá nhân xứng đáng với cống hiến của họ (chứ người được nhận giải không phải làm đơn đề nghị, hay đơn xin được xét giải thưởng). Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Sự, BTC giải thưởng đã tìm đến ông để thuyết phục ông nhận giải. Và điều mừng nhất là trước khi BTC trao giải, người dân Hội An nói riêng, rộng ra là nhân dân đã trao tặng giải thưởng cho ông Sự rồi.
 
Theo GS Chu Hảo, đến nay sau 6 năm ra đời và tồn tại, giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và kỳ vọng của xã hội, nhất là tầng lớp trí thức trẻ. Vì thế, mỗi thành viên hội đồng đều ý thức rất rõ điều đó trong quá trình đề cử, lựa chọn, trao giải để đảm bảo trung thành với tôn chỉ mục đích ban đầu của giải thưởng. Tuy nhiên, điều khiến BTC trăn trở nhất hiện nay chính là việc làm sao để nhân rộng tầm ảnh hưởng xã hội của các tác phẩm, công trình  đoạt giải. Hiện Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và BTC giải thưởng đang nỗ lực tìm mọi cách để có thể duy trì quỹ cho dịch thuật, in ấn cũng như quỹ cho giải thưởng. Chỉ tiếc giờ đây các nhà tài trợ dường như không mặn mà đầu tư vào văn hóa, mà thường chỉ thích bỏ tiền vào những gì khuếch trương tên tuổi họ trực tiếp nhất, nhanh nhất, "hot” nhất  như hoa hậu và bóng đá…

Tác giả bài viết: Triết Giang

Nguồn tin: daidoanket.vn