Ấn bản “Truyện cổ Grim” đầy đủ nhất được NXB Kim Đồng phát hành

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt ấn bản “Truyện cổ Grimm” mới gồm 4 tập, in trên giấy xốp nhẹ, gồm 201 truyện do anh em Grimm sưu tầm và 10 truyện do Bechstein sưu tầm, có hình minh họa của họa sĩ Otto Ubbelohde. Bộ sách còn có bảng đối chiếu so sánh tup và motive truyện cổ hai nước Đức – Việt ở phần Phụ lục.

Trọn bộ Truyện cổ Grimm do NXB Kim Đồng phát hành

“Truyện cổ Grimm” là bộ truyện cổ dân gian Đức do hai anh em Jacob Grimm và Wilhelm Grimm sưu tầm ghi chép lại. Cả hai ông đều là những nhà ngôn ngữ học. Bộ sách được xuất bản ở Đức lần đầu tiên năm 1812, có tên gọi “Truyện cổ tích kể cho trẻ em và trong gia đình”. Mục đích của hai tác giả là kể lại cho trẻ nhỏ nghe những câu chuyện tưởng tượng để nuôi dưỡng tâm hồn ngây thơ trong trắng của các em, khiến mọi người thấy cuộc sống tươi vui và có những bài học răn dạy người đời. Bộ sách được anh em nhà Grimm bổ sung, sửa chữa hoàn thiện dần sau nhiều lần tái bản. Từ những câu chuyện rời rạc, không nhất quán về nội dung cũng như văn phong, hai ông đã biên soạn, chỉnh lí bằng ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, dí dỏm và giàu hình ảnh, câu văn được mài dũa kĩ lưỡng nhưng vẫn giữ lối kể chuyện dân gian, nâng nó thành tác phẩm kinh điển trong văn học thế giới. Kể từ khi hai anh em nhà Grimm mất, để tưởng nhớ công lao của hai ông, trong những lần tái bản sau đó, bộ sách mới có tên là “Truyện cổ Grimm”.

Ở Việt Nam, kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1982 tới nay, “Truyện cổ Grimm” đã được tái bản nhiều lần với nhiều phiên bản khác nhau. Ấn bản “Truyện cổ Grim” gồm 4 tập được NXB Kim Đồng in lần này là ấn bản đầy đủ nhất, gồm 201 truyện do anh em Grimm sưu tầm. Ngoài ra, dịch giả còn bổ sung thêm 10 truyện do Bechstein sưu tầm để bạn đọc thấy được sự đa dạng và phong phú của kho tàng truyện cổ tích Đức. Ấn bản lần này cũng có những minh họa sống động của họa sĩ Otto Ubbelohde. Theo dịch giả Lương Văn Hồng, đây là phiên bản khiến ông hài lòng nhất, không chỉ bởi đây là phiên bản đầy đủ, nội dung sách được biên tập kĩ lưỡng, tất cả các tên riêng đã được hiệu chỉnh cho thống nhất với nguyên bản mà còn bởi hình thức của ấn bản lần này: có minh họa đẹp, in trên giấy đẹp.

Nói về giá trị của tác phẩm, nguyên Tổng lãnh sự Cộng hòa liên bang Đức tại TP HCM Erhard Zander chia sẻ: “Trong thời buổi có những xung đột chính trị và khởi đầu của nhiều cuộc chiến tranh, người dân yêu thích những câu chuyện có lối hành văn súc tích và trong sáng, những câu chuyện đó để lại trong lòng họ hình ảnh của một thế giới hòa đồng, nơi thiện luôn luôn thắng ác… Những sự kiện tương tự nhất định cũng có trong lịch sử Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà truyện cổ Grimm được mọi người Việt Nam yêu thích”.  Giáo sư Chu Xuân Diên cho rằng: “Đọc Truyện cổ Grimm, độc giả không những chỉ thấy lòng mình ấp áp hẳn lên vì nội dung nhân đạo của nó, trí óc mình sắc sảo thêm lên vì những kinh nghiệm về cuộc sống dồi dào của nó, cảm quan thẩm mĩ được thỏa mãn vì nghệ thuật kể chuyện trong sáng mà hấp dẫn của nó”.

Dịch giả Lương Văn Hồng sinh năm 1944 tại Hải Dương. Ông là cử nhân ngôn ngữ Đức, thạc sĩ văn học Đức (Đại học tổng hợp Karl Marx, Leipzig, Đức). Từ năm 1975-1978, ông dạy tiếng Đức ở Đại học ngọai ngữ Hà Nội, dạy thỉnh giảng ở Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng. Từ 1978-2005, ông giảng dạy văn học Đức ở Đại học KHXH&NV TP HCM.

Ông là Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhà văn TP. HCM và Hội nghiên cứu giảng dạy Văn học TP. HCM.

Dịch giả Lương Văn Hồng đã dịch và biên soạn nhiều bộ sách bằng tiếng Đức và tiếng Việt như: Deutsch fũr Vietnamesen (NXB Trẻ, 2004), Tục ngữ và câu đố Đức (song ngữ Đức-Việt, NXB Trẻ, 1992); Tục ngữ và câu đố Đức(NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2002); Giai thoại và truyện cười Đức (NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2002); Thần thoại, truyền thuyết và cổ tích Đức (NXB TP Hồ Chí Minh, 2003); Tục ngữ Việt Nam (song ngữ Việt Đức, NXB TP Hồ Chí Minh, 2003); Đại cương văn học Đức (NXB Văn học, 2003); Danh nhân thế giới, Tiểu sử & Giai thoại(NXB Văn học, 2005); Kho tàng văn học dân gian Đức (Lương Văn Hồng, Triệu Xuân chủ biên, NXB Văn học, 2005);Lịch sử văn học Đức (Lương Văn Hồng-Triệu Xuân chủ biên, NXB Văn học, 2006); Trái tim hóa đá (truyện dân gian Đức, NXB Kim Đồng, 2009); Truyện cổ Grimm toàn tập (đã in nhiều lần).

Nguồn tin: VanVN.Net