Tiếng rao

VNTG - Sớm nay thức dậy bởi tiếng rao lanh lảnh: “Bí đây. Bầu đây. Mười ngàn 3 trái bí. Mười ngàn 3 trái bầu. Bí đây. Bầu đây”.

Tiếng rao như đánh thức cả con hẻm nhỏ im lìm. Thu dọn xong mền mùng chiếu gối (theo đúng trật tự đó), tôi ngồi nán lại trong cái góc nhỏ của mình mà nghe tiếng rao lúc xa lúc gần, vọng lại từ ngóc ngách nào đó rồi xa dần, mất hút.

Tôi biết anh bán bầu bí. Biết chứ không quen. Nhà ở ngay sát chợ mà. Cứ ra ra vô vô, thi thoảng cũng mua hàng của anh. Chiếc xe mà anh chở bầu, bí bán cho người ta ngày này qua ngày nọ, hẻm này qua hẻm kia tình thiệt tôi cũng không biết gọi nó là xe gì. Trông nó giống với cái xe ba gác nhưng phải gắn thêm hai chữ “cà tàng”. Và của người ta là ba gác máy, còn của anh là ba gác đạp, ba gác đẩy, ba gác kéo. Coi nhỏ nhỏ vậy chứ tính ra cái xe này thồ được nhiều lắm, bí bầu chất lên đầy cả xe, thi thoảng còn có thêm mướp, bắp cải, khoai lang nữa.

Cái thời giá cả chưa phải chạy theo mùa Tết thì anh cũng bán bí, bầu nhưng lời rao thì hơi khác đi một chút: “Mướp đây. Bầu đây. Năm ngàn 3 trái mướp. Năm ngàn 3 trái bầu…”. Thời đó không biết có trở lại không. Giờ, cái gì cũng tăng giá…

Kể ra tôi mua ở chỗ anh cũng được nhiều lần. Năm ngàn 3 trái mướp ăn hết trong hai bữa cơm trưa – chiều. Trưa: mướp xào, mướp nấu canh. Chiều: mướp nấu canh, mướp luộc. Mướp non mà. Ngọt ngay. Bữa sau nghe tiếng rao lại lò dò xuống mua nữa.

Ngoài anh ra, tôi còn biết anh bán dưa leo, cà chua “Tám ngàn (1) ký dưa leo đê. Sáu ngàn (1) ký cà chua đê”; anh bán khổ qua, cà tím; chị bán cải ngọt, cải xanh,… Những chiếc xe thồ giống nhau, những con người với vẻ mặt lam lũ giống nhau và tiếng rao của họ cũng giống nhau: khàn đục và cần mẫn.

Tôi thích dừng lại ở những chiếc xe này và mua vài thứ gì đó. Không phải chỉ vì họ bán rẻ hơn dăm ba ngàn so với mấy sạp trong chợ. Mà vì cứ thấy họ gần gũi như anh Tư, anh Tèo, cô Ba, cô Sáu ở chợ quê tôi. Sáu ngàn 1 ký bắp cải. Mua có một cái bảy ngàn rưỡi mà còn bỏ vô túi thêm một mớ hành: “Nêm canh cho ngọt nghen em gái.” Mớ hành này bước thêm vài bước chắc vào mua cũng hết hai ngàn mà đâu có được câu chào với cái cười kèm theo. Vậy nên không còn màng

đến chuyện cân đủ - cân thiếu nữa. Chợ mà. Bên tám lạng, bên nửa cân.

Hôm nay được nghỉ thành ra tôi lười không muốn dậy. Tóc tai thì rối bù, mặt mày thì ngái ngủ, chẳng lẽ lại phóng xuống đường mà kêu “Anh bầu bí ơi”. Thôi, thôi, hãi hùng lắm. Thêm nữa, cũng định hôm nay ăn canh hẹ nấu đậu hủ rồi. Xíu nữa ra chợ mua thêm miếng thịt về kho tiêu ăn với hẹ luộc cho gọn.

Có ngày mua, có ngày không mua nhưng tiếng rao thì không ngày nào không nghe. Nghe riết rồi thành quen. Hôm nào vắng thì cứ thấy thiếu thiếu, cứ riết róng, mong ngóng… Cứ như cái hồi còn nhỏ xíu, trưa nào ông nội cũng đưa võng “ầu ơi, ví dầu”.  Bữa nào nội ra ruộng hay đi đám ở dưới xóm, không có tiếng ơi hời của nội thì y như rằng trở mình liên tục, không sao ngủ được, cứ đợi hoài, trông hoài.

Tiếng rao nơi xa nhắc tôi rất nhiều về những tháng ngày quê cũ, về một sớm mai kia trở về nhà, nghe ngọt lịm lời rao: “Ai xôi đậu xanh, lá cẩm, xôi gấc hông?”; “Ai lá sâm, sương sáo hông?”. Và rồi sẽ theo chân mẹ ra chợ mà nghe thân quen bao tiếng rao mời “Mứt mít, mè xửng nè gái”; “Mày ưa bánh tét chuối phải hông con?”; “Dưa kiệu nè con. Kiệu quế nhà làm ngon lắm.”; “Chèn đét ơi, ngó bây lớn dữ. Đi mua đồ nấu Tết với mẹ hả? Có mua gì thì mua giùm dì nghen con”…

Tiếng rao nào vừa thoáng qua mà xao lòng quá đỗi.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Tố Trinh

Nguồn tin: Văn Nghệ Trẻ số 43