Tết quê ngoại
- Thứ tư - 01/02/2017 20:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hửng nắng, tôi ra vườn của ngoại, trong gió rét miền châu thổ những chồi, lộc các loài cây vẫn nứt vỏ khoe màu xanh bất tử. Những loài hoa mới chúm chím nụ gọi cánh ong bay về trong nắng xuân ấm áp. Bà tôi bảo năm nay nghe tin cháu về, cây chanh đào góc sân đơm hoa, cái cây nhỏ bé bao năm mọc trong chậu cảnh trên sân thượng nhà bác tôi ngoài Hà Nội. Đã bốn năm trời mà nó vẫn còm cõi như một cái cây ớt mới mọc. Vậy mà về với đất quê cây lớn phổng lên, lá xanh mướt. Bà ngoại tôi nhẹ nhàng hái những chiếc lá xanh bóng như mỡ sau cơn mưa bụi, đem rửa sạch với nước giếng rồi thái mỏng như sợi chỉ đem rắc lên đĩa thịt gà ri vừa chặt xếp khum khum. Đến bữa cơm ông ngoại chỉ nhấm nháp cái cổ gà nhỏ xíu, bà ngoại gắp cho tôi miếng lườn thịt nạc thơm nức mũi. Bà bảo đây là bữa cơm ngày ba mươi, tối nay khi có các cậu và bác tôi về nhà mình sẽ mổ mấy chú gà trống thiến béo ngậy. Tôi lon ton chạy theo mẹ ra giếng nước rửa bát, theo bà xuống bếp gói bánh chưng, theo mẹ tôi và các mợ đi chợ chiều cuối năm… Bác thợ nặn tò he trước khi dọn hàng về làng bên còn tặng tôi con tò he mang hình chú lợn béo núc đang cười toét miệng bằng nhúm phẩm màu cắm trên que tre. Tôi mang về không nỡ ăn, đêm tôi mang chú lợn giấu vào chăn vì sợ lũ chuột tìm thấy. Mùi thơm của bột nếp, nụ cười hiền hậu của bác thợ cứ đi vào giấc mơ êm đềm như thế.
Đêm giao thừa, cành lộc đã gác bên cành đào lặng lẽ nở hoa trong khói hương thơm. Đã thưa dần những tiếng chúc tụng xông đất ngoài ngõ, tiếng pháo tét còn râm ran. Tôi nằm nghe tiếng mưa bụi rắc trên mái nhà, thấy như đất trời đang trở mình. Năm mới rồi đó ư? Trong mắt trẻ thơ mọi thứ đều trở nên kì diệu, mái nhà của ngoại như một thế giới nhỏ bé, bình yên vỗ về tâm hồn thơ dại. Nhiều lúc nghĩ lại thời khắc ấy thấy mình cũng tựa như một cái mầm cây bé nhỏ được lớn lên trong mùa xuân quê ngoại.
Ba ngày tết qua nhanh, ông bà ngoại lại tiễn mẹ con tôi đón xe về lại cơ quan của mẹ. Chắc đang công tác ở nước ngoài nhận được thư của mẹ kể về tết này cha tôi cũng vui lắm. Ông bà nội đón tôi về trong nắng xuân khi những bông hoa đào nhà nội đã tàn rơi đầy lối đi, cái đòn gánh treo bánh chưng đã gác lên hàng rào. Bà nội còn dành phần tôi hộp mứt tết có vỏ màu rất đẹp là hình con chim én, chú tễu, cành đào. Tôi giữ chiếc hộp đó rất lâu với ý định sang năm sẽ đem về tặng ông ngoại. Trong chiếc hộp mà tôi đã ăn hết mứt, tôi đặt con lợn bằng bột nếp vào đó và cứ ngỡ những thứ đó sẽ theo tôi đi suốt những tháng năm cuộc đời.Sau này lớn lên tôi mới hiểu, chẳng phải cái tết nào cũng là tết quê ngoại. Cũng như mợ tôi, bác dâu tôi phải đưa cả nhà về sum họp để mái nhà của ông bà ngoại tôi ấm cúng. Tết của đất trời, của những gia đình sum họp cùng “ôn cố, tri tân”, gắn kết bền chặt thêm mối thâm tình gia tộc. Nhưng đâu đó, bên cạnh dòng chảy của người xe về quê cha đất tổ ấy vẫn có những chuyến về ăn tết quê ngoại lặng lẽ. Bởi dù ở đâu cũng là ông bà, họ hàng máu mủ của mình, thân thương và gắn bó.