Niềm im lặng cỏ cây

Niềm im lặng cỏ cây
Mỗi ngày đi làm về ngang ngôi nhà ấy, tôi đều ngước mắt nhìn nó. Đứng lẻ loi bên hông nhà, nó có vẻ cô đơn, lạc lỏng và bị bỏ quên với những quả chín rục nằm bê bết trên mặt sân. Chừng như người ta trồng nó chỉ để che mát. Sau mấy lần con hẻm được nới rộng, khuôn viên ngôi nhà bị thu hẹp, nó càng nhỏ nhoi hơn. Nhưng giống như một người cần mẫn, nó vẫn chăm chỉ ra trái đều đều.

Thật lòng, tôi tiếc đứt ruột khi nhìn trái chín vương vãi rụng đầy đường. Những vết xe thờ ơ cán qua để lại đầy dấu vết. Có lẽ nó là loại khế chua, giống cũ nên chẳng ai quan tâm. Ngay cả việc nhặt trái của nó về chùi lư hay làm mứt ngày tết cũng chẳng ai để ý. Đời sống với những tiện nghi ngày càng nhiều càng thu hẹp sự lợi ích của cây khế. Có chăng chắc cũng chỉ mình tôi ngày hai buổi qua lại nhìn ngắm rồi tiếc ngẩn ngơ khi nhớ câu chuyện cổ tích ngoại hay kể ngày xưa.

Hồi còn nhỏ xíu, má hay hái bông khế chưng đường phèn cho tôi uống mỗi khi bị ho. Những túm bông khế tím mượt má đem chưng cách thủy, cho ra một loại thuốc chữa ho có màu sắc đẹp mê hồn. Ngoại tôi là một "tín đồ" thuốc Nam chính cống nên không dùng thuốc Tây. Hễ bầy trẻ ho hen khi trái gió trở trời, y như rằng không bông khế cũng tần dầy lá, chưng cất lên rồi lấy nước uống. Vậy mà chúng tôi lớn lên lúc nào không hay. Còn ba tôi, mỗi ngày sau những giờ dạy mệt nhọc, luôn được má tôi "tẩm bổ" bằng một chén thuốc vòi voi, cái loại lá màu tím màu xanh khắp nơi trong vườn chỗ nào cũng có. Không biết công hiệu của nó cỡ nào, nhưng chắc chắn ba tôi cảm thấy khỏe hơn khi được chăm sóc ân cần bằng bàn tay yêu thương dịu dàng của má.

Ngày dời chỗ trọ, tôi đi ngang ngôi nhà ấy và tần ngần một lúc lâu. Cái cảm giác mất mát làm tôi thấy nao nao. Càng nao nao hơn khi biết rằng cây khế này của cô gái con bà chủ nhà trồng khi ba cô lâm bệnh phải rời quê lên thành phố để chữa bệnh. "Tội nghiệp, nó nói để ổng đỡ nhớ quê. Vậy mà khi cây khế chưa kịp có trái chiến thì nó mất trước ổng. Thấy cây khế như thấy nó...". Người mẹ kể mà thoáng rưng rưng. Còn tôi, khi không cũng thất chạnh lòng. Cái tình hoài hương của người cha và sự quan tâm tinh tế của người con như một tiếng chuông rớt trên thềm cửa, vọng vào tôi từng nỗi nhớ, quên... Hình như đã lâu tôi chưa về thăm nhà.

Tác giả bài viết: Trịnh Thị Cẩm