Nhớ tết quê xưa

Tháng chạp cuối năm, ba tôi chọn ngày rảnh rang tát đìa bắt cá. Đìa nhỏ, cặp bờ có hàng cây bình bát và khá sâu, xung quanh là ruộng nên mùa nắng thích hợp cho cá đồng trú ngụ. Khuya sớm ba giật máy Kôle chạy tới hừng đông, nước gần cạn thì cùng hai ông hàng xóm tát bằng gàu, thau. Công việc khá nhẹ nhàng, khơi dòng đón tép, cá trằng trước. Cá nghe động sục sạo ngược xuôi tìm chỗ trốn. Cạn nước, ba người dàn ngang mò bắt các loại cá lóc, trê, rô, sặc…, cá lớn để riêng ra. Bọn nhỏ chúng tôi ngồi trên bờ thích thú, chỉ chỏ, kêu lên mỗi khi thấy con cá lóc to bị ngộp phóng lướt trên mặt bùn rồi chúi xuống thật nhanh. Dân cố cựu sống nhiều năm ở ruộng đồng nên hiếm chuyện bỏ sót cá lớn. Đợi mọi người lên hết, bọn tôi thập thò lội xuống bắt những con cá sặc trồi miệng thở phập phồng. Tóm được chú cá bãi trầu màu sắc nào thì lên bờ tìm keo, lọ thả vào để dành nuôi chơi. Lúc sau, ba tôi ra kêu cả đám lên để còn cặm chà, xổ nước vào cho “êm đìa”…
Minh họa: Thanh Sơn

Má tôi lựa một số cá rộng vô khạp để dùng những ngày Tết. Nồi cháo cá vừa chín tới, ba dọn ra tấm đệm góc vườn cùng chai rượu đế Gò Công, nhậu lai rai với các ông hàng xóm. Má tôi đem ra dĩa cá trắng, tép xào sả ớt, tóp mỡ cùng rổ rau thơm. Tôi thấy má cười vui khi nhìn ba gật đầu hài lòng thay cho lời khen. Lòng tôi êm ái với sự thân thương, ấm cúng gia đình…

Những ngày kế tiếp, ngoài giờ học tôi giúp việc dọn dẹp nhà cửa, chùi lư, nhổ mì, gừng cho má làm bánh phồng, làm mứt. Ba tỉa hàng rào, đắp lối đi, chặt các cành tre vươn ra lộ thật gọn ghẽ. Thời gian trôi qua nhanh. Cúng ông Táo ngày 23, bàn thờ trong nhà giản dị mà sáng sủa, tỏ sự tôn kính, trang trọng. Nghỉ Tết, tôi đếm từng ngày và chưa gì đã lo ngày vui qua mau. Trong xóm, vài nhà mổ heo tạ chia thịt bà con ăn Tết, khỏi xuống chợ mua. Nhà nào chưa làm lúa thì cứ tới cân thịt, ra giêng trả chẳng sao. Hồi đó chưa có lệnh cấm đốt pháo. Đêm giao thừa, ba tôi cột một phong pháo vào sào tre, đợi đúng giờ mới đốt. Làng xóm cũng râm ran đốt, tiếng nổ vang báo hiệu thời khắc bước sang năm mới. Ba rót trà, thắp nhang khấn vái điều tốt lành cho tất cả. Giây phút thiêng liêng ấy mới cảm động làm sao. Tôi vừa được một tuổi, thơ ngây ngẫm nghĩ một lúc về chuyện mình đã lớn. Mùng một, ba má tôi đi thăm, chúc Tết vài gia đình thân thiết rồi về nhà đón khách. Ngày này người ta ít đến nhà nhau, chắc do chút ngại ngần, kiêng kỵ. Mấy ông bạn đến, ba tôi pha trà ngon, bánh mứt mời, chuyện trò vui vẻ. Tôi được vài phong bao lì xì cùng lời chúc học hành tấn tới của các bác. Lòng mừng vì được người lớn quan tâm, thương yêu. Cúng rước ông bà, ngoài các món truyền thống, má tôi nấu thêm món canh chua cá lóc. Ngồi vào ăn, buổi đầu tôi cứ gắp thịt kho tàu, trứng, cải chua; buổi sau hơi ngán mới thấy canh chua, cá kho coi bộ… quen miệng hơn. Mùng hai, ba má ra đình thắp nhang, rồi đi thăm viếng bà con, họ hàng. Tôi rủ bạn bè đi bộ xuống chợ Gò Công chơi, xa cỡ 4 cây số. Trên đường, nhà cửa hai bên tươm tất, bông vạn thọ, bông cúc vàng tươi và người qua lại rất đông, ai cũng ăn mặc đẹp, hớn hở nói cười; đúng là vui ngày Tết dân tộc…

Mùng ba cúng kiếu ông bà, má làm thịt con gà tơ, tréo cánh nấu cháo. Ba thắp nhang đứng trước bàn thờ khá lâu, miệng lâm râm lời khấn. Bữa nay nhà nào cũng cúng nên ba tôi để hơi trưa một chút mới mời những người quen thân đến. Ngoài những món ăn mang hương vị truyền thống Tết, ba nướng trui cặp cá lóc cuốn bánh tráng, mắm nêm. Mọi người uống rượu, bàn chuyện thời vụ sản xuất, giỗ chạp, cưới hỏi… để cùng chia sẻ. Tôi có chút buồn vì trông chờ Tết rất lâu, lúc Tết đến thì qua nhanh quá!

Tết quê xưa giờ vẫn còn sắc quê, nhưng tôi cảm nhận như đã phai nhạt đi ít nhiều. Nét mộc mạc, bình dị, cây nhà lá vườn mềm dịu… hình như dần bị lấn át bằng sự học hỏi hiện đại, mới lạ mà thô cứng. Lẽ thường, cuộc sống phải theo cung bậc thời gian, chỉ là chút hoài niệm mà thôi!

Tác giả bài viết: Nguyễn Kim

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 78