Mùa Xuân trở về

VNTG - Chiều ba mươi Tết không có nắng nhưng không khí trong nhà lại tất bật và rạo rực, ấm áp hẳn lên. Cả năm trời gia đình tôi sống xa nhau chỉ dịp Tết là được sum họp đầy đủ nhất. Vậy nên năm nào tôi cũng mong đến Tết. Tết chỉ để được thấy mọi người trong gia đình mình vẫn mạnh khỏe, bình an. Vì vậy, mùa xuân luôn cho tôi cảm giác ấm áp và yêu thương .


Lúc còn nhỏ tôi thường hỏi mẹ, tại sao lại có Tết? Mẹ bảo có Tết để những đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi được mặc quần áo đẹp đi chơi, được nhận bao lì xì. Vậy là tôi đã luôn cố gắng học thật giỏi và mong đến Tết, lúc đó còn chưa biết tính ngày nên cứ lâu lâu lại hỏi mẹ bao giờ thì đến Tết. Ngày ấy gia đình tôi còn nghèo lắm, những ngày giáp Tết khi người ta đã nghỉ làm để lo sắm Tết thì cha mẹ tôi vẫn phải tất tưởi lo kiếm tiền. Cha lên miền ngược hái cam thuê tận chiều tối ba mươi mới về đến nhà. Còn mẹ một mình lo cày cấy vụ xuân nên công việc cứ chất chồng lên. Anh em tôi còn quá nhỏ nên không hiểu hết những vất vả, cực nhọc của cha mẹ, chỉ biết đến Tết là vui lắm. Cha mẹ gom góp chỉ đủ mua cho tôi một chiếc áo hoa và mua cho anh trai tôi một đôi dép quai hậu nhưng với anh em tôi đó là niềm hạnh phúc to lớn. Tưởng như khi ấy anh em tôi là những đứa trẻ sung sướng nhất thế gian. Tối ba mươi gia đình tôi mới được sum họp bên nồi bánh chưng. Buổi sáng mẹ đi làm đã dặn anh em tôi ở nhà rửa lá dong, ngâm gạo nếp và dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho sạch sẽ để đón năm mới. Anh em tôi làm việc đó như một công việc hết sức thiêng liêng và trọng đại. Vì khi ấy chúng tôi nghĩ rằng, chỉ cần làm tốt những công việc này là cha mẹ sẽ nhanh về, và chúng tôi sẽ có một cái Tết thật vui vẻ, ấm cúng. Có lẽ chỉ những ai ở vào hoàn cảnh như chúng tôi mới hiểu được cái cảm giác kỳ diệu như thế nào. Bên nồi bánh chưng sôi lục bục và những câu chuyện của cha tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào. Tôi mơ thấy mình mặc chiếc áo hoa mới đi chơi xuân. Tôi thấy mình là công chúa xinh đẹp đi giữa một rừng hoa khoe sắc. Tôi say mê nhảy múa trong giấc mơ thần tiên cho đến khi được mẹ lay dậy. Đó là khoảnh khắc giao thừa, căn nhà mộc mạc của tôi sáng bừng lên nhờ những ánh nến cha mua từ chiều. Ngày ấy quê tôi chưa có điện chỉ dùng đèn dầu, thế nên có nến thắp trên bàn thờ Tổ tiên và mâm ngũ quả đã là xa xỉ lắm rồi. Sau khi thắp nhang xong cha gọi anh em tôi lại, và lấy trong ví ra hai tờ hai trăm đồng mới nhất lì xì cho anh em tôi và dặn dò sang năm phải ngoan ngoãn và cố gắng học giỏi hơn nữa. Đó là khoảnh khắc anh em tôi mong đợi cả năm trời. Tôi cẩn thận nâng niu, vuốt ve đồng tiền rồi cho vào chiếc túi vải hoa có dây nút mà cô giáo đã dạy tôi may trong giờ học thủ công. Rồi tôi lại thiếp vào giấc ngủ thần tiên, trong giấc ngủ tôi như vẫn chập chờn vui sướng đợi ngày mai được mặc áo mới đi Tết ông bà. Mùi nhang thơm phảng phất yên lành.

Thời gian trôi nhanh, tôi đã đi qua rất nhiều cái Tết như thế. Từ niềm vui đón Tết với áo mới và bao lì xì tôi dần chuyển sang niềm vui đón Tết bởi sự đoàn tụ. Đi qua những mùa xuân, anh em tôi đã lớn lên. Chúng tôi không còn cảm giác chiều ba mươi ngồi bên hiên mong cha mẹ trở về, mà thay vào đó là hình ảnh những chiều ba mươi cha mẹ đợi chúng tôi về từ nơi xa. Nhưng vẫn là cái cảm giác háo hức, rạo rực ấy, tôi bỗng thấy mình như bé lại. Chúng tôi đã biết tự mua cho mình những chiếc áo, đôi dép nhưng vẫn thèm vô cùng được diện đồ mẹ mua để mặc đón Tết. Bây giờ khi anh em tôi trở về cha mẹ đã nấu bánh và dọn nhà chờ đón các con.

Từ nơi sâu thẳm trái tim, tôi vẫn thấy mình là đứa trẻ hạnh phúc nhất bởi mỗi lần trở về vẫn còn được thấy cha mẹ, dẫu bây giờ tóc cha mẹ đã không còn xanh. Khi ấy mọi bon chen, lo lắng của cuộc sống mưu sinh như tan biến, tôi thấy lòng mình nhẹ bẩng, hân hoan và ấm áp vô cùng. Ngoài vườn, cây đào bích đã chúm chím những nụ hồng thắm. Đó đây, thoang thoảng mùi nhang, có lẽ nhà ai đang cúng bữa tất niên. Tâm hồn tôi như đang ngân lên những nốt nhạc xao xuyến của mùa xuân.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Kim Nhung

Nguồn tin: Văn Nghệ Trẻ TG số 43- Xuân 2013