Đi qua mùa cỏ

Trong bóng chiều héo hắt, những vệt khói nhẹ nhàng chui qua kẽ lá phơn phớt sương, lan tỏa lên trời. Ngôi nhà đang nhuốm màu chạng vạng qua ánh lửa treo quanh cái ấm sứt quai. Nước sôi trào từ lúc nào chị không hay, chừng nghe tiếng củi xèo xèo chị mới chợt giựt mình. Tiếng nhắt nhen kêu bên đám cỏ dại gạch một dấu chấm hết vào cuối ngày nghe lạnh. Cái lạnh nhắc một chút sức khỏe đâu đó đang mòn, nhắc một chút thời gian đang mỏi.
Minh họa: Lê Hồng Thái

Tháng chạp như ngắn lại khi những bông cỏ lau bắt đầu tàn và bay đầy trong gió. Ngoài đường đã rộn ràng hơn với những cửa hiệu tràn ngập không khí cuối năm. Chị luẩn quẩn trong nhà với đứa nhỏ, con chó, cái bếp và mớ len vụn. Những lúc rảnh rỗi chị lôi cái khung tranh chữ X ra thêu. Những màu chỉ dắt chị đi qua con rạch phủ đầy bông khế tím. Giờ này ở đó chắc chuối khô đang se mình dưới nắng, tươm mật ngọt ngất trên những chiếc vỉ đan bằng lá dừa nước phơi trước sân. Chị tưởng chừng đang nghe mùi tết thơm thơm từ ánh gừng má đang cho vào cối giã dập, mùi đậu phộng, mùi mè rang thơm phức từ cái chảo gang trên bếp quyện với mùi dừa rám, mùi chuối ngào ngọt lịm ngây ngất từng kẽ răng. Chị thấy mình và thằng út lâu lâu chạy ra chạy vô nhón gót hít hà, thấy chiếc xuồng úp ngược bên bờ mương của ba đang cõng tết về trên từng thân lá mục, thấy cả chút xao xác tuổi xuân trên búi tóc của dì út qua tiếng thở dài giữa đêm.    

Những cái thấy không đầu không đuôi đôi khi bị cắt đứt bởi tiếng trẻ khóc ré, bởi những tiếng ồn xe cộ ngoài đường. Càng có tuổi, chị càng thèm một không gian tĩnh lặng. Để nhiều lúc chị nằm nhớ quê trong tiếng mì gõ, tiếng xúc xắc của  đấm bóp giác hơi, tiếng rao “chưng giò, giò chưng” mơ màng chạy vào trong giấc mơ phố thị. Có những buổi chiều chị theo trẻ thơ thẩn ra khu đất trống, rồi thoáng ngẩn ngơ khi nghe gió chướng đang về. Những cơn gió se se lặng lẽ đi qua dòng người xuôi ngược, có gì đâu sao chị chạnh lòng? Hay bởi chúng làm chị nhớ tiếng guốc lộc cộc của má trong gian bếp nhỏ, nhớ mùi khói từ miểng gáo thơm thơm trên những chiếc bánh tráng bánh phồng má nướng để dành mâm cơm cúng rước ông bà ? Nỗi nhớ băng qua cánh đồng mùa xuân trơ gốc rạ, có dáng má dong dải sải chân, theo sau là đám con nít mặc áo mới vừa đi vừa nghiêng ngó. Nỗi nhớ cũng về đậu trên sân nhà ngoại, có hai hàng mai chạy dài từ ngõ vào nhà. Khoảng sân trước bàn ông thiên, những luống vạn thọ đã được ông ngoại gieo trồng đang khoe áo mới vàng ươm. Bàn tay cần mẫn, đen đúa của ông bà ngoại đã chuẩn bị cho từng mùa đoàn viên, sum họp của gia đình. Mà hồi con nít, có ai thèm để ý điều đó. Chỉ biết tết, về ngoại là tha hồ rong chơi.

Những ký ức đẹp đẽ theo chị đi qua từng mùa mưa nắng xứ người, nơi chỉ thấy tất bật và tất bật. Mỗi lần thấy triều cường là biết thời gian đang vạch lằn ranh vào cuộc sống. Cỏ lau vẫn nhẹ nhàng bay trong gió, vẫn âm thầm vươn lên theo nắng mưa. Bên khu đất trống, những cánh diều đủ màu đang lượn lờ chuẩn bị đón gió mùa giêng. Sao không như cánh diều, vui cho hết một đời và kết thúc theo tuần hoàn tự nhiên của vũ trụ? Để thấy nhẹ lòng trước những phiền muộn riêng tư. Tập đón nhận mọi điều như ý hay bất như ý một cách tự nhiên không kháng cự. Còn nghe tiếng trẻ khóc ré là còn vui. Còn nghe tiếng rao chưng giò, giò chưng… là biết mình còn tồn tại. Và còn đồng hành cùng mùa xuân theo từng cơn gió bâng khuâng.

Tác giả bài viết: Trịnh Thị Cẩm

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 84