Cá trắng miệt vườn

Cá trắng miệt vườn
Khoảng tháng mười một, mười hai trở đi trời se lạnh, mùa hanh khô đến và tự nhiên, đất miệt vườn dễ đi lại rất nhiều, đó cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi ngong ngóng về quê để dự phần vào việc tát đìa. Nhà ngoại miệt vườn, cũng chỉ có một con mương sâu nơi khuất nẻo. Mặt ao thường gợn sóng phô bày đôi chút những gì nó đang ẩn chứa trong làn nước đùng đục giữa các đám chà nhô lên lố nhố giữa lòng mương.
Ngày tát đìa, mọi người chuẩn bị sẵn, rồi khi được lệnh bắt đầu thì đám con nít đã tiên phong băng xuống mương, bất chấp có ai la ó vì cản trở công việc. Tiếp đến, những tấm ván, gàu, thùng, giỏ, nôm... cũng lăng xăng chuyển để người lớn nhanh chóng đắp bờ tát nước.

Từng gàu nước ào ạt đổ, ao cạn dần, đám chà khô đen đúa cũng lộ diện hẳn và sự hào hứng càng lúc càng tăng. Có bóng tôm cá xuất hiện lờ mờ đây đó, thình lình một con lóc phóng vọt nhảy đành đạch khiến mấy đứa nhỏ đứng gần bổ nhào, ngã sóng soài trong bùn kêu la í ới. Rõ ràng bắt cá không dễ chút nào.

Khi nước đã vừa, người lớn lập tức đi rà soát, mò mẫm thu nhặt mọi thứ tôm cá chuyển lên bờ, rồi lại tiếp tục công việc ở khúc mương kế cận.

Bấy giờ, bọn trẻ liền chiếm chỗ ngay để mặc tình quậy phá, nước bùn dậy lên và loài cá nhỏ ngộp thở cứ phải ngoi liên tục lên mặt nước trông thấy mà ham.

Trận chiến trở nên sôi nổi khi mỗi đứa xoay được phương tiện, chực sẵn xúc vào bất cứ cái đầu tép cá nào xuất hiện. Tiếng la hét chụp bắt vang dậy, chẳng mấy chốc bùn thêm đậm đặc. Cá nhỏ thì nhiều vô kể, và vì thế chiếc thùng sắt nổi lềnh bềnh liên tục nhận được vô số chiến lợi phẩm. Ai cũng tìm thấy thắng lợi với đủ loại tép cá thu hoạch to cỡ chừng… đầu mút đũa, gồm lòng tong, bóng trứng, tép rong, tép bầu…

Hì hục hết chỗ nầy sang chỗ khác, buổi tát mương của đám con nít do đó cũng sẽ kéo dài vô tận nếu như người lớn không dọa dùng đến roi mây.

Việc đánh bắt chấm dứt thì mặt mày, mình mẩy ai nấy bùn non, bùn già bê bết. Cái mùi bùn cũng lạ, nó hơi tanh tanh, ngây ngấy nhưng thân thuộc làm sao.

Sau khi tắm rửa, chúng tôi lại bắt tay chọn lọc “cá trắng”, vì trong thùng sắt lẫn lộn vô số tạp chất từ bùn đất đến mọi thứ “thập cẩm” khác. Lựa cá tép là công việc đầy khó khăn vì cần đến sự tỉ mỉ, kiên trì và mất khá lâu mới có thể hoàn thành. Xong việc đã có bà tôi tiếp tay, dùng nước sạch dội đi dội lại, bỏ tất cả những gì không vừa ý mới bắt đầu vào khâu chế biến.

Trong chốc lát, mùi thơm của nồi cá tỏa lên, nhắc nhở món ăn bà đã làm xong rất tuyệt, hương vị đậm đà kích thích bụng đói cồn cào. Tôi nhớ mãi cá trắng hồi ấy kho lá gừng nước dừa thật “hết ý”, thường thêm bánh tráng rau sống chấm mắm nêm ăn hoài không biết chán. Cá trắng át hẳn những con tôm, con cá “chính quy” bày biện trên mâm và không phải chỉ đám trẻ mới nhiệt tình ủng hộ, người lớn cũng không để lỡ dịp, bởi mỗi năm trong nhà cũng chỉ vài lần được thưởng thức mà thôi.

*

Thời gian trôi qua, những cuộc vui ngày thơ ấu lần hồi biến mất và món cá trắng miệt vườn cũng biệt tăm từ lúc nào trong cuộc sống đầy lo toan chốn thị thành, nhưng ngạc nhiên sao, một hôm tôi lại tìm ra được bóng dáng chúng ngay giữa chốn chợ búa đông người.

Chủ nhà hàng sẵn sàng cung cấp thực đơn cho khách với đầy đủ bánh tráng rau sống, chuối khế, mắm nêm.... Chẳng ngờ món ăn quê mùa ngày nào nay đã trở thành đặc sản đáng tự hào đến thế và chúng còn ngự trị trên những bộ chén dĩa sang trọng và đầu bếp cũng chẳng tiếc công bày trí thêm cho thật hấp dẫn. Cá trắng rõ ràng thỏa mãn thực khách từ vị giác đến tính hiếu kỳ, nhưng đây quyết chẳng phải là thứ mà tôi định tìm.

Cũng bởi ở nhà hàng, món ăn quá đầy đủ, cầu kỳ nhằm chiều chuộng khẩu vị thực khách thị thành trong thú vui tìm kiếm hưởng thụ, thì sao có thể so được với món ăn nhà nghèo khá mộc mạc đơn sơ mà bà tôi từng chắt chiu dành cho con cháu.
Còn nhớ, món ăn ngày ấy hỗn tạp đủ thứ cá tép vụn vặt, lẫn mồ hôi, mùi bùn, thêm mớ rau cỏ sơ sài tận dụng... Ấy vậy mà sao thật ngon, cái ngon của một thời thơ ấu luôn đọng mãi lòng mình nỗi ước ao chẳng bao giờ có thể tìm thấy được ở bất cứ nơi đâu.

Tác giả bài viết: Lê Tư