Võ Quang Đảm Nhà giáo mang tâm hồn nghệ sĩ

Sau 30.4.1975, chúng tôi là những chàng trai mới lớn, đầy nhiệt huyết, tham gia phong trào Thanh niên xung kích thuộc đội văn nghệ của Thành Đoàn Mỹ Tho. Lúc ấy, với bộn bề công việc của một đất nước vừa được giải phóng, chúng tôi ôm đàn đến các trường học, phường, xã ở TP Mỹ Tho dạy thanh niên hát những bài ca cách mạng, tạo không khí vui tươi, lạc quan cho tuổi trẻ. Tôi và anh Võ Quang Đảm gặp nhau trong đội văn nghệ và thân nhau từ đó.

Bằng chất giọng khỏe, trầm ấm, anh Võ Quang Đảm là giọng ca chủ lực của đội văn nghệ Thành Đoàn lúc bấy giờ. Với bản tính nhỏ nhẹ và hiền lành, anh thi đậu vào trường Trung học Sư phạm Tiền Giang khoá I năm 1976. Khi tốt nghiệp ra trường, anh được phân công về dạy tại một trường vùng sâu ở xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè. Tuy là giáo viên ở vùng sâu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nghe đến sinh hoạt văn nghệ của ngành giáo dục hay của địa phương là anh tham gia ngay. Chúng tôi lại có dịp gặp nhau trong những lần tập huấn về loại hình Ca khúc Chính trị tại Huyện Đoàn Cái Bè và anh vẫn là giọng ca chủ lực của huyện. Sau đó anh tham gia các lớp bồi dưỡng sáng tác do Hội Văn nghệ, Sở Văn hóa - Thông tin (cũ) tổ chức và Võ Quang Đảm bắt đầu chuyển sang lĩnh vực sáng tác ca khúc. Bài hát đầu tiên của anh đạt giải sáng tác của tỉnh năm 1982, là ca khúc ca ngợi về ngành giáo:“Có phải em là cô giáo, từ thành phố yêu thương, em vui bước lên đường, đi về những trường lớp xa xôi, lòng chan chứa bồi hồi…”(Cho đàn em mai sau).Bài hát này đã tạo được nhiều ấn tượng đẹp trong tôi. Nó là bài hát rất thực của những thầy cô giáo trẻ lúc bấy giờ, tình nguyện đi dạy ở những vùng khó khăn của đất nước. Bài hát này được tôi thu âm nhiều lần đưa lên làn sóng phát thanh của tỉnh.
 

Nhạc sĩ Võ Quang Đảm

Sau một thời gian vất vả cùng những học trò vùng sâu, vùng xa, Võ Quang Đảm được phân công về Mỹ Tho dạy âm nhạc ở các trường: PTCS Phường 4 (nay là trường TH Thủ Khoa Huân), rồi THCS Xuân Diệu, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng tình yêu học trò ở vùng quê nghèo khó, luôn được anh đưa vào tác phẩm của mìnhNhư ánh mặt trời sáng soi niềm hy vọng, tôi đi vun trồng những chồi non tương lai”(Niềm vui người giáo viên).Tôi nhớ những lần đi thực tế cùng anh để sáng tác bài hát cho các ngành trong tỉnh. Những lần thu âm suốt đêm ở phòng thu của đài để phát vào dịp tết, hay những lần thu nhạc ở TP Hồ Chí Minh… Lúc nào anh cũng vui vẻ, hóm hỉnh và hòa đồng với mọi người. Anh không ngại khó khăn để làm tốt công việc, khi thì với vai trò người ca sĩ, khi thì vai trò người nhạc sĩ. Lúc nào cần có một ca khúc mới theo chủ đề để giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình hay cho một chương trình dự thi nào đó, là tôi chạy đến anh, vài ngày sau tôi có được một tác phẩm mới của anh. Phần nhạc của Võ Quang Đảm không cầu kỳ phức tạp, giai điệu bình ổn, ít có biến âm. Cấu trúc các đoạn khá chặt chẽ, anh thường sử dụng thể loại hai hoặc ba đoạn đơn nên dễ hát, dễ nghe. Nhưng phần lời được anh trau chuốt kỹ lưỡng, luôn mang tính văn học cao"Đất nước mình đã đi lên từ gian khó. Cuộc sống nầy còn có bao nỗi lo. Nhưng trong tim vẫn vang lên khúc hát hào hùng. Một thời vang danh Lê Lợi, Quang Trung...”(Tự hào đất nước tôi).Hoặc như một bài hát anh viết về quê hương Tiền Giang với giai điệu ngọt ngào, đậm nét miền Tây Nam bộ"...Về thăm lại Tiền Giang quê hương biết mấy yêu thương… Một miền quê yêu dấu, cánh cò bay trong nắng, bao tình sâu nghĩa nặng cho lòng ta vấn vương...”(Về với quê anh).Vì là giáo viên nên Võ Quang Đảm có khá nhiều ca khúc dành cho những người đứng trên bục giảng như bài hát:Viên phấn trắng, Niềm vui người giáo viên…Tôi còn nhớ cách đây mấy chục năm, trong lần sắp tham dự liên hoan Ca khúc Chính trị toàn quốc ở TP Vinh, anh có đưa tôi xem bài hátBài ca tháng Tưcủa anh, trong đó anh viết: “Một ngày tháng Tư, một ngày vui mở đầu trang sử mới... Cho tôi ca bài ca tháng Tư, trên đất nước của những người anh hùng...”.Tuy là bài hát đơn ca, giai điệu đơn giản nhưng đậm chất hào hùng, vui tươi phấn khởi của ngày 30-4 lịch sử, tôi dựng bài hát ấy và mang lại huy chương vàng. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ bài hát ấy là một trong những bài hát viết về ngày 30-4 hay nhất của anh. Nhưng rất tiếc nó chỉ loanh quanh ở trong tỉnh, chưa có dịp vang xa trên toàn quốc. Võ Quang Đảm còn có một ca khúc khá quen thuộc, với lời hát:“Đây quê hương tôi, mảnh đất bên bờ sông Tiền… Rạch Gầm, Xoài Mút còn lưu danh chiến công vang lừng. Ấp Bắc anh hùng làm rạng rỡ đất Tiền Giang(Tiền Giang khúc hát tự hào). Ca khúc này thường được các đơn vị dàn dựng trong các cuộc hội diễn văn nghệ của tỉnh. Anh còn tham gia viết nhạc hiệu cho cuộc thi Đường đến vinh quang của Đài

PT-TH Tiền Giang được phát sóng mỗi tuần. Ngoài ra, Võ Quang Đảm dành nhiều tình cảm cho thiếu nhi. Các bài hát thiếu nhi của anh được thu âm và phát sóng rộng rãi trên toàn quốc, được các em yêu thích như bài:Mùa Xuân đất nước, Hát về quê hương em, Mùa hè tuổi thơ…

Với sự đóng góp tích cực cho ngành giáo dục và cho phong trào văn nghệ của tỉnh, Võ Quang Đảm vinh dự được trao tặng: Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VH-NT. Nhiều học sinh được anh giảng dạy và hướng dẫn đã trở thành những hạt nhân văn nghệ sau này. Nhưng hãnh diện hơn cả là vào năm 2012 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Sáng tác của anh ngày càng đi vào chiều sâu hơn. Nhắc đến nhà giáo - nhạc sĩ Võ Quang Đảm, Chi hội phó Chi hội âm nhạc tỉnh, thuộc Hội VH-NT Tiền Giang, là nhắc đến những giai điệu trẻ trung, lạc quan, trong sáng. Vào đầu tháng 6 năm 2016, anh lại đạt giải tư về đề tài Nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, với bài hát“Mời về với quê em”. Bài hát có tiết tấu trẻ trung, sôi nổi. Trong đó phần lời hát anh viết:“Về quê em, về miền nông thôn mới, đêm về đông vui bên ánh điện sáng ngời… Đường rộng thênh thang, những ngôi nhà ngói mới dựng xây…”.Bài hát đã động viên kịp thời mọi người đang tích cực xây dựng nông thôn mới, thay đổi bộ mặt ở nông thôn. Nhưng niềm vui lớn nhất của anh có lẽ là sau thời gian dài hoạt động âm nhạc, những đóng góp của anh được xã hội công nhận, nên mới đây Võ Quang Đảm vinh dự được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Điều đó đã mang lại cho anh niềm tự hào và làm anh càng phấn đấu để có những tác phẩm tốt hơn nữa. Tuy hiện nay anh khá bận rộn với cương vị là Phó Chánh văn phòng Sở GD và ĐT tỉnh Tiền Giang, nhưng anh luôn để dành thời gian cho sáng tác, đặc biệt đối tượng anh quan tâm là giới trẻ. Võ Quang Đảm cho biết, anh muốn có những tác phẩm hay để phục vụ cho công chúng, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ cho địa phương.

Tác giả bài viết: Ngô Ngọc Hùng

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 76