Những ca khúc lắng hồn dân tộc của nhạc sĩ Trần Hoàn

Kỷ niệm 10 năm ngày mất cố nhạc sĩ (23/11/2003), gia đình ông gửi đến khán giả những tác phẩm vượt thời gian, gắn bó với nhiều thế hệ người yêu nhạc.

Những video tư liệu về các đêm nhạc tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Trần Hoàn được gia đình ông phục chế và lưu giữ cẩn trọng. Nhiều video vừa được up lên mạng Internet với mong muốn để khán giả có thêm cơ hội tiếp cận với tác phẩm của người nhạc sĩ thế hệ trước. Các video này ghi dấu những dịp quan trọng khi nhiều tên tuổi của làng nhạc Việt như: NSND Lê Dung, Thanh Hoa, Hà Vy, Thái Bảo... thể hiện các nhạc phẩm đi cùng đất nước, trải dài qua bao nhiêu năm tháng vẫn không hề phai nhạt cảm xúc của Trần Hoàn.

Nhạc sĩ Trần Hoàn.

Nhạc sĩ Trần Hoàn.

Đêm nhạc Giao lưu với sinh viên (1995) mang đến một chân dung giản dị, gần gũi của nhạc sĩ. Vào thời kì đó, ông đang giữ chức Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin. Đêm nhạc do VTV thực hiện với sự dẫn dắt của nhà báo Lại Văn Sâm. Nhiều giọng ca gắn liền với tác phẩm của ông như: NSND Lê Dung, NSƯT Thái Bảo, Hà Vy, Trọng Thủy… tham dự vào đêm này. Phong cách giao lưu dí dỏm của nhạc sĩ trong suốt chương trình chinh phục khán giả nhiều độ tuổi.

Đêm nhạc Dấu ấn thời gian (2002) là đêm nhạc cuối cùng của nhạc sĩ trước khi ông qua đời năm 2003. Tham gia đêm nhạc có NSND Quang Thọ và những giọng hát trẻ mà sau này đã trưởng thành dưới sự dẫn dắt của ông như: Anh Thơ, Phương Nga, hay Hồng Vy khi cô là người hát Tiếng đàn trên đường Chín, ca khúc từng được NSND Lê Dung thể hiện trong đêm giao lưu năm 1995.

Nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Văn hóa Thông tin (1928 - 2003). Ông là nhạc sĩ tiên phong của dòng nhạc cách mạng. Những sáng tác của ông phong phú về chủ đề. Từ những ca khúc trữ tình thời kỳ đầu như: Sơn nữ ca, Lời người ra đi ... cho tới những bài hát Lời ru trên nương, Tình ca mùa xuân, Nắng tháng Ba, Một mùa xuân nho nhỏ... Các nhạc phẩm của ông mang đậm chất dân ca và thấm đẫm hồn dân tộc. Tất cả tác phẩm đều cho thấy nét hài hòa, cân bằng giữa con người lãnh đạo và con người nghệ sĩ với chất lãng mạn riêng.

Những tác phẩm của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều khán giả yêu thích, như: Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thăm bến Nhà Rồng... Năm 2003, ông đột ngột qua đời khi đang giữ nhiệm vụ lãnh đạo và xây dựng Đại hội thể thao Đông Nam Á ASEAN 2003, một sự kiện văn hóa thể thao quan trọng lúc bấy giờ.

Tác giả bài viết: Minh Đức

Nguồn tin: VnExpress