Thịt cóc – Dùng thế nào để tránh ngộ độc?

Thịt cóc rất giàu dinh dưỡng nhưng những độc tố ở một số bộ phận cơ thể chúng như nhựa cóc, gan và trứng cóc có thể gây ngộ độc cấp tính, tỉ lệ tử vong rất cao.
Thịt cóc.
Thịt cóc.

Giá trị dinh dưỡng cao….

Cóc là động vật lưỡng cư, thuộc họ Bufonidae có nhiều loài khác nhau, cư trú ở khắp nơi trên thế giới. Thịt cóc rất giàu dinh dưỡng, cao hơn thịt bò, thịt lợn (53,37% protit, 12,66% lipit, rất ít gluxit), đặc biệt có nhiều axít amin cần thiết (Asparagine, Histidine, Tyrosine, Methionine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Tryptophan, Cystein, Threonine..) và nhiều chất vi lượng (Mangan, Kẽm…) được dùng làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa… dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc...

Trong đông y và dân gian, nhựa cóc, gan cóc được sử dụng để chống sưng, tiêu viêm dưới dạng cao, dùng ngoài da (da chưa bị tổn thương) điều trị nhọt độc, đầu đinh, sưng tấy…

Độc tố chỉ có một số bộ phận cơ thể cóc như nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng. Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin gồm nhiều chất như 5-MeO-DMT, Bufagin, Bufotaline, Bufogenine, Bufothionine, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin… Tác động sinh học của độc tố tùy theo cấu trúc hoá học: Bufagin tác động đến tim mạch như nhóm Glycoside tim mạch; Bufotenine gây ảo giác; Serotonin gây hạ huyết áp... Thành phần độc tố thay đổi tuỳ theo loài cóc. Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da bình thường, nhưng gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt, niêm mạc người.

Ăn thịt cóc thế nào để tránh ngộ độc?

Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, Block nhĩ - thất, truỵ tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...

Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả. Cụ thể:

- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.

- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....

- Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...

Cóc với sức khoẻ của con người bên cạnh những lợi ích là những nguy cơ rất lớn đe doạ đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Để dự phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành; nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt mầu đỏ), làm thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.

Nguồn tin: khoahoc.tv