Rượu và những điều cần biết

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số tỉnh, thành trong cả nước như: Sơn La, Hà Giang, Lai Châu... Đặc biệt, vụ ngộ độc tại bản Tả Chải, Ma Ly Chải, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) vào ngày 13-2-2017 làm 38 người nhập viện và đã có 8 người tử vong. Các cơ quan y tế tiến hành lấy mẫu rượu và thực phẩm được dùng trong bữa ăn làm xét nghiệm, kết quả phát hiện vài mẫu đã có hàm lượng Methanol trong rượu vượt nhiều lần mức cho phép.
Rượu là nguyên nhân dẫn đến nhiều tổn thương các cơ quan trong cơ thể.
Rượu là nguyên nhân dẫn đến nhiều tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

RƯỢU VÀ NGUY CƠ NGỘ ĐỘC

Rượu chúng ta uống hằng ngày là gì? Methanol là gì? Rượu hoặc cồn (alcohol) mang nhiều nghĩa khác nhau, với hầu hết những người không có chuyên môn và trong y pháp, từ này đồng nghĩa với Ethanol. Với các nhà hóa học hữu cơ, ruợu là bất kỳ một hợp chất nào có chứa nhóm hydroxyl (OH-) được gắn với nguyên tử carbon dạng béo. Với các nhà độc chất học lại quan tâm đặc biệt với một số loại rượu và có thể phân loại chúng. Tuy nhiên, người dân thường hay uống và bị ngộ độc 2 loại rượu Ethanol và Methanol nhiều nhất.

Ethanol là thành phần của các thức uống có cồn, là dung môi của các dược phẩm, là chất pha loãng trong nhiều sản phẩm gia đình như: Nước súc miệng, nước hoa và những chất chiết suất... 80 - 90% rượu Ethanol uống vào hấp thu tại ruột non, một phần nhỏ hấp thu ở miệng, thực quản và dạ dày. Ở người lớn khỏe mạnh, đỉnh hấp thu xảy ra khoảng 30 - 90 phút sau khi uống. Nồng độ đạt đỉnh Ethanol tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi, giới tính, cân nặng, tiền căn uống Ethanol, tính chất của Ethanol (Ethanol vang hấp thu nhanh hơn Ethanol chưng cất), dạ dày đầy thức ăn, tắc ruột hoặc giảm nhu động ruột sẽ làm chậm sự hấp thu. Ethanol là một chất ức chế thần kinh trung ương, nồng độ tác dụng khác nhau giữa người thường xuyên uống rượu và người không thường xuyên uống rượu, nhưng nói chung nồng độ tương quan với biểu hiện ngộ độc (công thức ước tính nồng độ Ethanol huyết thanh (mg/dL) = (Số lượng rượu uống (ml) x nồng độ rượu uống (%) x 0,8)/ (0,6 x cân nặng bệnh nhân).

Khi uống rượu Ethanol, chúng ta sẽ thấy có các triệu chứng trên 2 cơ quan chính là tiêu hóa và thần kinh trung ương. Triệu chứng tiêu hóa của ngộ độc rượu cấp như: Buồn nôn, nôn ói, đau bụng (trong các trường hợp nghiện rượu, đau bụng có thể do viêm loét dạ dày, loét thực quản, viêm tụy cấp, viêm gan). Triệu chứng thần kinh sẽ trải qua 3 giai đoạn: Kích thích, ức chế, hôn mê. Biểu hiện thần kinh từ rối loạn ức chế - kích thích nghịch thường, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm đến chậm đáp ứng, loạn vận ngôn (nói nhiều, sôi nổi, thích cá cược, hứa hẹn khờ dại, tâm sự, khóc lóc), mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm… và sau cùng là ức chế hô hấp, mất các phản xạ bảo vệ đường thở, giảm thân nhiệt, tiêu tiểu không tự chủ, hạ huyết áp, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong. Ngộ độc Ethanol khi nồng độ Ethanol ≥ 80 - 100 mg/dL và khi nồng độ Ethanol máu hơn 400mg/dL thường gây tử vong.

Methanol là thành phần của xăng dầu, chất chống đông, dầu thơm, gỗ, dung môi sơn, chất tẩy rửa trong gia đình và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Khi uống vào, Methanol được hấp thu nhanh, đạt nồng độ đạt đỉnh trong máu sau 30 - 60 phút, tùy thuộc có sự hiện diện của thức ăn hay không. Ngộ độc Methanol thường có một giai đoạn tiềm ẩn (30 phút đến 72 giờ), trong giai đoạn này không có triệu chứng gì. Sau giai đoạn này là sự phát triển của toan máu và đặc biệt có các triệu chứng về thị giác. Chất chuyển hóa sẽ gây mù (thiếu máu nuôi, tổn thương thần kinh thị giác) co giật hôn mê và toan chuyển hóa. Methanol cũng đã được chứng minh là gây ung thư trên động vật.

Khi uống rượu Methanol, thông tin từ người uống rượu có thể nhận thấy: Ngộ độc Methanol thường xảy ra do uống rượu mà những người nấu rượu đã cho Methanol vào để giảm giá thành; ngộ độc Methanol còn có thể xảy ra qua đường da hoặc qua đường hô hấp. Một dấu hiệu giúp nhận biết ngộ độc Methanol là người uống nhìn thấy trắng mờ, như là đang trong cơn bão tuyết; một số triệu chứng sớm khác là nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, đau bụng dữ dội và mệt mỏi. Nếu không hỏi được bệnh sử uống Methanol, chẩn đoán chính xác giai đoạn đầu sẽ rất khó khăn. Độc tính của Methanol chủ yếu với thần kinh trung ương và mắt. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu não, tụt não. Liều tử vong được xem là khoảng 1 - 2 ml/kg hoặc 80 mg/dl. Bệnh nhân tử vong cũng từng được ghi nhận khi uống chỉ 15ml Methanol 40% (tức là 6g Methanol nguyên chất).

XỬ TRÍ NGỘ ĐỘC RƯỢU

Bị ngộ độc rượu chứa Ethanol và Methanol, từ 12 - 24 giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Ngộ độc rượu Methanol khi nạn nhân bị say dễ gây tử vong nhanh chóng. Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện say rượu, người nhà cần kê gối nằm thấp, đầu hơi nghiêng 1 bên để khi có nôn tránh hít ngược vào phổi, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (nhưng tránh gió lùa). Bệnh nhân nên uống nhiều nước tránh mất nước (uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh, có thể cho uống nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng). Sau 2 - 3 giờ ngủ, người thân có thể lay gọi người say rượu dậy ăn cháo hoặc uống sữa để tránh tình trạng hạ đường huyết, đồng thời kiểm tra được tình trạng say rượu.

Cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu nếu người say rượu khi có các dấu hiệu sau: Nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu, lay gọi không tỉnh sau 2 - 3 giờ, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu, co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái. Tại bệnh viện, tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ tiến hành hồi sức cấp cứu cơ bản (ABC) bao gồm đảm bảo đường thở, thông khí cơ học nếu có suy hô hấp cấp và đặt đường truyền tĩnh mạch để dùng thuốc, truyền dịch, chống co giật, loại bỏ chất độc, rửa dạ dày bằng than hoạt tính hoặc muối kiềm, điều trị biến chứng: Bù dịch, chống hạ đường huyết, chống rối loạn điện giải, xuất huyết tiêu hóa….

CÁCH PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC RƯỢU

Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,05% vì có thể gây mù mắt và tử vong cao. Không uống quá nhiều rượu, bia nồng độ 4%, chỉ nên uống từ 300 - 350ml; rượu nồng độ 11%, có thể uống khoảng 150 - 200ml; rượu màu có mùi, nồng độ 17 - 20% uống khoảng 50ml; rượu trắng nặng, nồng độ 35 - 40%, chỉ nên uống khoảng 25ml. Tuyệt đối không uống rượu dù là uống ít khi rượu không rõ nguồn gốc, khi mệt mỏi hoặc căng thẳng, khi đang đói (nếu không ăn uống đầy đủ, người uống rượu sẽ cạn năng lượng, bị đói rét, dễ bị cảm lạnh và nguy hiểm đến tính mạng), rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Lưu ý, quan niệm uống rượu cho ấm người chỉ đúng khi người uống một lượng rượu vừa đủ cho nhu cầu và đang ở nơi ấm, kín gió và mặc đủ ấm (vì thân nhiệt tăng do rượu nhanh nhưng rất chóng tàn). Khi bệnh nhân uống rượu thường xuyên, dù uống ít hay nhiều, dù xảy ra ngộ độc rượu hay không, hậu quả do rượu rất nặng nề và nguy hiểm: Viêm loét đường tiêu hóa, viêm tụy cấp, viêm gan cấp do rượu, ung thư gan, suy giảm trí tuệ, rối loạn tâm thần, tai nạn giao thông, sinh hoạt xảy ra sau khi uống rượu...

Tác giả bài viết: ĐỖ QUANG THÀNH

Nguồn tin: Ấp Bắc