Quản lý rượu: Còn đó nhiều bất cập

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu liên tục xảy ra trên địa bàn cả nước, gây lo ngại cho nhiều người. Làm sao để thắt chặt công tác quản lý sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rượu với nhiều bất cập trên địa bàn tỉnh là vấn đề đang được đặt ra?
sda
Khi những vụ ngộ độc rượu liên tục xảy ra trên địa bàn cả nước gần đây thì việc siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu là rất cần thiết.

Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 nhằm siết chặt việc sản xuất, kinh doanh rượu. Tuy nhiên qua gần 4 năm thực hiện, tình trạng nấu rượu, bán rượu không phép, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng vẫn tràn lan trên thị thường của tỉnh.

* Vô tư sản xuất, bán rượu không nhãn mác

Có mặt tại các quán ăn, quán nhậu trên địa bàn TP. Mỹ Tho, chúng tôi không khó để kiếm được nhiều loại rượu từ rượu “tự nấu”, rượu “quê” cho đến các loại rượu “bổ” được ngâm từ thuốc hay rắn, chim… Điều đặc biệt ở chỗ, theo quy định, những loại rượu này đều phải dán nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ trên vỏ chai, can nhựa đựng rượu… nhưng tuyệt nhiên không có. Bà N.T. N, chủ quán lẩu bò B.C trên đường Lý Thường Kiệt (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Cũng có nghe là bán rượu phải có nhãn mác. Tuy nhiên, quán lấy hàng trăm lít rượu từ các cơ sở sản xuất rượu khác nhau, nhưng có thấy các cơ sở cung cấp rượu nào dán nhãn mác theo quy định đâu. Để phục vụ nhu cầu của khách, hàng ngày quán vẫn bán vài ba chục lít rượu tự nấu không có nhãn mác là chuyện bình thường”.

hf
Rượu do các hộ dân tự nấu theo phương pháp thủ công, không nhãn mác được bán tràn lan nhưng rất khó kiểm soát.

Còn anh N.V.B, một chủ quán nhậu gần cụm công nghiệp Trung An (TP. Mỹ Tho) cho rằng: “Khách đến quán ăn nhậu chỉ quan tâm đến rượu nào uống vừa khẩu vị và giá bán thế nào, chứ chẳng bao giờ có ai hỏi đến nguồn gốc hay nhãn mác gì của rượu nên chủ quán cũng không cần quan tâm. Rượu của người nào bỏ cho quán bán “chạy” là cứ lấy bán!”

Trong vai một người mua rượu về đãi đám tiệc, chúng tôi dễ dàng mua được từ một vài đến hàng chục lít rượu thủ công, với giá bán từ 15.000 - 30.000 đồng/lít (tùy loại rượu theo người bán giới thiệu) tại bất cứ cửa hàng tạp hóa, cơ sở sản xuất nào ở thành thị hay vùng quê. Tại những nơi này, rượu được mua bán như một mặt hàng nhu yếu phẩm mà không cần phải có giấy phép kinh doanh và đa số là rượu trắng được đựng trong những can, chai nhựa, không hề có nhãn mác, dán tem hay công bố tiêu chuẩn chất lượng. Khi được hỏi về chất lượng rượu, những người bán đều khẳng định, tuy không nhãn mác nhưng là mối quen, vẫn được lò nấu đưa hàng tận nơi, nên người mua cứ yên tâm uống.

Không chỉ những người kinh doanh hàng quán ăn hay buôn bán rượu vô tư mua bán rượu tự nấu không nhãn mác, nguồn gốc theo quy định mà ngay cả bản thân người sản xuất rượu cũng rất thờ ơ khi đề cập tới vấn đề này. Chị Nguyễn Thị Hường, một người có kinh nghiệm nấu rượu lâu năm ở xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) cho biết: “Từ trước đến giờ, tôi chưa nghe bất kì thông tin phản ánh hay tuyên truyền gì về quy định của Nhà nước đối với mặt hàng sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu. Cả tháng tôi mới nấu vài mẻ rượu theo hình thức chưng cất thủ công, mỗi mẻ vài chục lít, chủ yếu bỏ mối cho các mối quen trong xã nên cần chi phải đăng ký hay dán nhãn mác gì cho phiền phức”.

* Công tác quản lý rượu còn nhiều bất cập

Theo Sở Công thương, Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 đã tạo cở sở pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh rượu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị định này trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

 

Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu

Ngày 10-3-2017, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 371/CĐ-TTg gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14-3-2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.

Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định...

Theo Nghị định 94 quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải đáp ứng những điều kiện như: Có giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh; sản xuất phải có đăng ký chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm rượu trong nước và nhập khẩu phải có tem, nhãn trên bao bì; các hộ kinh doanh rượu phải có hợp đồng buôn bán, tiêu thụ rượu… nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ việc sản xuất rượu công nghiệp, thủ công, kinh doanh phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu trên thị trường.

Thế nhưng, theo khảo sát phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hộ nấu rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh vẫn còn rất thờ ơ, thậm chí một số hộ chưa biết đến Nghị định 94/2012/NĐ-CP. Việc nấu rượu các hộ này hoàn toàn theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn ngàn hộ, cơ sở nấu rượu theo phương pháp thủ công nhưng số lượng giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh do Sở Công thương cung cấp thì đến nay toàn tỉnh mới chỉ cấp được 70 giấy phép.

Bên cạnh đó, theo phản ánh từ các hộ sản xuất rượu thủ công, thì bộ thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công còn quá phức tạp, nhiều giấy tờ. Cụ thể hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh gồm: Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, liệt kê tên rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu cá nhân dự kiến sản xuất.

Với quy định trên rất khó buộc các hộ sản xuất rượu thủ công làm đủ các thủ tục để được xin cấp giấy phép sản xuất rượu. Bởi thực tế việc nấu rượu của các hô dân, cơ sở trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, vốn ít, lại không thường xuyên nên rất khó ép buộc họ làm đủ các thủ tục để được xin cấp giấy phép sản xuất rượu. Đây cũng là một trong những khó khăn đối với ngành Công thương trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu.

Có thể nói, Nghị định 94 khó có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vì ra đời từ nhiều năm nay, nhưng việc sản xuất rượu thủ công, kinh doanh rượu không nhãn mác… vẫn cứ công khai hoạt động. Điều này cho thấy những quy trình để nghị định đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều bất cập, từ quản lý, tuyên truyền, thủ tục hành chính... đến xử phạt.

Tác giả bài viết: Hữu Nghị

Nguồn tin: Ấp Bắc