Mang thai hộ: Hy vọng cho người hiếm muộn

Từ ngày 15-3-2015, Nghị định 10/2015/NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành bắt đầu có hiệu lực. Nghị định quy định chi tiết về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Với nghị định này đã đem đến cơ hội làm cha, làm mẹ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn và phụ nữ đơn thân mong muốn có con.

Từ ngày 15-3-2015, Nghị định 10/2015/NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành bắt đầu có hiệu lực. Nghị định quy định chi tiết về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Với nghị định này đã đem đến cơ hội làm cha, làm mẹ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn và phụ nữ đơn thân mong muốn có con.

CẦN LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC NHỜ MANG THAI HỘ?

Hiện nay, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam khoảng 7,7%, nghĩa là cứ 100 cặp vợ chồng thì có gần 8 cặp vợ chồng vô sinh do nguyên nhân bệnh lý hoặc bẩm sinh. Chính vì điều này mà nhu cầu thụ tinh nhân tạo rất cao. Ngoài thụ tinh nhân tạo thì nhu cầu mang thai hộ cũng chính đáng.

Con cái là niềm khát khao của nhiều bậc cha mẹ.
Con cái là niềm khát khao của nhiều bậc cha mẹ.

Để được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.

Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào; bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;

Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định…

Người mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng của người nhờ mang thai hộ, bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật sẽ xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp cần thiết có thể kiểm tra bản chính, yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan, phỏng vấn trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan công an hỗ trợ; đồng thời chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ và về chuyên môn, kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.

THỰC HIỆN KỸ THUẬT Ở ĐÂU?

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như: Cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên; bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi; bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân; bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.

Điều kiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca; chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân.

Theo quy định này thì hiện tại ở Việt Nam có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh.

Sau 1 năm triển khai thực hiện nghị định này, căn cứ vào những quy định trên, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định bổ sung thêm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

CẨN TRỌNG TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH

Nghị định 10/2015/NĐ-CP là hành lang pháp lý tháo gỡ những rắc rối trong việc mang thai hộ. Tuy nhiên, khi quyết định nhờ mang thai hộ, người có nhu cầu cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định, bởi nhiều lý do khác liên quan đến sức khỏe, tài chính và mức độ thành công.

Theo các chuyên gia về sản khoa, tỷ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng của người vợ thấp hoặc người vợ trên 35 tuổi; chi phí điều trị cao; có nhiều khả năng đa thai; trường hợp thai nhi bị dị tật và có thể phải bỏ thai…

Trong thực tế, mang thai hộ có kỹ thuật điều trị đơn giản nhưng phức tạp về mặt pháp lý và xã hội. Dù mang thai hộ là lối mở, cơ hội lớn giúp cho những phụ nữ không may mắn giải tỏa niềm khao khát có con, song những quy định về vấn đề này vẫn còn bất cập. Đó là chưa kể trường hợp tranh chấp trẻ sau khi sinh.

Bởi vì phụ nữ mang thai hộ là người mang nặng đẻ đau nhưng đứa trẻ sinh ra không phải con của mình mà là con của vợ chồng nhờ mang thai hộ. Do đó chắc chắn sẽ xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến đứa trẻ cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, chưa kể tình trạng “lách luật” để thực hiện dịch vụ này...

Một vấn đề nữa xung quanh việc mang thai hộ là vấn đề tâm lý của đứa trẻ sinh ra nhờ kỹ thuật mang thai hộ cũng như tâm lý của người có liên quan.

Tác giả bài viết: Thủy Hà

Nguồn tin: Ấp Bắc