Chủ động phòng ngừa bệnh cúm mùa

Thời điểm giao mùa giữa mùa thu và mùa đông với thời tiết thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và có thể gây dịch trên người. Việc chủ động phòng ngừa bệnh cúm là cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng.
Ảnh: Như Lam
Kiểm tra sức khỏe trẻ tại Khoa cấp cứu nhi bệnh Đa khoa Tiền Giang. Ảnh: Như Lam

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi rút cúm, với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng, dễ biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5 - 10% người lớn và khoảng 20 - 30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250.000 đến 500.000 người tử vong. Còn theo Cục Y tế dự phòng, trong vòng 10 năm gần đây, hàng năm Việt Nam ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.

Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ năm 2006, giám sát viêm đường hô hấp cấp tính nặng từ đầu năm 2016 và xét nghiệm tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm cúm quốc gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Theo Cục Y tế dự phòng, kết quả giám sát trên người tại các điểm giám sát trọng điểm cúm quốc gia trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy chủng vi rút cúm A (H3) là chủng lưu hành chủ yếu (79,9%), tiếp đó là chủng vi rút cúm A (H1N1) là 11% và cúm B là 9,1%. Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

Tiền Giang là điểm giám sát thuộc hệ thống giám sát cúm trọng điểm Quốc gia, thực hiện giám sát cúm trên người tại huyện Cái Bè từ năm 2007 và duy trì đến nay. Qua kết quả giám sát trọng điểm cúm trong 9 tháng của năm 2016 cho thấy, tại Tiền Giang có sự lưu hành chủ yếu của chủng vi rút cúm A (H3) chiếm tỷ lệ 67,4%, chủng vi rút cúm A (H1N1) chiếm tỷ lệ 21,7% và chủng vi rút cúm B chiếm tỷ lệ 10,9%. Kết quả trên cho thấy, Tiền Giang có sự lưu hành cao của chủng cúm A (H1N1) gây dịch trên thế giới và tại Việt Nam vào năm 2009.

Tuy nhiên, bệnh cúm có thể phòng ngừa hiệu quả bằng cách tiêm phòng. Đa số các quốc gia trên thế giới khuyến cáo người dân cần tiêm phòng trong suốt mùa cúm, nhất là đối tượng trẻ em, người già và những người có bệnh mạn tính. Theo WHO, việc tiêm phòng vắc xin đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tử vong do cúm đến 70 - 80% và ngay cả người khỏe mạnh việc tiêm phòng cúm làm giảm 70 - 90% nguy cơ mắc bệnh cúm.

Vắc xin tiêm phòng cúm đã có mặt trên thế giới hơn 60 năm và được chứng minh là rất an toàn. Vì vi rút cúm luôn luôn thay đổi, chính vì vậy hàng năm mạng lưới giám sát về bệnh cúm trên 83 quốc gia của WHO sẽ báo cáo về các chủng vi rút mới và sẽ quyết định chọn ra 3 chủng vi rút cúm nguy hiểm nhất. Từ đó các nhà sản xuất vắc xin sẽ dựa vào khuyến cáo trên để sản xuất ra vắc xin cho mỗi năm.

Để chủ động phòng, chống cúm mùa, ngành Y tế Tiền Giang đề nghị người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

 

Tác giả bài viết: BS LÊ ĐĂNG NGẠN

Nguồn tin: Ấp Bắc