Cây mật gấu - Bài thuốc hay và điều cần lưu ý

Thời gian gần đây, cây mật gấu được nhiều người cho rằng có công dụng trị nhiều bệnh mãn tính hiệu quả. Cây mật gấu nhanh chóng được nhiều gia đình mang về trồng và sử dụng hàng ngày. Công dụng của loài cây này như thế nào? Y sĩ Nguyễn Kim Phượng, Hội Đông y huyện Gò Công Tây cho biết công dụng cũng như những lưu ý khi sử dụng lá cây này.
Cây mật gấu miền Nam đang được trồng và sử dụng làm thuốc tại nhiều gia đình.
Cây mật gấu miền Nam đang được trồng và sử dụng làm thuốc tại nhiều gia đình.

Theo Đông y, cây mật gấu có 2 loại. Cây mật gấu miền Bắc còn gọi là cây Hoàng Liên ô rô, thân thuộc loài thân gỗ, lá hình lông chim viền có tia ra như gai nhọn, hoa mọc thành chùm ở ngọn màu vàng, chỉ dùng được phần thân phơi khô sắc thành lát để ngâm rượu hoặc sắc nước uống. Cây mật gấu đang phổ biến hiện nay là cây mật gấu miền Nam, hay còn gọi là cây lá đắng, kim thất tai. Cây mật gấu miền Nam là loài thảo dược dễ trồng, dễ tìm, thân mềm, nhỏ; lá có màu xanh đậm, hình bầu dục, mép lá có khía và lá cây là bộ phận cây được sử dụng nhiều nhất trong điều trị bệnh.

Lá cây mật gấu có thể ăn được và được dùng trong món xúp và các món ăn ngon khi được chế biến đúng cách. Hoạt chất đắng trong cây rất tốt vì là hỗn hợp của các hoạt chất sinh học gồm: Vitamin (A, C, E, B1, B2), glycoside, saponin, alkaloid và tannin.

Theo một số công trình nghiên cứu trên thế giới và các kết quả đã được ghi nhận, cây mật gấu hay cây lá đắng có các công dụng như: Kiểm soát đường huyết nhờ các hợp chất đắng trong lá nên tốt cho người đái tháo đường; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể; chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng và tả lỵ; hạ sốt và điều trị cảm lạnh tích cực nhờ các hợp chất xanthones, acid phenolic trong lá; điều trị các bệnh qua đường tình dục nhờ tác dụng của các chất chống oxy hóa trong lá; chống giun sán; duy trì sức sống tình dục; giúp nhuận trường và chữa táo bón; chống sốt rét, vì chất đắng trong lá có thể thay thế cho quinine;

Ngoài ra, cây mật gấu còn chữa đau họng, ho, trừ đờm, chỉ cần nhai một lá trước khi đi ngủ vào ban đêm và sáng sớm sẽ thấy giảm các triệu chứng ho; tăng cường khả năng sinh sản, uống nước lá đắng giúp kích thích khả năng sinh sản ở phụ nữ khó sinh, vì các lá có chứa nhiều carotene, giúp cân bằng quá trình tổng hợp các hormon sinh dục nữ và duy trì nồng độ estrogen giúp phụ nữ khỏe mạnh và kéo dài tuổi xuân; chống buồn nôn và tăng cường cảm giác ngon miệng; hỗ trợ điều trị viêm gan siêu vi B và C; tăng tiết sữa cho con bú; hạ cholesterol xấu; tẩy độc cho cơ thể, bảo vệ gan thận; giảm đau và làm êm dịu thần kinh giúp dễ ngủ; chống mẩn ngứa ngoài da…

Nghiên cứu cho thấy công dụng khá tuyệt vời của cây mật gấu, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng loại thảo dược này để trị bệnh và phòng bệnh.

Trong dân gian hiện nay, cây mật gấu chủ yếu được sử dụng dưới dạng phơi khô sắc thuốc Nam uống và sử dụng như lá trà tươi nấu uống hàng ngày. Y sĩ Nguyễn Kim Phượng chia sẻ một số bài thuốc từ cây mật gấu:

Hỗ trợ mát gan, lợi mật, hạ đường huyết, huyết áp cao, giải rượu: Vò 3 - 4 lá mật gấu tươi bỏ vào nước sôi để 30 phút, lấy nước uống hoặc dùng 20g - 30g lá khô sắc uống 3 lần trong ngày, uống nhiều ngày.
Chữa bệnh kiết lỵ, viêm gan, vàng da: Dùng thân, rễ cây mật gấu kết hợp với diệp hạ châu, nhân trần, chi tử mỗi thứ 12 g sắc 3 chén nước còn lại 1 chén uống 2 lần vào sáng và chiều.

Trị đau xương khớp, rối loạn tiêu hóa: Cây mật gấu rửa sạch, chẻ nhỏ phơi khô rửa qua rượu rồi cho vào ngâm rượu 15 ngày.

Điều lưu ý là việc sử dụng Đông dược điều trị bệnh phụ thuộc vào cơ địa mỗi người phù hợp với các hợp chất của thuốc hay không. Vì vậy, khi sử dụng cây mật gấu điều trị bệnh trong thời gian dài cũng cần tìm hiểu rõ hơn về cơ địa người bệnh mà xem xét liều lượng và phối hợp cùng một số dược liệu khác.

Đặc biệt, người có một hoặc nhiều hơn những bệnh kể trên vẫn cần đi khám và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, việc sử dụng cây mật gấu chỉ như một liệu pháp dự phòng hoặc hỗ trợ điều trị với sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Phụ nữ có thai và người có huyết áp thấp thì không nên dùng.

Tác giả bài viết: Mai Hà

Nguồn tin: Ấp Bắc