Cần phát huy lợi thế nguồn dược liệu địa phương

Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có địa hình tương đối bằng phẳng, đất phù sa trung tính dọc sông Tiền chiếm khoảng 53% diện tích toàn tỉnh, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, nhất là nguồn dược liệu phong phú và đa dạng.
Nhân rộng mô hình “Vườn thuốc Nam” ở nhiều nơi trong tỉnh.
Nhân rộng mô hình “Vườn thuốc Nam” ở nhiều nơi trong tỉnh.

NGUỒN LỰC DỒI DÀO

Tại Tiền Giang, cây thuốc được nhân dân trồng ở khắp nơi, lượng thuốc Nam mọc tự nhiên rất nhiều... Đây là nguồn cung cấp dồi dào cho các công ty dược phẩm, các cơ sở sản xuất Đông Nam dược và các phòng chẩn trị y học cổ truyền trong tỉnh, phục vụ cho việc sản xuất thuốc thành phẩm, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong những năm qua, ngành Y tế Tiền Giang đã có nhiều cố gắng, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó công tác phát triển nền Đông y và các hoạt động khám, chữa bệnh Đông y ngày càng được đẩy mạnh, thu hút khoảng 40% tổng số lượt bệnh nhân hằng năm.
Thực hiện Quyết định 2166/QĐ-TTg ngày 30-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, ngày 18-6-2012 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 81/KH-UBND về phát triển y, dược cổ truyền tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và nhiều văn bản liên quan để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có phát triển cây, con làm dược liệu. Ngành Y tế và các cấp Hội Đông y có sự quan tâm, chủ động theo dõi việc trồng và sử dụng các loại cây dược liệu tập trung tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn.

Toàn tỉnh đã trồng 363 vườn thuốc Nam mẫu tại các trạm y tế, trường học, phòng chẩn trị y học cổ truyền và có 40 - 60 loại cây thuốc được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để người dân biết, sử dụng điều trị các bệnh thông thường theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”. Có hơn 200 loại cây thuốc được người dân trồng với trữ lượng lớn, cung cấp cho các cơ sở sản xuất Đông Nam dược trong tỉnh. Đặc biệt, với hiểu biết và kinh nghiệm sử dụng thuốc, phần lớn các vị thuốc mọc hoang dại trong tự nhiên được người dân có ý thức bảo vệ, thu hái có chọn lọc, ít làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, tạo điều kiện cho cây có khả năng tái sinh cao.

Trên địa bàn tỉnh, thuốc Nam sử dụng để điều trị bệnh về cơ bản được đảm bảo chất lượng và được phân phối đến các cơ sở trong, ngoài tỉnh. Số lượng thu hái hằng năm khoảng 4.000 tấn được sử dụng trong khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo, bà con vùng sâu, vùng xa với tổng giá trị trên 12 tỷ đồng.

Về sản xuất, bào chế thuốc thành phẩm, tỉnh có 5 cơ sở sản xuất Đông Nam dược đang được đầu tư trang thiết bị theo Tiêu chuẩn GMP, sản xuất 48 mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành toàn quốc. Hằng năm, các cơ sở này sử dụng khoảng 200 tấn thuốc Nam các loại, kết hợp với thuốc Bắc để bào chế thuốc thành phẩm. Các sản phẩm này đều qua kiểm nghiệm chất lượng, được người dân tin dùng và đã có mặt trên thị trường cả nước. Điển hình như cơ sở sản xuất Đông Nam dược Trung An (TP. Mỹ Tho) được Trung ương Hội Đông y Việt Nam đánh giá cao về công tác bảo tồn, phát triển dược liệu.

CÒN NHỮNG TỒN TẠI

Cùng với những kết quả đạt được, công tác phát triển dược liệu và các hoạt động y dược cổ truyền của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe bằng Đông y và phổ biến những bài thuốc hay, cây thuốc quý chỉ đạt bề rộng mà chưa đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên. Việc bảo tồn, nuôi trồng các loại cây thuốc quý còn hạn chế, chưa có mô hình chiến lược tiên tiến. Mặt khác, trình độ của người làm công tác dược không đồng đều nên việc nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật còn hạn chế; việc thừa kế vốn quý về y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh chưa đạt như mong muốn mặc dù có nhiều tiềm năng. Các cơ sở sản xuất Đông Nam dược của tỉnh còn khó khăn về kinh phí, chưa có định hướng chiến lược về vùng trồng và sử dụng các dược liệu nên khó khăn trong quá trình phấn đấu đạt tiêu chuẩn GMP trong sản xuất thuốc.

Theo lãnh dạo UBND tỉnh, để phát triển ngành dược liệu, tỉnh Tiền Giang đề xuất trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông nhằm giới thiệu về tiềm năng, mô hình nuôi trồng, phát triển dược liệu tại các địa phương để trao đổi dược liệu, tạo thêm niềm tin trong cộng đồng về việc chăm sóc sức khỏe bằng Đông y. Xây dựng cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, nguồn vốn… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng và phát triển dược liệu.

Xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc, nhất là đối với các loài dược liệu trong quy hoạch, gắn liền với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người trồng. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở sản xuất Đông dược phát triển kinh doanh, thúc đẩy thị trường tiêu dùng thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu. Ưu tiên sử dụng thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập, trong đấu thầu mua thuốc và dược liệu.

Quan tâm kiểm soát chất lượng, quản lý chặt chẽ nguồn dược liệu nhập khẩu, dược liệu trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác dược liệu, có chính sách thu hút và phát huy nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và sử dụng dược liệu.

Tác giả bài viết: Thủy Hà

Nguồn tin: Ấp Bắc