Tản mạn về khói

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Nó được về quê giữa mùa đốt đồng. Những ụ rơm cao ngất, lửa ún vào sâu tận bên trong và làn khói bay lảng vảng ướp hương vào từng thớ thịt của đất trời khiến nó thấy lòng mình thanh thản lạ lùng.
Bất chợt nó nhớ đến những đợt khói mù mịt của những lần ùn tắc giao thông. Giờ tan tầm, phố thị nóng lên vì khói, khói làm người ta căng thẳng và mệt mỏi. Người ta sợ khói thị thành nên phải mang khẩu trang kín mít mỗi khi ra đường. Vậy mà người ta vẫn cứ đổ xô trên những con đường đầy khói bụi bởi cuộc mưu sinh…
Rồi khói của những hố chôn gia cầm bị dịch H5N1 ở rải rác khắp các thôn quê, gà vịt bị bỏ vào bao rồi ném xuống hố, lúc thì đốt, lúc thì chôn… Khói ấy ươm vị của bệnh tật, ươm vị quặn thắt của nỗi lòng người nông dân nghèo quê nó. Dịch bệnh đến phải mạnh tay dập dịch, chủ trương là đúng, nhưng hôm ấy, cũng là lúc nó về quê, thấy trên khóe mắt của ông Tư cạnh nhà nội mấy giọt nước mắt. Cuộc mưu sinh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đã thân quen với bầy gia cầm, nay đành nheo mắt nhìn chúng bị chết cháy, khói lên ngùn ngụt, giữa nắng chiều gay gắt, ông lão ấy đã… rơi nước mắt.
Và còn những ngọn khói của những chiếc lư đồng to lớn người ta đặt giữa chùa hay nghĩa trang liệt sĩ… Năm rồi, nó theo mẹ lên chùa, thấy mọi người thắp nhang khói bay nghi ngút. Khói như chở những ước mong, những khấn nguyện của con người về nơi xứ tịnh. Chẳng biết khói nhang có chuyển được nỗi lòng hay không, hay đó chính là nét văn hóa của người Á Đông, một làn khói nhang thắp lên bàn thờ mỗi khuya cũng đủ làm cho lòng người ấm lại. Hay sâu thẳm hơn là cả một mối quan hệ tốt đẹp mà thầm lặng của lòng biết ơn và sự tưởng nhớ những người đã khuất… Nhưng dù sao, khói nhang vẫn luôn linh thiêng, vẫn là con thuyền chở những lo toan, chở những nghĩ suy thầm kín nhất của con người về tổ tiên, hay về một đấng quyền năng để lòng người có đôi phần nhẹ hơn, bình an hơn giữa cuộc sống bộn bề.
Đầu năm lớp 10, nó được đi cùng lớp lên Nghĩa trang liệt sĩ quét dọn, làm cỏ. Nó gặp một cụ già, đến thắp nhang bên mộ con trai… Khói bay nghi ngút, mắt bà hoe hoe đỏ. Khói bây giờ trở thành cầu nối chở nỗi nhớ thương của lòng mẹ gửi đến con. Khói tỏa trong chiều nghĩa trang vinh danh những con người đã ngã xuống vì Tổ quốc!
Và bây giờ nó đang đứng giữa ruộng đồng bát ngát ngắm nhìn từng ụ rơm thay nhau tỏa khói. Nó ở thành phố nên chẳng biết gì về chuyện ruộng rẫy, nhưng nó yêu nụ cười của bác nông dân khi ngắm lúa kết hạt no tròn, yêu giọt mồ hôi của dì Năm, dì Bảy giữa ngày nắng chang chang ra đồng giậm lúa, yêu những thửa mạ non xanh thẳm… và giờ đây là yêu khói, yêu những làn khói bắt đầu trải rộng ra khắp cánh đồng, rồi từ từ bay lên cao, lên cao mãi. Khói của ruộng đồng cũng hiền và chân chất như rơm rạ, khói không bay lên đến trời mà ở quẩn quanh bên ngàn cây nội cỏ, như lưu luyến mặt đất, luyến lưu cánh đồng. Khói không thống trị mà ôm ấp, nâng niu, ướp hương cho từng lá cây, từng giọt nước, từng bông lúa, từng lá cỏ … Khói là linh hồn của lúa, hồn của đất quê, là vong linh của vụ mùa. Nó đến bên bờ ruộng, ngắt nhẹ một lá lúa, rồi bước gần ụ rơm đang tỏa khói, cầm một sợi rơm khô. Nó tự nhủ rồi tới lúc lúa sẽ thành rơm, và chính rơm rạ lại làm mỡ màu cho đất, cho cây lúa sanh sôi. Lúa và rơm rạ cũng chỉ là một… Cây lúa có mặt trong rơm , và rơm có mặt trong cây lúa.
Nó hít một hơi thật sâu mùi của khói đốt đồng, nhẹ nhàng và thanh khiết, nghe như  trong khói có mùi thơm của cỏ, của nắng, của những giọt mồ hôi cần lao, mùi ngai ngái của sình lầy, của những cơn mưa dầm… Tất cả mọi thứ của quê nhà như tập trung trong những sợi khói mảnh mai nầy…
Nó xa quê đã bao năm, đã quên đi mùi khói giữa những lo toan, bề bộn thị thành. Chợt ngày kia bất chợt xe bị hỏng, nó phải đạp xe giữa  cơn mưa. Nó bực bội vì cơn mưa kéo đến không đúng lúc, vì công việc phải trễ nãi, nhưng rồi cái mát lành của những hạt mưa đã làm dịu đi nỗi tức giận trong nó. Nó chạy dưới mưa, cảm nhận những giọt nước mát lạnh rơi trên mặt, rơi trên đất, mang đến cho cỏ cây, hoa lá sức sống tràn đầy. Và bất chợt nó nghe thấy như có mùi hương của khói đốt đồng... như thể những làn khói quê nhà đã theo cơn mưa chiều bay đến nơi nầy…

Tác giả bài viết: Cao Ngọc Hồng Ân

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ TG số 30