Một sáng có sương mù

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Mỗi buổi sáng, tôi đạp xe qua hai con dốc để đến trường. Con đường dài nhưng quen thuộc lắm. Tôi nhớ rất rõ, cuối con dốc thứ nhất, sau khúc quanh là ngôi nhà màu trắng. Đó là một căn biệt thự lớn cổ xưa nằm trên một rặng đồi thấp, dưới tàn thông xanh mướt. Căn nhà được ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi bờ tường rêu cũ kỹ và đôi cánh cổng gỗ lúc nào cũng khép chặt. Có lẽ ngoài cái màu trắng tinh khiết đến lạnh lùng, ngôi nhà cũng bình thường như bao nơi trên phố núi này nên không thu hút được sự chú ý của bất kỳ ai, kể cả tôi- một con bé lắm điều và hay ngó nghiêng quan sát.
Một buổi sáng mù sương. Sương bồng bềnh trên những rặng thông, trên các lối đi và dày hơn ở những khúc quanh. Sương che mờ những ngôi nhà ven đường, mờ cả mặt người. Tôi đi học sớm hơn thường lệ. Căn nhà nơi khúc quanh cũng chìm khuất trong không gian mờ mịt ấy. Gió lạnh thốc vào mặt. Tôi dừng lại, quấn chặt khăn len quanh cổ. Đột nhiên, tôi nghe đâu đó trong hơi sương tiếng đàn piano dìu dặt. Tôi bắt đầu chú ý đến điệu nhạc. Buồn lắm. Buổi sáng như loãng ra. Lạnh buốt.

Những buổi sáng có sương mù khi thưa, khi dày liên tiếp trôi qua. Tôi nhận ra mình cũng thôi không còn hờ hững mỗi khi đi qua bờ tường rêu cũ kỹ. Bắt đầu quan sát và chờ đợi tiếng đàn như một thói quen, tôi thấy mình như mê muội trước những thanh âm trong trẻo nhưng buồn đến nao lòng. Tiếng đàn kỳ lạ bắt đầu theo tôi vào cả những giấc mơ, để rồi mỗi sáng, tôi thảng thốt ngồi dậy khi đồng hồ báo thức chưa kịp làm nhiệm vụ của nó. Giấc mơ tôi có những buổi sáng đẫm sương, có người nghệ sĩ ngồi bên khung cửa sổ, im lặng và mê mải với những thanh âm. Rồi những ngày nắng ấm, căn nhà và tiếng đàn đột ngột mất đi như thể chưa từng tồn tại. Và, tôi đứng bên bờ tường rêu cũ kỹ, chờ mãi tiếng piano dịu dàng cho đến lúc đêm tàn. Cho đến khi mặt trời lên, tôi mải một kiếm tìm vẫn không sao gặp được căn nhà có sắc màu tinh khiết cũng như thứ âm thanh đã làm tôi mê muội nhiều đêm những giấc mơ như vậy thường đánh thức tôi lúc ngày chưa rạng.

Đi học sớm hơn thường lệ, tôi bắt đầu trở nên khó hiểu, mơ mộng, lặng lẽ và đôi khi hay cáu gắt. Ban đầu, tôi phải học cách bỏ qua những cái nhìn khó hiểu lẫn tò mò của mọi người. Nhưng may mắn vì tôi đang mười bảy. Mười bảy tuổi, sự thay đổi là bình thường đối với mọi đứa con gái nên mọi người có thể không lấy làm phiền, cũng không hỏi han nhiều quá mức. Điều đó làm tôi dễ chịu.

Những ngày đầu của lớp 12, bài vở không nặng nề như tôi tưởng. Nhưng những giấc ngủ không tròn trịa bởi ám ảnh không đâu khiến tôi mệt mỏi. Trong những ngày lạnh và mệt, cà phê là một giải pháp hữu hiệu. Tôi chọn quán cà phê trên đồi. Những buổi sáng không phải đến trường, tôi vùi mình ở một góc vắng của quán với tập, sách. Thỉnh thoảng có cả giấy vẽ và cọ màu. Những bất ổn trong tôi không vơi nhưng cũng lắng dần.

*

Sáng chủ nhật nhiều sương. Tôi lại tìm lên góc khuất quen thuộc. Kỳ thi học kỳ căng thẳng vừa qua, tôi cho phép mình được nghỉ ngơi đôi chút nên không mang theo sách bút. Tách cà phê chưa hết ấm, tôi chợt giật mình run rẩy bởi thanh âm quen thuộc. Buổi sáng lại loãng ra. Lạnh buốt. Hồi hộp đến mức đánh đổ cả cốc cà phê, tôi rón rén bước đến gần sân khấu. Người nhạc sĩ độc tấu bản nhạc đang say sưa với những phím đàn mà không biết có người đang nhìn trộm. Còn tôi, con bé ngốc nghếch vừa qua sinh nhật mười tám được vài tuần thì đứng chôn chân tại chỗ, say sưa ngắm gương mặt đẹp như tranh vẽ của anh và biết rằng, những bất ổn lại quay về.

Bản nhạc vẫn không dừng. Anh nhìn khắp quán và khẽ mỉm cười. Tôi thoáng bối rối khi ánh mắt anh lướt qua mình. Chỉ một khoảnh khắc thôi, trái tim tôi như ngừng đập. Tôi không biết mình đã đứng chôn chân ở đấy bao lâu, cho đến khi tiếng đàn im hẳn, trả lại không gian bình thường. Cũng từ đó, trong giấc mơ tôi anh thường xuất hiện. Trong mơ, tôi và anh hay đi lướt qua nhau. Chỉ lướt qua thôi, chứ tuyệt nhiên không một lời chào hỏi, thậm chí không có cả một nụ cười.

Những chủ nhật tiếp theo, dù tôi cố chờ, anh đã không xuất hiện. Nhưng tôi vẫn nuôi nấng niềm tin có ngày sẽ gặp lại anh, trong một dịp tình cờ nào, dù tôi biết rằng đó là buổi duy nhất anh chơi đàn tại đây, để cầu hôn người bạn gái anh từng theo đuổi.

*

Đăng ký học đàn, với suy nghĩ viễn vông điều ấy sẽ đưa tôi đến gần anh hơn, thời khóa biểu của tôi dày thêm. Những buổi học ở trường, học vẽ, học nhạc cứ xoắn lấy nhau. Hai mươi bốn tiếng trở nên quá ngắn ngủi. Tôi bắt đầu mệt mỏi nhưng vui vẻ với những dự định mới. Rút ngắn giấc ngủ lại, tôi mải miết tập đàn. Cây ghi-ta gần tôi nhiều hơn bất kỳ thứ gì trong cuộc sống. Có nhiều lúc, tôi tập đến mười ngón tay đau buốt, không thể cầm cọ vẽ. Những gam màu trong bài học của tôi ở lớp vẽ mỗi chiều cũng thay đổi. Tranh tôi vẽ nhuốm màu những buổi sáng mùa đông xám xịt, đầy mù sương. Tôi thanh minh cho sự thay đổi của mình trước ông thầy dạy vẽ nghiêm khắc bằng nhiều lý do. Những lần như vậy, ông nhìn tôi, lắc đầu... Ánh mắt thất vọng của người thầy dạy mình suốt bảy năm khiến tôi cảm thấy bứt rứt không yên. Những tối tiếp theo, thay vì ôm đàn, tôi đi ngủ sớm. Và chiều hôm sau, tôi thay màu nâu xám trên khung tranh bằng một gam màu tươi sáng hơn. Thầy không nói gì. Rất lâu sau nụ cười mới trở lại với ông.

Tôi đậu đại học đúng như ước muốn của thầy với tất cả sự cố gắng. Cuộc sống của tôi gắn với cọ màu và giá vẽ nhiều hơn. Sài Gòn đông đúc và náo nhiệt. Tôi bó mình trong những con phố hẹp. Một buổi trưa hè nóng bức, một mình ôm ghi-ta trong căn phòng nhỏ, tôi dạo nên một khúc nhạc không rõ tên, chợt thấy nhớ cao nguyên da diết. Bắt chuyến xe đò muộn, đi hơn mấy trăm cây số, tôi về nhà.

*

Cao nguyên đón tôi bằng tiếng mưa đêm hối hả. Những tàn thông sũng nước run rẩy dưới mưa. Khi đưa tay gõ cửa nhà, tôi mới nhận ra mình thật ngớ ngẩn khi về giữa đêm thế này.

Quả thật, tôi bắt gặp ngay ánh mắt sửng sốt của ba mẹ khi nhìn thấy tôi - khi ấy - run rẩy và nhỏ bé trong bộ đồ sũng nước. Dù đã mỉm cười trấn an rằng mình nhớ nhà quá, nhưng tôi cũng không thoát khỏi nỗi ân hận là mình đã tạo ra quá nhiều nỗi lo không cần thiết. Những câu hỏi dù đã cố khéo léo, nhưng ba mẹ vẫn không che giấu được sự lo lắng của mình. Rồi Nhạn- nhỏ bạn thân gọi điện, thảng thốt lo và vui mừng khi biết tôi đang ở nhà bình an. Khang cũng gọi. Anh không trách, không bày tỏ mình lo lắng như thế nào nhưng nghe giọng nói run run lẫn tiếng thở phào nhẹ nhõm ngay sau khi vừa "alô", tôi không khỏi nao lòng.

*

Sáng, tôi rời khỏi chiếc chăn bông ấm sực, uống vội tách sữa nóng và rời nhà. Tự dưng tôi nhớ tiếng đàn da diết, và cũng nhớ đã lâu lắm rồi mình không qua con đường cũ. Đạp xe lên dốc, tôi dừng lại bên bức tường rêu, ngóng đợi. Không có tiếng đàn nào cả dù sương vẫn bồng bềnh trên những khúc quanh. Ngước nhìn lên đồi, tôi thảng thốt nhận ra căn nhà quen thuộc đã không còn. Trên ngọn đồi thấp là căn biệt thự mới, lộng lẫy và rực rỡ bởi những gam màu nóng hổi. Bờ tường rêu trở nên lạc lõng. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Không gian trở nên lạ lẫm. Tôi xuống dốc trong sương, cảm giác bồng bềnh như đang đi trên những đám mây. Nhiều ngày sau đó, cảm giác bần thần cứ bám lấy tôi, không rời.

*

Trở lại Sài Gòn, tôi không điện thoại, cũng không nhắn tin cho Khang. Tắt hẳn máy để có không gian yên tĩnh, tôi bắt đầu lôi cọ, màu ra vẽ. Trong tâm trí tôi là một khúc quanh, là rặng thông xanh ngát, là căn nhà màu trắng. Hăm hở đưa những nhát cọ màu, tôi hoàn thành bức tranh với tốc độ nhanh nhất có thể. Đến khi cả căn phòng hoàn toàn chìm trong bóng tối, tôi mới buông cọ nằm vật ra giường và thiếp đi trong sự mệt mỏi.

Buổi sáng thức dậy, đầu nặng như búa bổ, muốn nhắm mắt ngủ tiếp nhưng không thể bởi ánh nắng cứ xuyên qua lớp cửa, rọi vào mặt, chói chang. Tôi mở điện thoại theo thói quen và nhận được ngay tiếng chuông đổ dồn. Không thèm nhìn tên người gọi, tôi mệt mỏi tắt máy. Bước đến bức tranh còn dang dở, tôi cầm cọ lên, vẽ tiếp. Trong ký ức tôi bây giờ là mù sương. Một buổi sáng có mù sương và tiếng đàn dìu dặt. Pha thêm ít màu trắng xám, sương mù từ tay tôi bắt đầu loang trên rặng thông, trên mái nhà, quyện vào bờ tường rêu và những khung cửa sổ. Nhưng tôi không sao tìm thấy tiếng đàn dù đã cố lắng nghe. Ngoài kia tiếng xe cộ rì rầm. Tự dưng tôi bật khóc, nức nở. Qua màn nước mắt, tôi thấy bức tranh chỉ còn là một khối trắng nhờ. Tôi thấy mình bị lôi vào trong đám mù sương ấy và cảm thấy sợ, sợ ký ức mình rồi cũng bị mù sương che phủ như chính căn nhà, như chính bản thân tôi, lúc này.

*

Tôi lao ra mở cửa khi có tiếng chuông dồn dập. Trong thời điểm này, tiếng chuông đối với tôi là một chiếc phao cứu sinh - dù người bấm chuông có là ai đi nữa. Thấy Khang, tôi gục ngay vào người anh, khóc nức nở. Anh đứng im lặng, rất lâu. Mãi cho đến khi tôi ngưng hẳn tiếng nấc anh mới dịu dàng dìu tôi vào phòng.

Khang học cùng khoa với tôi. Suốt học kỳ đầu cuả năm I, tôi thường bắt gặp anh nhìn trộm mình. Sang học kỳ II, anh công khai theo đuổi và tôi trở thành bạn gái của anh một năm sau đó. Lúc đầu, tôi kiên quyết không nhận lời Khang vì nghĩ rằng tim mình đã bị lấp đầy bởi một cái gì đó, rất mơ hồ. Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi khi tôi nhận ra, tôi cần anh. Những ngày quen Khang, tôi tuyệt nhiên không cùng anh đến những nơi có đàn piano. Tôi sợ những bất ổn cố nén sẽ lại trỗi dậy. Tôi sẽ lại chạy theo một cái gì đó mơ hồ như thời gian qua mà bỏ quên Khang, dù rằng mỗi tối, khi ôm ghita lòng tôi lại nao nao. Tôi không muốn làm đau anh bởi những điều như thế. Mà tôi cũng muốn cất giữ cho mình những mơ mộng riêng tư.

Khang không hỏi vì sao tôi khóc dù anh biết, rơi nước mắt đối với tôi là một chuyện hiếm hoi. Quen nhau hơn hai năm, anh hiểu rõ bản tính gan lì và ương bướng của một con nhóc không biết dịu dàng là gì như tôi. Hiểu và chấp nhận không điều kiện. Anh luôn để tôi tự nói ra mọi chuyện, khi tôi muốn. Tôi biết, một trong những lý do mình yêu Khang chính là tính cách ấy.

Tôi ngồi lặng lẽ trên sô-pha, tay cầm cốc nước Khang đưa, nhìn anh. Khang đang đứng trước bức tranh. Anh đưa tay chạm vào những mù sương, thở ra nhè nhẹ. Tôi bước đến bên Khang, vòng tay qua anh, mắt không rời khỏi bức tranh. Lần đầu tiên trong đời, tôi hỏi Khang: "Anh… có thích piano không?"

*

Một ngày cuối đông, Khang đưa tôi về cao nguyên. Tối, anh trao cho tôi một vé xem hòa nhạc. Khang bảo sẽ đợi. Một mình tôi bước vào khán phòng rộng sắp kín người và ngồi cho đến khi buổi hòa nhạc kết thúc. Khi những thanh âm quen thuộc trỗi lên, tôi nhìn gương mặt đã ám ảnh trong những giấc mơ của mình nhiều năm về trước rất lâu, và vui mừng vì lòng vẫn yên bình. Để rồi khi người nhạc sĩ có gương mặt đẹp như tranh vẽ bị vây giữa rừng người hâm mộ, tôi lặng lẽ bước về phía Khang. Anh vẫn đợi tôi ở cổng chính.

Buổi tối, Khang đạp xe chở tôi ngang con dốc cũ. Đứng bên bờ tường rêu, Khang vòng tay ôm tôi thật chặt. Trong tiếng gió, tiếng piano năm nào như dìu dặt vang lên trong cái siết tay ấm áp của anh, giữa sương mù.

Tác giả bài viết: Minh Châu

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 31