Lá rụng

MH: Duy Hải

MH: Duy Hải

Đám ồn ào đã hơn ba ngày nay. Ông lão không còn chống gậy đi tới đi lui trong con hẻm nhỏ. Mấy buổi chiều rồi không thấy ông bắc ghế ngồi trước hiên nhà đợi bà ra cùng ăn cơm. Ông nằm đó. Im re. Cờ rũ treo trước nhà. Đám con cháu cùng bà con thân bằng quyến thuộc tập trung về đông đúc, lúi húi vô ra. Đội kèn Tây làm việc liên tục.

Họ chơi mấy bài buồn hiu hắt. Gì mà Ơn nghĩa sinh thành, gì mà Cát bụi… Nhớ là đã nghe mấy bài này trên ti vi hay từ cái đĩa nào đó mà đâu thấy buồn não nề dữ như vầy.

Tới tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được tại sao mà hồi đó, lâu rồi, cách đây cũng hơn chục năm, ông nội tôi lại nói: Đám ma mà có tiếng kèn Tây thì nghe vui tai làm sao đâu á bây.

Hồi ông nội tôi mất, nhà tôi nhớ câu này, cũng rước về đội kèn Tây. Họ cũng chơi mấy bài này. Cũng buồn se sắt. Sau nhiều năm, không còn nhớ được tâm trạng, cảm giác của mình lúc đó nữa. Buồn. Chỉ biết là buồn. Đương nhiên rồi.

Ông nội tôi đi nhẹ nhàng lắm. Mới buổi sáng còn biểu thằng cháu nội trai, đứa cháu ngoại gái đấm lưng. “Kha đấm lưng cho ông nội, con! Tiền, lại đấm lưng cho ông ngoại”. Vậy đó. Đấm lưng xong, ông nội tôi kêu hai đứa cháu ráng học giỏi, lãnh phần thưởng thiệt bự về cho nội, mai mốt lớn phụ cha, phụ mẹ, đừng có làm biếng… Dặn vậy rồi biểu để ông nội nằm ngủ chút. Hai đứa cháu “dạ” rồi láo nháo chơi đằng trước nhà. Trưa bà nội kêu dậy ăn cơm không thấy ơi hời gì hết, cầm tay lay thấy ấm mà ông nội tôi không chịu dậy. Vậy là nằm luôn. Người ông nội ấm hỉn đến tận ngày hôm sau. Mặt hồng hào như người đang ngủ. Ừ thì đúng là ông nội ngủ. Hơn 80 năm trời phải làm lụng từ tay trắng đến tận lúc con cháu đề huề. Nghĩ cũng thấy mệt. Phải để ông nội được nghỉ…

Thằng Kha với con Tiền nước mắt nước mũi tèm lem. “Ông nội ơi! Nội không dẫn con đi bắt ốc về mình luộc ăn nữa hả nội? Ông ngoại ơi! Ông ngoại không bó chổi nữa sao?” Hồi đó lo nước mắt ngắn dài không để ý. Bây giờ nhớ lại thấy sao mà kỳ. Nội mệt nội ngủ mà cứ réo hỏi làm cái nọ, làm cái kia. Bộ không biết mệt sao chứ.

Cha mẹ tôi nói mấy người sống lành, sống có phúc dữ lắm thì mới ra đi nhẹ nhàng làm vậy. Tôi tin. Không hiểu từ bao giờ nhưng tôi tin ở đời có luật nhân – quả. Ở hiền thì sẽ gặp lành, ở ác sẽ gặp ác. Gieo nhân nào sẽ gặt được quả nấy. Xem như sự công bằng của tự nhiên. Tự nhắc mình, tự răn mình sống cho tốt.

Ông lão ở gần chỗ nhà trọ tôi nghe đâu cũng đi rất nhẹ nhàng. Sài Gòn mới hứng mấy cơn mưa gột rửa, chuẩn bị bước vào mùa, ông lão thấy mệt thì nằm nghỉ rồi không dậy nữa. Ông lão nằm đó vài ngày, nhìn con cháu tới lui, chờ mấy đứa cháu ở xa về cho thấy mặt. Đâu để làm gì. Để nhìn mà nhớ. Rồi ông nhắm mắt xuôi tay. Bà lão với đám con cháu khóc ròng.

Biết là quy luật, ai cũng sẽ về với đất, làm sao nắm níu nhưng người thân của mình ra đi sao mà không tiếc nhớ, buồn thương cho được. Như tôi, người dưng nước lã, nghe tin ông lão còn buông tiếng thở dài. Nhớ mới mấy hôm trước, ông lão còn chỉ tay vô nhà, biểu: “Vô. Vô đi.”, vô đánh caro, cờ tướng với mấy đứa con nít, cháu nội, cháu ngoại của ông… Giờ không còn nữa.

Người đi như lá rụng.

Tiếng trống kèn rịp ràng, tiếng khóc rấm rứt, òa òa, tiếng í ới dặn dò “nhớ cái này…, nhớ cái kia…, đừng quên cái nọ…”

Ai cũng sợ lỡ quên điều gì đó thì khó lòng mà “gửi theo”, khó lòng mà “nợ” lại…

Cả con hẻm như bị đóng băng, buồn rượi. Chỉ có tiếng trống kèn, tiếng nhạc tiễn đưa là không dứt. Âu cũng là để an ủi người đi cho yên lòng và xoa dịu người ở lại.

Lá rụng về cội. Nước chảy về nguồn… Con người có cố có ông…

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Tố Trinh

Nguồn tin: VN Trẻ số 41