Câu chuyện đêm giao thừa

VNTG - Cánh cổng tre sơn màu xanh lục, con đường nhỏ dẫn từ cổng vào nhà lát đầy sỏi. Khu vườn được trang trí theo kiểu Nhật Bản, với những hòn đá trắng xám được sắp đặt theo từng cụm, xen lẫn với sắc xanh của cỏ và lá, khiến cho không gian ở đây trở nên thanh thoát, mang đậm dấu ấn phương Đông.
Nằm chính giữa khuôn viên ấy là một ngôi nhà bốn tầng, sơn màu hồng phấn. Vây quanh là một hàng trúc, lá xanh mướt, óng ả. Trước thềm nhà có một hồ nước trong veo. Bèo được thả trôi bên trên. Phía dưới, mấy chú cá chép lờn vờn làm xao động mặt hồ. Tòa biệt thự lộng lẫy ấy chính là nơi mà cô bạn “cộng sự” của tôi đang sống.

- Vào đi Na! Đừng ngại!
Tôi ngập ngừng.
- Hai bác có nhà không?
- Ba mẹ mình chưa về giờ nầy đâu. Na ở đây làm cho xong bài thuyết trình với mình rồi mới được về nha.
Tôi theo Hương vào phòng khách, căn phòng to bằng cả ngôi nhà của tôi. Giữa trần nhà là một chiếc đèn chùm lấp lánh sắc vàng sắc bạc. Ánh sáng được phản chiếu qua những hạt pha lê đủ màu, lung linh. Hai bên tường treo hai bức tranh phong cảnh thiên nhiên. Một bức vẽ cảnh rừng trúc xanh mát, có con suối nhỏ uốn khúc quẩn quanh.  Một bức tranh khác treo ở phía đối diện, vẽ cảnh biển, đặc tả những lớp sóng cuồn cuộn, vỗ vào một tảng đá to, tung bọt trắng xóa. Đó quả thật là hai khung cảnh hoàn toàn tương phản.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế sô-pha màu booc-đô, đặt chiếc ba lô khép nép bên cạnh. Hương bước ra, trên tay là một dĩa trái cây đầy ắp…
oOo
Tôi thì nhút nhát và tự ti, còn Hương lại quá kiêu kì. Sự nhút nhát khiến tôi khó hòa nhập vào những nhóm bạn nhiệt tình và “máu lửa”. Kiểu cách ra vẻ tiểu thư của Hương cũng khiến cô trở nên lạc lõng giữa cái thế giới sinh viên vốn ồn ào và chuộng sự “lăn xả”. Thế nên, ở ngôi trường Nhân văn này, trong khoa Ngữ văn Anh, hai đứa tôi như hai thực thể biệt lập.
Nhưng tôi và Hương đã là "partner" từ đầu năm hai cho đến bây giờ. Tôi nghĩ, có lẽ cả hai sẽ chẳng bao giờ là bạn nếu như "định mệnh" không đẩy chúng tôi vào cùng một lớp, cùng đi học muộn vào ngày đầu tiên của học kì ba. Và... chính vì vậy mà hai tiết Triết học ngày hôm đó, cả hai đứa cùng ngồi bên ngoài lớp học. Hơn một trăm phút “dự thính” ấy là một khoảng thời gian đủ dài để hai đứa con gái "tám" với nhau đủ chuyện trên đời. Chúng tôi cùng thích ăn súp cua, thích uống sinh tố đu đủ và thích đọc tiểu thuyết của Charles Dickens. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để cả hai trở nên "hợp cạ". Đã nhiều lần, sự nhạy bén của Hương và sự kĩ tính của tôi trở nên những công cụ đắc lực để hai đứa cùng "hợp đồng tác chiến", hoàn thành tốt những bài tập được giao. Sáng hôm nay, chúng tôi vừa có một bài thuyết trình thành công rực rỡ.
- Không ngờ tụi mình lại có được kết quả ngoài mong đợi!
- Ừ! 9 điểm cho buổi thảo luận, với một ngày chuẩn bị, đúng là kì tích!
- Ăn mừng nhé Na! - Hương cười tít.
- Ừ! Súp cua! - Tôi hí hửng.
Hương vào garage, dắt ra một chiếc Atila màu hồng, rất điệu. Tôi tròn xoe mắt: “Sao mình ít thấy Hương đi xe này!” - “Bố mẹ muốn mình đi học bằng taxi. Sẽ an toàn hơn. Chán! Chả có cơ hội nào để khoe xe mới. Thôi, cậu lên đi!”. Tôi đội mũ bảo hiểm, nhanh chóng ngồi vào phía sau. Hương rồ ga, chiếc xe phóng vút. Cô nàng tíu tít hát: “Em hai mươi tuổi, em là nắng… Em hai mươi tuổi, em là mây…”. Gương mặt Hương đầy tự tin, nhỏ thật hồn nhiên, đúng thật là như mây, như nắng. Hương đẹp, nét đẹp hiện đại và sành điệu. Gia đình sung túc, được nâng niu, chiều chuộng, có thể vì vậy mà trông nhỏ có vẻ “kiêu kì và tự mãn”, như lời nhận xét của bạn bè… Nhưng với tôi thì Hương rất tốt và dễ thương.
Một chiếc xe hộp màu bạc bóng loáng lướt qua phía bên trái, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Hương lảo đảo tay lái. Tôi suýt ngã. Nước từ vũng lầy giữa đường bắn vào chiếc váy đầm màu xanh ngọc của Hương. Cô nhìn theo chiếc xe, bực bội. Chiếc Mercedes vẫn lao đi, chúng tôi chỉ thoáng thấy trên xe là bóng dáng một người đàn ông luống tuổi, đang quàng vai một người phụ nữ trẻ, âu yếm… Hương đứng lặng sững sờ, chợt dừng xe.
- Cậu có sao không? - Tôi lo lắng hỏi.
- Mình không sao! - Hương đáp bằng giọng như cố trấn tĩnh - Đi ăn nhanh thôi Na, lát về còn đánh máy bài tiểu luận nữa.
Suốt bữa ăn, Hương hầu như không nói. Rõ ràng là nhỏ bạn của tôi đang có chuyện gì đó.
- Cậu thật hạnh phúc! - Tôi lên tiếng, cố ý phá tan đi bầu không khí nặng nề.
- Mình? Hạnh phúc á?
- Ừ! Cả bố và mẹ cậu đều có công ty riêng, làm ăn phát đạt. Nhà cửa thì khang trang. Cậu lại xinh xắn, học giỏi. Tôi nói một cách hồn nhiên.
Hương nhìn tôi, nhướng mày, cười nhạt, rồi lại tiếp tục cúi xuống chén súp cua sắp nguội lạnh. Phản ứng của nhỏ khiến tôi cảm thấy câu nói của mình thật gượng gạo và vô ý vô tứ.
Hình như Hương không thích nhắc đến gia đình. Tôi có cảm giác như bên trong cái vóc dáng thanh mảnh ấy chứa chất rất nhiều tâm sự dồn nén. Nhưng Hương thì có cái gì phải nghĩ suy chứ - Tôi chống cằm tư lự - Nhỏ đâu biết khổ, đâu biết cực, đâu biết khó khăn là như thế nào. Từ bé đã sung sướng thì có lẽ những phút buồn như vậy chỉ thoáng qua, cho cuộc sống thêm chút thi vị
mà thôi.
oOo
Lễ Giáng sinh, Hương mang ra cho tôi xem một hộp quà hình vuông, được trang trí bởi hai nhánh lá ô-liu và vài quả nho tim tím, đính kèm dải ruy băng màu đồng ánh kim lấp lánh. Bên trong, một bộ nữ trang được kết bằng những hạt pha lê trắng, lóng lánh phản chiếu những tia ánh sáng.
- Đây là quà Nô-en của mẹ. Bố tặng mình một bộ váy màu hồng cộng thêm cặp vé búp - phê cao cấp vào đêm giao thừa. Nhưng tối giao thừa cả bố và mẹ đều có hẹn rồi. Hay là cậu đi với mình nhá!
- Mình không đến những chỗ như vậy đâu. Mình không có quần áo đẹp, cũng không biết trang điểm.
- Chẳng sao, cậu có thể dùng đồ trang điểm của mình, mặc váy của mình!
- Nhưng…
- Không nhưng nhị gì nữa! Quyết định vậy đi! - Hương liến thoắng.
- Ừ! Thì để mình chuẩn bị.
Xử lí xong “đống” bài tập Writing cùng nhỏ Hương, tôi trở về nhà. Thật ra, tôi hứa với nhỏ là để cho qua chuyện vậy thôi. Tôi định vài hôm nữa sẽ viện một lí do "đột xuất" để thoái thác. Chứ làm sao tôi có thể tới  đó được. Áo sơ mi, quần tây giản dị, cơm ăn đủ no, ngày tới trường hai buổi, là đã quá sức với gia đình tôi rồi, tìm đâu ra những quần là áo lụa để tiệc tùng đình đám!
Thế nhưng, dẫu sao tôi cũng chỉ là một con bé sắp hai mươi, với đầy ắp những ước mơ. Tiệc búp-phê, với tôi là một “thứ quà” xa xỉ và lạ lẫm nhưng đầy hấp dẫn. Và thật tình, bộ trang sức lấp lánh pha lê, có mơ tôi cũng không dám nghĩ tới. Nó khiến lòng tôi nao nao buồn - một thứ cảm giác lẽ ra không nên có.
Chiếc xe đạp của tôi cọc cạch rẽ vào con ngõ lầy lội và tối tăm - im ắng, nằm giữa thành phố rực rỡ và náo nhiệt. Ở nơi nầy, hàng trăm con người sinh sống và chui rúc trong những căn nhà cấp bốn nhỏ xíu,
tồi tàn.
Ba mẹ vẫn còn thức. Thằng Tin - em tôi - đang cặm cụi bên trang vở, dưới ánh điện tù mù của tuýp đèn huỳnh quang đã cũ. Thấy tôi, thằng em bụm miệng cười khúc khích. Chẳng hiểu nó cười vì cái gì. Tôi lấy tay quẹt lên má - mặt mũi tôi đâu có dính lọ, chỉ có vài giọt mồ hôi lấm tấm do đạp xe một quãng khá dài. Mẹ tôi đang đếm lại mớ tiền lẻ - kết quả của cả một ngày bươn chải bán bưng.
- Về trễ vậy con? - Mẹ lên tiếng.
- Con tới nhà Hương, làm bài tập với nó.
- Ừ! Cơm, mẹ đậy lồng bàn kìa. Có cá kho… À mà con tắm đi rồi ăn cho khỏe!
Tôi đặt ba lô lên bàn học, uể oải. Thằng Tin lại cười “ma giáo”, cảnh báo tôi bằng giọng điệu kẻ cả: “Hai phải coi kĩ coi phải cơm không à nghen!”. Thằng nhóc này là “chuyên gia bày trò”. Tôi liếc nó, rồi khẽ khàng và cẩn trọng giở chiếc lồng bàn lên. Kì thực, bên dưới đó là một gói giấy được gói ghém cẩn thận, không phải là cơm mà cũng chẳng phải cá. Tôi rất đỗi ngạc nhiên: “Đây là gì vậy mẹ?”. Thằng em tôi nhanh nhảu bay đến: “Hai để Tin mở ra xem cái gì ở trổng nha!”. Nó nhanh tay tóm lấy gói quà, thoăn thoắt tháo những lớp băng dính. Tôi “ồ” lên một tiếng: Sau lớp giấy bóng là một bộ váy, màu xanh lam, kiểu dáng đơn giản nhưng rất dễ thương. Bộ váy cổ tròn, tay cánh tiên, chân váy xoè ra như rẽ quạt. Tôi đắn đo:
- Mẹ mua chi vậy mẹ? Nhà mình đâu có tiền...
- Là quà Nô-en, quà năm mới đó con. Lâu rồi, mẹ có sắm gì cho con đâu. Một chút tiền sửa xe của ba, một chút tiền bán xôi của mẹ, thêm một ít trích từ con heo đất của cu Tin… Cả nhà thấy “chị Hai” lớn rồi, phải có quần áo đẹp để còn vui vầy với bạn bè nữa. Con mặc thử đi!
Tôi ướm chiếc váy vào người, xoay một vòng. Thằng Tin thích chí, nhảy cẫng lên: “Chị Hai “cute” quá hén mẹ!”. Mẹ cười: “Là cái gì?”. “Là dễ thương, là đáng yêu đó mẹ”. Ba đang soạn lại đống đồ nghề, ngước lên nhìn tôi, không nói gì, nhưng ánh mắt lại ngập tràn hạnh phúc. Tôi chợt thấy mắt mình nhòa đi…
oOo
Đêm giao thừa. Hương mặc váy hồng bố tặng - bộ váy hơn năm triệu bạc được mang về từ Trung tâm thương mại Now Zone. Nó được thiết kế nhằm làm tăng nét gợi cảm của người thiếu nữ, với chiếc cổ khoét sâu trễ nãi và vòng eo được chít sát sao. Tóc uốn bồng bềnh từng lọn lãng đãng, gương mặt được trang điểm kĩ lưỡng với đôi môi hồng phớt tao nhã và lưỡng quyền được phủ một lớp phấn da cam, dưới chân mang đôi giày gót cao uyển chuyển, điểm xuyết những vòng cổ, vòng tay và hoa tai bằng pha lê lấp lóa, trông Hương lộng lẫy như một cô công chúa.
Tôi khoác lên mình bộ váy xanh mẹ tặng, nền nã và dịu dàng. Tóc chải thẳng, để suôn và không kèm theo một tí chút phấn son hay nữ trang nào cả. Tôi không quen với việc điểm trang. Có lẽ lúc này trông tôi thật nhợt nhạt và khá tự ti. Hương nhận ra điều đó. Ngồi cùng taxi với tôi, cô bạn đề nghị tôi thử thỏi son mới màu cam, rất trẻ trung. Tôi có bôi thử một xíu, nhưng rồi lại vội vàng xóa mất. Hương thở dài: “Na đừng như vậy nữa chứ! Váy của cậu rất đẹp, rất hợp với cậu! Cậu chỉ cần làm cho gương mặt tươi tắn lên một tí. Sẽ khối người mê đấy!” - “Đừng khen! Mình sẽ “chảnh” đó!”. Tôi giả bộ chống nạnh, hinh hỉnh cái mũi lên, cố làm ra vẻ dí dỏm, cho cô bạn thân của mình đừng để ý đến những tiểu tiết khi nãy. Hương cười oà.
Chúng tôi bước vào bữa tiệc buffet ở cái nhà hàng bậc nhất của thành phố. Ở đại sảnh, dưới sàn được trải thảm đỏ. Rượu vang được phục vụ tận tay. Và trên những bàn tiệc sang trọng với lớp khăn trải bàn trắng tinh, là đủ loại thức ăn đắt tiền mà cả nhà tôi chưa bao giờ được nếm. Phía trên trần nhà hàng, một loạt những bóng đèn rực rỡ thay phiên nhau tỏa ra thứ ánh sáng hào nhoáng, lung linh. Trên sân khấu, một ban nhạc được dàn dựng sẵn với đầy đủ các loại nhạc cụ. Còn xung quanh tôi là rất nhiều quí ông, quí bà, quí cô sang cả, xinh đẹp, sực nức mùi nước hoa và đang rôm rả chuyện trò… Tôi thấy mình thật lạc lõng giữa chốn nầy!
- Đừng có căng thẳng như vậy! Cậu ăn chút gì đi! - Dường như đoán biết được tâm trạng của tôi, Hương động viên.
Có vài anh chàng khá điển trai tiến đến gần chỗ tôi và Hương đang đứng. Họ  chào hỏi vài lời xã giao. Tiếng nhạc du dương bắt đầu cất lên từ chiếc vĩ cầm trên vai anh nhạc công cao gầy, hòa với âm thanh trong trẻo của những phím đàn dương cầm đen trắng - một bản hòa tấu khá quen thuộc của Strauss. Một chàng trai lịch sự tới mời Hương khiêu vũ. Cô bạn của tôi nhã nhặn từ chối: “Xin lỗi! Nhưng tụi mình không biết nhảy! Đúng không Na?” - “À! Ừ… ”. “Ồ! Vậy thì tiếc quá”. Cậu bạn cười ngượng, tỏ vẻ thất vọng, tay xoa xoa sau gáy, cáo từ rồi quày quả quay đi.
- Sao Hương không khiêu vũ với anh ta? Cậu nhảy đẹp lắm mà!
- Mình không có tâm trạng để nhảy nhót ở đây nữa.
Hương đăm đăm nhìn một cặp đôi đang say sưa trong điệu Valse êm dịu. Mắt cô bạn nhíu lại, mặt lộ vẻ căng thẳng. “Cậu biết người phụ nữ đó không?”. Tôi nhìn theo hướng mắt của Hương, lắc đầu, làm sao tôi có biết đó là ai, chỉ thấy những bước nhảy của người đó quá uyển chuyển.
- Mẹ mình đấy! - Hương nói, lạnh băng.
Tôi sững sờ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy mẹ Hương. Bà ấy thật đẹp, và trẻ hơn nhiều so với tuổi. Nhìn bà trông lúc nầy, đố ai biết được bà đã ngoại tứ tuần. Bà nhảy với tất cả niềm say mê, đầu tựa vào vai người bạn nhảy một cách tình tứ.
- Mẹ cậu nhảy đẹp quá!
Hương không nói gì. Tôi ngập ngừng.
- Một lát, Hương đưa mình đến chào bác nhá!
Giọng Hương đanh lại.
- Không cần thiết đâu Na.
- …
- Thôi, mình về đi - Hương nói với tôi sau khoảng một vài phút im lặng.
- Sao vậy? Tiệc còn lâu lắm mới kết thúc mà. Cậu nói còn bắn pháo hoa, múa lân nữa, rồi xem ông Thọ lì xì nữa mà.
- Mình xin lỗi, nhưng giờ mình… không muốn ở đây thêm chút nào nữa. Mình thấy hết hứng thú rồi.
- Ừ! Vậy thì về.
oOo
Pháo hoa rực rỡ. Thằng Tin đang chúi mũi vào cái ti vi mười bốn inch cũ kĩ, chờ đợi cái lúc người ta truyền hình trực tiếp bắn pháo hoa. Khi tiếng “bùm bùm” lắng xuống và những tia sáng lấp lóa tan biến, nó quay sang hỏi: “Sao Hai đi ăn tiệc về sớm vậy?”. “Tàn tiệc rồi thì Hai về chớ sao!”. “Chỗ đó đẹp không Hai?”. “Đẹp chớ, sang trọng nữa, đồ ăn rất là ngon”. “Hai sướng quá! Mai mốt, Hai cho Tin đi chung với nghen!”. “Ờ…” - Tôi gật, vẫn biết là mình đang nói dối thằng nhỏ. Vì biết đến bao giờ mới có dịp bước chân vào cái nơi hào nhoáng ấy lần nữa.
Tôi ngồi xuống chiếc giường tre ọp ẹp trong góc tường. Mẹ tôi đang ngả lưng, đọc tờ Phụ nữ cũ mèm từ hồi tháng trước. Mẹ mặc một cái áo màu tím cà, hơi sờn một bên vai. Dưới ánh sáng trắng của tuýp đèn huỳnh quang mà ba mới thay ban sáng, tôi thấy tóc mẹ có quá nhiều sợi bạc, khuôn mặt mẹ khắc khổ, gầy gò. Gần năm mươi rồi, những vất vả đường đời đã bào mòn tuổi thanh xuân của mẹ… Mai là Tết tây, mẹ nghỉ bán một bữa, chứ nếu không thì giờ này bà vẫn đang lò dò ngồi rang đậu phộng hay tỉ mẩn nhặt nhạnh mấy hạt sạn còn sót lại trong rổ nếp để sáng mai kịp nấu nồi xôi. Trên chiếc ghế đẩu cũ kĩ, ba ngồi xem ti vi với thằng Tin. Chốc chốc, ông lại gồng mình lên, ho vài tiếng khô khan. Mấy ngày cuối năm này, khí trời khá là lạnh, ba cứ ho suốt, lại hay bị nhức khớp mỏi vai. Lăn lộn cả một đời trai tráng để mưu sinh, đến từng tuổi này, cái cực, cái khổ như thấm vào từng huyết quản. Mẹ tôi không nói gì, lặng lẽ trở dậy lục tìm chai dầu gió ông Phật, nhẹ nhàng xoa lên lưng ba, rồi choàng thêm cho ông chiếc áo ấm. Ba cũng lặng thinh - ông vốn rất kiệm lời -  khẽ siết lấy tay mẹ tôi như bảo chớ bận lòng - một cử chỉ vô cùng thân thuộc và ấm áp.
Thằng Tin leo lên giường, níu lấy tay tôi, thỏ thẻ: “Em đố Hai chứ ba thương mẹ không?” - “Chỉ được cái hỏi thừa, ba không thương mẹ thì thương ai?” - “Ừa, nhưng mà từ trước tới giờ, ba có nói thương mẹ giống mấy ông ba trong phim Hàn Quốc đâu.” - “Nhóc! Em thật ngốc xít! Đã gọi là tình cảm thì đâu cần phải nói thành lời chứ?”
Thằng em tròn mắt nhìn tôi, vẻ ngu ngơ. Dẫu sao, nó cũng mới lên mười.
Bất chợt, điện thoại rung, tôi bắt máy.
- Cậu còn thức không? - Hương gọi cho tôi, giọng run run.
- Chuyện gì vậy Hương? - Tôi thoáng nghe tiếng cãi vã, tiếng mảnh  vỡ loảng xoảng phía bên kia. - Cậu đang ở đâu? Về nhà chưa?
- Mọi thứ tan nát hết cả rồi, Na ơi!
- Sao…? Cậu nói gì vậy?
Thay cho câu trả lời là tiếng nức nở của Hương.
Linh tính báo tôi biết nhà Hương đang có chuyện.
- Bình tĩnh lại đi, Hương! Chờ mình, mình sẽ đến liền...
Tôi vội vã mặc áo khoác. Mượn chiếc xe cup của ba, tôi rồ máy thật nhanh.
oOo
Cánh cổng tre màu xanh lục vẫn im ỉm đóng. Khu vườn trúc vẫn lặng lẽ. Nhưng từ bên trong, vang lên những âm thanh cuồng nộ, vỡ tan… Tôi nhìn qua khe hở hàng rào, thấy bát đũa, bình hoa, ly tách,… vỡ nát dưới sàn nhà. Bố Hương, mặt đỏ gay, mắt long lên và giọng gầm ghè, quát tháo. Mẹ Hương ngồi thẫn thờ trên ghế sa lông, vẫn như một bà hoàng trong bộ áo dạ hội lóng lánh kim sa. Nhưng trên gương mặt đậm đà son phấn ấy hằn lên rất rõ một vết xước khá dài, rỉ máu.
- Ông xem tôi là cái gì chứ? Tôi vẫn còn sống sờ sờ đây mà ông đã giở trò mèo mả gà đồng như vậy hả? Còn ra thể thống gì nữa?
- Cô nghĩ tôi không biết cái chuyện lấp liếm của cô? Tôi ăn chả thì cô cũng ăn nem thôi. Bạn nhảy của cô… hay là “già nhân ngãi…”? À! Mà cũng chưa chắc gì con Hương là con ruột của tôi nữa kìa. Nếu cảm thấy mệt mỏi vì nhau quá rồi thì li dị đi. Con nhỏ này! Mẹ mày và cả mày nữa, ra khỏi nhà ngay! - Bố Hương quát lên trong cơn say.
Tôi không dám ấn chuông cửa. Tôi bấm số của Hương. Nhỏ tức tốc chạy ra, nước mắt ràn rụa. Lần đầu tiên, tôi thấy Hương khóc.
- Mình không cam tâm!
- Thôi! Hương! Biết làm gì được bây giờ! Chuyện người lớn mà.
oOo
Một giờ đêm. Nhà tôi vẫn còn sáng đèn. Mẹ vẫn đứng tựa vào cửa, chờ tôi. Thằng Tin đang ngồi trong nhà, “hầu cờ” với ba. “Hai về hả mẹ? Có chị nào đi chung nữa vậy?” - Thằng Tin ngước cặp mắt tròn xoe, vẻ quan tâm. “Ờ! Bạn của Hai - chị Hương!” - Tôi đáp, rồi quay sang mẹ - “Ba, mẹ! Hương sẽ ở nhà mình đêm nay, nhà nó có chuyện!”.
- Sao vậy, hai đứa? - Mẹ tôi hỏi bằng một giọng bất an.
- Con kể sau mẹ nhé ! - Tôi ghé tai mẹ, thầm thì.
- Ừ! Vậy hai đứa vô tắm rửa cho khỏe đi con. Bé Hương cứ nghỉ lại nhà cô. 
Hương khẽ “dạ”. Nhỏ mặc quần áo của tôi. Bộ đồ này khiến nhỏ trông giản dị hơn so với thường ngày. Nhỏ gọi cho mẹ mình, bảo bà băng bó vết thương cho kĩ lưỡng, bảo rằng tối nay sẽ ngủ lại nhà tôi, bảo mẹ cứ
yên tâm.
- Nhà mình ngột ngạt và đáng sợ lắm! Cậu hiểu cái cảm giác của một con cá mắc cạn không? Mình giống như vậy đấy! - Hương nói, không nhìn tôi, tay vẫn xoay xoay chiếc điện thoại.
- Người lớn, đôi khi cũng mệt rã rời với những nỗi lo cơm áo, cáu gắt là lẽ đương nhiên. Sẽ qua thôi.
- Nhà mình đâu có thiếu thốn về vật chất. Dư dả nữa là khác, điều đó thúc đẩy mỗi người tìm một nguồn vui khác, bên ngoài.
- Nếu đó chỉ là hiểu lầm thì sao?
- Không lầm đâu. Họ không hề yêu gia đình, và chưa từng thương mình!
- Không thương cậu thì họ kiếm tiền để làm gì? Cậu muốn gì được đó. Người lớn có lỗi với nhau, nhưng họ đâu có lỗi với cậu. Dẫu sao…
- Dẫu sao… mình cũng hơn cả khối người. Cậu vẫn hay nói thế. Mình cũng hiểu điều đó. Nhưng cậu có biết không, nếu có thể, mình sẽ mang tất cả những gì đang có để đổi lấy chỉ một giờ yêu thương như gia đình của cậu đấy!
Hương nhìn thẳng vào tôi, mắt rưng rưng. Tự dưng, tôi thấy lòng mình ngùi ngùi, nghẹn lại. Biết nói gì hơn nữa, biết nói gì với Hương đây?
Bấy lâu nay, tôi luôn nghĩ về cô bạn của mình với những cảm xúc ngưỡng mộ, ganh tị và đôi khi là hậm hực vì sự thiếu thốn của chính mình. Đâu biết rằng những niềm vui bé nhỏ, giản đơn của gia đình tôi lại chính là nỗi khao khát mà Hương không dễ dàng có được. Bấy lâu nay, là bạn, nhưng tôi đã hiểu chút gì về Hương đâu! Cái tôi biết ở nhỏ chỉ là những thứ thuộc về lớp vỏ bọc bên ngoài - sung sướng, kiêu sa, và bình yên - thứ bình yên giả tạo che lấp bên trong nó những cay đắng và chua chát. Tôi đo đếm niềm vui chỉ bằng sự dư thừa hay thiếu hụt về vật chất. Để rồi những khi ngẫm nghĩ một mình, tôi lại thấy tự ti.
Tôi nín lặng. Hương cũng chẳng muốn nói. Nhưng những cảm xúc và nghĩ suy đầy ắp ở trong lòng…
Giao thừa Dương lịch qua từ lâu rồi. Ngoài trời, lất phất mưa phùn. Là mưa xuân -  cơn mưa đầu mùa tinh khiết đủ để làm mát lòng mát dạ đám cỏ cây đương vào độ giao mùa. Mùa đông khép lại, nhưng tuổi hai mươi của chúng tôi chỉ đang bắt đầu cho những chuyến hải hành đầy sóng gió. Ngày mai, một năm mới
lại sang…

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Mộng Tuyền

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ Tiền Giang số 43 -Xuân 2013