Nghệ sĨ Năm Phỉ - Ngôi sao rực sáng trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương

Nghệ  sĨ Năm  Phỉ  - Ngôi sao rực sáng trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương

Nói đến cô Năm Phỉ, nhiều người vẫn còn nhớ mãi… Nhiều ký giả, trang báo đã ghi lại về cô bằng những lời lẽ nhiệt thành.

Ký giả Ngọc Điền trong một bài đã viết như sau:

Người ta vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ có cái dáng mảnh khảnh đài các ấy qua ba vai tuồng thật
đặc sắc:

Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình.
Bàng Quý Phi trong vở Xử án Bàng Quý Phi.
Lan trong vở Lan và Điệp.

Cô Năm Phỉ lại còn thích vai vợ Hà Công Yên trong vở
Tứ đổ tường và có lẽ người nữ nghệ sĩ tài danh ấy thích đứng chung một sân khấu với cô Bảy Phùng Há, ngược lại cô Bảy cũng cảm thấy như thế.

Cả hai người đã trở thành đôi nhân tình nghệ thuật của sân khấu ca kịch Việt Nam.

Sở dĩ chúng tôi nêu qua ba vai tuồng nói trên vì có những đoạn có thể diễn tả một phần nào tài nghệ diễn xuất của cô
Năm Phỉ.

Có đi xem người ta mới có thể nhận thấy đầy đủ tài nghệ. Dùng ngòi bút để ghi lại, chúng tôi e rằng không thể nào diễn đạt hoàn toàn mức độ diễn xuất tuyệt vời ấy.

Nhưng với mục đích đã làm, chúng tôi mong bạn đọc thông cảm và xin nêu lên ba giai đoạn diễn xuất qua các vai tuồng Điêu Thuyền, Bàng Quý Phi, Lan của cô Năm Phỉ.

Vai Bàng Quý Phi lúc xin tội cho cha, với vai tuồng này đã từng nêu cao tên tuổi của cô Năm khi sang Pháp trình diễn. Người ngoại quốc tuy không nghe được lời ca tiếng hát của ta, nhưng nhìn vào cách diễn xuất tuyệt vời của cô Năm Phỉ đều phải khen phục. Hay nhất có lẽ là đoạn Bàng Quý Phi xin với nhà vua Tống Nhân Tôn đừng phê chiếu chỉ, Tống Nhân Tôn đã phải giằng co một bên là mẹ (Địch Thiên Kim) và một bên là vợ (Bàng Quý Phi). Cha của Bàng Quý Phi là Bàng Hồng can tội nặng. Tống Nhân Tôn bị bà Địch thái mẫu thúc giục phê chiếu “tru di tam tộc” dòng họ Bàng. Bàng Quý Phi quỳ mọp dưới chân vua…

Tài nghệ xuất chúng của cô Năm Phỉ được diễn tả qua sắc diện, điệu bộ không thiếu một nét, đã làm rơi nước mắt biết bao khán giả. Xem cô diễn người ta phải tội nghiệp cho Bàng Quý Phi mặc dầu có đoạn làm người ta rất ghét người đàn bà nham hiểm ấy. Khi nghe bà Địch bảo con ra lịnh “tru di tam tộc” dòng họ Bàng, Bàng Quý Phi run rẩy toàn thân từ đầu đến chân cơ hồ như rụng rời, mặt nàng cắt không còn hột máu. Nàng không sợ sao được khi mà cả dòng họ đều phải chịu chết và đặt hy vọng nơi nàng cứu mạng. Nàng thụp ngay xuống đất, lết đến chân vua cầu khẩn, van xin. Đôi mắt nàng, sắc diện nàng tha thiết, làm cho bao dòng lệ phải tuôn rơi trên má người xem. Khán giả đã quá thương yêu Bàng Quý Phi: “Tha đi! Tha đi!...” Những tiếng la bất chợt nổi lên bỗng làm cho những người đang sụt sùi phải… bật cười.

Bài viết của ký giả Thanh Đạm:

Chúng tôi biết cô Năm từ thuở cắp sách đến trường. Cuộc đời học trò với cơm cha áo mẹ làm gì có tiền? Nhưng chúng tôi cũng ráng ky cỏm dành dụm đủ mua cái vé hạng bét nửa phần tiền vào chiều thứ bảy để thưởng thức tài nghệ cô Năm.

Một Bàng Quý Phi xuất sắc!

Ngày trước cô Năm chuyên đóng tuồng Tàu mà đặc sắc nhất là vai Bàng Quý Phi… lúc căm tức khi thấy cô nhõng nhẽo tâu rỗi ám hại trung thần nhưng rồi lại thấy tội nghiệp vô cùng khi nhìn một Bàng Quý Phi cầu khẩn van lơn Địch Thái hậu.

Tôi tưởng chừng có thể nhảy lên sân khấu, giựt bút mực của Tống Nhân Tôn để đừng phê án. Người đẹp như thế này, van lơn cầu khẩn như thế kia, ai đành phê án “tam ban trào điển”…

Nghệ thuật cô Năm Phỉ đã lôi cuốn hầu hết khán giả, nhiều ông già lấy khăn lau nước mắt, lắm bà cụ mếu máo khóc thành tiếng… một đứa trẻ như tôi cũng thấy điếng lòng.

Gây được sự xúc cảm làm cho bao nhiêu người xem phải hồi hộp đau thương, nghệ thuật diễn xuất của cô Năm thật không ai có thể sánh…

Và đến vai Lan…

Quê mùa… chung thủy…

Một thế hệ đã qua… Vở tuồng Xử án Bàng Quý Phi cũng có ít gánh nào đem ra diễn nữa và cô Năm Phỉ đã trở thành bất hủ với vai Bàng Quý Phi.

Theo bước tiến thời gian…

Tuồng xã hội và nhiều loại khác ra đời, cô Năm Phỉ đã đóng nhiều vai nhưng mà vai cô Năm thích nhất là Lan trong tuồng Lan và Điệp.

Mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của Lan, người ta cơ tưởng đấy là cô gái quê thật sự, những cái ngẩn ngơ, những câu hỏi ngây thơ, không giả tạo… khiến cho người xem quên phứt đây là một cô Lan trên sân khấu.

Chính sự tự nhiên đặc biệt và chỉ riêng cô Năm Phỉ mới có làm cho cô nổi danh nhất trong vai Lan và khiến cho vai này cơ hồ như là độc quyền của cô Năm Phỉ.

Cô Năm đã dẫn dắt người xem theo dõi vai tuồng qua nhiều giai đoạn… Từ sự trìu mến cô gái ngây thơ trong mối tình đầu, đến xót xa cho số phận ngang trái bẽ bàng và cảm xúc ở phút cuối cùng mà Lan gánh chịu, khi quy y cửa phật lúc từ giã cõi đời trên tay người tình
muôn thuở.

Đã có nhiều người…

Xem vở tuồng Lan và Điệp trình diễn trên nhiều sân khấu… vai Lan đã qua nhiều nữ nghệ sĩ tài hoa đảm nhận, nhưng hình như chưa ai làm cho khán giả quên được cô Năm Phỉ!

Tôi đã có dịp xem vở tuồng này qua các sân khấu, tôi lại có dịp tìm hiểu được nhận xét của khán giả nhiều nơi và như đã nói: Cô Năm đã thành cô đào bất hủ trong vai Lan…

Tạo được một sự nghiệp, một thanh danh đã là khó mà còn khó hơn nữa là giữ được trường tồn tên tuổi, sự nghiệp ấy...

Ký giả Việt Hồng Nhân:

Nhìn người nay… bỗng nhớ người xưa…

Mỗi lần đem những đĩa hát cũ loại Bêka và patê ra hát lại đặng nghe giọng ca trầm bổng của những nghệ sĩ sân khấu cải lương cựu trào từ thời thầy Năm Tú, Văn Hí Ban, Phước Cương v.v… thì cả gia đình tôi đều im lặng lắng nghe vì chúng tôi bao giờ cũng ái mộ điệu ca cổ điển thuần túy của những nghệ sĩ xa xưa…

Chúng tôi quay lại những đĩa xưa như Xử án Bàng Quý Phi của đoàn Phước Cương từ năm 1926 để nghe cái giọng trầm trầm, khàn khàn bất hủ của cô Năm Phỉ qua những bài Văn Thiên Tường, vọng cổ.

Điệu vọng cổ hồi mới ra đời, ra khỏi bào thai, còn nhịp đôi và rất ít chữ mà người nay đã cho nó là xưa quá, không như bây giờ một câu cả trăm chữ mà xen lẫn hò, thơ, ngâm sa mạc, tân nhạc…

Tôi không thạo nhạc cổ điển, chỉ biết nghe và say sưa cái hay của thời trước, thích những cái cũ vì nó có những cái âm điệu cổ nhạc Việt Nam. Ngồi xem và nghe ca ngâm, nói thơ trong một vở tuồng cải lương bây giờ của các nghệ sĩ trên sân khấu mà bắt mệt, cái đó cũng do thị hiếu của khán giả đòi hỏi, nên các sân khấu cải lương phải cung cấp nhu cầu đó để gánh được sống vững.

Để ôn lại dĩ vãng của nghề hát cải lương thời nữ nghệ sĩ tài hoa Năm Phỉ trình diễn qua lối diễn xuất, hết sức tế nhị trong từng vai tuồng, từng loại mà cô Năm khai thác đúng mức, đặt hết tinh thần và tâm hồn vào từng vai, dù cho một vai phụ cô Năm vẫn tận dụng sở năng diễn tả đúng tâm trạng của nhân vật.

Một thứ phi ra vô phải phép, khi van lạy cầu xin, lúc mọp quỳ trước án, khi nhỏ lệ đầm đìa để vĩnh biệt, khi Tống Nhân Tôn phê chiếu về tội a tòng với cha là Bàng Hồng bán nước cho Tây Hạ để rồi lãnh hình phạt tam ban, trong lớp thọ hình, diễn xuất xuất thần.

Rồi đến Điêu Thuyền, một dưỡng nữ kiều diễm, đoan trang, một sắc nước hương trời lộng lẫy, vì chữ hiếu, nàng đặt trọn tình yêu tổ quốc lên trên bổn phận, bằng lòng “sớm Lữ Bố, tối Đổng Công” hy sinh tấm thân ngọc ngà, trong trắng, mặc tình cho cha con kẻ háo sắc bạo tàn giày vò dâm loạn mà nàng phải cắn răng để hoàn thành sứ mạng cứu lấy non sông.

Xem cô Năm Phỉ diễn tả lúc tiễn biệt cha nuôi Vương Doãn (Quan tư đồ) thì đầm đìa châu lệ, khi liếc qua Đổng Trác thì nở nụ cười quyến rũ, lúc với Lữ Bố thì nỉ non, vuốt ve mơn trớn.

Đôi mắt nàng, nước mắt nàng, cái sắc khuynh thành mỹ nhân khi cười cợt, õng ẹo, đáng yêu làm cho anh hùng như Lữ Bố, tàn bạo như Đổng Trác cũng đều mềm nhũn, yếu hèn… mà cô Năm Phỉ đã khai thác tất cả ai oán trong hai vai tuồng Tàu nói trên, từ điệu bộ màu mè khác nhau một cách tinh vi, tế nhị.

Tôi còn nhớ lại những vai: Anh Túy Nga (vở Sắc giết người  kiếm hiệp Tây phương), Thị Anh (vở Tứ đổ tường), Lan (vở Lan và Điệp), mà đôi nghệ sĩ Năm Phỉ - Tư Út đã lưu lại nghệ thuật diễn xuất điêu luyện của mình.

Tài năng của cô Năm Phỉ mỗi vai đều có một sắc thái riêng biệt, một nghệ thuật tột đỉnh, không một vai nào trùng điệu bộ, màu mè, ý tứ, vai này giống vai kia, hay vai kia giống vai nọ.

Ví dụ Điêu Thuyền và Bàng Quý Phi, hai vai diễn hình không giống nhau về tư cách và phẩm hạnh, cũng như cô Lan, Thị Anh loại tuồng
 xã hội…

Cô Lan con một gia đình gia giáo Nho phong hiền lành, mộc mạc, đoan trang… còn Thị Anh vợ anh ghiền cũng là người vợ mẫu mực mặc dầu chồng cô bịnh ghiền, sống trong cảnh túng quẫn vẫn thương chồng, khi bị chồng mắng chửi, ra đi trong tiếng khóc nỉ non, ngồi xem cảnh diễn tả đúng mức tự nhiên của vợ chồng anh ghiền mình thấy đó là người vợ ngoài đời chớ không phải là cô Năm Phỉ của sân khấu.

Và sau đây là bài viết về cô Năm khá đầy đủ của Kiều Quốc Sỹ, trên báo “Tiếng Dội”

… Cô chào đời trong một gia đình ở tỉnh Mỹ Tho, nơi sinh sản nhiều nghệ sĩ tài hoa cho sân khấu. Những anh chị em của cô đều được đi học… chỉ có cô… nó gây ít nhiều ảnh hưởng tai hại cho nghệ thuật sân khấu của cô. Nhưng trời đã bù lại cho cô một thiên tư thông minh mà hầu hết giới sân khấu chưa dễ có người bì kịp, nên cô đã thành công, đã nổi tiếng.

Năm mười ba tuổi cô theo tiếng gọi thiêng liêng của tâm hồn, bước vào sân khấu của Nam Đồng ban do anh chị em thợ bạc tại Mỹ Tho lập nên. Bước đầu ở Nam Đồng ban ngôi sao của cô chưa sáng tỏ lắm vì cạnh của cô có một tài năng bấy giờ nhắc đến ai có dịp thưởng thức qua đều ngậm ngùi thương tiếc. Ấy là kép Hai Giỏi. Huống chi còn có anh Ba Du, một anh hề mà lúc ấy đêm nào không có Du là khán giả đòi trả vé… Hai Giỏi, trong tất cả các đào kép, có lẽ chỉ có Giỏi là kép có số đào hoa và có giọng ca não nùng nhất. Nghệ sĩ sân khấu bấy giờ ca hay là một giá trị đặc biệt.

Bước thứ nhì cô sang Văn Hí Ban của thầy Vui ở Chợ Lớn, tài cô mới rạng dần.

Bước thứ ba của cô, nhờ lấy trớn ở Văn Hí Ban, đã đưa cô vào lâu đài danh vọng Phước Cương, nơi cô có đủ điều kiện phát triển hết năng lực súc tích từ lâu. Ông Nguyễn Ngọc Cương đã dùng cô đúng với sở trường của cô, ngoài ra ông còn tận lực tìm hết cách phát huy cái tài vô song của cô.

Huống chi quanh cô còn bao phủ một vòng những ngôi sao đang thời đỏ rạng như Bảy Nhiêu, Tám Danh, Ba Du, Tám Mẹo, Ba Vân v.v… một lực lượng vô song sẵn sàng nâng đỡ cô bước lên đến nấc thang tuyệt vời của danh vọng.

Nào đã ngưng bước ở gánh Phước Cương đâu? Cô bước chung với cô Phùng Há ở ban Phi Phụng, một tượng trưng của hai phụng giao đầu. Thêm một nhóm hữu tài phụ họa: Tư Út, Hai Tiên, Chín Giáo v.v… Nhưng Hai Phụng không thể giao đầu được mãi, nên cô bước thêm một bước khác Đại Phước Cương với cuộc tổng hợp nghệ sĩ: Năm Châu, Bảy Nhiêu, Từ Anh, Ba Vân, Ba Du v.v… Bước đến đây kể cô có thể tạo cho mình một cảnh sống mới, nên cô đơn thân điều khiển ban Nam Phi với Tư Út , Tám Mẹo, Duy Lân, Bảy Nhỏ…

Người ta bảo cô Năm Phỉ là hiện thân của sự đau khổ. Lời nói ấy tuy không đúng lắm nhưng cũng tượng trưng được sở trường của cô vì kịch phẩm là phản ánh của tâm hồn kẻ si tình đắm đuối, có thể bỏ tất cả để thỏa mãn lòng yêu từ sân khấu đến cuộc đời. Cô áp dụng lòng yêu chan chứa trong tất cả vai tuồng thích ứng với bản năng của cô, cô đã tạo được nhiều kịch phẩm bất hủ, ai oán, não nùng. Trong “Tơ vương đến thác”, “Xử án Bàng Quý Phi”, đường bệ trang hoàng đài các như “Túy hoa vương nữ”, bà huyện trong “Vì đâu nên nỗi”, lả lướt, quyến rũ, đắm say như trong “Sắc giết người”, “Phụng Nghi Đình” và thông minh, ngơ ngẩn như vai cô “mọi” trong “Đóa hoa rừng”. Cô Năm Phỉ là người đóng nhiều vai tuồng khó cho ai thay thế nhứt. Sở trường của cô luôn luôn biểu dương trong các vai tuồng chan chứa niềm yêu, tình cảm là mối tình éo le chua xót của cõi lòng. Ta có thể nhận thức cái hay trong vai Bàng Quý Phi, vai tuồng sở đắc của cô, đã từng làm cho khán giả Paris mềm lòng  và sụt sùi khóc. Cái hay của cô Năm Phỉ trong các vai tuồng ấy là vì cô đã thành thật sống hoàn toàn với tâm hồn và tình cảm với người trong cuộc.

Để có những cái hay xuất chúng làm kinh ngạc mọi người vì cô không còn là cô nữa, mà là hiện thân của vai tuồng cô đóng trong những giờ trên sân khấu. Cô đã chiếm giữ được cảm tình nồng hậu, một hoài tưởng êm đềm trong lòng của khán giả bốn phương...

Tác giả bài viết: Lê Tấn Chí

Nguồn tin: Tuyển tập Lý luận phê bình VHNT Tiền Giang