NSƯT Phương Hồng Thuỷ với “Tâm sự cô đào hát”

Sau đằng đẵng 34 năm theo nghề hát, NSƯT Phương Hồng Thuỷ sẽ có một chương trình riêng vào lúc 19 giờ 30 ngày 9.11 tại phòng trà Nam Quang, TP.HCM. Phương Hồng Thuỷ bảo: “Hai chữ liveshow nghe to tát quá và chỉ phù hợp với bên ca nhạc. Còn tôi muốn xem đây là một đêm hát mà tôi sẽ ca diễn hết mình bên cạnh các đồng nghiệp, những người anh, người bạn thân thiết”.
NS Phương Hồng Thuỷ.
Cô cho biết, trước khi trở về nước để tham gia vở cải lương Chất ngọc không tan vào cuối tháng 9 vừa rồi, cô có nhận được lời mời góp mặt trong chương trình cải lương ở phòng trà Tiếng Xưa. “Lần đầu tiên hát ở phòng trà, thấy khán giả vẫn còn yêu thương tôi như ngày nào. Sau đêm diễn đó tôi chợt có ý tưởng tổ chức một đêm hát riêng của mình để cám ơn mọi người đã ủng hộ tôi suốt mấy chục năm qua. Đêm hát này cũng là dịp tôi kỷ niệm 34 năm theo nghề, tính từ khi tốt nghiệp trường quốc gia Âm nhạc năm 1978”, Phương Hồng Thuỷ nói.

Nhắc đến cái tên Phương Hồng Thuỷ, khán giả mộ điệu cải lương hẳn sẽ nhớ ngay đến hình ảnh của một cô đào thương trong nhiều vai diễn, bài vọng cổ, từng lấy đi không ít nước mắt người xem: Ai giết nàng Kiều, Cô đào hát, Hàn Mạc Tử, Sông dài, Lan và Điệp, Lời ru của biển, Lá trầu xanh (bài vọng cổ)... Cô có một giọng ca ngọt ngào, lảnh lót tự nhiên và cách diễn xuất chân phương, giản dị. Có ai đó đã gọi Phương Hồng Thuỷ là “giọng hát ứa lệ”, ngẫm kỹ cũng không sai, bởi với chất giọng trời phú và những truân chuyên, khổ hạnh trải qua trong đời thường đã khiến giọng hát của Phương Hồng Thuỷ mỗi khi cất lên lời ca buồn đều như hoà lẫn nước mắt, tự nhiên như thể cô không cần phải diễn. Có lẽ chính vì vậy mà khán giả cải lương luôn cảm nhận được nỗi đau của những nhân vật Phương Hồng Thuỷ thể hiện, không gai góc, khốc liệt nhưng thấm sâu, đầy tràn, để lại trong lòng người xem những rung cảm mãnh liệt.

Phương Hồng Thuỷ theo chồng sang Mỹ định cư đã gần tám năm. Có thể nhiều khán giả thấy tiếc nuối vì ít còn cơ hội được xem cô hát trên sân khấu, nhưng với bạn bè thân thiết của Phương Hồng Thuỷ thì lại thấy mừng cho cô bởi sau ngần ấy năm một mình nuôi con, sống những tháng ngày cơ cực, cô đã thật sự tìm được bến đỗ bình yên. “Có lẽ khi bước sang tuổi 50, cách suy nghĩ và quan niệm sống của tôi ít nhiều thay đổi. Tôi biết trân trọng những gì mình đang có hơn là mơ ước những gì quá cao xa. Những lúc không đi hát, tôi thường ở nhà đọc kinh, tụng kinh. Vợ chồng tôi cũng đã lên kế hoạch cho một ngày sẽ về sống hẳn tại Việt Nam”, cô tâm sự. Ở Mỹ, Phương Hồng Thuỷ vẫn tiếp tục ca hát để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, biểu diễn trong cộng đồng người Việt hoặc những chương trình từ thiện được tổ chức ở chùa trong những dịp đặc biệt. Với chương trình riêng lần đầu tiên mà cũng có thể là duy nhất này tại quê nhà, NSƯT Phương Hồng Thuỷ sẽ hợp cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi ca diễn lại một số trích đoạn góp phần làm nên tên tuổi của cô: Lan và Điệp (với NSƯT Vũ Linh), Truyền thuyết tình yêu (với NSƯT Hữu Quốc, Vũ Luân, Tú Sương), Duyên kiếp (với NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Mỹ Thu, Dạ Lan), Sông dài (với Tú Trinh, Đại Nghĩa); song ca Tâm sự Phà Ca (với NSƯT Út Bạch Lan), Mưa trên phố Huế (với Lê Tứ)… Chương trình còn được làm phong phú hơn qua các bài ca cổ do NSƯT Kim Tiểu Long, Tâm Tâm, Mỹ Hằng, Thy Phương trình diễn. Đặc biệt, soạn giả Hoàng Song Việt sẽ viết một ca cảnh riêng, lấy ý tưởng từ tên chương trình “Tâm sự cô đào hát”, nói về cuộc đời và các vai diễn của NSƯT Phương Hồng Thuỷ. “Mỗi tiết mục đều có điểm nhấn riêng. Tôi muốn cống hiến cho khán giả một đêm diễn thật ấn tượng. Có thể nói, đây là đêm diễn riêng duy nhất trong sự nghiệp ca hát của tôi và sẽ không có một đêm diễn tương tự nào như thế nữa”, cô nói.

NSƯT Phương Hồng Thuỷ tên thật là Đinh Hồng Đào, sinh năm 1960 tại Đồng Nai. 12 tuổi cô đã được gửi vào trường quốc gia Kịch nghệ học hát bội. Với năng khiếu sẵn có, cộng với sự siêng năng học hỏi và lòng yêu nghề, ngoài những vai diễn được khán giả yêu thích, cô còn đoạt được huy chương vàng hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 trong vở Ai giết nàng Kiều và Lời ru của biển; năm 1991, cô được trao huy chương vàng Trần Hữu Trang (đây cũng là năm đầu tiên của giải này); năm 1997, cô được nhận danh hiệu NSƯT. Năm 1998, vai Cầm Thanh trong vở Cô đào hát của cô đoạt huy chương vàng liên hoan Sân khấu mùa thu năm 1998 và Giải Mai Vàng của báo Người Lao Động…

Tác giả bài viết: Việt Võ

Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị