"Cờ nghĩa giồng Sơn Quy" - Những tìm tòi mới trong đề tài cũ

Sau gần nửa tháng tranh tài sôi nổi, Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 đã bế mạc tối ngày 01-12-2009 tại rạp Hưng Đạo (TP.HCM). Đây là cuộc thi dành cho các đơn vị nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp trong cả nước được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức 5 năm một lần. Năm nay hội diễn quy tụ 24 đơn vị tham gia biểu diễn với 28 vở có nội dung đề tài phong phú, dàn dựng công phu và có nhiều đột phá, đổi mới, tạo hiệu quả nghệ thuật cao. Tham gia hội diễn này, vở cải lương “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy” (Tác giả: Huỳnh Anh, đạo diễn: Tấn Lộc) của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang đã xuất sắc giành được 5 huy chương, bao gồm 1 Huy chương bạc dành cho vở diễn, 2 Huy chương vàng cho đôi diễn viên Đào Vũ Thanh - Nhơn Hậu và 2 Huy chương bạc cho đôi diễn viên Thanh Tâm - Hoài Vương.

 “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy” là vở cải lương đề tài lịch sử viết về thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định. Vở diễn lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19 khi triều đình nhà Nguyễn lần lượt dâng các tỉnh miền Đông Nam kỳ cho thực dân Pháp, Trương Định và nhân dân vùng Gò Công không chịu cảnh mất nước nhà tan đã đứng lên chống Pháp. Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh, Trương Định được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên Soái, lấy vùng Gò Công làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến.

Cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định vốn đã được rất nhiều người biết đến. Thế nên đề tài của vở cải lương mới nghe qua có vẻ hơi khô khan và không mấy hấp dẫn đối với thị hiếu chung của nhiều khán giả, thế nhưng qua ngòi bút của soạn giả Huỳnh Anh, bàn tay nhào nặn của đạo diễn Tấn Lộc, vở cải lương “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy” bỗng trở nên có sức hút mạnh mẽ. Không chỉ tái hiện một cách cứng nhắc về cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc họ Trương, vở cải lương còn khắc họa mối tình thật đẹp giữa ba nhân vật: Trương Định (diễn viên Đào Vũ Thanh thủ vai) - Lê Thị Thưởng, vợ chính của Trương Định (diễn viên Nhơn Hậu thủ vai) và Trần Thị Sanh, vợ thứ của Trương Định (diễn viên Thanh Tâm thủ vai). Rất mực yêu thương chồng nhưng vì nghĩa lớn, bà Lê Thị Thưởng đã đứng ra gá nghĩa phu thê cho chồng mình và bà Trần Thị Sanh. Trong khi đó bà Trần Thị Sanh cũng hết lòng vì sự nghiệp của chồng, bà là người chăm lo cho Trương Định từng miếng ăn giấc ngủ, phụ chồng lo việc rèn vũ khí, tích trữ lương thực cho nghĩa quân. Dù đôi khi giữa hai bà có đôi chút hờn ghen, tủi phận nhưng tất cả tình riêng đều được gác sang một bên để cùng chồng chung tay kháng Pháp.

Cuộc đối thoại giữa Trương Định và Phan Thanh Giản cũng như màn độc thoại tự phán xét của Phan Thanh Giản là 2 lớp khá ấn tượng trong vở diễn. Cùng với những thủ pháp ước lệ của sân khấu, người xem có thể cảm nhận và sẻ chia với những trăn trở suy tư về 2 nẻo chính tà, về sự đấu tranh dằn vặt nội tâm giữa lòng trung quân và ái quốc của những bậc tiền nhân. Đạo diễn Tấn Lộc mạnh dạn đưa vào vở diễn những màn múa gươm đẹp mắt và các đoạn minh họa thật sinh động, mới lạ làm nên sự khác biệt so với các vở diễn khác. Các nghệ sĩ múa hóa thân thành những nhánh lá dừa, biểu đạt hình tượng đám lá tối trời che chở cho nghĩa quân. Những đám lá xào xạc yêu thương trong những cảnh thanh bình và hừng hực khí thế tiến công khi giặc đến. Lớp Phan Thanh Giản tự vẫn bằng thuốc độc cũng được sân khấu hóa bằng những động tác múa hoành tráng tạo cho khán giả nhiều cảm xúc. Mặc dù thế, đôi chỗ người xem lại có cảm giác hơi nhàm với những màn múa na ná nhau, bên cạnh đó đạo cụ của các nghệ sĩ múa với chất liệu voan quá rũ làm thiếu sự mạnh mẽ và không thể hiện hết khí thế của nghĩa binh Trương Định ở đám lá tối trời một thuở.

Vở “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy” còn đánh dấu sự tỏa sáng của nhiều diễn viên trẻ tại hội diễn. Mỗi diễn viên đều được dành cho một lớp diễn riêng để có thể phô diễn hết tài năng. Nếu như diễn viên Đào Vũ Thanh thu hút khán giả bằng một ngoại hình sáng sân khấu, và chất giọng kim pha thổ truyền cảm thì diễn viên Nhơn Hậu (Huy chương vàng giải triển vọng Trần Hữu Trang năm 2003) lại chinh phục người xem bằng những kỹ thuật ca diễn ở đẳng cấp chuyên nghiệp. Lớp diễn Lê Thị Thưởng ở trong tù nhớ chồng thương con gần như điên dại được Nhơn Hậu diễn nhập tâm một cách xuất thần. Cũng chính với lớp diễn này, Nhơn Hậu đã bị xỉu trên sân khấu vì quá mệt trong đêm diễn báo cáo trước ngày lên đường tham gia hội diễn, đủ thấy cô đã bỏ ra rất nhiều công sức cũng như tâm huyết cho vai diễn này. Thanh Tâm và Hoài Vương, hai vai thứ chính, tuy có ít đất diễn hơn nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng. Vai Phan Thanh Giản do diễn viên Kiều Quốc Tâm đóng cũng khá thuyết phục, nhưng lại không được sự nhìn nhận của ban giám khảo cũng là một điều đáng tiếc. Sự tỏa sáng của những diễn viên trẻ cho thấy mặc dù cải lương đang trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng vẫn còn đó không ít bạn trẻ đam mê loại hình nghệ thuật này, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những tài năng triển vọng là lớp kế thừa bổ sung đội ngũ.

Thành công của vở diễn “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy” đó cũng là một tín hiệu vui, niềm phấn khởi chung cho khán giả mộ điệu cải lương và những người làm công tác văn học nghệ thuật ở Tiền Giang, vốn là cái nôi của sân khấu cải lương. Thế nhưng vấn đề đặt ra là sau khi tham gia hội diễn, vở cải lương này sẽ đến được với rộng rãi công chúng bằng cách nào? Một vở cải lương hay, có nội dung tốt như thế được đầu tư hàng trăm triệu để tham gia một kỳ hội diễn rồi đem về xếp xó thì quả thật đáng tiếc biết bao!

Tác giả bài viết: Trương Trọng Nghĩa

Nguồn tin: Văn nghệ TG số 38 - Xuân 2010