Cần sáng lại đèn màu, mở rộng màn nhung cho sân khấu cải lương

Rạp thầy Năm Tú xưa - rạp Tiền Giang ngà nay đang bị bỏ hoang. Ảnh: Hùng Anh

Rạp thầy Năm Tú xưa - rạp Tiền Giang ngà nay đang bị bỏ hoang. Ảnh: Hùng Anh

Mỗi ngành nghề trong xã hội đều chọn một ngày để làm ngày truyền thống của riêng mình. Riêng ngành sân khấu, từ xưa các nghệ nhân nghệ sĩ tiền bối đã chọn tối ngày 11 và suốt ngày 12-8 âm lịch hằng năm để làm ngày truyền thống, gọi là giỗ Tổ.
Đây là ngày anh em trong giới sân khấu gồm hát bội, cải lương và đàn ca tài tử họp mặt để giao lưu, thăm hỏi nhau, cùng ôn lại truyền thống của ngành. Đặc biệt, ngày giỗ Tổ Sân khấu, các nghệ nhân nghệ sĩ vẫn giữ phong tục truyền thống là thắp hương trước bàn thờ Tổ một cách trang trọng, bày tỏ niềm tri ân Tổ nghiệp với niềm mơ ước được Tổ ban phúc cho việc làm nghề được nhiều may mắn. Người sáng tác, dàn dựng thì cầu Tổ giúp cho ra đời những bài ca, những kịch bản, những vở diễn giàu tính nghệ thuật, sâu sắc về nội dung, tư tưởng, hấp dẫn người xem. Người biểu diễn thì xin Tổ cho đờn hay, ca tốt, diễn giỏi được công chúng hâm mộ. Người tổ chức, quản lý thì xin Tổ cho đơn vị mình biểu diễn thành công, được khán giả yêu thích, thu nhập khá.

Lạ một điều, dù trong cuộc sống hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển vũ bão, công nghệ thông tin bùng nổ ào ào, cuộc sống quay cuồng trong nền kinh tế thị trường với những hơn thua, được mất; sân khấu phát triển mạnh mẽ với âm thanh ánh sáng hiện đại màu sắc rực rỡ, kỹ thuật kỹ xảo tân kỳ, nhưng ở khắp nơi, từ Nhà hát lớn ở trung tâm các đô thị đến những gánh hát nghèo vùng sâu, từ những tụ điểm biểu diễn to lớn, đến những ban đàn ca tài tử trong xóm ấp, người nghệ sĩ sân khấu vẫn không quên một việc tưởng chừng như dễ bị quên: Đó là trang trọng thắp hương bàn thờ Tổ nghiệp trước khi bước ra khỏi cánh gà, trước khi cất lên lời ca, tiếng đàn biểu diễn. Nơi nào không có điều kiện lập Bàn thờ Tổ thì các nghệ nhân, nghệ sĩ lâm râm khấn vái trong miệng với niềm tôn kính sâu sắc công ơn Tổ nghiệp. Hoàn toàn không có sự mê tín, mà chính là lòng tri ân của những con người không quên nguồn cội, là niềm tin và ước vọng của những người đam mê nghề nghiệp và biết coi trọng con đường mình đang theo với một ý chí vươn lên, một niềm ước vọng theo chân Tổ nghiệp, một việc làm có thủy có chung, giúp người nghệ sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm khi hành nghề.

Mỗi năm đến ngày 11 và 12 tháng 8 âm lịch, những người làm sân khấu lại tề tựu về chung một nơi (thời xưa có thể là nhà ông bầu gánh, là trụ sở đoàn hát; ngày nay có thể là ở Trung tâm Văn hóa, Hội văn nghệ…) để làm lễ, như những cánh chim tung bay khắp nơi, dù bận rộn thế nào cũng dành thời gian quay về tổ, mong tìm chút không khí trang nghiêm nhưng lại rất đỗi rất ngọt ngào, ấm áp, bên cạnh đồng nghiệp, cùng chia sẻ buồn vui của kiếp con tằm.

Tổ nghiệp ngành Sân khấu của chúng ta là ai? Một hoàng tử bỏ cung vàng vì mê nghề hát? Một lão ăn xin chấp nhận kiếp đời nghèo khó tha phương chỉ mong đem tiếng đàn lời ca giúp đời? Một thầy tuồng miệt mài truyền nghề hát cho dân Việt? Rất nhiều… rất nhiều truyền thuyết từ ngàn xưa để lại, đôi lúc có nhuốm màu sắc hoang đường nhưng lại hàm chứa nhiều bài học giáo dục nhân cách sâu sắc cho người nghệ sĩ. Trong thời đại ngày nay, Tổ nghiệp, theo tôi, không ai xa lạ. Và Tổ không phải là một người, mà là hằng trăm, hằng ngàn, hằng triệu người, qua biết bao thế hệ, đã dâng hiến cuộc đời vì sự tồn tại và phát triển của ngành Sân khấu. Ở Tiền Giang là những ai? Đó là những bậc tiền bối đã khai sáng và ghi những nét son đầu tiên cho ngành Sân khấu tỉnh nhà như Tiến sĩ Phan Hiển Đạo, nhạc sĩ Nguyễn Tri Khương, Trần Văn Chiều, cô Ba Vạn, cô Năm Phỉ, cô Bảy Nam, sọan giả Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu…, và hằng trăm hằng ngàn nghệ nhân, nghệ sĩ khác suối đời âm thầm bám chặt sàn gỗ, bám chặt ánh đèn màu. Còn những ai nữa? Làm sao chúng ta có thể quên những thế hệ cha anh trong kháng chiến đã vững vàng đứng trên sân khấu, cất lên lời ca tiếng đàn trong bão đạn mưa bom. Từng câu ca, từng vai diễn sắt bén như gươm giáo đâm thẳng vào kẻ thù. Biết bao nghệ sĩ sân khấu, vì lòng yêu nước, vì khí phách anh hùng của người nghệ sĩ, vì sự tồn tại của một nền sân khấu cách mạng, đã ngã xuống trên sàn gỗ trong bom pháo giặc khi chưa kịp tẩy trang. Đó là niềm tự hào của ngành Sân khấu, là ngọn đuốc soi đường, thắp sáng niềm tin và trách nhiệm cho chúng ta. Tất cả đã chung sức làm nên nền sân khấu để hôm nay chúng ta thừa hưởng và tiếp nối. Sân khấu đã dạy đạo làm người, sân khấu đã góp phần giữ nước. Giờ đây, chắc chắn sân khấu phải góp phần dựng nước. Đó là một nhiệm vụ lớn mà mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ.

Nhân mùa giỗ Tổ, tôi muốn nêu thêm một vài gợi ý để chúng ta cùng nhau suy nghĩ trước thực trạng sân khấu chưa mấy sáng sủa của Tiền Giang hôm nay.

Về tài tử, chúng ta có Ban Đàn ca tài tử TG với những gương mặt nhạc công khá nổi tiếng trong giới như Đức Huệ (ghi-ta), Hồng Tươi (kìm), Thanh Nhàn (viollon), Tấn Hưng (tranh), Tấn Đạt (cò), Mạnh Cường (độc huyền)… Những giọng ca khá “chiến” như Khánh Ngọc, Cẩm Vân, Nguyệt Châu, Thúy Vi, Lê Phương, Trọng Nhân, Tấn Hưng… Đội quân tài tử ấy đã hằng chục lần xuất trận đều mang về chiến thắng trong các kỳ thi ĐCTT khu vực và toàn quốc. Nhưng trên mười năm qua, Ban tài tử của tỉnh vẫn chỉ ngần ấy những gương mặt quen thuộc, chưa có sự xuất hiện những khuôn mặt mới ngang tầm. Trong các hội diễn VNQC, các địa phương có chọn người đi thi ca cổ, cải lương nhưng vẫn chưa lóe lên được những tiếng đàn, giọng ca mới để thay thế lực lượng cũ. Câu hỏi đặt ra là các ngành chức năng chưa phát hiện được nhân tài hay tiềm năng chúng ta bị hụt? Câu trả lời, theo tôi, nghiêng về vế thứ nhất.

Về cải lương, chúng ta tự hào Tiền Giang là cái nôi của cải lương, là quê hương của nhiều ngôi sao tiền bối làm rạng rỡ ngành cải lương tiếng vang cả nước. Sau giải phóng, một thời hoàn kim với Đoàn Cải lương Tiền Giang 1, Tiền Giang 2, Sông Tiền… Những kịch bản Tiên sa Gành Ráng (Châu Thanh), Tâm sự Ngọc Hân (Lê Duy Hạnh), Tiếng sóng Rạch Gầm (Ngọc Linh)…, khán giả chậm tay không thể mua được vé. Giờ đây, không khí cải lương của tỉnh lại rất lặng lẽ. Tổ Cải lương của Đoàn Nghệ thuật TG, dù rất cố gắng, vẫn chưa tạo được tiếng vang. Câu lạc bộ cải lương của Hội và Trung tâm VH nổi lên rôm rả một lúc giờ cũng im ắng vì... không đủ kinh phí và cũng không vận động được tài trợ. Chương trình ca cổ, cải lương dành cho địa phương trên Đài truyền hình TG ngày càng thưa dần. Tất nhiên, ai cũng biết nghệ thuật cải lương đang bị khũng hoảng. Chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh chung ấy. Nhưng khắp nơi, các ngành chức năng có trách nhiệm đang quyết tâm vực dậy loại hình này bằng nhiều hình thức như các cuộc thi giọng ca cải lương, các giải Chuông Vàng vọng cổ, Trần Hữu Trang, giọng ca cải lương hằng tuần trên Đài TNND TP.HCM, các CLB sân khấu, các nhóm Xã hội hóa sân khấu… Dù chưa quay về đúng vị trí hoàng kim ngày nào, nhưng gần đây, ngọn lửa cải lương ở các nơi bắt đầu được nhen nhúm lại. Riêng ở Tiền Giang, lọai hình cải lương vẫn còn tiếp tục lặng lẽ, chưa có tín hiệu phục hồi. Chúng ta chưa tìm ra được hướng đi mới để góp phần thắp lại niềm tin, để thổi bùng ngọn lửa làm ấm lòng các con tằm đang bơ vơ trên sàn gỗ lạnh lẽo.

Đứng về trách nhiệm của Hội VHNT-TG, sang năm 2009, chúng tôi sẽ bàn bạc với Tổ hội SK Việt Nam tỉnh TG cùng các ngành có chức năng tổ chức một cuộc tọa đàm tìm ra giải pháp khả thi để phối hợp, cùng vực dậy loại hình cải lương ở Tiền Giang. Đã đến lúc phải tìm cách sáng lại đèn màu, mở lại màn nhung để tự hào là chúng ta vẫn giữ vững truyền thống “Tiền Giang, cái nôi của cải luơng”.

Tác giả bài viết: Huỳnh Anh

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 30