Tạp kỹ dân gian Okinawa: Nhiều bài học để chúng ta noi theo

Như TT&VH đưa tin, đoàn nghệ thuật Ship of the Ryukyu đã có chương trình biểu diễn 14 tiết mục đặc sắc lúc 19h30 ngày 3/3 tại Nhà hát Bến Thành. Xem cái cách mà họ giới thiệu văn hóa dân gian Okinawa ra quốc tế, phải nói rằng có quá nhiều điều để giới làm bảo tồn và giới thiệu văn hóa dân gian nhiều nước học hỏi.
1. Đầu tiên là cách kết hợp 14 tiết mục của nhiều loại hình đặc trưng như múa trống eisa, múa dầm hariuta, múa ru con, múa sư tử, múa võ, hát kịch dân gian, song ca… thành một “chỉnh thể” chung, với câu chuyện xuyên suốt và lôi cuốn trong khoảng 75 phút. Có chú ý đến công việc dàn dựng thì mới thấy việc kết hợp này vô cùng khó khăn, bởi có nhiều loại hình rất khác nhau, ví dụ biểu diễn võ karate với hát ru con, múa sư tử với hát song ca… Chọn giải pháp tách riêng từng tiết mục như cách mà Nhà hát dân tộc Nón lá (TP.HCM) làm với bộ gõ Tây Nguyên, múa cung đình Huế, trống hội Quang Trung, hát bội…, cũng là có lý, vì kết hợp quá khó. Nhưng nếu kết hợp được như Nhật thì quả là độc đáo, dù tốn nhiều tâm sức.
Một cảnh trình diễn của đoàn Ship of the Ryukyu

2. Sân khấu mà chương trình Quê hương - Furusato muốn kể đậm tính “dân gian - đường phố”, xóa nhòa ranh giới giữa hàn lâm và dân gian, để có thể biểu diễn bất kỳ ở đâu, không cứ là nhà hát trang trọng. Cấu trúc đêm diễn là chuyện một làng chài ven biển, nơi người dân đang sống yên bình thì cơn bão ập đến, mọi thứ tan hoang, sau đó hồi sinh. 

Chính trong cuộc tái thiết đó, việc ca hát nhảy múa cho quên u buồn, việc trai gái hát đối đáp, tỏ tình, kết hôn, sinh con, hay việc dân làng múa dầm, tập võ, chơi lễ hội… đã trở thành chuyện tất yếu của xứ sở có nền văn hóa dân gian phong phú. Chính vì câu chuyện có cao trào và sự thu hút, không lệ thuộc vào ngôn ngữ, bên cạnh là các tiết mục được chắt lọc kỹ lưỡng, thành ra sự kết hợp này thật nhuần nhuyễn. Đây chính là cách mà các đoàn nghệ thuật dân gian khác phải học hỏi, nếu không, thật khó để chia sẻ nghệ thuật dân gian bản địa với quốc tế.

3. Điểm đặc biệt thứ hai là thái độ chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, mà đa số còn rất trẻ, họ đã tỏ rõ sự yêu nghề và kính trọng khán giả cao độ. Nước Nhật và xứ Okinawa nổi danh khắp thế giới về sự  “bảo thủ” với nguyên bản nghệ thuật truyền thống, họ có rất nhiều các nghệ sĩ/ nghệ nhân được phong là “bảo vật quốc gia”. 

Okinawa nổi tiếng thế giới với bộ môn ca kịch truyền thống kumi odori, được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng nỗ lực canh tân nghệ thuật truyền thống với các nghệ sĩ/nghệ nhân trẻ, bằng cách chắt lọc tinh hoa truyền thống với phong cách dàn dựng hiện đại. Cái cách mà đoàn Ship of the Ryukyu làm là đi theo hướng này, họ vừa đảm bảo được chất cổ truyền, lại vừa gần gũi với hơi thở đương đại. Chính vì vậy mà trong nhiều thập niên qua, việc các đoàn nghệ thuật dân gian Okinawa “làm mưa làm gió” trên khắp thế giới cũng là điều dễ hiểu.

Ông trưởng đoàn Ship of the Ryukyu cho biết họ còn khá non trẻ, mới thành lập chừng 1 năm, thế nhưng đã được nhiều tổ chức tài trợ để đi lưu diễn khắp thế giới. Tại Okinawa và tại Nhật, việc bảo tồn nghệ thuật dân gian thường do các tổ chức tư nhân như Ship of the Ryukyu đảm trách, Chính phủ và các tổ chức tài chính chỉ đảm trách việc tài trợ.

 

Tác giả bài viết: Văn Bảy

Nguồn tin: thethaovanhoa.vn