Đảo quốc của nghệ thuật cộng đồng

Năm năm về trước, đa phần du khách Việt Nam đến Singapore là để mua sắm hàng hiệu, hàng máy móc công nghệ giảm giá. Ngoài mua sắm và xem vài show trình diễn giải trí, thì thường một tour bốn ngày ba đêm ở trên đảo quốc đầu sư tử đuôi cá này, xem ra dài dằng dặc với nhiều người. Nhưng từ nay, có thể điều đó đã thay đổi. Và đến Singapore đâu chỉ để mua sắm.

Một góc phố cổ ở đường Arập.

Trầm tích bên hiện đại

Nếu hình ảnh phố đêm Orchard lộng lẫy với những toà nhà chọc trời, những con đường rực rỡ ánh đèn đã quá quen thuộc với người dăm ba lần đến Singapore vào mùa lễ hội cuối năm, thì đã có cách: hãy ngoắc một chiếc taxi đến khu phố cổ Tiong Bahru hay khu Haji Lane, đường Arập. Cái cổ kính yên bình lọt thỏm giữa đỉnh cao của hiện đại không đem lại sự choáng ngợp, nhưng tạo ra ngỡ ngàng khó tả.

Tiong Bahru ngày nay vẫn còn những dãy nhà liên kế, kiến trúc Anh – Hoa trải dài, ít nhiều gợi liên tưởng đến những dãy nhà cổ trầm mặc của hình thái kiến trúc thuộc địa Pháp ở Luang Phrabang (Lào). Hãy còn những cửa nhà khung sắt xưa cũ, gỉ sét qua thời gian nơi những quán ăn nổi tiếng về món Hoa, những tiệm bánh nhỏ nhắn ấm cúng, những quán càphê tranh yên tĩnh, đưa lữ khách lạc vào thế giới của sự thư thái và tĩnh lặng. Một điều mà ít thấy ở Việt Nam, đó là khi đến nhà sách Books Actually trong khu phố cổ này, bạn sẽ nhận được những tiếng chào đầy thiện cảm của các nhân viên khi đẩy cửa bước vào và khi kéo cửa bước ra, cho dù bạn không chọn mua được cuốn sách nào.

Trong khi đó, đường Arập hay Haji Lane lại có cái dấu ấn của một khu phố giao thương thời trung đại. Những ngôi nhà nhỏ nằm cạnh nhau, những cửa sổ được sơn phết nhiều màu sặc sỡ, những mặt tiền bán gấm lụa, vải vóc, tinh dầu, trầm hương, những quán ăn Ấn toả mùi càri hay quán càphê Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở góc ngã tư luôn nghe sòng sọc khói shisa đánh thức mọi giác quan... Phố cổ khắc hoạ sâu nguồn gốc đa sắc tộc ở quốc gia này, tạo nên cái bụi bặm phong trần và hoài niệm. Những vuông phố nhỏ mang trong nó tinh thần khoáng đạt, giao hoà văn hoá Đông Tây, gợi nhắc một thời trong lịch sử thương cảng của đảo quốc nhỏ bé này.

Người phụ trách ở SAM đang giới thiệu về một tác phẩm đương đại đang được trưng bày.

 

Một Singapore sần sùi mà có thể trước đây bạn chưa từng thấy. Người ta yêu hơn một điểm đến vì những câu chuyện, dẫn dắt thuộc về nền tảng văn hoá của nó. Mãi sau quá trình phát triển hiện đại quyết liệt hướng tới tương lai văn minh phồn thịnh, dường như chính quyền đảo quốc này đang quan tâm hơn đến văn hoá và lịch sử, không chỉ để chăm chăm hút khách du lịch, mà còn để cân bằng đời sống tinh thần cho chính người dân sở tại – sống hướng tới tương lai với một cảm thức sâu lắng hơn trên tinh thần đề cao nhân bản, văn hoá.

Trung tâm nghệ thuật cộng đồng

Cuốn Guesbook – Where Singapore 2012 – 2013 mà chúng tôi nhận được từ khách sạn, bên cạnh giới thiệu những công trình kiến trúc hiện đại bậc nhất thế giới như Gardens by the Bay hay Marina Bay Sands, thì đáng chú ý nhất, tập sách dành một phần trang trọng giới thiệu “Art & Culture” (Nghệ thuật và văn hoá). Có 13 địa chỉ bảo tàng, 17 địa chỉ gallery lớn nhỏ được giới thiệu, đều là những điểm đến rất cần thiết cho một cuộc hành trình thưởng ngoạn cái đẹp.

Chúng tôi đến National Museum of Singapore (bảo tàng Quốc gia Singapore) và choáng ngợp bởi quy mô của những phòng trưng bày theo các chủ đề: lịch sử, đời sống, trang phục, lãnh tụ, phim ảnh, cây cỏ sinh vật cho đến nghệ thuật đương đại... Vì quy mô quá lớn, cho nên việc hướng dẫn đi lại của du khách tham quan bảo tàng ngoài hướng dẫn viên còn có những máy định vị và hướng dẫn vị trí được phát cho những ai có nhu cầu tự khám phá. Trong khi đó, những bảo tàng khác như SAM (Singapore Art Museum) hay trung tâm xưởng nghệ thuật đương đại Gillman Barracks (được cải tạo từ một trại lính) nhiều năm qua đã trở thành điểm đến nổi tiếng của những nghệ sĩ tiên phong trên toàn cầu.

Trong khi đó, ngay bên trong toà nhà cách điệu hoa sen cạnh Marina Bay Sands cũng dành không gian cho mỹ thuật, đó là là khu Art Science Museum (bảo tàng Khoa học nghệ thuật), hay hồ nước bãi cỏ yên bình của Botanic Gardens cũng có thể trở thành không gian mở để sắp đặt tác phẩm điêu khắc đương đại.

Dấu ấn của sự đề cao sáng tạo không chỉ dừng lại nơi những công trình kiến trúc đồ sộ, những show diễn phù phép như IncantoTM  hay Thế giới đại dương, những sự kiện âm nhạc bùng cháy kiểu ZoukOut, những chương trình trình diễn sân khấu hoàn hảo như Jersey Boys tại nhà hát Sands tại Marina Bay Sands, mà còn cho thấy đất nước này có sự mở lòng thu hút, trân quý những giá trị nghệ thuật tiên phong đến từ bên ngoài để không chỉ tô điểm cho mình, mà còn làm giàu cho tài sản sáng tạo chung của nhân loại.

Một điều cần ghi vào sổ tay trong chuyến đi này: ở hầu hết những cuộc triển lãm mỹ thuật đương đại trong các gallery tư nhân và trong các bảo tàng lớn, chúng tôi đều nhận thấy luôn có mặt những nhóm khách thưởng ngoạn nhỏ tuổi. Các em được cha mẹ, thầy cô hướng dẫn xem tranh, tương tác với không gian sáng tạo nghệ thuật thường xuyên. Một hình ảnh hiếm thấy ở Việt Nam. Có lẽ, sự phát triển bền vững, nhân bản của một đất nước có thể được tiếp tục khơi nguồn đầy ý thức như vậy.


Tác giả bài viết: Nguyễn Vinh

Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị