Gặp “Vua cừu” của nhiếp ảnh Việt Nam

Với những đồi cát huyền ảo trong nắng sớm, làng Chăm với sinh hoạt đời thường, và tháp cổ lung linh trong những ngày lễ hội, và đặc biệt chiều về với những đàn bò, cừu rất ấn tượng. Tất cả đã tạo cho Phan Rang (Ninh Thuận), một vùng đất duyên hải miền Trung khô cằn đầy nắng gió, lại là “thánh địa” của dân nhiếp ảnh nghệ thuật, là điểm đến hấp dẫn của dân chơi ảnh trong cả nước.
NSNA Phạm Tấn Lực
Và ở cái thị xã êm đềm, nhỏ bé này có một nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) được mệnh danh là “vua cừu” của nhiếp ảnh. Nhưng đặc biệt “vua”  không phải là người có nhiều tác phẩm chụp về cừu đoạt giải, mà chỉ  là người chuyên chăn dắt cừu cho anh em nhiếp ảnh trong những chuyến sáng tác tại đây.

Nghe dân trong nghề nói về anh khá nhiều với cái tên thân quen Tư Lực (NSNA Phạm Tấn Lực). Đó là một nghệ sĩ có tuổi cao trong làng nhiếp ảnh hiện nay (75 tuổi)  nhưng “máu nghề” thì còn rất trẻ; và là một nghệ sĩ rất có duyên trong việc chăn dắt cừu. Bởi những tác phẩm của anh em sáng tác về cừu trên vùng đất này qua sự chăn dắt của anh, đều ít nhiều có giải thưởng trong nước và quốc tế.

Với nét đặc trưng là cừu được nuôi nhiều và thích nghi tại vùng đất khô cằn này, nuôi thì rất nhiều nhưng đồng thì rộng lớn. Nếu không biết nơi chăn thả, và không tập trung chúng lại, dẫn chúng đi qua một khu vực nhất định có độ cao để thể hiện bố cục, có ánh sáng tốt để sáng tác thì rất khó có một tác phẩm ưng ý mà thi thố. Vì thế về Phan Rang để chụp cừu, thì phải có một “thổ địa” tại đây hướng dẫn, làm nhiệm vụ thu gom chăn dắt cừu vào “trận địa” anh em đã mai phục sẵn. Và không biết tự bao giờ, anh Tư Lực đã làm nhiệm vụ thổ công khá quan trọng đó.

Vì lẽ đó, trong chuyến đi thực tế sáng tác các tỉnh miền Trung do Chi hội Nhiếp ảnh (Hội VHNT Tiền Giang) tổ chức vào trung tuần tháng tư vừa qua, muốn ghé qua Phan Rang tìm vài tác phẩm, chúng tôi không thể nào khác hơn là phải alô anh Tư Lực. Ấn tượng đầu tiên về anh trong chúng tôi là dáng dấp, phong thái gần với một nông dân hơn là một nghệ sĩ. Nhưng càng tiếp xúc, trao đổi và qua những tác phẩm anh sáng tác, mới thấy phía sau vẻ sần sùi thô ráp của một người lao động chân tay là một tâm hồn, tấm lòng đam mê nhiếp ảnh.

Những kiến thức của anh về máy ảnh số, cũng như những File ảnh mới của anh chụp về cừu, đồi cát, về Sapa đã gây bất ngờ, và làm ngẩn ngơ những tay máy trẻ đến từ đồng bằng Nam bộ. Điều này giải thích tại sao chỉ chơi ảnh nghệ thuật có 3 năm, anh đã đủ điểm vào Hội NSNA Việt Nam.

Anh cho biết mê nhiếp ảnh từ thời trai trẻ, khi ấy anh là một tài xế xe tải đường dài. Trên những chặng đường đất nước anh qua, những vẻ đẹp quê hương của các vùng miền đã thôi thúc thêm trong anh niềm say mê nhiếp ảnh. Năm 1996, khi đã nghỉ hưu, anh trở lại với niềm đam mê thời trai trẻ và bắt đầu chơi ảnh nghệ thuật.


Tác phẩm ảnh nghệ thuật của NSNA Phạm Tấn Lực về vùng đất Ninh Thuận khô cằn

Năm 1999, được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam ở cái tuổi 60. Quả là một điều lý thú. Anh cho biết chơi ảnh nghệ thuật trước tiên chỉ là để thỏa niềm say mê của mình; chơi cho mình là chính, thu giữ những vẻ đẹp của quê mình của đất nước vào ống kính, về nhà “triển lãm” cho con cháu, bạn bè thưởng thức cũng là vui rồi. Chuyện thi thố, giải thưởng chỉ là phụ, là cái cớ để gặp anh em, bạn bè cùng sở thích mà trao đổi, học tập lẫn nhau.

Cũng với suy nghĩ đó, mà khi có anh em nhiếp ảnh của các tỉnh về Phan Rang, anh đều nhiệt tình hỗ trợ, đón tiếp lo chỗ ăn nghỉ, chạy liên hệ người mẫu, thu gom cừu dẫn qua những vị trí thuận lợi nhất để cho anh em có tác phẩm, và mình thỏa niềm say mê khi cùng chụp với anh em.

Với những anh em mới chơi ảnh thì anh cũng sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm về chụp cừu, chụp ảnh trên đồi cát với cả lòng nhiệt thành. Anh cho rằng mình tương đối rảnh rỗi hơn anh em khác tại địa phương, nên sẵn sàng “dầm mưa dãi nắng” với anh em tỉnh bạn. Và cứ thế thành quen, trở thành người chuyên chăn dắt cừu lúc nào không rõ.

Chỉ biết là có tháng anh tiếp đến hơn 10 đoàn nhiếp ảnh về Phan Rang sáng tác. Anh cho rằng nhiều lúc rất mệt, nhưng vui, với lại qua đó cũng học hỏi ở anh em nhiều điều lý thú, giới thiệu cho anh em vẻ đẹp của quê mình. Đặc biệt là khi anh em có tác phẩm đạt giải thì mình cũng cảm thấy hạnh phúc.

Có theo anh Tư Lực sáng tác một chuyến mới thấy “tiếng đồn” về anh quả không sai. Ở cái tuổi thất thập, anh vẫn còn khá xông xáo, máu nghề vẫn dạt dào, kinh nghiệm thì đầy ắp; anh như tiếp thêm niềm đam mê chơi ảnh cho anh em mới vào con đường nghệ thuật. Nhìn anh bon bon trên xe máy giữa trưa hè nắng cháy của vùng đất khô cằn này, để dẫn chúng tôi vào làng Vũ Bổn, huyện Ninh Phước để đón cừu về, mới thấy rõ niềm đam mê nghệ thuật không lệ thuộc vào thời gian, tuổi tác.

Ai đã một lần ghé qua vùng đất Ninh Thuận, sẽ nhớ mãi cái nắng cháy da của buổi trưa hè trên những cánh đồng không một bóng cây.  Và sẽ ấn tượng mãi về anh Tư Lực, một NSNA mà niềm đam mê nghệ thuật trong anh gần như không có tuổi. Niềm đam mê ấy, như cây xương rồng vẫn luôn bám trụ và chứng minh sức sống mãnh liệt theo thời gian trên vùng đất khô cằn, khắc nghiệt đầy nắng gió.                                           D.S

Tác giả bài viết: Duy Sơn

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 57