Vì sao triều đại Tây Sơn sụp đổ?

Nhà Tây Sơn hay Triều đại Tây Sơn  được ra đời trong giai đoạn khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ở vùng Tây Sơn thuộc Bình Định ngày nay, trong bối cảnh tranh chấp quyền lực cuối thời Hậu Lê của lịch sử Việt Nam.
Nhà Tây Sơn từ khi vua Thái Đức lên ngôi năm 1778 đến khi Cảnh Thịnh bị bắt năm 1802 được tất cả 24 năm, có 3 vua là Thái Đức đế Nguyễn Nhạc (1778 - 1793), Thái Tổ Vũ hoàng đế Nguyễn Huệ - Quang Trung (1788 - 1792) và Cảnh Thịnh đế Nguyễn Quang Toản (1792 - 1802)

Sau đó thì Nguyễn Ánh đã tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện để lật đổ, thống nhất lãnh thổ và lập nên triều đại nhà Nguyễn.

Lý do vì sao một đế chế hùng mạnh như Nhà Tây Sơn, đánh thắng biết bao nhiêu trận hiển hách, khiến cả nhà Thanh cũng phải kiêng nể mà lại chỉ tồn tại được 24 năm? Một con số ít ỏi so với các triều đại khác trong lịch sử nước nhà.

1. Thiên tài quân sự yểu mệnh.

Cuối năm 1792, Quang Trung từ trần ở tuổi 39. Về cái chết của vua đã được đời sau đặt rất nhiều giả thiết. Có người cho rằng do bị ngấm thuốc độc từ chiếc áo long bào của vua nhà Thanh khi đó là Càn Long tặng. Nhưng cũng có người cho rằng ông chết vì lao lực, làm việc quá sức. Tuy nhiên, cho dù bất cứ lí do nào, cái chết quá sớm của vua Quang Trung là một mất mát to lớn. Triều Tây Sơn suy yếu từ đó.

Cơ nghiệp của Quang Trung không có người thừa kế xứng đáng. Con của ông là Quang Toản còn quá nhỏ, không có đủ sự uy tín và cứng cỏi. Nguyễn Nhạc thì quá an phận, Nguyễn Lữ thì tài năng chưa đủ. Nội bộ tướng lĩnh lại mâu thuẫn lẫn nhau. Từ một đội quân bách chiến bách thắng, mất đi người đứng đầu tài ba, nhà Tây Sơn bị lực lượng tàn dư của Nguyễn Ánh đánh bại dần dần.

2. Nội bộ mâu thuẫn gay gắt.

Việc mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tây Sơn không chỉ xuất hiện sau khi Quang Trung mất, mà trước đó, việc bằng mặt không bằng lòng đã có.

Sau khi tiến quân ra Bắc lật đổ chúa Trịnh năm 1786, giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đã bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Do chủ trương cuộc chiến và phân chia cai quản của 2 anh em khác nhau, đồng thời Nguyễn Nhạc không yên tâm với sự phát triển thế lực riêng của Nguyễn Huệ. Nên khoảng đầu năm 1787, Nguyễn Huệ chủ động mang 60.000 quân nam tiến vây thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc. Sau biến cố đó, hai anh em cũng đã giảng hòa nhưng rạn nứt đã không thể cứu chữa. Có thể nói chính Quang Trung là người tạo tiền lệ xấu cho hàng loạt mâu thuẫn nội bộ sau này.

Năm 1792, khi Quang Trung mất, Quang Toản lên ngôi lúc còn nhỏ nên quyền hành rơi vào tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Ở ngôi cao, Đắc Tuyên thường hay chuyên quyền độc đoán, cho nên trong hàng ngũ tướng sĩ Tây Sơn, có nhiều người bất bình. Do đó tướng Võ Văn Dũng nổi dậy lập mưu giết Bùi Đắc Tuyên năm 1795. Rồi lại đến lượt võ tướng Trần Quang Diệu do bị nghi oan nên cùng với Lê Trung quyết định phế Quang Toản nhưng việc không thành.

Ngoài ra, khi Nguyễn Ánh đem quân đánh thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc năm 1793, vua Thái Đức cầu cứu Phú Xuân. Quang Toản liền sai các tướng đem quân vào ứng cứu khiến Nguyễn Án phải rút lui. Quân Phú Xuân nhân đó lại đánh chiếm luôn đất đai của vua Thái Đức khiến ông đang trên giường bệnh tức quá thổ huyết mà chết.

Mâu thuẫn phát sinh kéo dài không chỉ giữa anh em, chú bác ruột mà còn sang cả nội bộ tướng lĩnh thì triều Tây Sơn suy sụp cũng là một điều tất yếu.

3. Bản lĩnh của Nguyễn Ánh.

Nhà Tây Sơn dần yếu đi, thế nhưng tàn quân của vua Lê chúa Trịnh không tranh thủ được cơ hội, mà chính Nguyễn Ánh lại là người đặt dấu chấm hết cho triều đại này. Phải khâm phục lòng kiên trì của Nguyễn Ánh kèm thêm cả sự may mắn của ông.  

Rõ ràng Nguyễn Ánh đã gặp may khi nhiều lần thoát nạn trước sự truy đuổi của Tây Sơn. Khi Quang Trung ổn định xong Bắc Hà, lên kế hoặc quyết tâm tiêu diệt Nguyễn Ánh, nhưng chưa kịp thì Quang Trung đã lâm bạo bệnh mà mất. Nhưng phải thừa nhận ông cũng là một người có lòng dũng cảm và ý chí bền bỉ không sờn, dù bị thua hết lần này đến lần khác, gặp rất nhiều hiểm nguy. Có thể nói tài năng quân sự của ông không bằng Nguyễn Huệ nhưng sau khi Nguyễn Huệ chết, không còn ai là đối thủ của ông.

Hoài Phong

Lời bàn: Quang Trung Nguyễn Huệ là hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam. Cả cuộc đời binh nghiệp của ông chưa từng thất bại một trận nào. Tên tuổi Tây Sơn còn ghi mãi trong lịch sử, dù đây là một trong những triều đại ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Nguồn tin: www.lophocvuive.com