Trong tôi, cô là mẹ Việt Nam anh hùng!

Anh Lê Ngọc Hóa, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tân Mỹ Chánh đưa tôi đến ngôi nhà cấp 4 có cái bàn đá lót bên thềm. Một bà lão mặc chiếc áo bà ba màu trứng sáo, mái tóc bạc cắt ngắn, thân hình nhỏ bé gầy gò của bà như lọt tỏm sau mặt bàn. Anh Bí thư gọi bà bằng cô một cách trìu mến và giới thiệu với tôi: “Đây là cô Ba, một đảng viên cao tuổi yêu thơ. Cô tham gia cách mạng và vào Đảng từ những năm 50”. Nghe giới thiệu về mình như vậy, cô cười; đôi mắt trũng sâu ánh lên tia sáng và khuôn mặt nhăn nheo như giãn ra đôi chút.
Mẹ VNAH Đặng Xuân Hoa

Cô là Đặng Xuân Hoa, 91 tuổi (SN 1926) ở ấp Bình Lợi, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho. Sinh ra trong một gia đình hương chức yêu nước ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, dù nhà nghèo, đông con nhưng mấy anh chị em cô đều được đến trường. Anh Hai cô (Đặng Minh Trí) nguyên là học sinh Trường Colège De My Tho (Trường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ). Còn cô, học tới sơ học Pháp - Việt thì gia đình gặp biến cố; bà nội, rồi mẹ cô mất. Cha cô đau buồn thất chí, cô phải nghỉ học để phụ lo cho bầy em 6 đứa, mà đứa nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi. Đó là những năm tháng gian nan nhất trong cuộc đời cô. Vừa chăm sóc đàn em, cô vừa cùng cha lo cuộc sống gia đình; hết mùa cấy mướn làm thuê, lại chống chèo buôn bán. Nhưng khi bộ đội Vệ quốc đoàn thiếu gạo (vì bọn tề điệp kiểm tra gắt gao, nhà máy không xay lúa cho bộ đội được) cô bàn với chị em trong xóm gánh lúa của bộ về nhà xay giã, rồi giao gạo cho quân lương.

Có lần quân Pháp tấn công vào làng, chúng đốt nhà, bắt con heo nái đang có chửa - là tài sản duy nhất của gia đình cô - mổ bụng. Bầy heo con trong bọc tràn ra, những bàn tay lông lá chộp lấy bỏ vào túi quần. Thật là dã man, gớm ghiếc! Vậy là hết, đêm đó cả nhà cô ngủ ngoài trời. Lúc đó anh Hai cô đã bỏ học vào căn cứ. Hòa bình, anh là Trưởng ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Thấy cô có học, lại thông minh lanh lẹ; bác Ba Tuấn Vĩ - Bí thư Chi bộ xã vận động cô vào Hội Phụ nữ cứu quốc. Không bao lâu cô được bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã. Đó là sau 1945, khi cách mạng đã giành chính quyền; cô vận động, tổ chức được 3 Trung đội nữ dân quân, rồi giao cho quân sự huấn luyện, tổ chức canh gác. Chị em nữ dân quân tự trang bị bằng tầm vông, giáo mác; mặc áo bà ba, khăn rằn quấn ngang eo. Vậy mà oai lắm nha, tập đi đều đi nghiêm khí thế đằng đằng. Rồi cô lại đi vận động ủy lạo tiếp tế cho bộ đội; vận động các mẹ, các chị vá quần áo cho bộ đội… Hồi đó bộ đội mình nghèo lắm, mỗi người chỉ có một bộ đồ bằng vải đen, áo may cổ vuông. Bởi vậy có nhiều đôi bạn thân mặc đồ chung để có thể chia sẻ cho nhau; anh đi công tác thì mặc bộ đồ lành, người ở nhà mặc bộ rách. Các cô đi ủy lạo không chỉ xin đường, sữa cho Quân y xá, mà còn xin quần áo cho bộ đội. Hồi đó, đơn vị gần gũi nhất với tụi cô là Đại đội Xung phong 978, của Tiểu đoàn 308. 

Trong quá trình công tác, người thương cô nhất là Má Chín, Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ. Thấy cô xinh xắn, giỏi giang, má làm mai cô cho người con nuôi của mình. Đó là anh Chính trị viên trung đội của Đại đội Xung phong 978, Nguyễn Đức Hiền, quê ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho. Đám cưới được tổ chức trong mùa nước nổi năm 1947. Sau đám cưới, chú Nguyễn Đức Hiền cùng đơn vị hành quân sang vùng khác, cô Ba Xuân Hoa ở lại địa phương công tác. Năm 1949 cô được kết nạp vào Đảng và được rút về Hội Phụ nữ huyện Châu Thành; không lâu sau thì về Hội Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp.

Còn chú Hiền vẫn bôn ba khắp các chiến trường, đối mặt với gian khổ hiểm nguy. Trong trận Lai Vung - Đất Séc chú bị thương, rồi bị bệnh, sức khỏe giảm sút. Lúc này, ta đang thực hiện chủ trương đưa bộ đội về làng làm nòng cốt xây dựng lực lượng du kích; vậy là chú Hiền được chọn về xã An Khánh làm Xã đội trưởng.

Chồng về thì vợ đã đi. Khi cô Xuân Hoa có thai người con đầu, để tạo điều kiện cho cô ổn định gia đình, tổ chức cho cô đi học lớp hộ sinh, rồi về công tác ở Nhà bảo sanh huyện.

Năm 1954, anh Hai cô cùng bao đồng đội đi tập kết; vợ chồng cô ở lại điều lắng. Bọn giặc đàn áp, bắt bớ những người kháng chiến, vợ chồng cô dắt 2 con nhỏ vô đồng sâu cất cái chòi sống ẩn dật. Nhưng bọn địch cũng không để yên, chúng rình rập, o ép; ngày nào cũng có người bị bắt. Chú bàn với cô về Mỹ Tho, quê chú sinh sống.

Đó là năm 1955. Được người cô ruột của chú giúp đỡ, cô chú cất lên ngôi nhà lá ở đường Pasteur, Phường 4, thành phố Mỹ Tho. Nhờ một người bà con giới thiệu, chú được vào làm Giám thị trong Trường Nguyễn Công Trứ - Một ngôi trường do những người cách mạng sáng lập. Cô hái rau, xé lá chuối bán đắp đổi qua ngày. Những người con lần lượt ra đời, cuộc sống càng thêm túng quẫn, cô chuyển sang may đồ gia công, rồi bán xôi...
 

Cô Đặng Xuân Hoa (bên trái)

Trong trường, chú Hiền tiếp tục hoạt động trong Ban Tư Trí Vận của Thị ủy Mỹ Tho. Công việc của chồng cụ thể là gì cô không rõ, nhưng cứ năm mười bữa lại có người đến nhà “uống trà”, bọn trẻ bị đuổi ra ngoài canh chừng. Cô rất lo, vì giáo viên của trường đã có mấy người bị bắt, bị tù.

Năm 1962, chủ đất về lấy đất bán, cô chú chuyển nhà lên đường Lý Thường Kiệt, Phường 5, Mỹ Tho, gần kho quân tiếp vụ. Ở đây, theo phân công của đồng chí Phan Văn Thảo (Chín Thảo) Thường vụ Thị ủy Mỹ Tho, cô chú đã làm cái hầm bí mật ngay trên nóc trản-xê nhà mình để nuôi giấu cán bộ. Cái trản-xê

xây gạch, nóc đổ bê tông, nhưng rỗng ở giữa; cửa ra vào là tấm vỉ sắt bên dưới nóc trản-xê. Cái hầm chứa được 2 người và cũng chỉ có 2 người biết. Đó là anh Chín Thảo và cô Năm Vân, giao liên. Từ ngày có cái hầm, anh Chín Thảo và cô Năm Vân thường tới lui, có khi ở lại nhà cô hai ba ngày mới đi. Người bắt liên lạc, đưa rước họ ra vào nội thành là anh Nguyễn Xuân Hải, con trai lớn của cô chú. Để tiện cho việc đi lại của anh Hải, tổ chức đã cấp cho anh một chiếc xe hon da. Có lần bọn địch nghi ngờ, tra hỏi về lộ trình của chiếc xe đó.

Trong trận Mậu Thân 1968 Trường Nguyễn Công Trứ bị cháy, những người cách mạng lập lại trường mới và đặt tên là Trường Tiền Giang. Năm 1969 - 1970 cách mạng phát động Phong trào “Cây Mùa xuân chiến sĩ”; được anh Hai Diệu, giáo viên của Trường Tiền Giang giao nhiệm vụ, cô đi vận động các gia đình cách mạng, bà con, họ hàng được 60.000 đồng. Thời đó 60.000 đồng lớn lắm, cô giao số tiền đó cho anh Hai Diệu mà lòng vui phơi phới như người vừa  lập được chiến công.

Sau 1975 cô được kết nạp Đảng trở lại và được bầu vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Mỹ Tho; rồi Hiệu trưởng Trường Phụ nữ vì ngày mai. Còn chú Hiền vẫn công tác trong ngành giáo dục, đơn vị cuối cùng của chú là Sở Giáo dục Tiền Giang. Năm 1982, cô chú cùng được nghỉ hưu và cả hai người đều được nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Nhìn lại gia đình, cô chú hài lòng vì các con đều đi theo con đường của mình, con đường cách mạng. Cô Ba cười bẻn lẻn: “Hồi đó đâu có biết kế hoạch như bây giờ, nên nhà nghèo mà cô cứ sanh năm một, đủ một chục (7 trai, 3 gái) mới thôi”.

Năm 1972, người con trai đầu lòng của cô (Nguyễn Xuân Hải) đang học Đại học Văn khoa năm thứ 2 thì trường đóng cửa để bắt quân dịch. Anh trốn vào chiến khu theo cách mạng (Anh Hải nguyên là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long nghỉ hưu). Lúc ấy, người con trai thứ ba của cô (anh Nguyễn Xuân Trường) là giao liên của Ban Tư Trí Vận Thị ủy Mỹ Tho. Nhiệm vụ của anh là đưa rước cán bộ hoạt động nội thành, cung cấp tin tức… (anh Trường nguyên là Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang nghỉ hưu). Năm 1973, người con trai thứ tư của cô (anh Nguyễn Xuân Nam) lại nghỉ học vào chiến khu làm phóng viên chiến trường của Phân xã Giải phóng miền Tây Nam bộ (hiện anh đã nghỉ mất sức). Năm 1974, con trai thứ năm của cô (anh Nguyễn Xuân Phương) nối bước các anh vào bộ đội. Hòa bình anh chuyển ngành, làm công nhân được 1 năm, năm 1976 lại tình nguyện đi bộ đội; đến năm 1982 mới phục viên. Có ai biết một gia đình sống trong lòng địch mà lòng vẫn hướng về cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có 4 lần cô chú tiễn con vào chiến khu.

Rồi đến cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc những người con của cô lại nối tiếp truyền thống gia đình. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, năm 1978 người con thứ sáu của cô (chị Nguyễn Thị Ngọc Mỹ) đã tình nguyện vào quân đội. Năm 1982, người con thứ tám (anh Nguyễn Xuân Thiệt) nối bước lên đường (anh Thiệt nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Song Bình, Chợ Gạo; anh vừa nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng).

Bốn người con còn lại, thì 3 người cũng là cán bộ, công chức nhà nước: Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan là cán bộ kỹ thuật của Nhà hàng Trung Lương, nghỉ hưu.

Anh Nguyễn Xuân Phùng Minh làm trong khu công nghiệp Mỹ Tho, Chủ tịch Công đoàn của Công ty Badavina. Chị Nguyễn Thị Huệ Hương công tác ở UBND xã Song Bình.

Như vậy thì từ chống Pháp, đến chống Mỹ, rồi bảo vệ Tổ quốc, cuộc chiến nào gia đình cô cũng có cống hiến, có tham gia. Tôi tự hỏi, sức mạnh nào tiềm ẩn trong tấm thân còm cõi của người mẹ đang ngồi trước mặt mình? Bản thân cô là đảng viên cộng sản, đã nếm trải gian khổ, hy sinh từ những ngày kháng chiến chống Pháp; nhưng không vì thế mà cô chọn cuộc sống an nhàn. Khi đất nước còn họa xâm lăng cô chấp nhận hy sinh để con đi làm cách mạng. Bốn lần tiễn con theo kháng chiến là bốn lần xót xa, ruột thắt gan bào. Biết bao đêm cô không ngủ vì nỗi lo lắng, nhớ thương. Điều may mắn lớn lao là sau cuộc chiến các con cô đã trở về, gia đình cô đã sum họp, chứ không thì… cô cũng đã là Mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi nhìn cô, người mẹ với tấm thân khô héo, lòng bỗng trào lên một niềm thương kính. 10 người con của cô thì 9 người tham gia cách mạng, 4 người là đảng viên. Cô Ba cười: “Nếu tính luôn hai thằng cháu nội thì gia đình này có 6 đảng viên”.

Năm 2007 chú Nguyễn Đức Hiền mất vì bệnh, bây giờ cô Ba sống với chị Ngọc Lan. Chồng chị Lan đã qua đời, chị ở vậy nuôi con, chăm sóc mẹ. Nay con gái chị lấy chồng, chỉ còn hai mẹ con hủ hỉ với nhau.

Khi tôi từ giã ra về cô Ba tặng tôi 3 tập thơ do cô sáng tác và in thủ công. Trong đó có những bài thơ cô viết từ những năm chiến tranh, nội dung thể hiện niềm tin vào cách mạng và tình cảm thiêng liêng cô dành cho Bác Hồ. Phần nhiều là những bài thơ cô viết trong thời bình, ghi lại những suy nghĩ, tình cảm, nỗi trăn trở của cô trước sự xói mòn của đạo đức xã hội. Tuổi già sức yếu cô vẫn lo lắng cho mỗi sự được mất riêng chung. Trong lòng tôi, cô là Mẹ Việt Nam anh hùng!

Tác giả bài viết: Ngọc Thủy

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 80