Tìm thấy thêm một bộ sách sử của Vua Tự Đức: Bài học về dạy sử và chép sử

Trong quá trình tìm kiếm tài liệu, lang thang trong các tiệm sách cũ ở Đà Lạt, chúng tôi may mắn tìm được một bộ sách  lịch sử bằng thơ có tiêu đề “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” của Vua Tự Đức biên soạn.

Bài học của vị vua cách đây một thế kỷ về biên sử Việt, dạy sử Việt, sao cho đừng để sử phương Bắc lấn át đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

"Ngự chế Việt sử tổng vịnh” được in lại năm thứ năm niên hiệu Vua Duy Tân (1912), của nhà in Liễu Văn Đường. Bộ sách này có 212 bài thơ vịnh đế vương, hậu phi, tôn thần, hiền thần người trung nghĩa, văn thần võ tướng, liệt nữ, kẻ tiếm vị, bọn gian thần, những điều hay việc tốt trong lịch sử Việt Nam. Có thể nói, bộ sách là một tư liệu quý để nghiên cứu, đối chiếu về mặt văn bản học, từ đó làm cho bộ sách càng thêm giá trị. Theo ông Lê Khắc Niên - nhà nghiên cứu Hán-Nôm từng công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - “hiện ở đây cũng có bộ sách này bằng ván in mộc bản, tuy nhiên sách thiếu nhiều trang do lịch sử để lại. Nếu như đem bộ sách đã in này đối chiếu với bản ván in thì sẽ bổ khuyết được cho nhau”.

Sinh thời, Vua Tự Đức là người chú trọng đến việc biên soạn quốc sử, nên đã cho soạn bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” rất đồ sộ, lại tự mình biên soạn các sách như “Ngự chế Việt sử tổng vịnh”, “Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca” hay sách “Luận ngữ thích nghĩa ca”... Vua Tự Đức cho rằng người ta không thể không đọc sử. Cho nên đời nào cũng vậy, các bậc vua - tôi, cùng các sĩ dân nam - nữ không thể không đọc sử. Tuy vậy, Vua Tự Đức cho rằng đọc sử là việc khó, nhưng triều đại nào cũng có người làm sử và việc làm ấy được liên tục kế truyền, có phép tắc biên chép phân minh các sự việc văn liệu rõ ràng, đầy đủ. 

Theo Vua Tự Đức, nước ta là một quốc gia có văn hiến. Nếu như việc chép sử được chú trọng, trước sau có người nối tiếp, đời nào có sử đời ấy, mọi việc hay dở được trưng dẫn đầy đủ rõ ràng, thì há chỉ có một bộ sử Trung Quốc (TQ) được lưu hành thôi sao. Do đó, vua phê phán những kẻ chỉ biết có sử TQ, mở miệng ra là dẫn sử TQ. Chính vì lẽ đó mà vua quyết tâm làm sử cho nước nhà.

Trong bài tựa của sách, Vua Tự Đức đã hết sức chú trọng đến Việt sử. Sở dĩ vua tự soạn bộ sách này vì mục đích muốn cho quảng đại quần chúng suy nghiệm về những nhân vật và giai thoại Việt sử để rút ra những bài học đạo đức. Mỗi đề tài ngâm vịnh đều có sử liệu giải thích rõ ràng.

Nhìn chung, người đọc có thể đọc được những nhân vật lịch sử nổi tiếng, có tiểu dẫn giai thoại lịch sử và có những bài thơ viết về nhân vật ấy. Đọc sử như vậy khiến cho quảng đại quần chúng dễ nhớ, dễ hiểu và rút ra những bài học cho bản thân sau khi đọc sử. Chẳng hạn ngay ở quyển đầu, vua viết về Hùng Vương, vua đã dẫn trong sách “Sử ký” phần ngoại kỷ về thân thế, sự nghiệp cuộc đời của các vua Hùng khá tỉ mỉ. Cuối cùng là một bài thơ tổng kết về cuộc đời sự nghiệp của các vua Hùng trong bốn câu thơ chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Hay như viết về Trần Quốc Toản, vua làm bài thơ: Hận lòng sáu chữ có cờ trưng/ Xông xáo muôn quân tỏ chí hùng/ Ghi dấu bình Nguyên cam bóp nát/ Từ đầu tay đã thẹn kỳ công; hay viết về Nguyễn Trãi, vua viết: Văn bút từ chương rạng quốc hoa/ Bình Ngô chung đỉnh tiếng lừng xa/ Công thành đã mến Côn Sơn hứng/ Còn vướng nga my nợ oán gia.

Có thể nói, ý thức dân tộc trong “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” của Vua Tự Đức đã được đề cao, cuốn sách là một tác phẩm lịch sử Việt Nam bằng thơ có giá trị để nghiên cứu về các nhân vật lịch sử. Ngoài ra, người đọc cũng dễ nhớ nội dung của lịch sử qua những bài thơ được Vua Tự Đức tổng kết lại các giai thoại lịch sử của các nhân vật. Đây là một tư liệu quý cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu.

Nguồn tin: Lao Động