Tìm thấy nguồn gốc Thánh Gióng?

Tiến sỹ Hán học Cung Khắc Lược và Tiến sĩ Lương Văn Kế đã công bố những phát hiện mới về nguồn gốc Thánh Gióng. Những công bố này được căn cứ vào một bản thần phả của đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội). Theo thần phả thì Thánh Gióng có họ Đổng, xuất thân rõ ràng, có cha, có mẹ. Đặc biệt, dòng họ Đổng nổi tiếng với những chiến công trị thủy, giúp nước cứu dân.
Xuất thân rõ ràng
 

Trong khi khảo cứu di tích đền Bộ Đầu thờ Phù Đổng Thiên Vương (tên thường gọi là đền Quan Thánh nằm trên cánh đồng giữa hai thôn Bộ Đầu và Thượng Giáp) ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, các nhà khoa học có những phát hiện mới rất có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa. Đặc biệt, trong hậu cung của ngôi đền và cũng đồng thời là chùa khang trang đứng đó uy nghi lẫm liệt pho tượng đức Đổng Sóc Thiên Vương cao tới 6m. Đây có lẽ là pho tượng cổ lớn nhất trong di sản văn hóa dân tộc còn lại cho đến ngày nay. Ngài đầu đội mũ bách tinh chói lọi, mặt đỏ hồng màu cánh sen, đôi mắt sáng quắc nhìn về phương Bắc, hai chân giẫm lên lưng hai con giao long. Tay phải cầm long đao, lòng tay trái nâng thờ mộ tháp của mẫu thân. Hai bên tả hữu là Bát bộ đại kim cương chia làm hai hàng đứng hầu phía sau. Mỗi pho cao hơn 3m.
 

Hình ảnh Thánh Gióng luôn tồn tại trong dân gian.
 

Bản thần phả gốc của ngôi đền này được tìm thấy trong Viện nghiên cứu Hán Nôm, ngoài bìa có đóng dấu bầu dục của Viễn Đông Bác cổ thời Pháp thuộc. Thần phả do Hàn Lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn bằng Hán văn vào năm thứ nhất niên hiệu Hồng phúc, triều Lê Anh Tông (1572). Nội dung bản thần phả thờ đức Đổng Sóc Thiên Vương này có nhiều điểm khác lạ so với truyền thuyết Thánh Gióng quen thuộc. Mẹ Thánh Gióng có tên họ và xuất xứ rõ ràng. Người không phải là một bà già luống tuổi xấu xí như huyền thoại dân gian lưu kể mà là người con gái có nhan sắc của thánh thần. “Khi cô tròn 16 tuổi, gương mặt hồng tươi, mắt tựa ánh trăng rằm hồ thu, nhan sắc tuyệt vời, nghiễm nhiên thành một trang giai nhân tuyệt thế. Lại có điều lạ thường, trên đầu nàng luôn hiện một vầng hào quang ngũ sắc lãng đãng như cánh chim loan. Dù nàng đi đâu, đi chơi hay đi lấy củi hay làm đồng thì vầng hào quang đó vẫn bay ở trên đầu, tứ bề muôn đóa huy hoàng quấn quýt, một vùng gió biếc hương đưa ngan ngát”.

Người phụ nữ ngày sau thành vợ yêu của Đại quan lang họ Đổng tên Gia vùng Đại Mạn Châu danh giá. Tuy nhiên, hồng nhan bạc mệnh, chỉ một năm sau chồng bà qua đời. Bà vào tu tại chùa Hoàng Nham, do được “thiên thụ” mà có thai. Sau ba năm bốn tháng sinh ra một bọc hình như đóa sen hồng còn phong nhụy, lúc nào cũng thoang thoảng hương đưa và có những dải mây cầu vồng quấn quýt, 7 tháng sau bông sen còn chưa nở. Chỉ khi vua Hùng đưa về cung ngày đêm chăm sóc, dần dần đóa sen mới nở hình hài nhi. 

Hài nhi đó chính là vị anh hùng lẫm liệt mang tên Thánh Gióng mà dân gian vẫn nhắc tới với sự thụ thai kỳ lạ mang tên “vết chân to”. Dòng họ Đổng từ đó ngày càng danh giá. Tiến sĩ Lương Văn Kế, người gắn cả tuổi thơ với ngôi đền Phù Đổng Thiên Vương hé lộ rằng, người cháu 13 đời của ông Đổng Sóc đã tiếp tục sự nghiệp lẫy lừng của tổ tiên mình. Thần phả mà các ông tìm thấy còn cho biết, sự nghiệp thực sự của những ông Gióng này không chỉ là đánh giặc. Điều thú vị hơn, cả hai ông điều rất hiếu thuận với mẹ. Điều sẽ được làm sáng rõ khi hội thảo về ông Gióng thứ hai được công bố. “Sự tồn tại của dòng họ Đổng đã quá rõ ràng, vấn đề là làm thế nào để chắp nối được liên tục phả hệ của dòng họ này mà thôi”, tiến sĩ Lương Văn Kế nói.
 

Tiến sĩ Khoa học Lương Văn Kế.


Dòng họ trị thủy

Sự khác biệt trong câu chuyện về Thánh Gióng trong thần phả và truyền thuyết không chỉ thể hiện ở dòng họ và sự thụ thai mà còn khác biệt ở chiến công của ngài Phù Đổng Thiên Vương. “Đó là một tâm thức khác của người dân về vị anh hùng dân tộc”, Tiến sĩ Lương Văn Kế nói. Thánh Gióng của thần phả này là một anh hùng trị thủy, “Đây là một điều nghe hết sức hợp lý và đối với những kẻ hậu sinh là vô cùng lý thú”, Tiến sĩ Cung Khắc Lược nói: “Một trong những hiểm họa luôn rình rập đất nước ta đó là lụt lội. Cho đến giờ, một năm chúng ta phải đối mặt với không biết bao nhiêu trận bão lũ, nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu này”. Theo thần phả, thủa ấy, ở động Xích Thủy do Hùng Vương trị vì có thần tướng Đằng Xà nổi lên cướp bóc suốt từ rẻo Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa đến Thái Nguyên. Quân giặc được mô tả mặt thú hình yêu, đầu rắn mặt cá... như là hiện thân của những cơn lũ và những loài thủy quái làm hại dân lành.

Bộ thần phả như một thiên anh hùng ca hiếm hoi của Việt Nam diễn lại trận đánh và cuộc đời vị Thiên vương lẫm liệt: “Thiên thần lập tức xông thẳng tới nơi giặc ở Động Xích Quỉ bên núi Ngũ Lĩnh. Tướng giặc Đằng Xà bấy giờ đang giữa trăm quân hầu cận, trông thấy ngài bèn hồn bay phách lạc. Bọn tả hữu vội tẩu tán. Thần tướng bắt sống được tướng giặc Đằng Xà bên chân núi Ngũ Lĩnh, chém nó thành ba đoạn. Tàn quân giặc Xích Quỉ bị đánh tan tác như tro bụi. Thần tướng trở gót một mạch về triều, tới trước mặt vua nói: Ơn bú mớm thật là sâu nặng, Xin nhà vua hãy thay ta chăm sóc mẹ. Dứt lời thiên thần cầm đao long vút thẳng lên trời”.
 

Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược
 

Lòng hiếu với mẹ của ông Gióng không ngừng ở đó. Khi ông đã về trời, nhận được tin mẹ mình đang bị thuồng luồng ăn thịt, ông bèn giáng thế cứu mẹ mình. Đoạn hùng ca Thánh Gióng cứu mẹ làm thỏa lòng người Việt về tâm thức cao đẹp của dân tộc: “Đầu ngài đội mũ bách tinh chói lọi, thân khoác long bào kim giáp, mặt đỏ như mặt trời, mắt sáng như dao. Một chân ngài đặt giữa đồng, còn chân kia giẫm chết đôi giao long bên bờ sông. Ngài nâng mẹ lên lòng bàn tay trái. Bỗng nhiên thi thể mẹ hóa thành ngôi tháp lớn ngay trong lòng bàn tay ngài”. Hình ảnh hai con giao long quấy phá đó theo Tiến sĩ Lương Văn Kế cũng tượng trưng cho hiện tượng lũ lụt và thủy quái quấy phá dân lành.

 

Tác giả bài viết: Phong Thiện

Nguồn tin: lophocvuive.com