Sự thật về vị Thái tử cuối cùng của Việt Nam

Chung tình với một phụ nữ người Pháp, Thái tử Bảo Long mất ở tuổi 71 mà không có con nối dõi, trở thành vị Thái tử cuối cùng của Việt Nam.
Thái tử Bảo Long sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936 tại điện Kiến Trung trong Đại nội Huế. Người là con đầu lòng của Vua Bảo Đại (tên thật Vĩnh Thụy) và Nam Phương Hoàng Hậu (Nguyễn Hữu Thị Lan).

Thái tử Bảo Long lúc mới sinh ra – Nguồn ảnh: Internet

Năm lên 3 tuổi, Bảo Long được phong Thái Tử và bắt đầu học với hoàng thân Ưng Quả – Vị hoàng thân uyên bác thuộc phủ Tuy Lý Vương. Theo giao ước trước khi kết hôn giữa Vua Bảo Đại và Nam Phương, con của Nam Phương sinh ra đều được rửa tội và theo đạo Thiên Chúa giáo, chính vì thế mà Bảo Long là vị Thái tử duy nhất và hi hữu theo đạo Thiên Chúa của phong kiến Việt Nam.

Thái tử Bảo Long khi mới 3 tuổi – Nguồn ảnh: Internet

Được giáo dục trong môi trường tiếng Pháp nên sau Cách mạng tháng 8, Thái tử mới nói rành tiếng Việt. Thái tử học tại trường Đồng Khánh và cùng sống chan hòa với những người bạn bình dân. Năm 1947, Cựu hoàng Bảo Đại rời Chính phủ cách mạng và sống lưu vong ở nước ngoài, Thái tử và 4 người em theo Hoàng hậu Nam Phương rời quê hương qua sống ở lâu đài Thorenz tại Cannes thuộc vùng biển nghỉ mát Côte d’Azur (Pháp).

Thái tử Bảo Long cùng mẹ và các em – Nguồn ảnh: Internet

Tại Pháp, Bảo Long học phổ thông ở Trường Roches tại Normandie, tiếp đến học Luật (Droit) và khoa học Chính trị (science politi-que) ở Paris, học sĩ quan tại trường quân sự nổi tiếng thế giới Saint-Cyr (1954) rồi trường Kỵ binh Saumur. Thái tử tốt nghiệp vào năm 1956  với cấp bậc chuẩn úy. Trong suốt thời gian học tập tại đây, Thái tử Bảo Long luôn chăm chỉ, thông minh và nghiêm túc.

Thái tử Bảo Long ở tuổi trưởng thành – Nguồn ảnh: Internet

Năm 1953, Bảo Long được phong Hoàng Thái tử để chuẩn bị kế thừa chức vị khi Bảo Đại tạ thế. Nhưng tình hình chính trị thay đổi, “Quốc trưởng” Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm theo Mỹ bày trò trưng cầu dân ý hạ bệ một cách nhục nhã, tài sản riêng của Bảo Đại ở Việt Nam và Pháp bị chế độ Ngô Đình Diệm tịch thu.Thái tử rơi vào cơn khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng.

Thái tử Bảo Long ở tuổi trưởng thành – Nguồn ảnh: Internet

Bảo Đại sau khi thoái vị bắt đầu cuộc sống lưu vong nên Bảo Long cũng sống lưu vong cùng gia đình. Là một Thái tử lưu vong, trong túi của Bảo Long không có bất cứ một giấy tờ nào ngoài Hộ chiếu ngoại giao của một công dân trong khối Liên hiệp Pháp. Cấp bậc Chuẩn úy Bảo Long không được công nhận là một sĩ quan Pháp mà chỉ là một sĩ quan ngoại quốc.

Cuộc khủng hoảng tinh thần này đẩy Bảo Long tìm đến cái chết bằng cách tham gia vào đội quân đánh thuê Lê Dương trong cuộc chiếm xâm lược Pháp với Algérie. Nhưng vì gia tộc Nguyễn Phúc chỉ trích và phản đối, ông giải ngũ và xin vào làm nhân viên tại một ngân hàng của người thân bên họ ngoại.

Từ đó về sau ông không tham gia vào bất cứ hoạt động chính trị nào. Thái tử Bảo Long không kết hôn và không có con nối dõi nhưng ông từng có thời gian sống chung với bà Isabel Ébey – người phụ nữ từng có chồng và đã có hai con. Bà Isabel Ébey là một chuyên gia trang trí nội thất.

Thái tử Bảo Long sống ở Pháp – Nguồn ảnh: Internet

Sau ngày Isabel Ébey mất, ông không làm bạn với một người phụ nữ nào khác. Do không sống với người Việt Nam, nên ông nói tiếng Việt rất khó. Tuy thế ông cũng đã cố gắng đọc Lời tưởng niệm dâng lên cha mẹ bằng tiếng Việt trong lễ cầu siêu cho song thân nhân 49 ngày thọ tang của Cựu hoàng Bảo Đại tại một ngôi chùa trong rừng Vincennes (Paris). Ông mất tại bệnh viện Sens vào năm 2007 hưởng thọ 71 tuổi.


Tác giả bài viết: Vi Vân

Nguồn tin: baochi.edu.vn