Những sai lầm trong sách Lịch sử Việt Nam

I.  Sách mới, thêm tội lỗi mới

      Gần đây,  ở các hiệu sách có bày bán quyển LỊCH SỬ VIỆT NAM, tập I  Từ nguồn gốc đến thế kỷ  XIV. Các tác giả gồm:  Phan Huy Lê (chủ biên) -  Phan Đại Doãn - Lương Ninh - Nguyễn Quang Ngọc - Trần Quốc Vượng. Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, khổ giấy 16x24cm, 884 trang.  In 600 bản. In xong và nộp lưu chiểu  tháng 9 năm 2012.

       Đây là tập I trong bộ sách  LỊCH SỬ VIỆT NAM gồm 4 tập. Ở  trang 4 (sau trang bìa trong) có ghi: Bộ sách  được hoàn thành trên cơ sở đề tài độc lập cấp nhà nước”Lịch sử Việt Nam” do GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc làm Chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ quản.

      Theo Lời nhà xuất bản in ở trang đầu, Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam hy vọng rằng, bộ sách sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập chuyên sâu của sinh viên chuyên ngành lịch sử thuộc các trường đại học, nhu cầu nghiên cứu tham khảo của độc giả trong và ngoài nước quan tâm và  yêu mến lịch sử dân tộc.

        Vì quan tâm  đến lịch sử nước nhà nên khi nhìn thấy quyển sách Lịch sử Việt Nam  mới biên soạn này, tôi chú ý ngay để xem thử sách giáo khoa lịch sử ở  nước ta đã tiến bộ ra sao.

          Khoảng  một chục năm gần đây, tôi đã phát hiện và viết nhiều bài vạch rõ  một số sai lầm trong các sách lịch sử được biên soạn từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay. Đặc biệt, tôi đã bác bỏ câu chuyện hoang đường về “nạn cống vải” do giới sử học hiện thời dựng lên và coi đó  là  nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722. Không một người  nào bác bỏ được lý lẽ của tôi. Tuy nhiên, vì không chịu thừa nhận sai lầm, ông Phan Huy Lê, chủ tịch Hội  Khoa học Lịch sử  đã nhặt nhạnh vài ý râu ria vụn vặt của tôi,  gộp lại  thành một câu  rồi coi  đó là toàn bộ lý lẽ và chứng cứ mà tôi  đã viết  trong  vài chục ngàn chữ, trên cơ sở đó, ông ta đã  “phản biện” và  giành giật kết quả nghiên cứu của tôi.  Hành động bất lương này đã bị tôi công  khai vạch trần và cực lực lên án trong bài Đôi điều về  “nạn cống vải”, đăng trên báo Đai  biểu  Nhân dân ngày 13/01/2011. Sau đó, ông Phan Huy Lê cũng viết bài Đôi điều cần trả lời và cũng đăng trên báo Đại biểu Nhân dân  nhưng thực chất thì ông ta không  hề trả lời được bất cứ điều gì trong bài tố cáo của tôi, nên ông ta đành quay ra “kể tội” tôi bằng  những lời vu cáo, bịa đặt. Hiện tại, cả  hai bài còn nằm trên mạng Internet, và độc giả có thể  tìm thấy ngay (theo tên bài) để kiểm chứng.

         Về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, ông Phan Huy Lê  còn công bố  một ”phát hiện mới” nhằm  “sửa chữa sai lầm kéo dài  nhiều thế kỷ” của  nhiều thế hệ sử gia tiền bối. Theo ông Phan Huy Lê  thì Khởi  nghĩa Mai Thúc Loan đã bùng nổ và giành được thắng lợi từ  năm Khai Nguyên thứ nhất, tức  là  năm 713, mở ra một thời kỳ độc lâp trong 10 năm (đến năm 722)  chứ không  phải là  nổ ra và bị dập tắt  trong  năm 722 như mọi sách  lịch sử xưa  nay vẫn ghi chép. Dựa vào “phát hiện mới” này, tỉnh Nghệ An và ông Phan Huy Lê đã đề nghị Trung ương quyết định tổ chức đại lễ toàn quốc kỷ niệm 1300 năm ngày Khởi nghĩa Mai Thúc Loan thắng lợi vào dịp rằm tháng giêng năm Quý Tỵ sắp tới, cùng với việc xây dựng tượng đài và  lăng  miếu, khảo sát về quốc đô của vương triều họ Mai, viết  lại sách lịch sử, phân chia lại các thời kỳ Bắc thuộc, v.v. .

          Nhưng “phát hiện mới” của  ông Phan Huy Lê chỉ là một chuỗi những sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi đã chứng minh rất rõ điều đó trong bài Phải chăng Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713  như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê ?  và đã gửi bài  này cho các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Xưa & Nay từ đầu tháng 4 năm 2012.

          Vì  những sự việc như vậy nên  khi thấy sách Lịch sử Việt Nam  tập I do ông Phan Huy Lê chủ biên, tôi liền đọc ngay đoạn viết về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan và thấy như sau:

1.      Về  cái gọi là “nạn cống vải’, ông Phan Huy Lê hoàn toàn né tránh những kết luận  của tôi   bác bỏ những nguyên do và  những chứng cứ về “nạn cống vải” mà giới sử học hiện thời đã rao giảng trong tất cả các sách lịch sử từ năm 1965 đến nay. Mặt khác, tuy đã thừa  nhận “nạn cống vải” không xẩy  ra ở thời thuộc Đường (tức là thời Mai Thúc Loan)  nhưng ông ta vẫn khăng khăng cho rằng “nạn cống vải” đã từng tồn tại dưới  thời Bắc thuộc, nhằm  bào chữa cho những lý lẽ ngây ngô của giới sử học mà ông ta là đại biểu “cao giá” nhất.

2.      Về “phát hiện mới’, mặc dầu ông Phan Huy Lê đã đọc bàì Phải chăng Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713  như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê ?, (vì tôi đã gửi bài  này cho các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Xưa & Nay vốn bị ông ta khống chế, thao túng, như quý vị dộc giả  đã biết trong vụ mạo xưng Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp) và đã phải “ngậm tăm”, không thể chối cãi được nhưng ông ta vẫn đem vào “công trình cấp nhà nước”  về Lịch sử Việt Nam, nhằm hợp pháp hóa một “phát hiện mới” đầy sai lầm, xuyên tạc lịch sử.

II.               Ngoan cố không chịu từ bỏ “nạn cống vải”

         1.  Lê Mạnh Chiến  bác bỏ câu chuyện hoang đường về “nạn cống vải”

        Về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, tất cả các sách Lịch sử Việt Nam  được lưu hành từ năm 1965 đến nay đều cho rằng, “nạn cống vải “ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khởi nghĩa này. Những lý do và chứng cứ về “nạn cống vải’ do giới sử học nêu ram đã được Lê Mạnh Chiến  tóm tắt lại như sau:

a.      Quả vải là một đặc sản chỉ ở Việt Nam mới có, ở Trung Quốc không có nên triều đình bên ấy phải lấy quả vải từ nước ta về ăn. Vùng Hoan Châu (Nghệ - Tĩnh) thời thuộc Đường là nơi có quả vải ngon nhất và nhiều nhất nên phải hứng chịu “nạn cống vải”.

b.      Dương Quý Phi – người đàn bà được Đường Huyền Tông sủng ái nhất – rất thích ăn quả vải, vì vậy, ông vua này bắt nhân dân Hoan Châu phải gánh quả vải tươi sang kinh đô Tràng An nộp cống  để cung cấp cho bà ta, gây nên “nạn cống vải”

c.       Mai Thúc Loan là một trong hàng ngàn dân phu phải gánh quả vải tươi đi nộp cống, và, khởi đầu từ một hành động chống đối bột phát, ông đã trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa giành độc lập hồi đầu thế kỷ 8.

d.      Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan tuy bị dập tắt nhanh chóng, nhưng nó đã làm cho “nạn cống vải” phải chấm dứt.

     Tháng 3 năm 2003, tôi (Lê Mạnh Chiến) đã công bố bài  Phải chăng “nạn cống vải “ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Thế Giới Mới, số 526, 527, 528) để bác bỏ mọi chứng  cứ và lý lẽ của các nhà sử học. Tôi đã chứng minh:

  1. Quả vải là đặc sản của miền nam Trung Quốc. Nước ta tuy có quả vải nhưng không ngon bằng và cũng không nhiều. Quả vải ở Hoan Châu càng ít và chua, vải thiều ở Hải Dương là giống của Trung Quốc, mới xuất hiện ở Hải Dương từ những năm cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.
  2.  Dương Quý Phi thích ăn quả vải, nhưng bà này sinh năm 719, còn khởi nghĩa Mai Thúc Loan  thì bị dập tắt năm 722, nên không thể có việc Mai Thúc Loan đi cống vải để đáp ứng nhu cầu của Dương Quý Phi.
  3. Mai Thúc Loan và đồng bào của ông không thể gánh quả vải sang Tràng An vì đường quá xa  (hơn 6000km), nếu đi được thì phải mất ít nhất là 7 - 8 tháng, mà quả vải thì chỉ sau dăm ngày đã hỏng.
  4. Sau khi khởi nghĩa Mai Thúc Loan bị dập tắt, Dương Quý Phi vẫn ăn vải, có nghĩa là “nạn cống vải” vẫn còn, chứ không phải như các nhà sử học đã nói. Tuy nhiên, vải cống này lấy từ miền nam Trung Quốc, được các kỵ sĩ chở đến lẻ tẻ, không có chuyện hàng ngàn người (dù là trên đất Trung Quốc) còng lưng gánh vải lũ lượt đi một mạch đến Trường An như các nhà sử học nước ta đã khẳng định và ghi hẳn vào sách giáo khoa cùng mọi sách tra cứu về lịch sử.

      Như vậy, tất cả những  nguyên do, những chứng cứ mà các nhà sử học đưa ra để khẳng định tính xác thực của “nạn cống vải” đều bị tôi bác bỏ hoàn toàn. Do đó, tôi khẳng định rằng, Mai Thúc Loan không hề đi phu gánh quả vải sang kinh đô nhà Đường, cuộc khởi nghĩa của ông chẳng liên quan gì đến “nạn cống vải”.

        Muốn phản bác lý lẽ của tôi  một cách đường hoàng thì ai cũng  phải tuân thủ trình tự sau đây:

a.      Xem xét việc tôi  tóm tắt  mọi chứng cứ và lý lẽ của giới sử học có đúng hay không? Có xuyên tạc không? Nếu có sự xuyên tạc thì có thể lên án ngay, không cần phải “phản biện” nữa.

b.      . Nếu không có sự xuyên tạc thì phải lần lượt phản bác (hoặc thừa nhận) từng kết luận của tôi. Nếu không phản bác được thì giới sử học, mà cụ thể là  Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phải  công khai cải chính, không thể quanh co; Bộ giáo dục phải ra lệnh xóa bỏ những phần  nói về “nạn cống vải” trong sách lịch sử Việt Nam  và phải thừa nhận luận cứ của tôi,

 2. Lê Mạnh Chiến chứng minh rằng, “nạn cống vải” không xẩy ra trong lịch sử nước ta

        Tôi  đã chứng minh rằng, trong lịch sử nước  ta, hoàn toàn không có “nạn cống vải” như giới sử học đã “sáng tác”, nghĩa là, không có chuyện hàng ngàn nông phu còng lưng gánh quả vải tươi đi một mạch từ Hoan Châu đến Tràng An, cách xa hàng vạn dặm. Độc giả  cần  nhớ kỹ  điều đó, đừng để cho kẻ xấu lừa gạt khi chúng dẫn ra sách nọ sách kia nói đến việc dâng nạp quả vải, quả nhãn rồi lu loa lên rằng “nạn cống vải “ đã được ghi  nhận trong sách cổ. Cống  nạp quả vải với quy mô và trên cự lý hàng vạn dặm thì mới trở thành sự kiện đáng ghi vào sách lịch sử, còn nếu cống nạp lẻ tẻ tại chỗ cho cho các quan lại địa phương, hoặc dâng  nộp vài hũ cùi vải  ngâm mật ong thì có gì khác việc dâng nộp vài rổ khoai, rổ sắn,  thuộc phạm vi “dâng nạp sản vật địa phương”, có gì đặc biệt đâu mà phải  nêu lên thành một sự kiện để  ghi vào sách vở hoặc dẫn đến  những biến cố lịch sử.

a. Không thể xẩy ra việc gánh quả vải tươi đi bộ hàng trăm ngày.

           Chỉ cần tính thời gian đi bộ từ Hoan Châu đến Tràng An, với khoảng cách hơn 6000 km, mỗi ngày đi được 30 km thì mỗi chuyến đi phải kéo dài 200 ngày, mà quả vảỉ thì chí sau 5-6 ngày đã hỏng, không thể vận chuyển đi xa như thế.

           Đó là nói về quả vải, một thứ quả rất mau hỏng, không thể vận chuyển đi xa. Nhưng, nếu là  vật cứng không hỏng, ví dụ như than đá, cũng chẳng bao giờ có chuyện hàng ngàn người lũ lượt gồng gánh đi từ đầu đến cuối con đường vạn dặm. Khi phải chở một khối lượng lớn than đá (hoặc đá quý, hoặc kim loại) trên quãng đường dài ấy, chẳng có bọn thống trị nào ngu ngốc đến nỗi phải sử dụng cách vận chuyển như vậy. Nếu làm như vậy thì bọn chúng  rất khốn khổ vì phải tổ chức hàng trăm, hàng ngàn trạm nghỉ chân dọc đường, nào là  nơi ăn chốn ngủ, bể chứa nước, bãi nấu nướng...., rồi phải chuẩn bị lương thực, củi đóm, chăn chiếu, lều quán, thuyền bè, v.v.. Cả một đoàn người lầm lũi nhếch nhác, đói rách cùng bị dồn vào cảnh khốn đốn trong nhiều ngày, đến một mức độ nào đó không thể chịu nổi, ắt sẽ phản kháng, liều chết. Họ có sức mạnh đáng kể, tuy khó có thể thể đánh  đổ chính quyền nhưng thừa sức phá hủy hoặc vứt bỏ những thứ mà họ gồng gánh trên vai, và việc đánh giết những tên áp tải là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi phải vận chuyển trên quãng đường vài trăm dặm cũng chẳng có kẻ  nào ngu ngốc bắt dân phu phải đi suốt quãng đường ấy. Thế mới biết sức tưởng tượng của  các  nhà sử học nước ta thật phi thường.

         Cách vận chuyển như vậy vừa phiền phưc, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm, lại vừa chậm chạp. Có thể tránh được tất cả những điều đó bằng cách tổ chức vận chuyển từng chặng ngắn, vừa với khả năng vận chuyển của con người trong khoảng  6-7 giờ rồi giao lại cho lượt người kế tiếp. Bằng cách đó, những người vận chuyển chỉ phải tự lo cơm ăn áo mặc trong một ngày, họ hoàn toàn ngủ ở nhà mình. Vì chỉ phải làm việc vất vả trong một ngày, lại có sự chuẩn bị chu đáo nên cự ly vận chuyển hoặc trọng lượng vận chuyển sẽ đạt đến mức tối đa, thời gian cũng được tận dụng tối đa. Làm như vậy thì hiệu quả vận chuyển có thể gấp ba – bốn lần so với đoàn phu đi một mạch từ đầu đến cuối, nhà cầm quyền chỉ cần giám sát, không phải giải quyết việc ăn ở cho hàng trăm hoặc hàng ngàn người cùng vô số điều phức tạp khác trong một thời gian dài.

          Theo cách chứng minh “bằng phương pháp vật lý” như chúng tôi vừa làm thì “nạn cống vải” (như giới sử học đã mổ tả) không những không xẩy ra ở thời thuộc Đường mà cũng không thể  xẩy ra ở bất cứ thời đai nào khác.

b. Cứ liệu lịch sử về việc vận chuyển quả vải bằng ngựa qua các dịch trạm, thời Hán    

Tôi đã tìm thấy  cứ liệu lịch sử, xác nhận rằng, thời nhà Hán (nghĩa là bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc ở nước ta), việc dâng  nộp quả vải từ Lĩnh Nam (thuộc miền nam Trung Quốc là chính) cho triều đình nhà  Hán được thực hiện bằng ngựa thay phiên nhau theo hệ thống dịch trạm chứ không phải do con người gánh đi bộ một mạch suốt quãng đường dài hàng vạn dặm.

        Sách An Nam chí lược安南志略của Lê Tắc黎崱(người Viêt ở thế kỷ 13, theo giặc Nguyên, viết sách ở Trung Quốc), ở quyển 5, mục Tiền triều chi sớ  (nghĩa là Thư sớ của các đời vua trước) có ghi bức thư của Đường Khương yêu cầu Hán Hòa Đế bãi bỏ lệ cống quả nhãn và quả vải tươi. Nguyên văn chữ Hán do Lê Tắc viết như sau: (theoAn nam chí lược, phần chữ Hán, trang 398, Nxb Thuận Hoá, 2002)

(Phiên âm: Hán Hòa Đế Vĩnh Nguyên nguyên niên, Lĩnh Nam hiến sinh lệ chi, Đường Khương thướng thư gián viết: thần văn thượng bất dĩ tư vị vi đức, hạ bất dĩ cống hiến vi công, phục kiến Giao Chỉ thất quận  hiến sinh lệ chi long nhãn đẳng, thập lý nhất trí, ngũ lý nhất hậu, trú dạ truyền tống, nam thổ viêm  nhiệt, ác thú bất tuyệt ư lộ, chí ư xúc phạn tử vong chi hại; thử nhị vật thăng điện, vị tất diên niên ích thọ. Chiếu viết: viễn quốc trân tu, bản dĩ tiến phụng tông miếu, hà hữu thương hại, khởi ái dân chi bản.  Lục thái quan vật phục nhập hiến.

      Để độc giả dễ tra cứu, chúng tôi xin phép sử dụng lời dịch trong bản dịch sách An Nam  chí lược do Viện Đaị học Huế xuất bản tại Huế năm 1961 và vài lần sau đó, rồi đến năm  2002 thì được Nhà xuất bản Thuận Hóa in lại:

     Trong năm đầu niên hiệu Vĩnh Nguyên (89), đời vua Hán Hòa Đế, các quan Lĩnh Nam dâng những  quả lệ chi tươi.  Đường Khương dâng thư can rằng:

“Thần nghe người trên không lấy đồ ngon vật lạ làm  đức,  người  dưới không lấy việc cống hiến đồ ăn làm công, chúng tôi thấy bảy quận ở Giao Chỉ dâng những trái long nhăn, lệ chi v.v. thì phải trong khoảng  mười dặm để một trạm ngựa, năm dặm một nơi nghỉ để tiện ngày đêm chuyển đạt. Xét lại đất Nam nóng nảy, khắp các ngả đường đều có ác thú khiến cho nhiều người bị chết dọc đường; vả lại, hai vật này được dâng lên triều đình, vị tất có thể làm cho sống lâu thêm”. Vua bèn hạ chiếu nói rằng: “Của quý của nước xa lạ mà đem về  vốn là  để dâng lên phụng thờ tông tổ; nếu có sự tổn hại đến  dân thì trái với lòng thương dân. Vì vậy, hạ sắc dụ cho các quan lớn không nên cống hiến lệ chi và long nhãn nữa”. (Sđd, trang 125)

       Chúng tôi coi An Nam chí lược của Lê Tắc là tài liệu tham khảo, các sự kiện mà ông  ta  nêu ra  là những sự gợi ý, chưa thể coi là cứ liệu lịch sử. Bởi vì, sách của ông ta chưa phải là sách đáng tin cậy. Hơn nữa, ông ta là một kẻ bán nước, một người  có tư cách đáng khinh.. Nếu sự việc mà ông ta ghi chép là có thực thì ắt cũng được ghi chép trong các bộ sách chính sử đáng tin cậy. Vì vậy, tôi phải tìm đọc sách Hậu Hán- thư (là bộ chính sử về thời Đông Hán) để kiểm chứng.  Tôi đã đọc quyển 4, tức Đệ tứ kỷ (ghi chép các sự kiện trong đời Hán Hòa Đế) để tìm hiểu về việc Đường Khương dâng thư khuyên vua bãi bỏ lệ dâng nộp quả vải và kiểm tra lời ghi chép của Lê Tắc.     

        Hán  Hòa Đế lên ngôi  khi mới 10 tuổi, trị vì  từ năm 88, qua đời  năm 105, sống được 26 tuổi. Việc của Đường Khương  được chép ở đoạn cuối Đệ tứ kỷ, sau khi chép xong mọi sự kiện trong năm cuối cùng của đời vua Hán Hòa Đế, nguyên văn bằng chữ Hán như sau:

Phiên âm:

             Tự Đậu Hiến tru hậu, đế cung thân vạn cơ, mỗi hữu tai dị, triếp duyên vấn công khanh, cực ngôn đắc thất...Cựu  Nam Hảỉ hiến long nhãn, lệ chi, thập lý nhất trạm, ngũ lý nhất hậu, bôn đằng trở hiểm, tử giả kế lộ. Thời Lâm Vũ trưởng  Nhữ Nam Đường Khương, huyện tiếp Nam Hải,  nãi thướng thư trần trạng. Đế hạ chiều viết:“Viễn quốc trân tu, bản dĩ tiến phụng tông miếu, hà hữu thương hại. khởi ái dân chi bản, kỳ lai thái quan vật phục thụ hiến.” do thị toại tỉnh yên.

Dịch nghĩa:

   Kể từ khi giết cả nhà Đậu Hiến (quyền thần, ngoại thích, bị tru di năm 92 –LMC chú), Hoàng đế tự mình trông nom mọi việc, mỗi khi có tai họa lạ lùng đều mời các quan đến để hỏi chuyện, nói hết mọi việc  tốt việc xấu. Trước kia, vùng Nam Hải dâng hiến  quả  nhãn, quả vải, mười dặm phải đặt một trạm đổi ngựa, năm dặm phải đặt một trạm nghỉ, trên đường gặp nhiều nguy hiểm, nhiều người chết  dọc đường.  Lúc bầy giờ, một  người tên  là Đường Khương, quê ở Nhữ Nam (tỉnh Hà Nam)  huyện trưởng  huyện Lâm Vũ (tỉnh Hồ Nam) tiếp giáp vùng Nam Hải  bèn dâng thư kể rõ tình hình. Hoàng đế hạ chiếu rằng: “Của  quý từ phương xa  đem về  vốn là  để dâng lên phụng thờ tông tổ; nếu có sự tổn hại thì trái với lòng thương dân, từ nay các quan lớn không được nhận đồ  dâng hiến nữa” Vì thế, lệ dâng hiến quả vải và  quả nhãn  được bãi bỏ.

        Về việc bãi bỏ lệ dâng nạp quả vải, cách ghi chép trong An Nam chí lược và trongHậu Hán thư không giống hệt nhau nhưng nội dung thì không hề khác nhau. Tuy nhiên, theo Hậu Hán thư thì sự việc này xẩy ra sau khi đã trừ khử tên quyền thần Đậu Hiến chứ không phải ở  năm 89 như Lê Tắc đã chép. Chắc chắn là Lê Tắc đã ghi sai, bởi vì Hậu Hán thư là sách chính sử, đáng tin cậy hơn hẳn. Vả lại, Hán Hòa Đế  sinh năm  79, năm Vĩnh Nguyên thứ nhất (năm 89) thì ông ta mới 10 tuổi. Lúc này, quyền bính nằm trong tay Đâu Thái Hậu  (không phải là mẹ đẻ của Hòa Đế) và bọn ngoại thích họ Đậu. Ở năm ấy, Hòa Đế  không thể quyết định được điều gì hệ trọng và chắc chắn là chẳng có ông quan nào dại dột dâng thư cho môt ông vua 10 tuổi vừa mới lên ngôi và còn nằm trong vòng kiềm tỏa của bọn quyền thần ngoại thích, mà bọn này lại không có quan hệ huyết thống với ông ta.

         Theo  sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang司馬光(10191086) thì sự việc này xẩy ra năm Vĩnh Nguyên thứ 15, tức là năm 103, lúc Hòa Đế 24 tuổi, đã làm vua được 15 năm, và hai năm sau đó thì ông ta qua đời.

          Với  cách làm việc thận trong và đúng nguyên tắc, từ chỗ coi sách An Nam chí lược của Lê Tắc là tài liệu tham khảo có giá trị mách bảo, tôi đã kiểm chứng, đã xác định được chỗ viết đúng và chỗ viết sai  của tên Việt gian này.

      Đoan trích từ sách Hậu Hán-thư trên đây là cứ liệu lịch sử xác nhận rằng, việc vận chuyển quả vải tươi từ Lĩnh nam về kinh đô nhà Hán  được thực hiện bàng ngựa của các dịch trạm, với khoảng cách giữa các trạm đổi ngựa khá ngắn ( xấp xỉ 10 dặm,  khoảng 5-6 km) chứ không phải bằng sức người gồng gánh đi bộ một mạch hết  con đường vạn dặm              

3.             Ông Phan Huy Lê “bác bỏ” lý lẽ của tác giả Lê Mạnh Chiến  để  bênh vực tập thể tác giả của “nạn cống vải “

a.  Thuật lấp liếm của ông Phan Huy Lê

         Tất cả các sách lịch sử Việt Nam  được lưu hành  từ năm 1965 đến nay, khi nói về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, phần lớn chỉ  nói về hoàn cảnh và  nguyên nhân nổ ra cuộc khởi  nghĩa, với  khoảng hai trang sách, chừng 1000 chữ, chủ yếu là nói về “nạn cống vải’.  Còn về diễn biến của nó thì chỉ viết vài câu, vì quả thật là rất thiếu sử liệu, lấy gì để viết nhiều?

        Trong sách Lịch sử Việt Nam tập I lần này, đoạn chính văn nói về  hoàn cảnh và nguyên nhân nổ ra cuộc khởi  nghĩa chỉ  dài nửa trang, chưa đến  300 chữ và  không nhắc đến “nạn cống vải”. Tưởng chừng, đây là một sự tiến  bô, là sự phục thiện. Nhưng không phải thế. Ngay dưới đoạn này, ông ta cho  một cái “cước chú” (footnote) in bằng chữ nhỏ gồm 562 chữ, nghĩa là dài gấp đôi  đoạn chính văn, chủ  yếu là  để khẳng định “nạn cống vải”. Xin trích dẫn :

     ..... Gần đây, cũng có  một số ý kiến phủ nhận việc Mai Thúc Loan đi gánh quả vải tươi nộp cống cho nhà Đường ở Tràng An và coi đó là nguyên nhân khởi nghĩa.... Theo  truyền thuyết, Mai Thúc Loan nhà nghèo, phải đi phu gánh quả vải đi nộp cống và đã  hiệu triệu đoàn dân phu trên đường gánh vải, nổi dậy khởi nghĩa... Kết quả nghiên cứu gần đây cho hay, chế độ cống nộp sản vật nhiệt đới, trong đó có quả vải, đã có từ đầu thời Bắc thuộc Từ thời Triệu Đà đã “dùng làm sản vật địa phương đem tiến”. Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm viết  năm  Vĩnh Hưng 1 (305) đời Tây Tấn (265-317) cho biết rõ, năm Nguyên Đỉnh 6 (11 TCN), Hán Vũ Đế sau khi chiếm Nam Việt, đã sai xây cung Phù Lệ, đem 100 cây vải Giao Chỉ về trồng nhưng thất bại và từ đó bắt nộp cống hàng năm. Đây là quận Giao Chỉ  vùng Bắc Bộ nước ta chứ không phải là bộ Giao Chỉ  bao gồm cả miền nam Trung Quốc lập sau đó 5 năm, vào năm Nguyên Phong 5 (106). Cổ kim sử văn loại của Chúc Mục đời Tống (960 – 1279) cũng chép Ngụy Văn đế (220 – 226) cho quả vải và long nhãn là loại quý lạ của phương Nam và lệnh hàng năm quận Giao chỉ, Cửu Chân phải cống nộp. Đó là những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc, còn cách bảo quản vận chuyển dĩ nhiên cần nghiên cứu thêm. Đến  thời  thuộc Đường, chế độ cống quả vải vẫn tiếp tục nhưng lấy từ vùng Lĩnh Nam tức  miền Nam Trung Quốc và vận chuyển bằng hệ thống ngựa trạm khẩn cấp, sau dùng biện pháp ngâm muối hay mật đẻ bảo quản.... Như vậy, vào thời Mai Thúc Loan khởi nghĩa không còn chế độ cống quả vải từ An Nam và truyền thuyết vùng Nghệ Tĩnh chỉ phản  ánh chế độ lao dịch hà khắc chung của thời Bắc thuộc.

Tham khảo: Phan Huy Lê, Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xác minh, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2 (394), 2009, tr. 3 - 22

          Trong sách Lịch sử Việt Nam tập I lần  này (lưu hành từ tháng 9/2012), ông Phan Huy Lê đã thừa nhận rằng, vào thời Mai Thúc Loan khởi nghĩa không còn chế độ cống quả vải từ An Nam. Theo ông ta thì “nạn cống vải”  có cái lõi lịch sử của nó, Đúng thế. Cái lõi lịch sử ấy đã được Lê Mạnh Chiến vạch ra và đã công bố từ đầu năm 2003. Đó là việc đem quả vải từ phương nam đến Tràng An cho Dương Quý Phi mà nhà thơ Đỗ Mục杜牧(803-852)nói đến trong bài thơ Quá Hoa Thanh cung過華清宮(Qua cung Hoa Thanh – nơi hành lạc của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi), như sau:

 

               长安回望绣成堆

         Trường An hồi vọng, tú thành đôi,

                山顶千门次第开

          Sơn đỉnh thiên môn thứ đệ khai.

                 一骑红尘妃子笑

          Nhất kỵ hồng trần, Phi Tử tiếu

                无人知是荔枝来

          Vô nhân tri thị lệ chi lai.

 

Bản dịch của Tương Như :

 

          Ngoảnh lại Trường An tựa gấm thêu,

          Đầu non nghìn cửa mở liền nhau.

          Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cuời nụ.

          Vải tiến mang về, ai biết đâu

 

      Bài thơ này của Đỗ Mục đã gợi ý cho một nhà  nho nào đó ở xứ Nghệ, và ông Trần Bá Chí, (giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã sưu tầm được  4 câu mà một cụ già còn nhớ được:

 

     Nhớ khi nội thuộc Đường triều,

Giang sơn cố quốc  nhiều điều ghê gai.

     Sâu quả vải vì ai vạch lá,

Ngựa hồng trần kể đã héo hon.

 

      Thế rồi, từ “ngựa hồng trần” (nhại theo ý từ câu “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu” của Đỗ Mục), giới sử học nước ta (không phải một mình ông Tràn Bá Chí) đã biến hóa thành sự kiện “mỗi năm, cứ đến mùa vải, hàng ngàn dân phu phải còng lưng gánh quả vải tươi sang Tràng  An nộp cống,  “nạn cống quả lệ chi (quả vải) là một gánh nặng khôn cùng đối với nhân dân Hoan Châu”.(trang 5 trong sách Các triều đại Việt Nam " của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, Nxb Thanh Niên, HN, 2001).

        Nhưng, theo ông Phan Huy Lê, cái lõi lịch sử của nó  ấy có nghĩa là, trước Mai Thúc Loan, “nạn cống vải:” đã từng  xảy  ra, để nói với độc giả rằng,  phát hiện về “nạn cống vải” vẫn có cơ sở khoa học, về thời đoạn thì có khác một chút xíu nhưng không cần cải chính. Ông Phan Huy Lê viết:  

           ... Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm viết năm  Vĩnh Hưng 1 (305) đời Tây Tấn (265-317) cho biết rõ, năm Nguyên Đỉnh 6 (11 TCN), Hán Vũ Đế sau khi chiếm Nam Việt, đã sai xây cung Phù Lệ, đem 100 cây vải Giao Chỉ về trồng nhưng thất bại và từ đó bắt nộp cống hàng năm. Đây là quận Giao Chỉ  vùng Bắc Bộ nước ta chứ không phải là bộ Giao Chỉ  bao gồm cả miền nam Trung Quốc lập sau đó 5 năm, vào năm Nguyên Phong 5 (106). Cổ kim sử văn  loại của Chúc Mục đời Tống (960 – 1279) cũng chép Ngụy Văn đế (220 – 226) cho quả vải và long nhãn là loại quý lạ của phương Nam và lệnh hàng năm quận Giao chỉ, Cửu Chân phải cống nộp. Đó là những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc, còn cách bảo quản vận chuyển dĩ nhiên cần nghiên cứu thêm.  

         Phải chăng,  Nam phương thảo mộc trạng  và  Cổ kim sử văn loại  đã giúp ông Phan Huy Lê tìm thấy những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc ?

          Việc sử dụng hai quyển sách này  làm chỗ dựa để phản bác tôi (Lê Mạnh Chiến) chứng tỏ rằng ông Phan Huy Lê chưa biết cách dùng sách, làm việc một cách vô nguyên tắc, lại còn tìm cách lừa bịp độc giả. Điều này sẽ được mổ xẻ  sau. Nay cứ hãy tạm cho rằng, việc khai thác sử liệu trong hai quyển sách ấy là đúng nguyên tắc và trung thực thì  chúng cũng chẳng giúp gì cho ông Phan Huy Lê khẳng định được cái “nạn cống vải” mà giới sử học đã  “phát hiện”. Tuy ông ta nói đến những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc, nhưng đó chỉ là cứ liệu về việc bọn quan lại nhà Đường vơ vét mọi sản vật địa phương mà thôi.  Theo giới sử học thì trong “nạn cống vải”, mỗi năm, cứ đến  mùa vải, hàng ngàn dân phu phải còng lưng gánh quả vải đi bộ hàng vạn dăm, từ Hoan Châu sang Tràng An để nộp cống, vậy mà Nam phương thảo mộc trạng  và  Cổ kim  sử văn loại  đều không nói đến điều đó. Hẳn là ông Phan Huy Lê đã có sáng kiến lấp liếm, dùng  nhóm từ chế độ cống nộp quả vải để khiến độc giả  hiểu lầm thành “nạn cống vải”. Chính ông Phan Huy Lê cũng viết rằng, còn cách bảo quản vận chuyển dĩ nhiên cần nghiên cứu thêm.  

b.      Ông Phan Huy Lê “phản biện“ và khai thác tài liệu một cách mờ ám và sai trái.

       Trong những năm gần đây, bất cứ lúc nào nói đến nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan, ông Phan Huy Lê luôn luôn tìm mọi cách bóng gió với dụng ý rằng, những luận cứ mà “ai đó” dùng để phản bác lý lẽ minh chứng cho “nạn cống vải” đều thiếu cơ sở, đều sai. Ai cũng biết, và  chính ông Phan Huy Lê lại càng biết rất rõ “ai đó” là một người duy nhất, chính là tôi, là Lê Mạnh Chiến. Nhưng ông ta chỉ một lần nhắc đến tên tôi trong một câu duy nhất ở tiểu  mục  1. Cơ sở dữ liệu và những ghi chép khác nhau về khởi nghĩa Mai Thúc Loan trong bài Khởi nghĩa mai Thúc Loan – Những vấn đề cãn xác minh (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2, 2002), như sau: “Năm 2003 trên báo Thế giới mới đăng tải một số bài của Lê Mạnh Chiến  chất vấn và phê phán các nhà sử học, cho việc cống vải trong thời Bắc thuộc là không có cơ sở khoa học vì vải vùng nam Trung Quốc ngon nổi tiếng, thời thuộc Đường việc vận chuyển quả vải tươi từ nước ta về kinh đô Trường An không thể thực hiện được, coi Mai Thúc Loan cùng đoàn phu chuyên chở vải cống bất bình nổi dậy là không đúng về nguyên nhân khởi nghĩa...”. Từ đó cho đến hôm nay (đầu năm 2013), ông ta không dám nhắc đến một chút nào trong luận cứ của tôi mà chỉ giả vờ  tóm tắt ý kiến của “ai đó” bằng vài câu vu vơ để “phản biện” nhằm bảo vệ thành tích phát hiện “nạn cống vải” của giới sử học mà ông ta là đại biểu . Nếu nhắc đến tên tôi thì phải dẫn giải đúng lời của tôi, rất khó xuyên tạc, mà nếu xuyên tạc thì bị vạch mặt ngay, không có đường để lẩn tránh. Mặt khác, khi trưng ra sách này sách nọ, ông Phan Huy Lê chưa bao giờ dám trích dẫn một câu trong nguyên tác mà chỉ đưa ra vài ý theo cách hiểu chủ quan hoặc theo sự bịa đặt gán ghép của ông ta. Đó là cách phản biện gian dối mà tôi đã từng tố cáo trong bài Đôi điều về “nạn cống vải” (Báo Đại biểu Nhân dân, ngày 13/01/2011, độc giả có thể dễ dàng tìm theo tiêu đề này để đọc trên mạng Internet). Còn tôi thì bao giờ cũng đàng hoàng, minh bạch, viết gì, trích gì cũng đều có dẫn chứng cụ thể, có trích dẫn nguyên tác bằng chữ Hán hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v. Ông Phan Huy Lê không  thể làm như thế vì yếu kém về  ngoại ngữ đã đành, mà chủ  yếu là vì ông chỉ mượn tên các tác giả viết bằng ngoại ngữ để luồn ý của mình vào, nhằm đánh lừa độc giả. Điều này đã được chứng minh khá rõ trong bài “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – nhầm lẫn kéo dài và sự tráo trở....” của  Lê Hà và Thái Hoàng trên Tuần báo Văn nghệ thành phố HCM số 65 và 66, ngày 28/5 và 04/6/2009 . Bài này vẫn tồn tại trên mạng Internet, có thể tìm thấy một cách dễ dàng..

        Khi tôi trưng dẫn cứ liệu  trong Hậu Hán- thư  xác nhận việc vận chuyển quả vải tươi từ Lĩnh Nam đến kinh đô nhà Hán theo hệ thống dịch trạm (bằng ngựa, kế tiếp nhau), người ta chỉ có thể bác bỏ cứ liệu của tôi nếu họ chứng minh được rằng tôi đã bịa ra cứ liệu đó. Ông Phan Huy Lê không thể làm như thế nhưng vẫn muốn “phản bác” nên đành phải làm liều, mượn tên các sách khác rồi gán cho chúng những “bằng chứng” mà ông ta muốn có để “phản bác” chính sử. Về nguyên tắc, ông Phan Huy Lê có quyền tham khảo bất cứ sách gì, nhưng phải biết phân biệt sách chính sử, sách lịch sử nhưng không phải chính sử, và sách thuộc các lĩnh vực khác. Muốn cãi lại chính sử thì phải tìm được những chứng cứ rất cụ thể, và phải tốn  rất nhiều công sức. Trung Quốc có một số lượng sách lịch sử rất lớn, qua sự sàng lọc từ bao đời nay, người ta chọn được 24 bộ chính sử, gọi là “nhị thập tứ sử”. Vô số những sách lịch sử ngoài 24 bộ chính sử kia hẳn là không đáng  tin cậy bằng chính sử, và ắt cũng  có những sách ghi chép bậy bạ, trái ngược với chính sử, hợp với ý đồ của kẻ ngụy biện. Nay ông ta đi đào bới trong những sách không phải là chính sử để nhặt nhạnh những chỗ có thể hiểu khác với chính sử, dùng chúng để “phản bác” chính sử, đó có phải là cách làm việc của người ngay thẳng hay không? Việc sử dụng các sách  Nam phương thảo mộc trạng và  Cổ kim sử văn  loại để khẳng định rằng “nạn cống vải’ đã từng tồn tại trong lịch sử nước ta, như ông Phan Huy Lê đã  làm, là sự một sai phạm về nguyên tắc tìm kiếm sử liệu..

 

         Nam phương thảo mộc trạng南方草木狀, được coi là của Kê Hàm嵇含(263-306. là một bộ sách rất có giá trị, viết về thực vật ở miền  nam Trung Quốc và được coi là bộ sách sớm nhất thế  giới trong lĩnh vực khoa học này. Đây không phải là sách về lịch sử nhưng vẫn có thể ghi chép chút ít về lịch sử  liên quan đến một số thực vật ở Trung Quốc. Nếu những chi tiết đó có giá trị lịch sử thì chắc chắn là các nhà sử học đời sau đã tiếp thu để đính chính các bộ chính sử. Các bộ chính sử rất đồ sộ đều  được viết theo thể kỷ-truyện (gọi là kỷ-truỵện thể, 紀 傳 體) nhưng không phải chỉ có phần Bản kỷ(ghi chép mọi sự kiện theo từng đời vua) và phần Liệt truyện (ghi chép về mọi nhân vật liên quan đến mọi sự kiện trong lịch sử) mà còn có các  phần Chí, Chế, Biểu..., ghi chép toàn bộ mọi  mặt trong đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, quân sự, ngoại giao, v.v  dưới các triều đại. Bởi vậy, không phải đợi đến ông Phan Huy Lê khai thác các sách khác để đưa vào sách lịch sử hoặc để sửa chữa chính sử. Việc làm của ông ta là sai nguyên tắc và chắc chắn là  không thể tìm ra điều gì có ích.  Quả thật là như vậy. Hãy xem ông ta viết:

              ... Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm viết  năm  Vĩnh Hưng 1 (305) đời Tây Tấn (265-317) cho biết rõ, năm Nguyên Đỉnh 6 (111 TCN), Hán Vũ Đế sau khi chiếm Nam Việt, đã sai xây cung Phù Lệ, đem 100 cây vải Giao Chỉ về trồng nhưng thất bại và từ đó bắt nộp cống hàng năm. Đây là quận Giao Chỉ  vùng Bắc Bộ nước ta chứ không phải là bộ Giao Chỉ  bao gồm cả miền nam Trung Quốc lập sau đó 5 năm, vào năm Nguyên Phong 5 (106 TCN).

     (Sách Lịch sử Việt Nam tập I  in là năm Nguyên Đỉnh 6 (11 TCN). Tôi cho là ông PHL đã nhầm  hoặc do lỗi của “cậu đánh máy” nên tôi đã chữa lại là, năm Nguyên Đỉnh 6 (111 TCN); cuối câu tiếp theo, không biết GS Phan Huy Lê hay là “cậu đánh máy” viết là năm Nguyên Phong 5 (106), tôi phải chữa lại là năm Nguyên Phong 5 (106TCN), theo niên biểu Trung Quốc – LMC chú thích)

        Trong bài Phải chăng “nạn cống vải” là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Khởi nghĩa Mai Thúc Loan năm 722? đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thế Giới Mới (số 526, 527, 528, ra ngày 10, 17 và 24/3/2004), tôi cũng trích dẫn một số câu trong sách Nam phương thảo mộc trạng nói về việc Hán Vũ Đế sai người gánh cây vải từ Giao Chỉ về trồng ở vườn Thượng Lâm nhưng mọi cây vải đều chết hết, nên về sau ông ta bắt phải dâng quả vải. Việc trích dẫn  này là để nhắc độc giả lưu ý rằng, có việc gánh cây vải từ phương nam về kinh đô, và có việc dâng nộp quả vải, còn  phương thức vận chuyển thì sách này không nói đến. Ông Phan Huy Lê cũng trích dẫn như tôi nhưng lại muốn bắt độc giả coi đó là sự khởi đầu của “nạn cống vải” mà giới sử học nước ta mới “phát hiện”  ra từ năm 1964. Sách Nam phương thảo mộc trạng không nói đến phương thức vận chuyển quả vải nên không thể lấy nó làm bằng chứng  về viêc hàng ngàn người phải gánh quả vải đi bộ một mạch hàng vạn dặm để nộp cống. Hơn nữa, Nam phương thảo mộc trạng không thể cãi được Hậu Hán thư, một bộ chính sử đã dược tin cậy từ khi nó r a đời đến nay, ngót 1700 năm.  .

        Nói tóm lại, sách Nam phương thảo mộc trạng không nói điều gì khác với chính sử. Ông Phan Huy Lê cố ý xuyên tạc nó, gán cho nó việc xác nhận “nạn cống vải” ở nước ta -  như ông ta đã viết. Đó chỉ là  ý đồ đen tối của ông ta mà thôi.

         Như chính ông Phan Huy Lê đã chỉ dẫn, muốn hiểu rõ hơn nữa về đoạn “cước chú”  dài gấp đôi  chính văn, trong đó có trích dẫn Nam phương thảo mộc trạng  và Cổ kim sử văn loại thì hãy đọc bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xác minh, đăng ở Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2 (394), 2009, tr. 3 – 22.. Tôi đã tìm theo lời chỉ dẫn này thì thấy ở bài đó, tên tác giả của  Nam phương thảo mộc trạng  là Kế Hàm, cả ở hai chỗ chú thích cũng viết là Kế Hàm. Điều đó chứng tỏ là không có việc viết nhầm. Nhưng quả thật, phải đọc là Kê Hàm稽含(262~306)mới đúng. Kê Hàm là cháu của Kê Khang   嵇康 – danh sĩ nổi tiếng trong  nhóm “Trúc lâm thất hiền”, đã sáng tác khúc nhạc “Quảng Lăng” thánh thót như tiếng mây bay nước chảy, mà Nguyễn Du đã nhắc đến ở câu “Kê Khang này khúc Quảng Lăng, / Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân” trong Truyện Kiều.. Cũng trong bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan ...ấy, khi nói đến Cựu Đường-thư,  soạn giả là Lưu Hú劉 昫 (888-947) thì  ông  Phan Huy Lê đã viết là Lưu Hướng (một học giả sống trước Lưu Hú gần 1000 năm!), mà cái sai này xẩy ra đến  5 lần, không có  lần nào viết đúng. Trong bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – lầm lẫn kéo dài và sự tráo trở...”, hai tác giả Lê Hà  và Thái Hoàng đã vạch rõ những sai lầm  này của ông Phan Huy Lê. Có lẽ nhờ vậy mà ở đây ông ta đã chữa lại là Kê Hàm. Việc gọi sai tên tác giả như vậy cho phép chúng tôi nghĩ rằng, ồng Phan Huy Lê không thể đọc được (hoặc chưa hề đọc) sách  Nam phương thảo mộc trạng mà chỉ chép lại mấy câu từ một bản dịch của  “ai đó” mà thôi..

       Ngoài sách Nam phương thảo mộc trạng, ông Phan Huy Lê còn lấy “sử liệu” ở sách 
Cổ kim sử văn loai để khẳng định “nạn cống vải”. Ông ta viết:

        Cổ kim sử văn loại của Chúc Mục đời Tống (960 – 1279) cũng chép Ngụy Văn đế (220 – 226) cho quả vải và long nhãn là loại quý lạ của phương Nam và lệnh hàng năm quận Giao chỉ, Cửu Chân phải cống nộp. Đó là những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc ...

         Nếu quả thật có sách Cổ kim sử văn loại ghi chép như thế thì việc khai thác “sử liệu” ở sách ấy để cãi lại chính sử cũng là một điều sai lầm, chẳng khác gì viêc ông ta sử dụng sách Nam phương thảo mộc trạng,  như chúng tôi vừa phân tích. Nhưng, chúng tôi  đã phát hiện ra rằng, đây là một  sự ngụy tạo cứ liệu lịch sử, nghĩa là không có quyển sách nào mang tên Cổ kim sử văn loại, và đương nhiên, không có quyển sách mang tên ấy thì cũng không thể có những “cứ liệu” như ông Phan Huy Lê đã gán cho quyển sách ảo ấy. Điều đó sẽ được chứng minh ở đoạn  tiếp theo đây.    

c.       Ông Phan Huy Lê bịa đặt cứ liệu lịch sử để đánh lừa độc giả.       

         Trong bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xác minh,  ông  Phan Huy Lê viết: 【...Cổ kim sử văn loại tùng còn chép thêm: “Ngụy Văn đế (220 – 226) hạ chiếu cho quần thần rằng, quả phương Nam, loại quý lạ là long nhãn, lệ chi, lệnh hàng năm nộp cống là xuất từ Giao chỉ, Cửu Chân (31). Sự kiện này cũng được chép trongNam phương thảo mộc trạng”】. Chú thích số (31) ghi: Chúc Mục: Cổ kim sử văn loại tùng, Q. 25, soạn vào đời Tống (960 – 1279), trong Tứ khố toàn thư. Như vậy, Cổ kim sử văn loại tùng và Cổ kim sử văn loại cũng chỉ  là một quyển (hay một bộ) sách mà thôi. Chắc chắn là một trong trong hai tiêu đề ấy không đúng chủ ý của ông Phan Huy Lê, nhưng tôi không cần  bận tâm đến điều đó, mà chỉ cần tìm hiểu  nội dung của nó. .

         Một căn bệnh có thể  coi là cố tật của ông Phan Huy Lê, đó là, khi  trích  dẫn hoặc lược trích sách nọ sách kia, không bao giờ ông ta trưng dẫn nguyên văn . Tật xấu ấy là một điều tối kỵ đối với mọi người khảo cứu nghiêm túc, vì  nó cản trở sự kiểm chứng của độc giả, nhất là đối với các tác phẩm bằng Hán ngữ. Bởi vì, dựa theo một câu bằng tiếng Việt để mò cho ra câu tương ứng trong nguyên tác bằng Hán ngữ là một việc không dễ chút nào, nhiều khi phải bó tay. Nếu phải sử dụng bản  dịch thì phải ghi rõ là theo bản dịch của ai. Đối với tên tác giả cũng vậy. Trong Hán ngữ, có rất nhiều  chữ cùng âm nhưng khác nghĩa và  khác tự dạng. Người Trung Quốc xưng họ-tên với nhau cũng phải mô tả chữ viết .Trong bộ phim Bao công, chúng ta luôn luôn thấy hiện tượng đó. Chỉ một cái tên Chúc Mục, muốn tìm cho ra hình thù chữ Hán của nó cũng không dễ dàng gì, bởi vì, trong Hán ngữ có ít nhất là 10 chữ “chúc” (nếu kể cả dạng giản thể thì có đên 15 chữ “chúc”) và ít nhất cũng có 6 chữ “mục”, Lấy chữ “chúc” nào.ghép với chữ “mục” nào để tìm ra đúng tên của ông “Chúc Mục”? Hơn nữa, liệu ông Phan Huy Lê đã đọc đúng hay chưa?

         Tên sách Cổ kim sử văn loại  hay Cổ kim sử văn loại tùng  thì dễ tìm đúng dạng chữ Hán  hơn cái tên “Chúc Mục”. Bởi vậy, tôi đã tìm kiếm hai tên sách ấy trong các bộ từ điển Từ nguyên và Từ hải,  nhưng không tìm ra. Tôi lại gõ các tên sách ấy trên máy tính rồi tìm  kiếm theo Google. Nhưng, tuyệt nhiên không thấy một chỗ nào có cái cụm chữ như vậy. Lẽ nào  một quyển (hay một bộ) sách lịch sử đáng chú ý (theo ông Phan Huy Lê) mà trong số hàng trăm triệu người sử dụng Internet ở Trung Hoa không có một ai nhắc đến, khiến cho tần suất của nó trên Internet  bằng số không (zero)?. Trong khi đó, tần suất của  sách Hậu Hán-thư theo chữ phồn thể (lưu hành ở Đài Loan, Hongg Kong)  là 669.000, và theo chữ giản thể (lưu hành ở Hoa lục) là 4.160.000 (Đây là tần suất  ở ngày 01/01/2013, càng về sau càng tăng lên). Điều đó cho phép tôi kết luận rằng,  không có tác phẩm nào mang tên là Cổ kim sử văn loại hay Cổ kim sử văn loại tùng. Tuy nhiên, nói như vậy thì ông Phan Huy Lê và các thuộc hạ trung thành của ông ta như Đinh Văn Hiến hay Nguyễn Quang Ngọc vẫn có thể cãi  rằng, tác phẩm  ấy vẫn tồn tại (phải có thì thầy Phan Huy  Lê mới đọc được chứ!), chỉ có điều là người ta  ít đọc và ít trích dẫn nó, cho nên tần suất của nó trên mạng Internet chỉ bằng zero. Vâng, cãi cùn đến mức ấy thì ai cũng phải chịu thua thôi, nhưng tôi đã có kinh nghiệm với ba vị ấy rồi nên phải có cách chứng minh rằng nhận định  của mình là chính xác..

        Lần mò theo 10 chữ “chúc” để tìm cái tên “Chúc Mục” trong  các từ điển Từ nguyên và Từ hải, tôi không thể tìm thấy ai có tên là “Chúc Mục”. Điều đó cho biết rằng, ông “Chúc Mục” nào đó, nếu có thì cũng không phải là nhân vật nổi tiếng lắm. Đương nhiên,  về nguyên tắc, chẳng có ông “Chúc Mục” nào đủ tư cách để bác bỏ sử liệu trong Hậu Hán-thư (bằng chứng về việc vận chuyển quả vải từ Lĩnh Nam đến kinh đô Tràng An hoặc Lạc Dương bằng  ngựa kế tiếp nhau qua các dịch trạm). Nhưng tôi phải tìm cho ra ông ấy để chứng minh rằng, tác phẩm mang tên là Cổ kim sử văn loại  hay Cổ kim sử văn loại tùng  chỉ là sản phẩm bịa đặt của  ông Phan Huy Lê nhằm đánh lừa độc giả.

         Cuối cùng, sau khi đã tốn khá nhiều thời gian, tôi cũng tìm ra được nhân vật Chúc Mục祝穆,với “lý lịch sơ yếu” (tại: http://zh.wikipedia.org/wiki/%E7%A5%9D%E7%A9%86) như sau:

Phiên âm: Chúc Mục, tự Hòa Phủ, sơ danh Bính, Kiến Dương  nhân. Tiên tổ thị Tân An (kim An Huy Hấp  huyện) nhân, Mục phụ Chúc  Khang Quốc, tỉ cư Sùng An (kim thuộc Phúc Kiến), Dữ đệ Chúc Quý đồng  tòng Chu Hy thụ nghiệp. Trứ “Cổ kim sự văn loại tụ” tứ tập, “Nam dư thắng lãm” thất thập quyển....                                                                

Dịch nghĩa:  Chúc Mục, tên tự là  Hòa Phủ, ban đầu tên là Bính, người Phúc Dương (thuộc tỉnh Phúc Kiến). Tổ tiên là người Tân An (nay là huyện Hấp, tỉnh An Huy), cha là Chúc Khang Quốc, di cư đến Sùng An (nay thuộc Phúc Kiến). Cùng với em là Chúc Quý  theo Chu Hy để học tập. Từng biên soạn sách Cổ kim sự văn loại tụ gồm 4 tập, và sách Phương dư thắng lãm gồm 70 quyển.....

   Như vậy, Chúc Mục đã biên soạn hai tác phẩm là Cổ kim sự văn loại tụ  ( nghĩa làGóp  nhặt  các loại văn liệu về mọi sự kiện xưa nay, thường được gọi tắt  là Sự văn loại tụ) và Phương dư thắng lãm. Có tác giả cho rằng, Chúc Mục mất năm 1255,năm sinh chưa rõ.

      Thế là đã rõ nguồn gốc cái tên sách Cổ kim sử văn loại, hoặc Cổ kim sử văn loại tùng mà GS Phan Huy Lê đã “tra cứu” để khẳng định  rằng ‘nạn cống vải” (với hàng ngàn người gồng gánh đi  bộ hàng vạn dăm) kéo dài từ thời Hán đến thời Ngụy .

             Về sách Cổ kim sự văn loại tụ,  thường  gọi là Sự văn loại tụ, từ điển Bách khoa bách độ của Trung Quốc trên mạng Internet  (tạihttp://baike.baidu.com/view/1701601.htm) cho biết:

Phiên âm; Sự văn loại tụ. Tống đại Chúc  Mục soạn, nhất bách thất thập quyển, phân tiền, hậu, biệt, tục tứ tập. Kỳ thư  phỏng “Nghệ văn loại tụ” , “Sơ học ký” đẳng loại thư , thu thập cổ kim kỷ sự tức thi văn, hợp biên thành thư, cung tra kiểm điển cố chi dụng. Thư  nội đột xuất nho gia tư tưởng, sưu tập tài liệu giảo phong phú, bao quát nhất ta kỷ kinh tán thất đích cổ thư trung  đích tư liệu.

Dịch nghĩa: Sách Sự văn loại tụ, do Chúc Mục, người đời Tống biên soạn, gồm 170 quyển, chia ra phần trước, phần sau, phần chuyên biệt, ghép liền thành  4 tập. Sách ấy phỏng theo các  sách phân loại tri thức như  “Nghệ văn loại tụ” và  “Sơ học ký”, sưu tập các các  sự việc và thơ văn xưa - nay, tập hợp thành sách, dùng để tra cứu các điển cố. Nội dung của sách toát lên tư tưởng nhà nho, thu thập tài liệu khá phong phú, bao quát một số tư liệu trong các sách cổ đã mất mát.

Chú thích của LMC: “Nghệ văn loại tụ” là sách phân loại thư tịch cổ, do Âu Dương Tuân 歐昜 詢(557-641chủ biên, theo lệnh của vua Đường  Cao–tổ, hoàn thành năm 624;  “Sơ học ký”  là sách phân loại các tác phẩm thời Đường, do Từ Kiên徐堅(659-729)biên soạn.

        Trên đây là bằng chứng hiển nhiên về việc ông Phan Huy Lê  bịa đặt cứ liệu để biện bạch cho việc ngụy tạo sự kiện “cống vải” thời Mai Thúc Loan (về sau thì ông Phan Huy Lê đẩy lên các  thời đại xưa hơn) mà tôi đã bác bỏ hoàn toàn và đã công bố từ đầu năm 2003. Đến năm 2005, tôi đã tố cáo  tội bịa đặt cứ liệu lịch sử (khẳng định rằng, sách Đường-thư đã ghi chép về việc Mai Thúc Loan làm phu gánh quả vải sang kinh đô nhà Đường nộp cống) trong sách Lịch sử Hà Tĩnh (Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000) mà tội phạm là các ông Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng (thể hiện ở sách Lịch sử quân sự Việt nam tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2001)  cùng  với Trương Hữu Quýnh, Hoàng Văn Khoán, Ngô Đăng Tri....Từ đó đến nay và mãi mãi về sau, ông Phan Huy Lê cùng các đồng nghiệp của ông ta không thể chối cãi. Đầu năm 2009 (khi công bố bài Khởi nghĩa Mai thúc Loan – Những vấn đề cẫn xác minh trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2/2009) ông Phan Huy Lê lại dùng cách xuyên tạc luận cứ của tôi để bảo vệ “thành quả nghiên cứu” phản khoa học của giới sử học (mà ông ta là “chủ trò”) rồi bị Lê Hà & Thái Hoàng vạch trần các “phản biên”gian trá (xem bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – nhầm lẫn kéo dài và sự tráo trở lịch sử, Tuần báo Văn nghệ Tp HCM ssố 64, 65, ngày 28/5 và 04/6/2009) cùng nhiều điều khác nhưng ông ta  không thể chối cãi được. Vậy mà đến cuối năm 2012 ông Phan Huy Lê vẫn  cố ý dùng  lối ngụy biện để đem sự kiện “cống vải’ vào sách Lịch sử Việt nam (bộ mới – đề tài cấp Nhà nước). Không  những thế, ông ta còn bịa đặt cứ liệu lịch sử thêm một lần nữa.

       Tôi chợt nhớ đến lời ông GS Đinh Xuân Lâm, trong bài Cần một cuộc “cách mạng” về môn sử (http://tuoitre.vn/Giao-duc/449151/Can-mot-cuoc-%E2%80%9Ccach-mang%E2%80%9D-ve-mon-su.html,  báo Tuổi trẻ, ngày 01/8/2011) có câu:

      “Đơn cử như bài học về khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sự việc dân ta phải cống nộp quả vải tươi, mà chuyên chở bằng cách gánh từ VN sang Trung Quốc. Các nhà khoa học đã tốn quá nhiều giấy mực và thời gian để chỉ ra tính phi lý của nó. Hội Khoa học lịch sử cũng tổ chức không ít hội thảo khoa học và đã đi đến thống nhất về vấn đề này nhưng SGK vẫn chưa được sửa”.

       Ông Đinh Xuân Lâm đã thừa nhận tính chất phi lý của “sự kiện cống vải”, nhưng hẳn là  ông có chủ ý đánh lừa độc giả và lừa Bộ Giáo dục nên mới viết rằng “Các nhà khoa học đã tốn quá nhiều giấy mực và thời gian để chỉ ra tính phi lý của nó. Hội Khoa học lịch sử cũng tổ chức không ít hội thảo khoa học và đã đi đến thống nhất về vấn đề này nhưng SGK vẫn chưa được sửa”.

III.           Đem “phát hiện mới” đầy sai lầm vào sách lịch sử mới, mặc dầu đã bị phê phán và không thể chối cãi.

       Khác hẳn với mọi sách lịch sử trước đây, sách LỊCH SỬ VIỆT NAM  tập I  mới lần này (phát hành từ tháng 9/2012) cho rằng, Khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra năm 713 và thắng lợi kéo dài đến năm 722 mới thất bại.  Có một đoạn khá dài (chứng 1000 chữ) viết về diễn biến và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, với những chi tiết khá tỉ mỉ và cụ thể mà trước đây chưa hề thấy:

            Mai Thúc Loan đã lợi dụng địa thế vùng Sa Nam là vùng núi rừng rậm rạp nằm cạnh sông Lam, xây dựng căn cứ chống giặc. Ông chọn núi Vệ Sơn làm  trung tâm và đóng đại bản doanh ở đó. Ông cho xây dựng phủ điện và đắp một chiến lũy dài hơn nghìn mét dọc theo bờ sông Lam,  mà dân gian  gọi là  thành  Vạn  An. Quanh  khu vực trung  tâm Vệ  Sơn, ông tổ chức xây dựng một hệ thống đồn trại nương  tựa lẫn nhau. Ông xưng đế (gọi ông là Mai Hắc Đế) và lấy thành Vạn An làm nơi đóng đô ....           

            Từ  thành Vạn An, Mai Thúc Loan tổ chức lực lượng tấn công ra bắc. Nhân dân nhiều nơi ở Giao Châu cũng đồng thời nổi dậy chống lại ách đô hộ của  nhà Đường. Tại vùng Bình Hà (Thanh Hà, Hải Dương) có năm anh em  họ Nguyễn hô hào dân chúng đánh chiếm  huyên thành. Tại vùng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có người họ Phùng là Phùng Cai Hương (hay Phùng Hạp Khanh ?) lãnh đạo nhân dân nổi dậy và tham gia vào phong trào của Mai Hắc Đế. Nghĩa quân tập trung lực lượng đánh thẳng vào phủ thành Tống Bình khiến cho bè lũ đô hộ Quang Sở Khách bỏ thành chạy tháo thân về nước. Đất nước được giải phóng, nhân dân khắp nơi nô nức đi theo nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân phát triển đến hàng chục vạn người....

             Nhưng chỉ ít lâu sau, nhà Đường cử Dương Tư Húc đem 10 vạn quân cùng Quang Sở Khách tiến sang đàn áp cuộc khởi nghĩa, Mai Hắc Đế đã tổ chức lực lượng đánh địch ở khu vực lưu vực ông Hồng rồi rút lui về khu vực lưu vực sông Lam, cố thủ ở thành Vạn An. Các tướng lĩnh chỉ huy các cánh quân  thủy bộ  đã  phối hợp đánh địch rất quyết liệt, nhưng  không  giữ  được Vạn An. Nghĩa quân phải bỏ thành Vạn An rút về Hương Sơn. Chẳng may, Mai Thúc Loan đã qua đời giữa lúc tình hình hết sức cam go này. Con ông là Mai Thúc Huy được quân sĩ suy tôn thay ông tiếp tục chỉ huy chiến đấu.  Nhưng Mai Thúc Huy còn nhỏ và đội quân mới tập hợp tuy số lượng đông nhưng thiếu kinh nghiệm chiến đấu đã không chống đỡ nổi đoàn quân thiện chiến do tướng nanh vuốt của nhà Đường, dày dạn kinh nghiệm chiến chinh chỉ huy. Cuộc khởi nghĩa cuối cùng đã bị thất bại, nghĩa quân tan vỡ, một bộ phận rút vào rừng tiếp tục chiến đấu. ....

       Độc giả  ắt phải nghĩ rằng,  chắc chắn phải có những phát hiện rất mới, với những cứ liệu rất phong phú và cụ thể thì mới viết được những dòng như thế. Nhưng, sự thực thì phần lớn những điều được viết ở đây đều chép lại từ truyện Hương Lãm Mai đế ký của Chư Cát-thị (một tác giả mà chưa ai biết gì về lai lịch, quê quán, tuổi tác, v.v.,), còn một phần thì lấy từ truyền thuyết thu thập được ở vài địa phương hoặc tự suy diễn để thêm thắt vào.

         Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng (1774), một người mà chưa ai rõ lai lịch, tự xưng là  Chư-Cát thị (nghĩa là người họ Chư–Cát, còn  được đọc là Gia Cát, tức là cùng họ với Gia Cát Lượng)  đã sửa chữa và thêm thắt các truyện trong sách Việt điện u linh (bộ sưu tập về các truyện thần linh trên cõi đất Việt) của  Lý Tế Xuyên (một người sống dưới thời nhà Trần, chưa rõ lai lịch) rồi in thành sách mang tên là Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập. Trong số những truyện mà Chư Cát thị chép thêm, có truyện Hương Lãm Mai Đế ký, kể chuyện về Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa của ông. Cũng như mọi truyện thần linh khác, tác giả đã dựa theo truyền thuyết để hư cấu rất nhiều tình tiết về cuộc đời và sư nghiệp của Mai Thúc Loan, trong đó, các tình tiết đều  được gắn liền với những địa danh cụ thể, những mốc thời gian cụ thể. Đó là điều mà những người kể truỵện truyền thuyết dân gian thường làm., Truyện này đã được Đinh Gia Khánh dịch và chú thích. Khi đọc bản dịch này, các ông Đinh Văn Hiến và Phan Huy Lê chú ý đến việc Chư-Cát thị ghi chép năm nổ ra cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan là năm Quý Sửu, niên hiệu Khai Nguyên năm thứ nhất, tức là  năm 713, chứ không phải  là  năm Khai Nguyên thứ mười (722) như mọi sách lịch sử xưa nay vẫn ghi chép. Ông Phan Huy Lê đã tra cứu một số sách khác để kiểm chứng, mà theo lời ông ta,  trong đó có cả sách Tân Đường-thư. Kết quả nghiên cứu của ông Phan Huy Lê xác nhận rằng, đúng là cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713. Do đó, ông ta cho rằng, những sự việc mà Chư Cát thị ghi chép là rất dáng tin cậy, đó chính là những “cứ liệu lịch sử” về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Rồi ông Phan Huy Lê cho biết rằng, sở dĩ các sử thần triều Lê (biên soạn  sách Đại Việt sử ký toàn thư) và các sử thần triều Nguyễn (biên soạn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục) viết rằng khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ và thất bại trong năm Khai Nguyên thứ mười (722) là vì họ chỉ đọc phần Bản kỷ trrong  Tân Đường-thư  chứ không đọc phần Liệt truyện có đoạn chép về Dương Tư Húc ở sách ấy..

         Việc khẳng định được tính chính xác rất đáng tin cậy  của mọi tình tiết trong truyện Hương Lãm Mai Đế ký  là “phát hiện mới” của ông Phan Huy Lê, sửa chữa được sai lầm kéo dài nhiều thế kỷ về khởi nghĩa Mai Thúc Loan mà  nhiều thế hệ sử gia  đã mắc phải

         “Phát hiện mới” của ông Phan Huy Lê dã được khẳng định tại Hội thảo  “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu” tại Nghệ An trong hai ngày 08 và 099/11/2008 nhưng mãi đến ngày 02/3/2012 mới được thông báo trong bài  Một  số kết luận chính thức về kết quả hội tháo Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu (xem Website của trường Đại học Vinh; tại; http://www.vinhuni.edu.vn/Vinhuni/Display/6/0/1859/index.htm )

         Tuy nhiên, “phát hiện mới” của ông Phan Huy Lê chỉ là kết quả của một chuỗi sai lầm nghiêm trọng  mà ông ta đã mắc phải, do lầm lẫn về phương pháp nghiên cứu, lại không có năng lực tra cứu chữ Hán cộng với tính cẩu thả, hấp tấp và thiếu trung thực của ông ta.

          Từ tháng Ba năm /2012,Tỉnh ủy Nghệ An đã gửi công văn lên Ban bí thư TW Đảng CSVN  kèm theo bản Tổng kết Hội thảo “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu” do GS.VS. Phan Huy Lê viết, đề nghị phát động tổ chức đại lễ toàn quốc kỷ niệm 1300 năm ngày thắng lợi của  Khởi  nghĩa Hoan Châu  vào  năm 2013, viết lại lịch sử về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, cùng với nhiều công việc tốn kém khác. Trong tháng 4 /2012, tôi đã kịp thời viết bài Phải chăng khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê, trong đó, tôi đã lần lượt bác bỏ từng luận cứ của ông Phan Huy Lê, rồi gửi ngay cho các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Xưa & Nay.

         Toàn văn bài Phải chăng khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê  đã được được đưa lên mạng Internet. Độc giả có thể dựa theo tên bài để tìm đọc, và sẽ tìm thấy ngay. Tạp chí Văn Hóa Nghệ Anchỉ dám đăng  một nửa bài ấy của tôi vì sợ đụng chạm quá  mạnh đến ông Phan Huy Lê và chính quyền tỉnh Nghệ An  Một nửa bài ấy cũng đã khiến cho nhiều cán bộ ở Nghệ An muốn hủy bỏ việc tổ chức lễ Kỷ niệm 1300 năm Khởi nghĩa Mai Thúc Loan thắng lợi, vào dịp rằm tháng Giêng  năm Quý tỵ sắp tới, và chỉ tổ chức lễ kỷ niêm bình thường như mọi năm.. Tuy nhiên, một số người khác vãn muốn  tổ chức lễ kỷ niệm 1300 năm thật to, theo ý kiến của ông Phan Huy Lê..    

         Ngày 12/12/2012, tôi đã  gửi bài Phải chăng khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê  tới các ông chủ tịch UBND, giám đốc Sở  Văn Hóa – Thông tin – Du lịch tỉnh Nghệ An bằng thư bảo đảm. Sau đó vài ngày, tôi cũng gửi thư và bài cho ông Phan Huy Lê. Tôi mong chính quyền tỉnh Nghệ An và ông Phan Huy Lê hãy suy nghĩ, hãy có  trách nhiệm với đất  nước, với dân tộc, với hiện tạị và với hậu thế, đừng  làm  những việc sai trái với lịch sử. Cho đến nay và mãi mãi về sau, ông Phan Huy Lê hoặc bất cứ người nào khác đều không thể bác bỏ được lý lẽ của  tôi, bởi  vì tôi có đầy đủ mọi chứng cứ cụ thể rất chặt chẽ.        

IV.  Vài  lời cuối bài

        Trong bài  này, chúng tôi đã phân tích, phê phán việc ông Phan Huy Lê đã đưa những điều sai lầm phản lịch sử về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan  vào trong sách LỊCH SỬ VIỆT NAM  tập I vừa  mới phát  hành cuối năm 2012.  Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là, những sai lầm  này đã bị phê phán từ trước, và ông Phan Huy Lê đã không thể chối cãi được.

                  Trong những ngày cuối năm 2012, một độc giả cho tôi biết rằng, ông Phan Huy Lê đã âm thầm sửa chữa lý lịch, đã thừa nhận danh hiệu Thông tín viên nước ngoài của Viện Bi ký và Mỹ văn ở Pháp. Chứng cứ là,  từ điển Wikipedia tiếng Việt trên mạng Internet đã ghi như thế. Tôi đã kiểm tra thì thấy đúng như vậy. Wikipedia  cũng cho biết rằng, sự sửa đổi này được thực hiện ngày  15/12/2012, nghĩa là 11 ngày sau khi bài báo kia xuất hiện.

         Chúng ta biết rằng, tại từ điển Bách khoa toàn thư  mở Wkipedia, các bản lý lịch hay tiểu sử của những người còn sống có thể do chính người đó hoặc một người khác viết. Để tránh mọi sự sai phạm, người viết phải hỏi ý kiến của  nhân vật mà mình viết tiểu sử, còn người có tiểu sử thì đương nhiên là phải đọc để ngăn chặn việc viết những điều ngoài ý muốn của mình mà không có chứng cứ. Nghĩa là, tiểu sử của một người đang sống, nếu  tồn tại trên Wikipedia thì chắc chắn là phải được  người đó chấp nhận.. Bởi vì, nếu có sự phản đối với lý do chính đáng thì bản tiểu sử ấy phải bị thay thế, không thể tồn tại. Vì  vậy, tất cả những điều được viết trong tiểu sử của ông Phan Huy Lê tại từ điển Wikipedia  đều đã được ông ta  thừa nhận. Có lẽ đây là lần đầu tiên ông Phan Huy Lê âm thầm  thừa  nhận sự dối  trá của mình.

      Xem tiểu sử của ông Phan Huy Lê tại từ điển Báck khoa toàn thư  mở Wkipedia, khi nhìn thấy câu: “Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh”, tôi vô cùng ngạc nhiên. Trong Hán ngữ cũng như trong tiếng Việt, “hậu duệ” của một người  nghĩa là mọi con cháu đời sau của người đó. Tiến sĩ Phan Huy Ích vốn sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng lấy vợ là con gái Ngô Thì Sĩ rồi lập gia đình, cư ngụ ở thôn Thụy Khuê, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), sinh được 6 người con trai, trong đó có Phan Huy Thực, Phan Huy Chú; trong số nhiều cháu nội, có tiến sĩ Phan Huy Vịnh. Tôi tin rằng, ông Phan Huy Lê có cùng tổ tiên với Phan Huy Ích, nhưng không thể là hậu duệ của người này..

        Để kiểm chứng, tôi đã đọc cuốn Phan gia công phả, Gia thiện, Hà Tĩnh (Nguyễn Ngọc Nhuận dịch và chú giải, Phan Huy Lê hiệu đính, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2006) và truy ngược từ đời ông Phan Huy Lê trở lên. Kết quả cho thấy như sau:

-          Ông Phan Huy Lê là con của Tiến sĩ Phan Huy Tùng

-          Tiến sĩ Phan Huy Tùng  là con trai duy nhất của cụ  Phan Huy Chỉ

-          Cụ  Phan Huy Chỉ là con trai thứ ba của cụ Phan Huy Tuấn

-          Cụ Phan Huy Tuấn là con trai thứ ba của cụ Phan Huy  Dương

-          Cụ Phan Huy Dương là con trai thứ nhất  của cụ Phan Huy Trị

-          Cụ Phan Huy Trị là con trai thứ ba của cụ Phan Huy  Đình

-          Cụ Phan Huy Đình là con trai thứ ba của cụ Phan  Văn Tĩnh

  Mặt khác:

-   Cụ Phan Huy Ích là con trai  thứ nhất của cụ Phan Huy Cận

-   Cụ Phan Huy Cận là con trai  thứ sáu của cụ Phan Văn Tĩnh

 

      Như vậy, ông Phan Huy Lê không  phải là hậu duệ của Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh. Tại sao ông Phan Huy Lê phải nhận xằng là  hậu duệ của những người không phải là tổ tiên của mình? Điều này, chỉ có ông Phan Huy Lê mới biết đích xác.

Tác giả bài viết: Lê Mạnh Chiến

Nguồn tin: phongdiep.net