Người xưa chọn hiền tài

Hà Nội là nơi duy nhất đến nay còn lưu giữ được khá trọn vẹn gần 100 tấm bia tiến sĩ và khu trường đại học đầu tiên như một bằng chứng sống động về chiến lược đào tạo nhân tài của cha ông ta từ ngàn xưa.
Câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” được khắc trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên vua Lê Thánh Tông cho dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội vào năm 1442, là một thông điệp, một tầm nhìn chiến lược vô cùng sáng suốt của ông cha ta về việc đánh giá tầm quan trọng của người hiền tài trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Thi hương là hình thức thi được triều đình quản lý và có quy chế chặt chẽ, cửa ngõ đầu tiên trên con đường khoa cử chọn hiền tài, Thi hương có thể được tổ chức ở một vùng gồm nhiều trấn, lộ hay thi ngay tại kinh thành do triều đình quy định. Đây là kỳ thi có số thí sinh đông đảo nhất đã vượt qua được kỳ thi khảo hạch do các địa phương cấp huyện lỵ trong nước tổ chức.Những người đỗ ở kỳ thi hương được phong danh hiệu là hương cống hay cử nhân.

Từ đây họ có hai con đường để lựa chọn hoặc là vào học tiếp ở Quốc Tử Giám để năm sau đi thi hội và thi đình, hoặc qua một kỳ sát hạch nếu được thì ra làm quan. Chức quan của người đỗ cử nhân thường làm tri huyện. Mỗi huyện lớn được tuyển qua khảo hạch khoảng 200, huyện nhỏ thì 100 người đi dự thi hương.

Thi hội và thi đình: là cấp thi do triều đình tổ chức. Thí sinh phải là những người đã đỗ hương cống hay cử nhân trong các kỳ thi hương, giám sinh Quốc Tử Giám, tôn sinh, quan chức nhỏ đã trải qua vòng khảo hạch.

Mỗi triều đại phong kiến có tên gọi là vinh danh riêng cho  những người đỗ hàng đầu của các kỳ thi hội, thi đình. Nhà Lý gọi là Minh kinh bác sĩ, nhà Trần gọi là Thái học sinh chia ra ba đẳng đệ nhất, đệ nhị và đệ tam, từ khoảng giữa thế kỷ thứ XIII trở đi thì gọi những người đỗ ba vị trí đầu đệ nhất giáp là Tam khôi theo thứ tự: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Người đỗ đệ nhị, đệ tam giáp đều được gọi chung là Tiến sĩ. Người đỗ đầu các kỳ thi hội, thi đình được triều dình vô cùng sủng ái, ban cho tước lộc dồi dào, cả họ cả làng cũng được vinh hiển theo vì thế càng khuyến khích mọi người chăm học để tiến thân.

Trong sử sách còn lưu giữ rất nhiều hình thức nghi lễ vinh danh người đỗ đạt cao như: Lễ xướng danh tại triều đình do đích thân nhà Vua chủ trì; Lễ ban mũ áo cân đai cho các tân tiến sĩ; nghi thức ban yến tiệc; Lễ khắc tên những người đỗ đại khoa trở lên vào bia đá và vua cho về thăm quê gọi là vinh quy bái tổ trước khi trở lại triều đình nhậm chức.

Vinh quy bái tổ là một vinh dự rất lớn của người đỗ đại khoa. Suốt trên đường từ kinh đô về quê, đi đến đâu quan tân khoa cũng được các chức dịch địa phương và người dân đón rước phục dịch chu đáo. Đoàn người rước quan tân khoa về quê có đủ cờ quạt nghi trượng và phường nhạc, trống kèn đi theo biểu diễn. Viên quan có trách nhiệm ở quê hương tiến sĩ phải huy động dân làng dựng phủ đệ cho tiến sĩ như một nghi thức và việc làm bắt buộc. Các tân tiến sĩ còn được cưỡi ngựa trạm của triều đình, một nghi thức vẻ vang mà thời Lê chỉ có trạng nguyên mới được hưởng ân huệ này.

Khắc tên vào bia đá tuy không ồn ào như lễ vinh quy bái tổ, nhưng nó mang một ý nghĩa vô cùng vinh hạnh là tên tuổi họ được trường tồn cùng lịch sử. Ý tưởng này xuất phát từ tầm nhìn cao rộng của vị hoàng đế mẫn tiệp thông thái Lê Thánh Tông. Hành động tạc vào bia đá tên tuổi những con người học rộng tài cao là một chính sách khuyến học sáng suốt cổ vũ mạnh mẽ ý thức học hành và đem tài học ra giúp nước.

Những tấm bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc tử giám

Ngay trên tấm bia đầu tiên được dựng vào năm 1442, vua đã cho ghi rằng: “Ghi tên khắc đá bầy nơi cửa nhà Thái học, khiến kẻ sĩ phu trông vào mà sinh lòng hâm mộ phấn chấn, tự rèn luyện lấy danh tiết, gắng sức giúp vua, há chỉ là trọng văn suông ham tiếng hão mà thôi đâu”.

Rồi các năm sau vẫn trong triều đại nhà Lê cái chủ trương đãi ngộ người đỗ đạt và khuyến khích sự học trong dân còn nhiều lần được tạc lên bia đá như: “Ngày nay chế độ văn vật rành mạch sáng ngời, khắc vào bia đá dựng tại nhà Quốc học phần là để thực hành điều lễ long trọng của triều đình, phần là để gây lạc quan cho kẻ sĩ, soi tỏ mai sau, bao hàm khích lệ” (1463). Hay tấm bia dựng năm 1565 còn nhấn mạnh “Dựng bia vừa để công danh còn mãi đến muôn đời, vừa để sự nghiệp soi sáng cho ngàn thủa”…

Quá trình khuyến học và tổ chức thi cử chọn người hiền tài ra gánh việc nước của ông cha ta qua hình thức thi cử kéo dài cả nghìn năm dưới thời phong kiến, có những triều đại tổ chức tới 124 khoa thi tiến sĩ như thời nhà Lê, nhưng đến nay tất cả chỉ còn lại 82 tấm bia khắc tên 1306 vị tiến sĩ của các triều đại được dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội đã trở thành báu vật quốc gia.

Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám như linh hồn của di tích này và là một minh chứng đầy thuyết phục về đức tính hiếu học và trách nhiệm cao cả của tầng lớp sĩ phu Việt Nam. Song có lẽ điều khiến cho biết bao thế hệ người Việt Nam ngưỡng mộ các vị đại khoa xưa kia chính là cái học thực của mỗi vị tiến sĩ. Mỗi khoa thi có hàng ngàn vị hương cống, cử nhân đua tài, nhưng đỗ cao chỉ có vài ba người, thậm chí nhiều khoa thi còn không có người đỗ đầu. Vì thế phần lớn những người đỗ cao đều là các bậc có tài kinh bang kinh tế thế và tấm gương sáng về đạo đức.

Đã hàng ngàn năm rồi mà nay đọc lại chúng ta đều không khỏi cảm phục về tầm nhìn chiến lược đào tạo con người của ông cha ta. Trên hai tấm bia đầu tiên trong 82 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội những lời răn dạy của cha ông như không bao giờ cũ: “Thử đem tên họ những người đỗ trong một khoa này điểm lại, hạng người đã đem văn học chính sự ra mà tô điểm cho cảnh trị bình, hiến mình cho nước nhà trong mấy năm nay kể cũng khá nhiều, nhưng cũng có kẻ vì hối lộ mà mắc tiếng xấu, hoặc sa ngã vào lũ gian tham, hạng người này không phải không có. Có lẽ vì đời họ chưa trông thấy tấm bia này, ví thể được kịp thời trông thấy thì lòng thiện tất phải nẩy nở mà lòng ác phải tắt ngấm…” (1442).

Hay như trên tấm bia khắc năm 1463, lời răn dạy lại chủ yếu dành cho người đương nắm quyền cai trị dân hàm ý nhắc nhở cả các bậc vua chúa: “Kẻ sĩ mong được khắc tên lên bia đá này tất phải làm sao cho danh xứng với thực. Sửa đức hạnh, yên phận mình, bắt chước văn hiến giữ lòng, đừng theo lòng quay quắt của Công Tôn. Đức thanh liêm phải như Triệu Duyệt Đạo, tính cương trực phải như Phạm Cảnh Nhân, người ở chức Thi tụng thì phải nghĩ sao để dâng được mưu hay. Người nắm việc kỷ cương thì nghĩ sao khiến chính sự trong sạch. Người cai trị địa phương thì lo làm sao tỏ đức vua mà thấu tình dân. Người giữ quyền chăn dân thì lo sao cho đủ dân sinh mà bền gốc nước”.

Những lời tạc vào đá trên từ hơn năm trăm năm trước mà dường như không hề cũ với hôm nay. Thế mới biết thời đại nào cũng cần có người tài đảm đương việc nước. Và thời đại nào cũng cho thấy người thực tài thì phần tuyệt lớn là người có nhân cách cao thượng vì họ hiểu vị trí vai trò và trách nhiệm, tầm ảnh hưởng của họ trong xã hội.

Câu nói: Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách là một nhận thức đầy trách nhiệm của tầng lớp trí thức và những người được giao trọng trách trong bộ máy quốc gia. Việc học giả, bằng giả thậm chí tiến sĩ rỗng không chỉ làm mất đi ý nghĩa đáng trọng của danh vị này mà còn khiến cho quốc gia suy yếu đi nếu trọng trách được giao vào tay họ. Học vị tiến sĩ lúc này chẳng khác gì tấm vé để tiến thân để mưu cầu danh lợi cá nhân.

Mùa xuân Nhâm Thìn đặc biệt này nghĩ về Hà Nội nghĩ về thế nước, vận nước càng cảm phục tầm nhìn chiến lược của ông cha ta trong sự nghiệp bồi dưỡng nhân tài và bảo vệ xây đắp non sông.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Vân Hà

Nguồn tin: nguoihanoi.com.vn