Lê Quý Đôn: “Lấy đức mà dẫn đường cho dân”

Lê Quý Đôn (1726 – 1784), tên tự là Doãn Hậu, tên hiệu là Quế Đường, quê ở huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, từ thời niên thiếu đã nổi tiếng thông minh, hiếu học trong vùng, đỗ giải nguyên lúc 18 tuổi, đỗ (bảng nhãn) năm 27 tuổi, và đặc biệt có trí nhớ được truyền tụng như một huyền thoại. Năm lên 5 tuổi, ông đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi. Năm 12 tuổi, ông đã học "khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử". Lê Quý Đôn được người đương thời coi là "thần đồng".
Năm 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải nguyên, 27 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi đỗ Bảng nhãn của thi Đình.Lê Quý Đôn làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông với chức Hàn lâm viện Thị thư, rồi Công bộ Thượng thư. Sau đó, ông đi sứ bên Trung Quốc ba năm; vào khoảng 1769 -1770 ông được cử tham gia tiễu trừ đồ đảng Lê Duy Mật ở Thanh Hoá, Nghệ An, rồi làm Tổng tài biên soạn lại quốc sử cùng với Nguyễn Hoàn năm 1775.

 

(Tượng đài Lê Quý Đôn)

Nhà bác học uyên bác và đa dạng.

Với tài trí thông minh và kiến thức uyên bác, Lê Quý Đôn đã để lại cho hậu thế rất nhiều bộ sách có giá trị đủ các thể loại như lịch sử, địa lý, thơ, văn, chú giải kinh điển, triết học, lý số. Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn có thể kể ra như sau: 

* Quần thư khảo biện, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi.

*
Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi. Đây là một loại "bách khoa thư", trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội... Vân đài loại ngữ là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.

*  Đại Việt thông sử, còn gọi Lê triều thông sử, là bộ sử được viết theo thể ký truyện, chép sự việc theo từng loại, từng điều một cách hệ thống, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh.

*  Kiến văn tiểu lục, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở...

*  Phủ biên tạp lục, được viết trong thời gian Lê Quý Đôn làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Nội dung ghi chép về tình hình xã hội. Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước.

Công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn là bộ Toàn Việt thi lục 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 - 1516). Lê Quý Đôn hoàn thành Toàn Việt thi lục năm 1768, dâng lên vua, được thưởng 20 lạng bạc.

Về sáng tác văn xuôi, theo Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn có Quế Đường văn tập 4 quyển, nhưng sách này đã mất. Về sáng tác thơ, Lê Quý Đôn để lại có Quế Đường thi tập khoảng vài trăm bài làm ở trong nước và trong thời gian đi sứ Trung Quốc.
 


(Bộ sách Lê Quý Đôn toàn tập)

 

 Lê Quý Đôn sinh ra và trưởng thành trong thời cuối hậu Lê, chỉ thọ 59 tuổi, nhưng với những công trình rất xuất sắc và phong phú, đa dạng còn để lại, ông là một kỳ tài và trong chừng mực, bối cảnh lịch sử rối ren thời đó, ông hoàn toàn có thể được coi là một thiên tài của đất nước.

Nhà chính trị kiệt xuất.

Bên cạnh vai trò nhà khoa học, Lê Quý Đôn còn là nhà tri thức có tư tưởng tự tôn và tự hào dân tộc; Một nhà chính trị quan tâm, gần gũi nhân dân, và hiểu những mong muốn của người dân. Lê Quý Đôn có hoài bão lớn, có tư tưởng canh tân đất nước, nhưng không được thỏa chí. 

Năm 1764, chưa đầy 40 tuổi nhưng Lê Quý Đôn đã nung nấu tư tưởng làm một cuộc cải cách xã hội đang trên đà suy bại, thành một xã hội lành mạnh, bình yên, thịnh trị, mà những điều ông đã nghiền ngẫm qua sách vở thành hệ thống.

Ông đã tổng kết và đề ra bốn nguyên lý trị nước, có giá trị vĩnh hằng cho hầu hết mọi quốc gia: “Phi nông bất ổn /Phi công bất phú /Phi thương bất hoạt/ Phi trí bất hưng.”


 

Tác giả bài viết: Tổng hợp: Hoài Phong

Nguồn tin: lophocvuive.com