Huyền thoại Kinh Vĩnh Tế

Thoại Ngọc Hầu, người con của Đà Nẵng đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp  mở mang, khai phá vùng đất miền Tây Nam bộ. Công nghiệp lớn lao của ông đã được các vua nhà Nguyễn ghi nhận bằng cách ban tên ông cho núi sông. Những danh xưng THOẠI SƠN, THOẠI HÀ đã đi vào lịch sử và tồn tại mãi mãi trong tâm khảm của người dân Nam bộ. Tuy nhiên về việc vua Minh Mệnh lấy tên vợ của Thoại Ngọc Hầu để đặt tên cho con kinh là kinh Vĩnh Tế như một số người đã viết là một vấn đề cần phải nghiên cứu lại cho đúng với sự thật của lịch sử.

Cuộc sống luôn tồn tại hai loại sử song hành đó là thực sử và dã sử. Thực sử thường bị lãng quên còn dã sử thì ngày một phát triển vì dã sử được hư cấu nhiều tình tiết nên dễ hấp dẫn. Nhưng trách nhiệm của nhà viết sử không thể để bị mê hoặc bởi những sắc màu rực rỡ của dã sử mà phải thể hiện một cách trung thực sự thực lịch sử. Câu chuyện kinh Vĩnh Tế là một sự kiện điển hình, huyền thoại về bà phu nhân của Thoại Ngọc Hầu ngày càng được nhắc đến nhiều hơn là sử thực về việc đào sông Vĩnh Tế. Dưới ánh sáng khoa học, trong tinh thần tôn trọng tiền nhân chúng ta có bổn phận phải nói đúng sự thực để hậu thế có được cái nhìn đúng đắn về một giai đoạn lịch sử đã qua.

Huyền thoại đang lưu hành về kinh Vĩnh Tế rất đẹp, nó nói lên được thiện cảm của quần chúng đối với công đức của Thoại Ngọc Hầu cùng phu nhân trong công cuộc khai phá vùng Hậu Giang nhưng mặt khác nó cũng làm cho khuất lấp nỗi oan khiên mà ngài cùng con cháu phải gánh chịu những năm dài sau khi ngài đã đi vào cõi Vĩnh hằng.

Trong cuốn sách vô cùng giá trị và độc nhất về : “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang”, nhà Nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu đã bỏ rất nhiều công phu để đi tìm sử liệu về danh nhân Nguyễn Văn Thoại, nhất là về kinh Vĩnh Tế, ông kể: “Tìm được bản sao bài văn bia Vĩnh Tế Sơn, mặc dù đó là một bản chép lưu trữ trong tủ sách của một cụ Tú  đời xưa, tôi vẫn chưa chịu tin ngay là đúng. Tôi đã chịu nhọc mang tập tài liệu này từ Phú Thuận (Kiến Phong đến tận núi Sam (Châu Đốc) để đếm lại từng ô, dò từng chữ còn lờ mờ trong bia, để trắc nghiệm xem bản ấy với bia này có phải là một không. Chừng đó mới chịu kết luận.” (tr.23)Chính với niềm tin mình đã rất thận trọng trong việc cẩn án tài liệu, Nguyễn Văn Hầu đã hoàn toàn tin vào những gì đã khắc trong bia : “Năm trước đây thần phụng mạng xem sóc việc đào kinh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kinh núi Sập, đặt là núi Thoại. Đến nay Hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố tới vợ thần là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, nên lòng chân thành bền chặt có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là núi Vĩnh Tế”.(tr.410)

Thật là dễ tin, đã có việc vua ban cho núi chồng là Thoại Sơn thì giờ có ban thêm núi vợ là Vĩnh Tế Sơn cũng là chuyện hợp lý.

Nhưng sao tên bà là Châu Thị Tế mà vua lại không ban là Tế Sơn để cùng sánh đôi với Thoại Sơn mà lại là Vĩnh Tế Sơn?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu không phải không dè dặt thắc mắc, ông nói: “Một nghi vấn đáng chú ý: “Bia Thoại Sơn lập năm 1822. Chính lúc này công tác đào kinh Châu Đốc –Hà Tiên còn đang thực hiện, mãi đến năm 1824 mới xong và 4 năm sau đó nữa (1828) mới được ban tên và bia Vĩnh Tế mới được lập.

Tại sao tên chưa đặt, bia chưa dựng mà ở đây cũng như trong lời dụ Minh Mạng ban năm 1822 đã sớm biết và sớm gọi đích danh như vậy?”(tr.384) . Trong một chú thích về Vĩnh Tế ông lại xác định : “Chữ Vĩnh Tế dùng ở đây e không đúng vì lúc bấy giờ kinh còn đang đào, chưa tứ danh Vĩnh Tế. Có lẽ sử thần sau này chép lại đã không chú ý đến thời gian tính của nhà vua” (tr.188).

Lý do ông Nguyễn Văn Hầu không tin vào sự kiện bia Thoại Sơn vì ông đinh ninh rằng sông đào xong mới cho tên, đó là thường lệ, nhưng đó là đào theo sông cũ đã có tên rồi khi xong mới đổi tên cho phù hợp như kinh Đông Xuyên đào xong mới đổi là Thoại Hà, sông Vĩnh Điện đào xong mới cho tên là Vĩnh Điện. Nhưng sông Vĩnh Tế thì khác, ngay từ khi khởi công vua Gia Long đã ban tên là sông Vĩnh Tế vì con sông đào này cách sông cũ đến 200 dặm phải có tên để tiện gọi.

Còn việc chép sử dưới triều Nguyễn thì được làm rất khoa học và rất sát sự thực. Các dụ của vua ban sao thì phải chép y như vậy không thể thay đổi được.

 “…gặp ngày vua ngự ở điện nghe chính sự, thì hai người thuộc viện Đô sát [Khoa đạo] đứng ở hai bên tả hữu trên điện, sung làm khởi cư chú, phàm vua có nói năng đi đứng gì  đều kính cẩn ghi chép; nếu vua có đi chơi thì theo hầu cũng ghi chép như thế. Những viên nào ghi chép  thì phải ký tên vào cuối giấy, cứ hết tháng đem nộp các bản ghi chép suốt tháng để đường quan ở viện [cấp trên tại viện] sửa chữa, viết lại cẩn thận, đóng thành tập rồi cùng ký tên, đóng ấn của viện, giao cho Quốc tử giám thu giữ. Lại phàm 6 bộ, Nội các và các nha môn có tâu việc gì thì một người thuộc viên của viện đều được theo ban dự nghe, theo từng việc ghi chép, để phòng khi kiểm soát ” (Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, VIII, tr.89) . Vì vậy không thể có việc sử quan nhà Nguyễn thay đổi thời gian tính trong các dụ của vua.

Dưới đây là thực sử về sông Vĩnh Tế,  Đại Nam Thực Lục đã ghi lại từng diễn biến công trình đào vét:

Đại Nam Thực Lục Chính Biên-Đệ nhất kỷ, Q LX, tr.997: “ Năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 [1919]:Vét đào sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên. Cho tên là sông Vĩnh Tế. Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt. Gặp Chiêu Chùy nước Chân Lạp là Đồng Phù đến chầu, vua triệu cho yết kiến hỏi han. Đồng Phù trả lời rằng:  “Khai sông ấy thì dân Chân Lạp được nhờ lợi, vua Phiên cũng muốn thế, không dám xin mà thôi.”

Vua khen và lấy làm vui lòng, dụ bảo thành thần Gia Định, do từ phía Tây đồn Châu Đốc qua cửa Ca Âm, Cây Báng, đến sông cũ hơn 200 dặm, tính công đào đất và lượng sức người. Sai Trấn Thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại và Chưởng Cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân Chân Lạp 5000 người, đến tháng 12 khởi công đào. Dân người Hán [Việt] cùng với binh đồn Uy Viễn thì mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền và 1 phương gạo; dân Chân Lạp mỗi tháng cũng cấp cho mỗi người 4 quan 5 tiền, 1 phương gạo.

Chiếu dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”.

Lại dụ vua Chân Lạp rằng: “ Nước ngươi giáp giới với Vĩnh Thanh. Nay đào sông này không những lợi cho người Hán mà còn lợi cho nước ngươi vô cùng.Vương nên họp nhân dân bảo cho biết ý nhọc một lần mà nhàn mãi mãi, khiến dân vui làm việc, cho chóng thành công. Quan Phiên trở xuống, ai không theo lệnh cho Đồng Phù trị theo quân pháp”.

Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhị kỷ, Q.XVII : “Nhâm ngọ, năm Minh Mệnh thứ 3[1822] Mùa thu tháng 9: “Quốc Vương Chân Lạp là Nặc Chân đưa thư đến Gia Định, xin đem binh dân nước ấy để hợp sức tiếp tục đào đường sông Vĩnh Tế. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua xuống dụ khen ngợi. Sai Duyệt làm quy hoạch trước, Duyệt tâu xin phát hơn 39.000 người binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, cùng đồn Uy Viễn, với hơn 16.000 người binh dân nước Chân Lạp, chia làm 3 phiên, để mùa xuân sang năm khởi công, đầu hạ thì xong. Vua y cho.

Dụ rằng:  “Đường sông Vĩnh Tế liền với một lộ tân cương, xe thuyền được lợi rất nhiều. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mưu sâu tính kỹ, để ý đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần đào, công việc chưa xong. Trẫm noi theo chí trước, dốc lo làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài, khanh nên tính toán thế nào, hẹn ngày tâu công để xứng ý trẫm. Vả chăng sông ấy không phải lợi cho Chân Lạp, vua Phiên xin thế vị tất là do thực tình. Ngày nào dụ đến nơi, họ tất sẽ có lời ngăn trở. Song việc làm quả quyết thì nên, giùng giằng thì hỏng. Trẫm đã định trước họ không đáng kể.” (tr.107)

“Tháng 2, lại đào sông Vĩnh Tế. Sai Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt trông coi công việc. Trước định khởi công từ tháng giêng. Vừa Duyệt nghe tin Hưng Hóa giặc nổi, dâng sớ xin hoãn. Vua dụ rằng: “Xem tờ mật tâu của khanh biết kế hay của khanh mưu toan việc nước, trù tính việc biên. Nay may tướng sĩ nghe lệnh đã đánh vào ổ giặc, tướng giặc chẳng bao lâu sẽ bị giết thôi, có thể không lo đến việc miền Bắc nữa, khanh nên phát binh dân vét đào sông ấy cho xong công việc. Nếu để mất cơ hội ấy thì khó bảo đảm kỳ sau, mà nước Chân Lạp có thể dòm ngó chính lệnh của ta. Phải nghiêm theo đấy. Trẫm chuyên trông ngóng, tâu về mới ăn ngon ngủ yên được”. Đến nay Duyệt tâu xin lượng phát hơn 35.000 binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Uy Viễn, cùng hơn 10.000 binh dân nước Chân Lạp ra làm, mỗi tháng cấp tiền gạo đều như lệ năm Gia long. Vua y cho (dân hạt thành mỗi tháng tiền 6 quan, gạo 1 phương, mỗi 5.000 người đặt 150 người chức dịch, cấp tiền 1.000 quan, gạo 150 phương, dân Chân Lạp mỗi tháng tiền 4 quan 5 tiền, gạo 1 phương, mỗi 5.000 người đặt 100 người đầu mục ốc- nha bồn nha, cấp tiền 1.000 quan, gạo 150 phương).Chưa được bao lâu, Duyệt có bệnh sai phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu làm thay”.(tr.143)

“Hoãn công việc sông Vĩnh Tế. Vua cho là thời tiết tới mùa hạ, công việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng (dòng sông hiện đã thành hơn 10.500 trượng, chi tiền hơn 515.200 quan, gạo hơn 99.400 phương), sai đình việc, cho binh dân về. Thưởng Lê Văn Duyệt gia 1 cấp và đoạn mãng, đoạn hoa đều 1 tấm; Trương Tấn Bửu và bọn giám tu chuyên biện được thưởng kỷ lục và bạc lụa theo thứ bực; thưởng vóc lụa cho quốc vương Chân lạp; các quan Phiên đốc biện cũng cho áo quần. Lại cho Lê Văn Duyệt đai ngọc. Dụ rằng: “Trẫm nghĩ khi xưa khanh đi theo vua, đã có công lao, giữ hết lòng trung, cho nên Hoàng khảo ta dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước Phiên nên sai khanh làm Tổng trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên Chân lạp, tiếp đến tra xét đinh lậu, thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm. Làm tôi siêng năng duy khanh là hơn cả, cho nên hậu thưởng. Từ trước đến nay các hoàng tử tước công chưa từng cho đeo đai ngọc. Nay nghĩ khanh công trước vốn đã rạng rỡ, lại dựng được công mới, nên đặc cách ban cho. Khanh càng nên dốc lòng trung thành, cố gắng hơn nữa.(tr.179)

Tập VII, q.XXV, Giáp Thân, năm Minh Mệnh thứ 5[1824], mùa xuân, tháng giêng: “Đào tiếp sông Vĩnh Tế. Lấy binh dân các trấn thuộc thành và nước Chân Lạp hơn 24.700 người làm việc, chi cấp lương tiền như lệ năm Minh Mệnh thứ 4. Vua dụ rằng : “Việc đào sông Vĩnh Tế là vâng theo thánh toàn của Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mà làm, thực là quan yếu cho quốc kế biên trù. Nhưng khai đào mới bắt đầu, công việc còn khó, trẫm vâng theo chí trước, năm ngoái đã đào, còn lại hơn 1.700 trượng, ấy là còn thiếu cái công 1 sọt đất. Nay nước nhà nhàn rỗi, chính nên kịp thời làm tiếp cho xong, để làm kế nhọc một lần được rỗi mãi”. Lại dụ cho quốc vương Chân Lạp biết. Phó tổng trấn Trần Văn Năng xin để lại quân dân 2 trấn Phiên An, Biên Hòa để đào đá xây thành. Vua dụ rằng: “Việc xây thành năm nay chưa tiện sẽ đợi sang năm. Còn như sông này, liền với tân cương, rất quan hệ đến việc biên phòng, so với việc xây thành đàng nào cần hơn ? Huống chi hai việc đều làm, sao cho xong được, kiến thức sao hẹp hòi thế ?” Không cho. Sai đem cả quân dân đến đào sông. Phát tiền khao 1.000 quan mua trâu rượu khao những người làm việc.

Chở 23.000 quan tiền ở kho Kinh đến Gia Định [tr.11]

Giáp Thân, năm Minh Mệnh thứ 5 [1824], mà hạ tháng 5, việc đào sông Vĩnh Tế xong. Vua nói rằng “Đào con sông ấy để trọn công trước, thực là lợi ức muôn năm vô cùng về sau”. Bằng sai hữu ty dựng bia để ghi.

Thưởng kỉ lục và sa, bạc cho đổng lý Nguyễn Văn Thoại cùng những người tham biện, tùy biện; ban gấm đoạn cho quốc vương Chân Lạp và áo quần cho quan Phiên theo thứ bực khác nhau”. [tr.43, tậpVII]

Qua những trích đọan trên ta thấy:

- Sông Vĩnh Tế đã được vua Gia Long ban tên từ năm Gia Long thứ 18[1819], chứ không phải đợi đến năm 1824 khi đào xong Minh Mệnh mới tứ danh.

- Các dụ của vua Minh Mạng trước năm 1824 đều gọi đích danh sông đào đó là sông Vĩnh Tế.

- Bia Thoại Sơn do Thoại Ngọc Hầu dựng năm Minh mạng 1822 đã ghi tên sông Vĩnh Tế, đây là sự thực phải được công nhận, Bia Vĩnh Tế Sơn xuất hiện sau lại cho Vĩnh Tế là tên mới ban sau năm 1822 chính là bia nguỵ tạo, hư cấu một huyền thoại không có trong chính sử.

- Sông Vĩnh Tế là công trình lớn có sự đóng góp sức người sức của của hai nước Việt nam và Campuchia, được huy động một số lượng lớn quân dân thành Gia Định và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Uy Viễn trong chiến lược ổn định biên phòng của hai vua Gia Long và Minh Mệnh. Tổng công trình sư là Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, có khi do Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu kiêm thay. Đổng lý trực tiếp điều hành là Nguyễn Văn Thoại.

- Thoại Ngọc Hầu có công đào sông Vĩnh Tế được tưởng thưởng, nhưng trong công trình này Minh Mạng đề cao vai trò của Lê Văn Duyệt nên mới đặc ân ban thưởng đai ngọc cho Lê Văn Duyệt, một vinh hạnh chỉ dành cho các Hoàng tử như vậy không có sử liệu nào cho thấy Minh Mạng quan tâm đến bà Châu Thị Tế.

- Các Vương triều phong kiến không coi trọng phụ nữ để đến độ vinh danh bà Châu Thị Tế, nhà vua chỉ coi trọng mẹ mình, hoặc mẹ các quan nhưng không coi trọng phụ nữ.

- Việc cho Kinh Vĩnh Tế mang tên bà vợ Thoại Ngọc Hầu chỉ phản ánh ý thích, tình cảm và trí tưởng tượng của quần chúng, nếu cho huyền thoại này là đẹp và không cản được sức lưu hành của nó thì các nhà viết sử cũng nên nhấn mạnh đó là huyền thoại để người đời sau có cái nhìn chính xác về một thời đã qua.

Tác giả bài viết: Châu Yến Loan

Nguồn tin: AVTC