Trường ca "Hoa dại" một khúc ca nhân ái
- Thứ hai - 25/09/2017 15:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trường ca "Hoa dại" của nhà thơ Lê Ái Siêm
Một -Người viết đã đặt mình trong sự cảm thông, chia sẻ với những người cần sự chia sẻ nhất trong xã hội, những người nghèo.
Không phải ai, đặc biệt không phải người nghệ sĩ nào cũng có thể làm được như vậy. Đó là một phần tầm vóc của người nghệ sĩ.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng hãy cho phép tôi được “núp bóng” sự khập khiễng, vì tôi chưa tìm được cách nào để nêu được cảm nghĩ của mình.
Lep Tonxtoi, viết tác phẩm đồ sộ “Chiến tranh và hòa bình” với những nhân vật đẹp một cách lý tưởng như Cutudop, Andray Bonkonsky, Pie Bedukhop, Natasa Roxtova, Maria Bonkonskia. Ông cũng viết những tác phẩm đồ sộ với những góc nhìn khác. Tác phẩm “AnaKarenina”, ông viết về một người đàn bà ngoại tình. Tác phẩm “Phục sinh” ông viết về một cô gái điếm. Viết về những người phụ nữ bị xã hội đương thời lên án, khinh rẻ nhưng nhà văn vĩ đại lại thể hiện được giá trị nhân văn cao quý của ngòi bút.
Trên thế giới, ở mọi thời đại đều có những người nghệ sĩ như thế.
Nói chuyện ở Việt Nam.
Nhà văn Trang Thế Hy. Gần chúng ta cả không gian và thời gian. Ông viết về nhiều nhân vật, nhiều vấn đề. Có một nhân vật trong tập truyện “Tiếng hát và tiếng khóc”, chắc ai cũng biết. Đó là một cô gái điếm bị câm. Tầm vóc và giá trị của ngòi bút Trang Thế Hy thấm đượm nhân tình đặc biệt khi viết về những con người thuộc hàng dưới đáy xã hội là như thế.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường có một bài thơ đặc sắc. Bài thơ có tựa đề “Lời đề trên mộ chí”. Nguyên văn bài thơ là sáu chữ “Tôi đứng về phe nước mắt”. Thực xúc động. Tôi hiểu, phe nước mắt là phía những người yếu thế (không phải là yếu kém) trong xã hội, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Xin được trở lại với tác giả Lê Ái Siêm. Tác giả cũng đã viết về nhiều việc, nhiều vấn đề. Có những bài viết về những người anh hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc. (Viết bên đài tưởng niệm tại Mỹ Tho). Có bài viết về sự hy sinh thầm lặng của người vợ liệt sĩ. (Chị). Có bài viết về người anh hùng dân gian, về nhà thơ mù Đồ Chiểu (Gặp Vân Tiên ở Ba Tri). Đây là những bài thơ hay, được tặng giải Nhất cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2003.
Tọa đàm Tác giả - Tác phẩm Lê Ái Siêm |
Sau những bài thơ hay đó, với những nhân vật đẹp đó, Lê Ái Siêm viết Trường ca “Hoa dại”. Nhân vật trong “Hoa dại” là những ai. Có lẽ họ cũng là những người thuộc “phe nước mắt”. Đó là:
…gã ăn mày nón rách… đi vào nhá nhem… ngồi gặm nhấm ba điều ước…
…người đạp xích lô buông xe nơi bậu cửa/ ghì chai đế trong tay như báu vật/ méo xệch những câu thánh nhân trước lúc lên đồng…
…người đàn bà xỉa xói trước mặt chồng/ người đàn bà muốn hất tung của báu của mình/ cái thứ như thể cha đẻ của đói nghèo/ cha đẻ của tội lỗi/ cái thứ dối gian đồng hành...
Một nhân vật đặc biệt, tiêu biểu cho khối nhân vật không lời. Đó là dòng kinh: Dòng kinh, được giới thiệu ngay từ trang thơ đầu, có đời sống, có quá khứ, có tâm sự, có khát khao, có sự chuyển mình. Dòng kinh có hẳn một vị trí, là chương thứ mười trong trường ca mười hai chương.
…và nhân vật chính của trường ca “em cứ lớn bên dòng kinh ươn thối/ cứ nõn tơ như không gì phá nổi/ và gió cứ đi tấp táp phận người…”
Đặt ngòi bút ở tâm thế sẻ chia với những người thuộc “phe nước mắt”, người viết “Hoa dại” đã nhận lại sự trân trọng của những tấm lòng nhân hậu nơi người đọc.
Hai - Lê Ái Siêm có tài thơ.
Có những vật, những việc, những khái niệm, cá nhân tôi tưởng chừng khó có thể vào thơ, nhưng trong “Hoa dại” lại là những tứ thơ, những hình tượng thơ chân thật, không bôi bác hay tô vẽ nhưng mang nặng suy tư và ám ảnh.
Đó là: dòng kinh ươn thối/ nhờ ngọn gió đi phân phát chất độc/ đi phân phát xác chết/ ngàn năm/ trăm năm/ mười năm/ nhào trộn và phân hủy…
Đó là: những cái bóng lụn đầu/ bước ra từ những cánh cửa xe sang trọng, bước ra từ AB tiệc tùng xin xỏ/ bước ra sau cuộc ăn chia/ bước ra sau lần dấm dúi… những bóng lụn đầu/ đi như ma dẫn…
Đó là: những mái tôn cãi vã dọc bờ kinh/… im lìm chịu đựng/… kê lệch góc nhìn/… những mái tôn đùng xoèng gươm giáo/… những mái tôn đậy đời rách thủng…
Đó là: hè phố những vẹt mòn hối hả/ in những chấm hỏi, chấm phẩy, chấm than/ bản nháp phố phường/ văn tự lo toan nhọc nhằn thị dân/ hằn lên hè phố/ vội vàng không chỉnh sửa/ những trắng đen, móc kép, móc đơn/ điệp khúc đời thường, …
Và có những câu thơ xúc động :
-Bà cụ còm nhom đưa gậy xua tuổi tác của mình/ loảng xoảng long tong những quên và nhớ/ lặn vặn những buồn vui/ mối tình đốm than/mối tình hạt muối…
- mắt hồn nhiên giọt nước/ cười long lanh cơn đói trốn qua mồm…
- cây rơm còm con bò nhai cọng nắng…
- bữa cơm chiều ăn độn nửa trời sao…
Vẫn còn có thể nêu thêm nữa…
Ba - Lê Ái Siêm có tình thơ. Có lẽ đây là điều đáng nói nhất về một nhà thơ. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Tác giả viết về những dòng kinh ươn thối, cuộc đời xơ tướp, cuộc đời đói khát, mảnh đời đáy phễu, vụn đời đáy phễu, đáy phễu bần cùng… với tâm thế người trong cuộc. Viết về những người nông dân đói nghèo phiêu bạt, viết về mẹ, cha “ …tiếng ho cầm canh tuổi cha/ tiếng thở dài cầm canh tuổi mẹ”, với sự sẻ chia day dứt. Viết về thiên nhiên cũng trong tâm trạng nén chịu của người phải chứng kiến những nỗi đau đời “bầu trời thương một vầng trăng hổ thẹn/ úp mặt lặng lẽ qua đêm/ chòm sao thương những ngọn đèn mất ngủ/ trừng mắt làm kẻ điếc câm/chỉ buồn cây kiểng đơm những lá bài sấp ngửa”.
Tác giả viết về nhân vật chính trong “Hoa dại” với bao yêu thương, xót xa “em treo lửng tuổi hoa bên dòng kinh ươn thối…/ em cứ lớn bên dòng kinh ươn thối/ cứ nõn tơ như không gì phá nổi” như tình cảm của người mẹ nghèo với con gái yếu đuối bé bỏng của mình. Đó là nỗi lo lắng khi bị đe dọa “…khật khưỡng bóng ma tay ôm chai đế/ nham nhở săm soi đôi gò nõn đang rằm/ em trấn giữ bằng mười ngón tay dại khờ yếu đuối/ em trấn giữ bằng đôi mắt thỏ đế/ bằng chiếc lưỡi thất thanh không âm tiết cho mình…”
Đó là sự độ lượng với giấc mơ Lọ Lem của cô gái nghèo, đó là niềm vui khi được cứu giải “gã ăn mày tuyên chiến với bóng ma dâm tặc/ chiếc nón rách và bốn phần năm cuộc đời đói khát/ tuyên chiến với tội ác/ nơi đáy phễu bần cùng, tấm lưng còng/ nâng gã ăn mày lên như một anh hùng ” và tiếng reo “em bật dậy một nhành xuân tươi thắm”.
Khi “…em đi trong sấp ngửa tuổi xanh mình” thì người viết đã cùng xót xa chia sẻ “…em chỉ một mình mà cứ bay ngược gió/trời mênh mông em chập chờn cánh nhỏ/ biển mênh mông em chỉ một con đò/ sóng gió thế/và em nhỏ thế/nhắm mắt liều vô định cả ngày mai”, và người viết đã trân trọng những cố gắng vươn lên “em ghìm mình để làm một loài sen/ không vướng bùn tanh dù nhờ bùn tanh để sống/ em cố làm con đom đóm/ để biết mình không đồng lõa màn đêm”.
Khi “…thành phố viết qua dòng cho trang sử xóm bờ kinh/… dòng kinh viết qua hàng trên trang sử của minh/… dòng kinh đã bắt đầu tập hát/… hoa súng bên bờ pha một sắc bình minh…” em từ lạc bước trở về với “bước chân cho em gặp mẹ/… bước chân ăn năn sỏi đá/ bước chân thẹn thùng gió lá mùa đi/ bước dừng lại bờ kinh nghèn nghẹn/ mười ngón rưng xin lỗi phố nghèo/ mười ngón khóc trước căn phố mới/ cha vỡ òa cả phố đứng nhìn theo…”. Còn nhiều nữa những dòng thơ hóa thân vào nỗi đau của con người, của cô gái thương cha mẹ nghèo, của người mẹ đi tìm con “…mẹ tìm em/ từng phố ngóng mắt dài” mà người viết đã gửi vào đó những xúc động run rẩy của ngòi bút.
Chương cuối cùng, chương thứ mười hai là Khúc ru của ngày trở về “…từ mát tươi hoa dại quê nhà/ hoa dại nở đường xa ruộng rẫy/… giờ nóng bỏng trong vòng tay của mẹ/ để vòng tay dịu nhẹ cất lời… À ơ… phiêu dạt chân trời/ nửa đời gánh mấy cuộc đời mà đi… À ơ…bởi hoa/ trăng gió kiếm tìm/ bởi sông/ sóng cả nhấn chìm xác trăng/ À ơ…về đây hoa dại ngỡ ngàng/ bụm tay hứng giọt ăn năn cuối mùa/ dọn lòng về lại ngày xưa / tìm trong trẻo kiếm ngây thơ của mình/ À ơ…/ giữa cõi nhân sinh/ đục dơ chớ có đắm mình/ À ơ…”
Khúc ru kết thúc trường ca cũng là khúc ru của lòng nhân ái.
Bốn - Trường ca “Hoa dại” xuất hiện cách đây 13 năm. Khúc ru nhân ái sẽ còn ngân nga trong lòng người đọc. “Những dòng kinh ươn thối” rồi sẽ được thay đổi nhưng những bóng ma vẫn còn… Có thể không còn khật khưỡng ôm chai đế, có thể sẽ xuất hiện trong dạng hình khác với xe sang, rượu XO, nước hoa, xòe những tập đô xanh… nhưng vẫn là những bóng ma đe dọa.
Khúc ca sẽ vẫn còn nhắn nhủ, che chở những bông hoa dại quê nhà…
Đọc lại Trường ca “Hoa dại”, một lần nữa tôi cảm ơn tác giả và muốn nói với anh rằng, Lê Ái Siêm xứng đáng với danh hiệu nhà thơ.…