NGHỆ THUẬT DIỄN XƯỚNG DÂN GIAN Ở TIỀN GIANG Độc đáo những điệu hò

1. Hò là một thể loại dân ca gắn liền với lao động sản xuất, một hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, là món ăn tinh thần khá phổ biến của người xưa kể từ lúc khai hoang lập ấp.

Tùy theo địa phương và điều kiện lao động sản xuất... mà loại hình diễn xướng nầy có những đặc điểm khác nhau. Vùng Tân Phước giáp Tân An (tỉnh Long An) và huyện Gò Công Đông có điệu hò mái ngắn. Vùng Cầu Vạn xã Tân Hội và Láng Biển xã Mỹ Phước Tây (Cai Lậy) có điệu hò mái dài. Hò cấy Gò Công là điệu hò mái ngắn. Đây là điệu hò cổ nhất hiện nay một số người còn nhớ. Điệu hò cấy này phổ biến ở vùng Trại Cá, Bình Ân,... Ngoài ra ở Gò Công còn có điệu hò xay lúa, còn gọi là “hò giằn” nhịp điệu nhanh, thôi thúc. Riêng điệu hò mái dài ở Cai Lậy thì được cách tân khoảng đầu thế kỷ 20, còn gọi là hò Cai Lậy. Đặc biệt giọng hò ở vùng Bánh Tét huyện Châu Thành của giới thương hồ khá nổi tiếng, gọi là hò bán vàm. Về mặt âm điệu có thể coi là gạch nối giữa giọng hò cấy Gò Công và hò Cai Lậy.

Xin mở ngoặc thêm, vàm Bánh Tét là nơi hội tụ của các con kinh lớn tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước ngày nay gồm kinh xáng Nguyễn Tấn Thành, kinh Cà Dăm phía nam. Sông Cũ và kinh Nguyễn Văn Tiếp phía tây nối sang Bà Bèo phía đông đi thẳng xuống Phú Mỹ. Phía Bắc có rất nhiều kinh nhỏ như kinh Lộ Mới và hàng loạt các con kinh có cự ly chừng một vài cây số chạy song song nhau gồm kinh 24, 21, 17, 13, 10 và kinh 5... uốn nặn đoạn, khúc như đòn bánh tét. Vàm Bánh Tét nằm ở khu vực Mũi dụi(1) của sông Cũ, rạch Bà Bèo và kinh Nguyễn Văn Tiếp, vào những năm nửa đầu thế kỷ 20 là điểm dừng chân của giới thương hồ, lái rỗi theo con đường thuỷ huyết mạch là kinh Nguyễn Văn Tiếp đi từ vùng Sa Đéc, Cao Lãnh, Cái Bè đến Phú Mỹ qua Long An tới tận Sài Gòn. Họ ghé đây nghỉ ngơi ăn uống, hò hát với nhau đợi con nước thuận.

Bên cạnh, theo Nguyễn Văn Hầu(2) thì  "Các hội hò phần nhiều tổ chức ở Cai Lậy, Cái Bè. Miệt này có tiếng là hò hay. Giọng hò bay bổng, ngân dài, êm ái và trong veo"

Hò Cai Lậy có đặc điểm khá độc đáo là nó được cách tân từ điệu hò mái dài, nguồn gốc từ miền Trung. Về mặt tiết tấu và tiếng “hòa” có sự khác biệt rõ nét giữa hò cấy Gò Công, hò mái ngắn của giới thương hồ vùng Bánh Tét hay điệu hò ở Ba Tri (Bến Tre)… Cũng theo Nguyễn Văn Hầu, trong nhiều cuộc hò quan trọng, nghệ nhân được thưởng bằng tiền. Những hội chợ phiên, những ngày đình đám. Quan trên ra lệnh cho các làng tìm người giỏi đưa đến nhập hội hò.
 

2. Về nghệ thuật biểu diễn. Thể loại văn hò không qui định rõ. Có khi là lục bát, có khi là song thất lục bát... nhưng thường hay biến thể, ít khi ở một thể thuần túy. Một câu hò thông thường được chia ra ba đoạn, gọi là ba nhịp. Ở đầu và cuối ba nhịp đều có tiếng đệm gọi là tiếng hòa/hò ơ. Khi trình diễn, một nghệ nhân hò, tập thể nghệ nhân còn lại hòa. Cách chia này là cơ sở để nhận biết loại hò đó nằm ở vùng nào. Tuy nhiên cũng có khi một nghệ nhân thực hiện cả hai, nhất là trong trường hợp hò môi, hò mép mang tính ngẫu hứng, đơn lẻ. Nội dung, lời văn câu hò ở các địa phương có thể giống nhau nhưng âm điệu, tiết tấu và tiếng hòa sau mỗi nhịp thì khác, đơn cử:

- Tiếng hòa hò cấy Gò Công: hò... hò... ơ... ơ

- Tiếng hòa hò mái dài Cai Lậy: hòa... hòa... hơi... hơi... ơ... ơ

- Tiếng hòa vùng Tân Hương, Tân Lý (Châu Thành): hòa... hòa... hơi ... hòa ơ... ơ... và ngân dài hơn các giọng hò khác trong tỉnh.

Trong kháng chiến chống Pháp ở Cai Lậy, Châu Thành có thêm điệu hò lờ. Điệu hò khá giản đơn, dễ hò và được phổ biến thích hợp với sinh hoạt tập thể, với tiếng hò: hò lơ, hò lơ... lắng tai nghe chúng tôi hò lờ,... Ở Cai Lậy còn có điệu hò bản đờn. Theo ông Trần Ngọc Lắm ở Xóm Võng, (nay thuộc phường 4 thị xã Cai Lậy), hò điệu hò này có tiết tấu khá rộn ràng, nhưng chậm và mượt mà hơn điệu hò lờ và gần giống như hát lý. Mỗi nhịp được hò: hò ú liu khoan. Nhịp chót thêm một đoạn:  Hò ú liu khoan, tích tịch tang hởi bớ nàng, thê chính thê, thê vân trượng, quân tử tùng, nị kéo dang... Điệu hò này đã mai một, sau năm 1960 ít ai còn nhớ. 

Trong diễn xướng, dân gian chia hò ra theo các dạng sau: Hò rơi, hò đối đáp, hò đậu, hò hội. Trong đó hội là hình thức của hò đậu, hò đối đáp nhưng qui mô đông đảo người tham dự hơn, và thường được sử dụng trong các buổi cấy lúa, đôi khi cũng được tổ chức trong lễ cưới, lễ chúc thọ...

+ Hò rơi tức hò riêng lẻ một mình. Thông thường những người chèo ghe hay bơi xuồng hay sử dụng loại hò nầy. Khi đến một khúc quanh, họ thường hò một câu để vừa giải buồn, vừa mời đồng điệu hưởng ứng

cuộc hò.

+ Hò đậu: hò có người bắt, người luận, người gài, người gỡ.

+ Hò môi hay hò mép: hò ngẫu hứng, tức cảnh sinh tình, mà nghệ nhân vừa sáng tác vừa trình diễn. Hò môi thường là hò tình.

+ Hò đối đáp: hò có người đố, người trả lời, hò đối đáp thường là lời văn ngắn có nhiều hiểm hóc như chơi chữ, chiết tự.

Thí dụ:

Nữ đố:

Cây é không cha sao kêu bằng cây é tía.

Cây mía không chùi sao gọi bằng cây mía lau (nhịp 1).

 Anh mà đối đặng (nhịp 2) nghèo giàu em cũng ưng (nhịp 3)

Nam đáp:

Con mèo không may cũng gọi bằng con mèo vá.

 Con cá không thờ cũng gọi con cá linh (nhịp 1).

Anh đây đà đối đặng (nhịp 2) sợ mình không ưng (nhịp 3).

(Hò đối đáp của bà Huỳnh Thị My ở ấp Mỹ Lợi, xã Nhị Mỹ đọc)

Ngoài ra người ta còn chia theo lời văn, tức nội dung câu hò. Ngoài hò môi hò mép, hiểu là ngẫu hứng, còn có hò văn (còn gọi là hò chữ), hò thơ, hò truyện, hò sử, hò tiểu thuyết,  hò nghi lễ, hò quốc sự... Trong đó hò quốc sự ra đời và phổ biến khá muộn, khoảng sau năm 1930.

Đặc biệt hò nghi lễ trong đám tang còn gọi là hò đưa linh, hò bả trạo được diễn xướng gần như một dạng nghi tiết trong đám tang. Hiện trong dân gian còn tồn tại từ “đạo hò” để chỉ những nhóm nghệ nhân chuyên hò đưa linh. Xưa kia, trong các đám tang người ta thường tổ chức một cuộc lễ đưa  linh hồn người chết qua thế giới khác. Trong buổi lễ có một người đứng đầu linh sàn diễn xướng. Hai bên có một số người cầm chèo (bả trạo), vừa giả chèo thuyền đưa linh vừa hòa theo điệu hò. Khi hò đưa linh, các nghệ nhân thường dùng giọng oán, giọng than, giọng thiền, khác với hò đám cưới dùng trong đám cưới, nghệ nhân hò thường dùng giọng xuân. 

Khi xưa, có nhiều nghệ nhân thuộc lòng hàng trăm câu hò và có khả năng sáng tác. Khả năng sáng tác là rất quan trọng, mặc dù đa số các câu hò văn chương còn thô thiển, sử dụng ngôn ngữ có khi không thích hợp. Nghệ nhân vừa sáng tác vừa trình diễn phải thông minh; lanh lẹ, biết thích nghi với bạn hò của mình. Một nghệ nhân dùng một câu hò chữ gài, thì nghệ nhân cùng hò phải sáng tác ngay một câu hò chữ khác gỡ. Cái khó ở đây là một cặp hò thường là một cặp nam, một nữ và thường là mới quen, chưa hề biết ưu điểm, nhược điểm nhau.

Chương trình một buổi hò gồm có ba phần như sau:

+ Phần một: hò rao, hò hỏi thăm, hò chúc mừng. Một buổi hò cấy thì hò chúc ông chủ ruộng, ông bầu, ông biện. Đám cưới thì chúc ông chủ nhà...

Ví dụ:

Anh qua tới đây cất tiếng lên rao

Không biết anh rao làm sao cho kẻ yêu người chuộng.

Anh đến đây năm ba câu nghe giải muộn.

Trước tôi chúc cho ông bầu, ông biện được tấn phát

Điều thứ nhì tôi cầu chúc ông chủ đất và bà chủ đất

Điều thứ ba tôi chào mừng mấy anh thanh niên và mấy cô thiếu nữ

Điều thứ tư là tôi cầu chúc cho ông chủ làm gian ruộng nầy được thuận mùa, thuận màng, thuận nước, thuận gió, thuận giòng.

Đến ngày lúa trổ, một cổ hai bông, một công hai chục, hết ngày thiếu hụt, đến lúc giàu sang, có gan làm giàu, có giàu thì bạc giạ lúa ngàn, đầy đàn, đầy đống, vườn đất, tàu bè, nhiều nẻo trăm phương.

Anh đến đây chọn gái hiền lương, em hòa giùm đủ lễ: sắt cầm hảo hiệp, duyên nợ ba sinh, loan phụng hòa minh.

Sau phần hò rao thì các nghệ nhân tự do hò, hò đố, hò đáp, hò xe, hò kết. Người gài, người bắt, người luận, người gỡ.

Ví dụ:

Nữ đố:

Nước chi chi nước ở nửa lừng?

Khói chi chi khói ở nửa lừng?

Lửa chi chi lửa ở nửa lừng?

Cả tiếng kêu quân tử chàng ôi!

Trai anh mà đối đặng, em sẽ ưng làm chồng

Nam đáp:

Nước chi chi nước ở nửa lừng?

Đó là nước mắt rưng rưng hai hàng

Khói chi chi khói ở nửa lừng?

Đó là khói núi nửa chừng bay qua

Lửa chi chi lửa ở nửa lừng?

Đó là đom đóm trong rừng bay ra.

Kết thúc cuộc hò là hò giã từ, hò hẹn, hò tiễn bạn. Ví dụ:

Chồng xa vợ phân chia hai ngả

Ruột thắt gan bầm lả chả tuôn rơi

Ngày bữa nay qua ra đến nơi hò hát kêu rằng tình chồng ngỡi vợ. Chiều rồi cô bác người ta về đằng trước, xin em dừng chơn đứng đợi tay ngoắc kêu nàng hỡi nàng…

Tương tự như ca dao, nội dung hò Tiền Giang cũng rất phong phú:

- Nói về tình cảm, tình yêu trai gái, được xếp vào loại hò tình, ví dụ:

Hòa...

Đầu làng có cây duối, cuối làng có cây đa.

Ngã ba có cây đại hồng.

Con gái chưa chồng trong lòng hớn hở

Con trai chưa vợ mắt tợ trái chanh

Ngó lên mây trắng trời xanh

Thương ai cũng vậy, thương anh cho rồi...

- Nói về quan hệ gia đình, quan hệ xã hội:

Nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín; thị vị ngũ thường

Em ôi! Đây anh cũng dốc sánh bường (bằng) Vân Tĩên

Hay như:

Cha mẹ em sanh để cha mẹ em gả

Điệu làm con không dám thả luông tuồng

Anh ơi, anh thương em thì về mua rượu vào chai, cậy mai tới nói.

Vậy anh coi cây kia có cội, nước kia chảy có nguồn em mới ưng.

- Nói về nghi lễ như chúc thọ, lễ tang, lễ cưới...

"..Như em nên vóc nên vai.

Cô báo cậy mối, cậy mai/ Dẫn trai tới nói

Bày ra cuộc cưới hỏi/ Lễ bỏ trầu cau

Sĩ lời sơ vấn/ Trai Tần gần bên gái Tấn

Ly rượu ly trà,

Phụ mẫu cho kêu mẹ kêu cha...

(Trích đoạn hò đám cưới - do ông Nguyễn Văn Vốn, xã Tân Bình, Cai Lậy đọc)

Đề tài về thời cuộc, cổ động tuyên truyền... được xếp vào loại hò quốc sự, như câu hò sau đây sáng tác vào lúc phong trào Đông Dương đại hội 1936-1939:

Con đò tạo hóa mỗi ngày mỗi đưa con người vào biển khổ

Sanh ra làm trai mà ngồi một chỗ sao đành

Cho em hỏi thử cùng anh

Vậy ngày Đông Dương đại hội thành lập, anh bạn mình đứng dậy hay chưa?

Trong giai đoạn kháng Pháp, hò quốc sự khá phổ biến ở những vùng kháng chiến.

3. Hò là một thể loại dân ca bình dân sản sinh từ trong lao động sản xuất, rất mộc mạc, lạc quan, trong sáng, giàu tính quần chúng. Hò ở vùng Tiền Giang rất phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức diễn xướng đồng thời có sự giao thoa với các địa phương khác.

Hiện nay, phương thức sản xuất đã thay đổi, các hoạt động văn hóa văn nghệ của cộng đồng cư dân cũng đổi thay, nghệ thuật diễn xướng hò đã dần dần chỉ còn trong trí nhớ của các vị cao niên. Việc sưu tầm nghiên cứu các điệu hò xưa không chỉ cho ta hình dung đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất mà còn hiểu rõ lời ăn tiếng nói của các bậc tiền nhân thưở trước.

 

 

(1) Hiểu là chóp nhọn tam giác, gọi theo dân gian.

 

(2) Nguyễn Văn Hầu - Hò miền Nam - Tạp chí Bách khoa CXXXV, tr.17.


Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Phan

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 88