"Khí tiết thời mở cửa" - Tập sách mang đậm chất lính cụ Hồ

"Khí tiết thời mở cửa" (*) gồm 10 truyện ngắn và 12 bài bút ký được chắt lọc từ gần 30 năm sáng tác của tác giả Ngọc Thủy. Ở phần bìa của quyển sách tác giả bộc bạch: "Ngọc Thủy nguyên là một quân nhân, bắt đầu viết văn, viết báo từ năm 1984, nhưng là nghề tay trái". 
Tác giả Ngọc Thủy.

Bìa sách thu hút và tạo ấn tượng ngay cho tôi với màu xanh quân phục. Có lẽ nhiều năm phục vụ trong quân đội nên trong hầu hết tác phẩm của Ngọc Thủy ít nhiều đều có hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng, Bộ đội cụ Hồ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những cựu chiến binh trong thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước.

Đề tài chiến tranh cách mạng và hình ảnh của những anh Bộ đội cụ Hồ đã được rất nhiều nhà văn khai thác. Với Ngọc Thủy, có vẻ như chị không có chủ đích tập trung đào sâu khai thác mảng đề tài này mà chính đề tài đã chọn tác giả. Đọc "Khí tiết thời mở cửa", từ phần truyện cho đến phần ký, tôi đều có cảm giác những gì tác giả viết đều hết sức gần gũi và rất chân thật, dường như tác giả đã lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật ngoài đời và những câu chuyện mắt thấy tai nghe hoặc được kể lại. Truyện của Ngọc Thủy có nhiều tư liệu sống động, chúng ta lại bắt gặp tính tự sự và cái tình mênh mang của người kể chuyện.

"Cội nguồn", "Nỗi niềm bạn tôi" và "Khí tiết thời mở cửa" là những truyện ngắn hay và xúc động trong tập sách này. Nếu như truyện "Nỗi niềm bạn tôi" là những trăn trở về nguồn gốc của nhân vật Thục, cô luôn đau đáu với câu hỏi mình là con ruột của liệt sĩ Tư Thành hay con của Ba Hậu - một sĩ quan chế độ cũ, để rồi khi quyển nhật ký của Tư Thành vô tình được tìm thấy mọi việc mới vỡ òa thì ở truyện ngắn "Khí tiết thời mở cửa" lại là những trăn trở của ông Bảy Đường trước những giá trị bị đảo lộn của cơn lốc kinh tế thị trường của thời hội nhập. Người lính trong thời bình, mở cửa và hội nhập cũng khác đi nhiều với trước đây. Thế nhưng dù trong thời nào, hình ảnh của "Anh bộ đội cụ Hồ" cũng toát lên một khí phách sáng ngời, đẹp đẽ.

Ngọc Thủy đặc biệt thành công ở mảng bút ký lịch sử. Các bài: Cái thời để nhớ, Vành đai một thời hào hùng, Những thiên thần trong bão lửa, 30 tháng 4 - cái ngày cả đời không quên,... là những trang sử hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Sức sống từ tính chân thật của những thước phim tư liệu bằng văn chương này khiến những bài bút ký của chị gần như là những bài học sống động về lịch sử, cùng những xúc cảm hùng tráng và bi thương toát lên từ những câu chuyện về chiến tranh. Lời kể của chính các nhân vật lịch sử như Trung tá, bác sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Hiếu Tâm, cố Đại tá Phan Hồng Lạc, Đại tá Lê Quang Công,... gắn liền với nhiều chiến công hiển hách đã hun đúc niềm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc.

Bìa tập sách.

Cũng trong tập sách này, Ngọc Thủy đã khắc họa tình cảm trìu mến và đậm sâu của những người con Tiền Giang đối với Bác Hồ qua những trang viết chân thật và xúc động trong tập sách. Hình tượng Bác Hồ được khắc họa trong các tác phẩm giản dị, gần gũi và thân thương nhưng lại mang một sức sống vĩnh cửu, vừa có giá trị thẩm mỹ sâu sắc vừa mang tính giáo dục truyền thống cao. "Trong đời được gặp Bác Hồ một lần đã là hạnh phúc, đã đủ sức mạnh để vượt qua khó khăn, để cả đời mình không dám làm lương tâm vấy bẩn" - đó là câu nói của chú Nguyễn Văn Tơ, nguyên Phó Phòng Tuyên truyền đặc biệt Quân khu 9 trong bài viết "Bác là sức mạnh trong tôi". Phải chăng đó là sức mạnh đã tạo nên khí tiết của những "Anh bộ đội cụ Hồ" được khắc họa xuyên suốt tập sách?

Một mảng đề tài khác mà Ngọc Thủy cũng đã tập trung khai thác trong tập sách này, đó là cuộc sống cơ cực của những người dân quê lam lũ một nắng hai sương nhưng luôn đậm đà tình làng nghĩa xóm trong các truyện: Cội nguồn, Giấc mơ của Lọ Lem, Thằng bé giữa mênh mông, Những chiếc lá rách... Đây là những truyện ngắn giàu chất truyện, nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, nhưng dường như vẫn chưa phải là thế mạnh của tác giả.

Truyện và ký của Ngọc Thủy thành công trong chuyển tải tâm tư tình cảm của nhân vật cũng như khai thác các chi tiết. Trong tác phẩm của mình, Ngọc Thủy đã khai thác triệt để những chi tiết chọn lọc khiến cho mỗi trang văn chị viết đều sống động. Không có chi tiết, trang văn dễ rơi vào sự nhạt nhòa, chung chung, không có sức lay động lòng người. Hầu hết chi tiết trong tác phẩm của Ngọc Thủy đều có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa những ký ức về chiến tranh, tình nghĩa đồng chí, đồng đội năm xưa và cuộc sống hôm nay theo mạch hồi ức của nhân vật một cách tự nhiên và sinh động. Các chi tiết tạo nên sự nối kết linh hoạt giữa tình cảm gia đình, tình yêu quê hương và cách mạng.

Đọc "Khí tiết thời mở cửa" ,tôi có cảm giác như tác giả viết để trả món nợ quá khứ, viết vì chính trái tim mình thôi thúc phải viết. Với tư liệu phong phú gần gũi, chân thật, một lần nữa hình ảnh của những người lính cụ Hồ trong lửa đạn chiến tranh và trong cuộc sống hôm nay được khắc họa sinh động, cao đẹp và đầy tin yêu.

Trương Trọng Nghĩa

(*) Tập truyện ký của tác giả Ngọc Thủy - NXB Hội Nhà văn năm 2012