Gia tài của tôi

Gia tài của tôi
“Gia tài của tôi” là tựa đề cuốn sách của tác giả Lê Quang Đồng (Tư Đồng), sinh năm 1928, ngụ ấp 3B, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, vừa được Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, được phát động từ năm 2007 đến năm 2010. Lễ trao tặng giải thưởng đã được tổ chức trang trọng tại Hội trường Bộ Công an - Hà Nội vào ngày 21-01-2011. Điều đáng ghi nhận là ở vào tuổi 84, tác giả Lê Quang Đồng giành được giải thưởng này là khá hy hữu. Đây không chỉ là niềm tự hào cho bản thân tác giả mà còn đem niềm vinh dự về cho quê hương Tiền Giang trong một sân chơi lớn mang tính toàn quốc.

Tác giả Lê Quang Đồng, bí danh Tư Cẩm, tham gia cách mạng từ những ngày đầu cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, vào Đảng CSVN tháng 10 năm 1947 (Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng), nguyên Phó Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã nghỉ hưu. Từng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được phân công ở lại miền Nam “nếm mật nằm gai”, bám trụ kiên cường, chiến đấu dũng cảm cho đến ngày 30-4-1975 toàn thắng, nên bản thân tác giả là “một kho tư liệu sống” làm nền tảng cho tác phẩm “Gia tài của tôi” thăng hoa. Trước khi viết tác phẩm “Gia tài của tôi” tham gia cuộc thi, tác giả Lê Quang Đồng đã xuất bản cuốn sách “Người ở lại”.

“Gia tài của tôi” là một cuốn sách không chỉ có giá trị về tính lịch sử vì những tư liệu quý giá, người thực, việc thực, thời gian, không gian cụ thể mà còn mang tính giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam bộ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Sử dụng thể loại bút ký, văn phong giản dị, ngôn từ phong phú đặc chất Nam bộ; bằng lối kể chuyện mộc mạc, chân thành, tác giả đã tái hiện phần nào cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Nam bộ từ tháng 7 năm 1954 cho đến ngày 30-4-1975. Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, không ít lần “vào sinh ra tử” nhưng trong tác phẩm, tác giả rất ít đề cập đến “cái tôi”, “thành tích” của mình. Công lao, thành tích là của tập thể, của anh em, đồng đội, của nhân dân, tác giả chỉ làm nhiệm vụ ghi chép, tổng hợp lại cho có “trình tự thời gian, không gian cụ thể”. Thế nhưng, qua từng chuyện kể một cách tỉ mỉ và thật đến từng chi tiết nhỏ nhất, người đọc cảm giác có thể sờ thấy được từng nhân vật, từng sự việc đã xảy ra. Chỉ cần bốn chữ “chặt đầu cộng sản”, tác giả đã lột tả được sự tàn bạo, dã man của chế độ tay sai bán nước Ngô Đình Diệm; sự chịu đựng, hy sinh dũng cảm, kiên cường đấu tranh của những người cộng sản. Có người dân nào ở miền Nam lại không biết Luật 10/59? Chứa chấp cộng sản là dám chấp nhận cho mình một bản án tử hình. Biết! Nhưng vẫn làm tủ hai ngăn, vẫn đào hầm bí mật, vẫn tìm mọi cách chứa chấp, nuôi dưỡng, đùm bọc. Tấm lòng người dân đối với cách mạng được tác giả khắc họa khá rõ nét thông qua hình ảnh gia đình Chín Đẹt: “Ngay cha má ruột mình, vợ con mình, vào 9 giờ tối ba về nhà, như ba đến nhà này (nhà Chín Đẹt), dù mừng nhưng sợ nhiều hơn và muốn làm sao cho ba đi khỏi nhà ngay. Còn ở đây, ba đến và nói dóc với chủ nhà để ngủ một đêm, lần lựa xin ở luôn, chắc chắn chủ nhà đã phát hiện người cán bộ túng thế nói như vậy. Thay vì giận anh cộng sản này xạo, nhưng chắc chú thím Chín cho là người lo việc nước, là đồng chí với anh ruột mình đang gặp khó khăn, nên người dân phải có trách nhiệm chứa chấp, dù nguy hiểm. Chuyện Đảng với Dân thời đó có mối quan hệ như vậy, rất tự nhiên”. Chỉ cần mấy câu nói của Ba Cà Răng- Huyện ủy viên huyện Châu Thành, tác giả đã làm toát lên tinh thần quật khởi của người dân Nam bộ nói chung và của những người cộng sản kiên cường bám trụ, quyết vùng lên chiến đấu một mất một còn với kẻ thù: “Vào khoảng năm 1958, anh một mực đề nghị báo cáo về trên xin võ trang lại. Nghe họp có trên xuống dự, anh đi vào hỏi ngay: - Có cho võ trang lại chưa? Trả lời: - Chưa! Anh bỏ hội nghị về. Về sau, anh không đi hội nghị nữa và nói: - Bao giờ trên cho phép võ trang, tôi mới đi dự hội nghị”. Đặc biệt là hình ảnh người dân Nam bộ được tác giả nói đến rất nhiều, hầu như từ đầu đến cuối tác phẩm. Đó là tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, sự chịu đựng khó khăn gian khổ, chịu đựng sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, một lòng một dạ đi theo cách mạng đến cùng. Chính vì vậy, những người cộng sản phải bám trụ kiên cường, quyết tâm chiến đấu cho đến ngày toàn thắng để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Để hoàn thành tác phẩm, tác giả đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức trở lại chiến trường xưa, nơi ở cũ, tìm gặp nhiều anh em, đồng đội, đồng bào thu thập thêm tư liệu và dày công biên soạn với tâm niệm “làm gia tài” để lại cho con cháu và các thế hệ trẻ mai sau.

Tác giả bài viết: Đậu Viết Hương

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 46