Con đường của phê bình văn học trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang

Con đường của phê bình văn học trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang
Con đường của phê bình văn học luôn đồng hành với con đường sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ. Xét ở góc độ sáng tạo, phê bình văn học cũng chính là sáng tác văn học. Nhà văn, nhà thơ khắc họa tâm hồn, tính cách của con người và sự bí ẩn của sự vật, thể hiện thành thế giới hình tượng của tác phẩm văn học. Nhà phê bình khám phá tâm hồn, tư tưởng và phong cách của tác giả trong tác phẩm văn học dưới lăng kính của một cái nhìn, một quan niệm nghệ thuật và một hệ thống tư tưởng lý luận.

Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm phê bình văn học được xây dựng từ chất liệu của tác phẩm văn học và hệ thống các khái niệm, thuật ngữ văn học của nhà phê bình.

Như vậy, có thể thấy rằng nhà phê bình văn học không phải là người “bề trên” giữ vai trò phán quyết số phận của tác phẩm văn học. Nhà phê bình văn học chính là người phát hiện, khám phá và giải mã giá trị tư tưởng, nghệ thuật ở chiều sâu thẳm, bí ẩn của tác phẩm văn học. Nhìn ở góc độ tiếp nhận, nhà phê bình văn học là người - đọc - chuyên - nghiệp biết bày tỏ thái độ, tư tưởng và sự khen chê bằng một hệ thống thuật ngữ và hình tượng văn học đối với tác phẩm văn học.

Nhiều năm qua, theo cái nhìn của giới sáng tác văn học và bạn đọc, các nhà phê bình văn học bị xem là người đứng bên lề con đường văn học. Phê bình văn học chưa thật sự nhập cuộc với trào lưu sáng tác văn học hiện đại. Nhiều nhà phê bình văn học chỉ chuyên tâm nghiên cứu các tác phẩm cổ điển. Phê bình văn học bị xem như công cụ để một số cây bút phê bình chửi bới nhau hoặc bốc thơm nhau. Trong thực tế sáng tác văn học, nhiều tác giả xem nhẹ việc trang bị kiến thức lý luận phê bình văn học vì sợ sẽ bị khô héo, cạn kiệt suối nguồn sáng tạo tác phẩm văn học. Thực ra, đối với những tác giả có tài, lý luận phê bình văn học sẽ khơi gợi, chắp cánh cho nguồn cảm hứng sáng tạo và tác phẩm của họ đạt được những giá trị nhân văn mang tính nhân loại và hướng tới chân trời
nghệ thuật.

Những năm gần đây, phê bình văn học trên các báo, tạp chí văn nghệ chưa có nhiều tác phẩm mang tính hệ thống, mang tính tư tưởng và tính định hướng, chưa thật sự khơi  gợi, thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ. Phê bình văn học ở Việt Nam từng được ví von như kiểu: “chiếc roi ngựa” quất vào con ngựa - tác phẩm và tác giả để nó lồng lên. Hệ quả của kiểu phê bình văn học này chính là phê bình chỉ có chê một chiều, dẫn đến sự “dập vùi” giá trị của tác phẩm và số phận của tác giả. Lại có nhà phê bình coi phê bình văn học chỉ là sự cảm thụ của nhà phê bình với cái hay, cái đẹp của tác phẩm và hướng tới sự tri âm, giao hòa với tác giả. Hệ quả của kiểu phê bình văn học này chính là phê bình chỉ khen một chiều, bốc thơm quá đáng. Kiểu phê bình tri âm nặng về cảm tính, kinh nghiệm nhưng lại thiếu lý tính, chiều sâu và không mang tính hệ thống nên thường không thuyết phục người đọc.

Thời gian qua, ở Tiền Giang nhìn vào đội ngũ sáng tác, chưa có tác giả nào thật sự chuyên tâm đeo đuổi công việc viết phê bình văn học. Tác phẩm phê bình văn học trên tạp chí Văn nghệ Tiền Giang hầu hết chỉ là những bài viết giới thiệu sách, giới thiệu chân dung tác giả và phân tích, bình giảng một bài thơ, một truyện ngắn v.v… Thỉnh thoảng, trên tạp chí Văn nghệ Tiền Giang xuất hiện một vài bài nghiên cứu phê bình về công việc sáng tạo của nhà văn, nhà thơ và đặc trưng thể loại tác phẩm văn học. Tác phẩm phê bình văn học và bài giới thiệu sách, giới thiệu chân dung tác giả khác nhau không phải ở dung lượng dài ngắn mà là ở sự đào sâu trong việc khám phá, phát hiện những chiều kích sâu thẳm tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm và thế giới nghệ thuật của tác giả. Như vậy, nâng cao chất lượng của phê bình văn học cũng chính là mỗi tác giả cần mở rộng và đào sâu hàm lượng tư tưởng, tính phát hiện của tác phẩm phê bình văn học và hướng tới sự đối thoại với tác giả với người đọc một cách bình đẳng và thẳng thắn.

Ban Biên tập tạp chí Văn nghệ Tiền Giang luôn chú trọng tìm kiếm các tác giả phê bình văn học và nâng niu các tác phẩm phê bình văn học. Việc lãnh đạo Hội VHNT quyết định thành lập Ban nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật chính là bước khởi đầu cho việc tập hợp lực lượng và tìm hướng đi cho lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Đây có thể là “cú hích” là điều kiện để các tác giả viết phê bình cùng đối thoại, trao đổi và tìm ra con đường của phê bình văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, mỗi tác giả viết phê bình văn học phải có sự thiên bẩm, năng khiếu về phê bình và quá trình tự nghiên cứu, rèn luyện công phu, lâu dài. Việc học chính qui ngành ngữ văn hoặc các ngành xã hội nhân văn sẽ tạo nền tảng vững chắc cho công việc viết phê bình văn học. Quan trọng hơn là người viết phê bình phải tự nghiên cứu về quan điểm lý luận phê bình của các trường phái, trào lưu lý luận trên thế giới để vận dụng vào công việc viết phê bình văn học. Hệ thống lý luận phê bình phải phù hợp với từng phong cách tác giả. Không thể lấy tư duy lý luận về phản ánh hiện thực để phê bình tác phẩm văn học viết theo trường phái hiện thực huyền ảo hoặc hậu hiện đại. Điều này cho thấy, nhà phê bình văn học phải vừa là người mở đường, khai phá chân trời nghệ thuật mới, vừa là người đồng hành cùng nhà văn, nhà thơ trên con đường nghệ thuật. Nhà phê bình văn học phải dung nạp tư duy đối thoại và cái nhìn đa chiều, đa diện về chiều kích của tâm hồn, tư tưởng con người, tác phẩm văn học.

Con đường của các nhà phê bình văn học cần hướng tới những trường phái, trào lưu phê bình văn học khác nhau để mở rộng tầm nhìn, quan điểm của nhà phê bình. Nhà phê bình văn học chính là người giải mã cái hay, cái đẹp và chỉ ra những hạn chế về tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm văn học. Nhà phê bình văn học là người phát hiện, khám phá và là người đồng hành của các nhà văn, nhà thơ trên con đường
nghệ thuật.

Tác giả bài viết: Võ Tấn Cường

Nguồn tin: Tuyển tập LLPB VHNT TG