Thăm miền Thủy tổ Việt Nam

Ở triền đê bên kia sông Đuống ấy còn có làng tranh Đông Hồ với hình ảnh gà, lợn nét tươi trong in trên giấy điệp. Nhưng có mấy ai biết rằng nơi đây thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có một khu lăng mộ của Kinh Dương Vương.


Có lẽ chỉ vào ngày lễ hội 18-1 âm hàng năm khu lăng mộ Kinh Dương Vương mới đông đúc, náo nhiệt.

“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

Từ cảm hứng thi ca mà cố nhà thơ Hoàng Cầm đã khắc họa, chúng tôi có chuyến hành trình mùa xuân xuôi theo dòng sông Đuống hiền hòa tìm về mảnh đất Kinh Bắc. Có thể nói bên kia sông Đuống là một miền văn hóa lâu đời với mái chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp non nghiên, với Luy Lâu nơi khởi thủy của Phật giáo khi truyền vào Việt Nam.

Ở triền đê bên kia sông Đuống ấy còn có làng tranh Đông Hồ với hình ảnh gà, lợn nét tươi trong in trên giấy điệp. Nhưng có mấy ai biết rằng nơi đây thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có một khu lăng mộ của Kinh Dương Vương.

Nếu ai đó đã từng một lần xuôi dòng sông Đuống theo triền đê văn hóa và chú ý trên đoạn đê từ làng tranh Đông Hồ về chùa Bút Tháp sẽ bắt gặp tấm biển bê tông cỡ lớn có ghi: “Di tích Lịch sử Lăng Kinh Dương Vương-Thủy tổ Việt Nam”.

Hẳn rằng nếu không có mục đích từ trước hoặc không thích quan sát hai bên đường thì khó có ai biết mình vừa đi qua lăng mộ, nơi yên nghỉ ngàn thu của con người được coi là thủy tổ khai thiên lập quốc của Việt Nam.

Men theo con đường bê tông từ đê sông Đuống rẽ xuống theo biển chỉ dẫn, chúng tôi bắt gặp một tấm bia cổ đã bị vỡ một phần được đặt trên bệ bê tông . Nơi miền Thủy tổ ở đây quanh năm u tịch, vắng lặng đến khác thường.

Cả một khu vườn cây xà cừ cổ thụ chỉ có tiếng gió rít qua từng khe lá lạnh tê tái cõi lòng. Nhưng câu xà cừ cổ thụ ở đây theo chúng tôi được biết đã có tuổi đời hàng trăm năm, có nhiều gốc cây hai, ba người vòng tay ôm cũng không xuể.

Tìm kiếm một bóng người cùng chung mục đích với mình cũng chẳng thấy đâu, chúng tôi phải đợi mãi mới bắt gặp một ông lão lững thững từ phía chân đê đi lại.


Cổng khu lăng, mộ

Ông lão ấy tự xưng là người trông coi khu lăng mộ vị vua Thủy tổ Việt Nam: “Tôi là Vương Hữu Thông, đã trông coi khu lăng mộ Kinh Dương Vương từ nhiều năm rồi”. Sau khi biết chúng tôi là người từ phương xa đến thăm quan và muốn hiểu biết chút lịch sử về nơi này, ông lão đã mời khách vào một căn nhà nhỏ trước khu lăng mộ và bắt đầu kể chuyện.

Theo ông Thông, Kinh Dương Vương được người đời truyền kể lại rằng thuộc bộ lạc Dâu, cư trú tại vùng phía nam sông Đuống, thuộc tỉnh huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay.

Không chỉ Kinh Dương Vương mà người con của ông là Lạc Long Quân cũng từng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Ông Thông nhấn mạnh: “chính khu lăng mộ của Kinh Dương Vương hiện ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh quê hương chúng tôi vẫn còn dấu tích đến ngày nay là một bằng cứ, căn cứ để khẳng định gốc tích của Kinh Dương Vương”.

Khu di tích lăng mộ Kinh Dương Vương đã được Bộ Văn hóa Thể thao (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 2008. Hiện nay, khu lăng mộ Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê sông Đuống trên một nền diện tích khá rộng, khoảng 1 ha.

Theo thông tin do ông Thông cung cấp từ tư liệu hiện đang lưu giữ ở đây thì vào năm 1949, khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương đã bị thực dân Pháp tàn phá gần như toàn bộ, chỉ còn vài tấm bia đá, cột đá là còn hình hài. Đến năm 1971, chính quyền địa phương đã cho xây dựng lại trên một diện tích khá khiêm tốn.

Phải đến năm 2000, tỉnh Bắc Ninh mới cho đầu tư xây dựng lại khu di tích lăng mộ, đền thờ Kinh Dương Vương như hình hài mà mọi người thấy hiện nay. Đền thờ hiện lưu giữ nhiều đạo sắc phong có niên đại từ năm 1810 đến 1924 và một bức đại tự có chữ Đại Nam tổ miếu.

Tuy nhiên, theo ông Thông, quy mô và mức độ chuẩn xác trong các công trình phục dựng lại lăng Kinh Dương Vương so với trước đây vẫn còn là một điều đáng phải bàn.

Sau 12 năm kể từ ngày được tỉnh đầu từ, khu lăng mộ này vẫn chưa có gì thay đổi, quá khiêm tôn so với một người được coi là Đức Thủy tổ Việt Nam. Mặc dù có nhiều đoàn du khách đến thăm hơn xưa, nhưng thực sự lăng mộ của đấng Thủy tổ Việt Nam vẫn gần như bị chìm vào quên lãng trong tâm thức người Việt.

Một nhà thơ xứ Kinh Bắc đã từng có những câu thơ rất hay về khu lăng Kinh Dương Vương như sau:

Lăng Kinh Dương Vương nhỏ nhoi bình dị,
Địa chỉ thiêng tồn tại muôn đời
Cỏ vẫn non tươi thời tiền sử, mơn mởn xoè chín hướng mười phương
Người khai mở giang sơn bờ cõi nằm yên trong tâm thức cháu con
Đâu phải một đêm mà xong sự nghiệp.
Đâu phải một ngày có cả giang san
 

 


Biển chỉ dẫn khu lăng mộ Kinh Dương Vương trên triền đê sông Đuống

Những câu thơ của nhà thơ Kinh Bắc đã nói lên tất cả ý nghĩa lơn lao của một con người xuất hiện trong truyền thuyết mà đã được dân tộc lịch sử hóa và tôn thờ. Ở miền đất Thủy tổ Việt Nam hiện nay tại khu đền thờ Kinh Dương Vương còn có ban thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Tất cả họ đều được phong là Thủy tổ, Quốc tổ và Quốc mẫu và đều chiếm một vị trí thành kính, ngưỡng vọng trong tâm thức người Việt Nam. Cũng trong khu đền thờ Kinh Dương Vương còn giữ rất nhiều đạo sắc phong, thần phả, đồ thờ tự, câu đối, bia ký có giá trị đã chứng tỏ việc thờ cúng các vị Thủy tổ dân tộc ở Á Lữ có từ rất xa xưa.

Qua đó, khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong đời sống tinh thần của người dân địa phương cũng như sự tôn thờ, ngưỡng vọng của các triều đại lịch sử đối với tiên tổ.

Ông Thông cho biết: “Những bức đại tự, câu đối, sắc phong hiện còn lưu giữ tại đây cho thấy Lăng Kinh Dương Vương thời xưa được xếp vào hàng miếu thờ đế vương các triều đại, mỗi lần tổ chức quốc lễ đã ban sắc, gia phong mỹ tự, sai quan đến tế lễ trang nghiêm, trọng thể, đồng thời cho tu bổ, tôn tạo và lập bia…”.

Lăng Kinh Dương Vương Đức Thủy tổ nước Việt là nơi cất giữ, cố kết tâm hồn Việt thành dân tộc, thành quốc gia từ bao đời nay. Mỗi lần đến đây, lịch sử mấy ngàn năm như lời nhắc mỗi người dấu thiêng thời mở nước.

 


Truyền thống và dấu tích cội nguồn dân tộc với hình tượng, câu chuyện về Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương luôn được cái bậc cao niên trong làng truyền kể lại cho lũ trẻ.

Chính vì thế ước vọng và niềm tự hào cội nguồn đã ăn sâu, bám rễ vào lớp lớp người ở nơi đây. Ba năm trở lại đây, lễ hội tưởng nhớ Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức khá long trọng. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày ( 6, 17, 18 tháng Giêng Âm lịch).

Du khách thập phương sẽ được chứng kiến lễ dâng hương tại đền thờ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ, nghi thức rước kiệu từ Đền ra Lăng Kinh Dương Vương và từ lăng trở lại Đền theo nghi lễ truyền thống. Trong đoàn rước có các hoạt động như: múa lân, múa rồng, điểm nhấn là rước kiệu Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ, tổ chức tế lễ theo nghi thức cung đình…

Tuy nhiên so với Quốc giỗ diễn ra hằng năm ở Đền Hùng, Phú Thọ thì lễ tưởng nhớ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ ở Thuận Thành, Bắc Ninh thật quá nhỏ bé và chưa xứng tầm.

Đặc biệt là thực trạng hiu quạnh, quên lãng ở khu lăng mộ Kinh Dương Vương vào những ngày không lễ hội. Chúng tôi thiết nghĩ những mong ước của ông quản lăng Thông cũng là trăn trở của bao người con dân Việt.

Nếu Kinh Dương Vương đã được xưng tôn là Đức Thủy tổ hay Vương Thủy tổ của Việt Nam thì khu lăng mộ, đền thờ cần được quan tâm đầu tư hơn nữa. Đặc biệt là việc giáo dục truyền thống, ý thức cội nguồn cho thế thệ trẻ cả nước, chứ không chỉ bó hẹp việc truyền kể cho dân làng Á Lữ như hiện nay…

Tác giả bài viết: Hải Dương

Nguồn tin: Doanh nhân Sài Gòn