Những ngôi chợ để nhớ

Sài Gòn có những ngôi chợ có lịch sử khá lâu và tồn tại cho đến giờ, tuy rằng có thay đổi để thích nghi. Đặc điểm chung là thường nằm trên những con đường. Chúng như một dấu tích, một bảo tàng “tự nhiên” về nếp sống của người Sài Gòn. Tiêu biểu nhất ở khu trung tâm là một chợ thường gọi là chợ nhà giàu – chợ Cũ, và một chợ nhà nghèo – chợ Cầu Cống…



Một bức ảnh tư liệu cũ về lối vào chợ Cũ Sài Gòn, nơi xưa là bến xe Lam. Ảnh: tư liệu

 

Chợ Cũ nguyên là một phần của chợ Bến Thành cũ, còn giữ lại, sau khi chợ Bến Thành dời ra khu Bùng Binh. Hồi trước năm 1975, chợ có những cửa tiệm ăn để lại ấn tượng đẹp trong trí nhớ người già Sài Gòn. Giờ đây chợ được gọi là chợ nhà giàu vì chuyên bán hàng cao cấp, mắc tiền.

 

Du khách thú vị với cảnh mua bán "kiểu chợ" mà có khi ở nước họ không còn nữa.

 

Bà Nguyễn Thị Lan, 62 tuổi, nhà ở Hóc Môn. Từ 3 giờ sáng bà xuống chợ Cũ bán rau, đến 7 giờ tối mới về. 

 

Chợ Cầu Cống hình thành sau lưng khu vực nhà kho của cảng Sài Gòn thời Pháp, nhằm phục vụ công nhân bốc vác. Chợ kéo dài dọc đường Đoàn Văn Bơ, quận 4.

Thói quen đi chợ của người Sài Gòn giống như thói quen ăn uống của người Mỹ: lái xe thẳng vào nơi bán hàng, đó cũng là lý do để chợ dọc đường như chợ Cầu Cống này tồn tại.

Chị Thuận bán sương sáo hơn 30 năm ở chợ Cầu Cống, một ngôi chợ còn bán những món quà lâu đời mà có khi không tìm thấy ở quận 1. Ở đây có thể nói là một bảo tàng sinh hoạt lâu đời của người dân nghèo quận 4.

Tác giả bài viết: Nguyễn Vũ

Nguồn tin: SGTT